YÊU THƯƠNG ANH EM
.
Thầy truyền cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau.
Không phải chỉ có Kitô giáo mới giảng dạy về tình yêu thương. Văn hoá Á đông đã từng nhấn mạnh: Tứ hải giai huynh đệ, bốn bể đều là anh em. Cha ông chúng ta thuở trước cũng đã khuyên nhủ: Thương người như thể thương thân, để nói lên tấm lòng yêu thương rộng mở đối với mọi người trong xã hội. Vậy giới luật của Chúa có điều chi mới mẻ?
Dựa vào những lời tâm sự cuối cùng của Chúa, chúng ta có thể tìm thấy được những nét độc đáo của tình thương yêu trong Kitô giáo. Nét độc đáo thứ nhất đó là hãy yêu thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta. Thực vậy, cái khuôn mẫu lý tưởng, cái thước được dùng để đo tình yêu thương của chúng ta, không còn là mối liên hệ máu mủ, cũng không còn là chính bản thân của mình nữa, nhưng là chính tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã xuống thế và chịu chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta như lời Ngài đã nói: Không ai có tình yêu cao quý hơn người dám hy sinh mạng sống vì bạn hữu. Chỗ khác Ngài cũng bảo: Ta là mục tử tốt lành. Người mục tử tốt lành thì hy sinh mạng sống cho đoàn chiên. Tình yêu ấy không bị giới hạn, không bị ngăn cách nhưng được dành cho hết mọi người.
Bên cạnh thập giá Đức Kitô không ai là không có chỗ của mình, kể cả những kẻ tội lỗi, đĩ điếm và trộm cướp. Ngài không huỷ diệt một khả năng nào để vươn lên. Đứa con hoang đàng cũng có chỗ trong nhà cha mình. Người trộm cắp cũng được mời gọi tham dự tiệc cước và người phụ nữ nhẹ dạ cũng có thể hôn chân Ngài. Ngài đã tỏ cho chúng ta thấy một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ và thương xót đối với mọi người, không trừ một ai. Tình yêu thương vô bờ ấy phải trở nên mẫu mực để chúng ta noi theo: Hãy yêu thương như như Thầy đã yêu thương các con.
Nét độc đáo thứ hai đó là tình yêu thương phải trở nên dấu chỉ của những người thuộc về Chúa. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau. Thực vậy, Chúa Giêsu không đòi hỏi các môn đệ của mình phải thông thái như các tiến sĩ luật, cũng không bắt họ phải sống gò bó nhiệm nhặt như nhóm biệt phái. Điều duy nhất Ngài đòi hỏi nơi các ông đó là tình yêu thương.
Ngay từ đầu các tín hữu đã thực sự sống tình bác ái yêu thương để làm chứng cho Đức Kitô phục sinh và trải qua dòng lịch sử của Giáo Hội, các tâm hồn ở mọi nơi và trong mọi lúc, vẫn nhận ra Thiên Chúa là tình yêu xuyên qua những chứng từ sống động của những người tin Chúa, được biểu lộ bằng hành động bác ái yêu thương.
Trong cuộc sống hằng ngày không phải chúng ta không biết rằng thương yêu là đòi hỏi căn bản nhất của Tin Mừng, thương yêu là giới luật mới của Chúa Giêsu, thương yêu là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Thế nhưng, từ chỗ biết đến chỗ sống, từ chỗ hiểu đến chỗ làm luôn luôn có một khoảng cách. Chúng ta vẫn thích lấy lòng mình làm thước đo tình yêu dành cho người khác. Chúng ta vẫn muốn giới hạn tình thương ấy trong một phạm vi hạn hẹp nào đó. Chúng ta vẫn thích tính toán cộng trừ để tình thương không làm chúng ta bị thiệt thòi mà trái lại còn đem đến những lợi ích riêng tư. Chúng ta vẫn muốn dựa vào màu cờ, sắc áo hay danh xưng để xác định chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta không dám chứng tỏ bằng những hành đông yêu thương và hy sinh mạng sống của mình. Quan hệ của chúng ta còn quá vụ lợi.
Lm. Đaminh Xuân Trường, GP.Bắc Ninh