GÓC SUY TƯ GIA ĐÌNH Yêu Thương Phục Vụ Trong Đời Sống Gia Đình

Yêu Thương Phục Vụ Trong Đời Sống Gia Đình

Khi nhắc đến phục vụ, người ta thường nghĩ ngay đến một công việc cụ thể như: giúp người nghèo, làm công tác xã hội, hay dạy giáo lý,… Chuyện sống yêu thương phục vụ trong gia đình là điều mà ít ai nghĩ tới, dù rằng đó lại là một yếu tố quan trọng đảm bảo cho hạnh phúc và sự bền vững của hôn nhân.

     Yêu thương phục vụ là một mục đích quan trọng của giao ước hôn nhân

Một mục đích quan trọng của giao ước hôn nhân là sự phục vụ, giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống vợ chồng. Trong hôn nhân, người nam cũng như người nữ phải: “phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày mỗi đầy đủ hơn. Sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau…” (x.Gaudium et Spes, 48). Qua giao ước hôn nhân, người nam và người nữ với những khả năng khác biệt, sẽ bổ túc lẫn và cho nhau những khiếm khuyết. Chính mục đích này mà trong đời sống hôn nhân đã được Thánh Kinh xác định: “Người nam ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một người trợ tá tương xứng với nó” (x. St 2,18); “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt” (St 2, 24). Cách diễn tả “một xương một thịt” xác định sự trọn vẹn và giúp đỡ lẫn nhau, giữa người nam và người nữ trong đời sống hôn nhân, và rằng hôn nhân không chỉ là một sự ràng buộc, nhưng nó là một thực thể mới, hay là một đời sống mới, một cuộc sống chung với nhau.

Thánh Phaolô khuyên các cặp vợ chồng: “hãy tùng phục lẫn nhau” (x. Eph 5,21). Nguồn mạch của sự tùng phục lẫn nhau này là ở nơi lòng đạo đức Kitô giáo, và diễn tả của nó là tình yêu.

     Tình yêu Thiên Chúa, nguyên lý của yêu thương phục vụ trong đời sống gia đình

Thiên Chúa không hiện hữu trong một ngôi vị đơn độc, vì Ngài là Thiên Chúa tình yêu. Ngài hiện hữu với Ba Ngôi vị trong tình yêu tương hỗ có một sự thúc đẩy mãnh liệt. Tình yêu này được hình thành trên nguyên lý: trao ban, đón nhận và đáp trả với lòng biết ơn giữa các ngôi vị, từ đó kiến tạo sự hiệp thông để trở nên một. Cấu trúc gia đình được hình thành từ suối nguồn tình yêu này, một cấu trúc mang lại sự sống phát xuất từ một tình yêu giao hỗ từ hai nhân vị không cùng một giới tính với những thuộc tính riêng biệt, nhưng mang đặc tính bổ sung cho nhau. Yêu một ai không là chiếm đoạt người đó để thỏa mãn cho riêng mình, nhưng là ước muốn cho người mình yêu đạt được hạnh phúc, nỗ lực mang lại những điều thiện hảo, và sẵn tự hiến cho người mình yêu. Đấy là nguyên lý của tình yêu Thiên Chúa, và cũng là nền tảng cho định chế hôn nhân gia đình.

Tình yêu Thiên Chúa, là tình yêu tự hiến, loại trừ mọi kiểu phục tùng, trong đó người làm vợ trở nên như người đầy tớ hay nô lệ của người chồng, nhưng cả người làm chồng cũng phục tùng vợ. Cả hai phục vụ trong tinh thần tự nguyện tự do, như phục tùng chính Chúa, vì lòng yêu mến Chúa.

     Với tình yêu Thiên Chúa, vợ chồng yêu thương phục vụ nhau ngay cả khi không còn thu hút nhau theo tính xác thịt

Khi người phối ngẫu ốm đau, tàn tật, hoặc sa đoạ đến độ không xứng đáng nữa, thì theo tính xác thịt, thật khó mà chịu đựng. Lúc ấy, để hôn nhân bền vững, cần đến tình yêu tự hiến, tức tình yêu Thiên Chúa. Thánh Phao-lô, trong thư gửi tín hữu Êphêsô, nói đến tình yêu vợ chồng diễn tả tình yêu Chúa Kitô và Giáo hội (x. Eph, 5, 22 – 32). Một tình yêu bền vững không biến dạng, không thề phân chia. Tình yêu Chúa Kitô dành cho Giáo hội là một tình yêu trao tặng, hiến dâng. Chúa Kitô làm đầu của Giáo hội nhưng lại trao ban mạng sống mình vì Giáo hội. Cái chết trên thập giá của Ngài là tột đỉnh của sự phục vụ. Như vậy, Chúa Kitô là nguồn mạch và cũng là mẫu mực của yêu thương phục vụ.

Người Công giáo nhìn nhận người phối ngẫu như là món quà từ Thiên Chúa, đa phần là ngọt ngào, nhưng có lúc lại đắng cay theo cách nghĩ của con người, nhưng dù gì đi nữa thì người phối ngẫu kia cũng phải hy sinh đón nhận. Tình yêu ích kỷ sẽ tìm cách loại bỏ gánh nặng, nhưng tình yêu tự hiến theo gương Chúa Kitô không cho phép điều ấy. Tình yêu tự hiến không hề trốn tránh nhưng ôm lấy trách nhiệm, để chu toàn lời Chúa: “anh em hãy mang lấy gánh nặng cho nhau. Như vậy anh em đã chu toàn luật Chúa Kitô”(Gl 6,2); “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”…(x.Mt 16,24).

Kinh Thánh còn nói: “người chồng ngoại đạo được thánh hoá nhờ người vợ có đạo, và người vợ ngoại đạo được thánh hoá nhờ chồng có đạo” (1Cr 7,14). Về phương diện thể xác, nếu người chồng đau ốm thì người vợ có bổn phận nuôi nấng, chăm sóc cho lành, và ngược lại. Ở phương diện tinh thần cũng thế, thay vì chia tay nhau khi gặp khó khăn thử thách, giải pháp của hôn nhân Công giáo là mang lấy Thánh Giá, vì sự thánh hoá của linh hồn người phối ngẫu. Như vậy, chồng cứu độ vợ, vợ cứu độ chồng, với sự trợ giúp của ơn Thiên Chúa.

     Tạm kết

Trong cuộc sống vội vã hôm nay, con người thường lao theo dòng chảy của nó, yêu cuồng, sống vội. Hôn nhân nhiều khi chỉ là một sự tính toán, đổi chác, tìm danh vọng và xác thịt mà quên đi chữ “yêu thương phục vụ”. Đó là một trong những nguyên nhân chính yếu của sự mất hạnh phúc gia đình, dẫn đến vấn nạn ly dị gia tăng nhanh chóng.

Với hôn nhân Công giáo, hai người phối ngẫu được mời gọi đến với nhau bằng tình yêu tự hiến, ví như hạt lúa mì mục nát trong lòng đất để từ đó nẩy sinh nhiều bông hạt. Tình yêu tự hiến là không sống cho mình, nhưng sống cho người mình yêu. Theo đó, người chồng, người vợ thực sự kết hợp với nhau không chỉ bởi những hành vi tính dục, nhưng còn do bởi tự biến đời mình trở thành qùa tặng niềm vui cho nhau bằng những hành vi hy sinh phục vụ, từ bỏ tính ích kỷ hẹp hòi, từ bỏ lối sống hưởng thụ cho cho riêng mình. Có yêu thương phục vụ trong gia đình, hôn nhân mới thật sự hạnh phúc, bền vững.

Laurensô

Exit mobile version