Yêu thương kẻ thù là nét đặc trưng của nền văn hóa sự sống

103

Trong bài chia sẻ Tin mừng sáng nay, Chúa nhật VII thường niên, 24/02/2019, Đức Thánh Cha nhắc đến điểm trọng tâm và nét đặc trưng của đời sống Kitô hữu: đó là tình yêu đối với kẻ thù. “Hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em”. Mệnh lệnh này, câu trả lời cho sự xúc phạm và lăng mạ đến tình yêu, đã sinh ra cho thế giới một nền văn hóa mới “văn hóa của lòng thương xót, một nền văn hóa đem lại cuộc sống và một cuộc cách mạng đích thực” (Tông thư Misericordia et misera, 20). Đó là cuộc cách mạng của tình yêu. Cũng trong ý nghĩa này, ngài mời gọi mọi người tín hữu biết sống quảng đại và thứ tha ngõ hầu được Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta.

Sau khi đọc kinh truyền tin với các tín hữu tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã nhắc về hội nghị bảo vệ các trẻ em vị thành niên, từ ngày 21-24 tháng 2, tại Vatican vừa được kết thúc. Qua đó Đức Thánh Cha nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý khủng hoảng và trách nhiệm của Giáo hội trong việc xóa bỏ lạm dụng này.

Anh chị em thân mến!

Tin Mừng Chúa nhật hôm nay (x . Lc 6 : 27-38) liên quan đến điểm trọng tâm và nét đặc trưng của đời sống Kitô hữu: đó là tình yêu đối với kẻ thù. Lời của Chúa Giêsu rất rõ ràng : “Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (c. 27-28). Đây không phải là một tùy chọn, nhưng là một mệnh lệnh. Không phải dành cho tất cả mọi người, nhưng cho các môn đệ, những người mà Chúa Giêsu gọi “anh em là những người đang nghe Thầy”. Chúa biết rất rõ rằng yêu thương kẻ thù là điều vượt quá khả năng của chúng ta, và vì thế mà Ngài đã làm người: không phải để mặc chúng ta sống như vậy, nhưng là để biến đổi chúng ta thành những người có khả năng yêu thương tốt hơn, như tình yêu của Cha Ngài và là Cha của chúng ta. Đó là thứ tình yêu mà Chúa Giêsu ban cho người biết “lắng nghe lời Ngài”.Và vì vậy yêu thương kẻ thù trở thành có thể! Với Ngài, nhờ tình yêu và Thánh Thần của Ngài chúng ta có thể yêu thương cả người không yêu chúng ta, thậm chí yêu cả những người gây nên điều tồi tệ cho chúng ta.

Bằng cách này, Chúa Giêsu muốn rằng nơi mỗi tâm hồn tình yêu Thiên Chúa chiến thắng ghen ghét và thù hận. Luận lý của tình yêu, mà đỉnh cao là Thập giá của Chúa Kitô, là nét đặc trưng của người tín hữu và bắt buộc chúng ta phải ra đi gặp gỡ mọi người với tâm hồn huynh đệ. Nhưng làm sao có thể vượt qua bản năng con người và luật báo thù của thế gian? Chúa Giêsu đã đem lại câu trả lời trong chính trang Tin mừng này : “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng thương xót” (c. 36). Bất cứ ai lắng nghe Chúa Giêsu, gắng sức bước theo Chúa, ngay cả phải trả giá, sẽ trở nên con cái của Chúa và thực sự bắt đầu nên giống Cha trên trời. Chúng ta trở nên những người có khả năng đối với những điều mà chúng ta sẽ không bao giờ nghĩ rằng có thể nói hay làm, và thậm chí đối với những điều chúng ta cho rằng xấu hổ, thì trái lại, giờ đây nó đem lại cho chúng ta niềm vui và bình an. Chúng ta không cần cuộc sống bạo lực nữa, dù bằng lời nói và cử chỉ; Chúng ta tái khám phám nơi bản thân khả năng dịu hiền và nhân hậu; và chúng ta cảm thấy rằng tất cả những điều đó không đến từ chúng ta nhưng là từ Thiên Chúa, và vì vậy, chúng ta đừng tự phụ về những điều ấy nhưng hãy sống với lòng biết ơn.

Không có gì lớn lao hơn và hiệu quả hơn tình yêu; Tình yêu mang lại cho con người tất cả mọi phẩm giá, trong mọi lúc, trái lại, ghen ghét và hận thù làm giảm giá trị, làm mất đi vẻ đẹp của thụ tạo đã được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa.

Mệnh lệnh này, câu trả lời cho sự xúc phạm và lăng mạ đến tình yêu, đã sinh ra cho thế giới một nền văn hóa mới “văn hóa của lòng thương xót – chúng ta phải học điều đó, và thực hành thật tốt văn hóa của lòng thương xót này, một nền văn hóa đem lại cuộc sống và một cuộc cách mạng đích thực” (Tông thư Misericordia et misera, 20). Đó là cuộc cách mạng của tình yêu, mà nhân vật chính là các vị tử đạo của mọi thời đại. Và Chúa Giêsu bảo đảm cho chúng ta rằng thái độ sống của chúng ta, mang dấu ấn tình yêu đối với những người gây nên điều xấu cho chúng ta sẽ không trở nên vô ích. Chúa nói : “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (vv. 37-38).

Điều này thật tuyệt vời. Đó sẽ là một điều tuyệt đẹp mà Chúa sẽ ban cho chúng ta nếu chúng ta có lòng quảng đại, nhân hậu. Chúng ta phải tha thứ vì Chúa đã tha thứ cho chúng ta và Người luôn tha thứ cho chúng ta. Nếu chúng ta không hoàn toàn tha thứ, chúng ta không thể đòi hỏi được thứ tha hoàn toàn. Trái lại, nếu trái tim của chúng ta mở ra cho lòng thương xót, nếu sự tha thứ được ghi dấu bằng vòng tay huynh đệ và mối dây ràng buộc của sự hiệp thông được thắt chặt, thì chúng ta công bố cho thế giới biết rằng chiến thắng sự dữ bằng điều thiện là điều có thể. Đôi khi chúng ta dễ dàng nhớ những sai lầm mà người khác đã gây ra cho chúng ta và những gì họ đã gây ra cho chúng ta là những điều tệ hại chứ không phải tốt đẹp; đến độ có những người có thói quen này và trở thành một căn bệnh. Đó là “những người sưu tập những bất công”: họ chỉ nhớ những điều tồi tệ mà họ đã làm. Và đây không phải là phương pháp. Chúng ta phải làm điều ngược lại, Chúa Giêsu nói. Hãy nhớ những điều tốt, và khi ai đó đến tám chuyện, và nói xấu về người khác : “Nhưng đúng rồi.., có lẽ … nhưng anh ấy có điều này tốt …”. Đảo ngược cuộc trò chuyện. Đây là cuộc cách mạng của lòng thương xót.

Xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta, để những lời thánh thiện của Chúa Giêsu chạm đến con tim, làm cho nó bùng cháy như lửa, biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta có khả năng làm điều tốt mà không cần đáp lại, để làm chứng cho mọi người khắp nơi sự chiến thắng của tình yêu.

Sau kinh truyền tin

Anh chị em thân mến,

Một cuộc họp rất quan trọng về vấn đề bảo vệ trẻ em đã kết thúc tại Vatican vào sáng nay. Các Thượng phụ, chủ tịch các Hội đồng Giám mục, các vị lãnh đạo các Giáo hội Công giáo Đông phương, các Đại diện bề trên và các Bề trên Thượng cấp của các dòng tu và một số cộng tác viên của tôi trong Giáo triều Rôma đã được triệu tập.

Như anh chị em đã biết, vấn đề lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên của các thành viên giáo sĩ từ lâu đã gây ra một vụ bê bối nghiêm trọng trong Giáo hội và trong dư luận, vừa gây ra những đau khổ cho các nạn nhân và vừa gây ra sự bất công vô lý đối với họ và việc che đậy các thủ phạm bởi những người có trách nhiệm trong Giáo hội.

Vì là một vấn đề đang phổ biến ở mọi châu lục, chúng tôi là những mục tử của các cộng đồng Công giáo trên toàn thế giới muốn cùng nhau giải quyết nó, theo cách đồng trách nhiệm và mang tính đoàn thể. Chúng tôi đã nghe thấy tiếng nói của các nạn nhân, chúng tôi đã cầu nguyện và xin Chúa và những người bị xúc phạm tha thứ. Chúng tôi đã nhận thức được trách nhiệm của mình, về nghĩa vụ của chúng tôi là thực thi công lý trong sự thật, từ chối triệt để mọi hình thức lạm dụng quyền lực, lương tâm và tình dục.

Chúng tôi muốn tất cả các hoạt động và các địa điểm trong Giáo hội luôn được an toàn tuyệt đối cho trẻ vị thành niên; dùng tất cả các biện pháp có thể để các tội ác tương tự không lặp lại. Mong sao Giáo hội tuyệt đối là nơi đáng tin trở lại và khả tín trong sứ mệnh phục vụ và giáo dục cho những người bé nhỏ theo giáo huấn của Chúa Giêsu.

Bằng cách này, với tất cả trái tim và hiệu lực của mình, chúng tôi cộng tác cùng với tất cả mọi người có thiện chí và tất cả các thành phần và lực lượng tích cực của xã hội, ở tất cả các quốc gia và mọi cấp độ quốc tế, để chiến đấu đến cùng, trong mọi hình thức, tai họa bạo lực rất nghiêm trọng đối với hàng trăm triệu trẻ em trên khắp thế giới.

Tác giả bài viết: G. Võ Tá Hoàng chuyển ngữ

Nguồn tin: Vatican.va: