“ Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”
Với hồng ân cao quý mà Thiên Chúa ban tặng cho tôi, đó chính là ơn gọi sống trong Dòng Mến Thánh Giá và được bước sát theo chân Chúa hơn. Chính Linh Đạo của Dòng cho tôi thấy rõ tinh thần khổ chế mà Đức Cha Lambert muốn con cái của ngài đạt tới là hướng trọn lòng trí vào Đức Giêsu Kitô Chịu- Đóng – Đinh trên Thánh giá để trở nên đồng hình đồng dạng với Người. Một Đức Giêsu chịu biết bao đau khổ, vì tội lỗi của mọi người, trong đó có chính bản thân tôi; và nhất là chịu chết nhục nhã trên thánh giá để cứu chuộc tôi và nhân loại khỏi hố sâu tội lỗi, khỏi sự chết đời đời. Đó chính là cách thức mà Chúa biểu lộ tình yêu bao la của Ngài. Chính qua Thập giá, Chúa đã biểu lộ tình yêu lớn nhất dành cho Chúa Cha và nhân loại, một tình yêu cho đi vô vị lợi, không tính toán hơn thua, mà ngược lại đã sẵn sàng hy sinh chính mình để cứu chuộc nhân loại.
Là một người nữ tu Mến Thánh Giá, Chúa cũng mời gọi tôi sẵn lòng đón nhận Thập Giá mỗi ngày, để làm bằng chứng tình yêu lớn nhất dành cho Đức Kitô Chịu – Đóng – Đinh và anh chị em đồng loại. Vì tình yêu là nền tảng, động lực, linh hồn và là lối sống của người môn đệ là sống khổ chế hy sinh vì tình yêu. Mặc dù lý tưởng cao đẹp như thế nhưng khi nhìn lại đời sống của tôi, tôi thấy nhiều khi tôi chưa làm được điều đó. Tôi chưa sẵn lòng đón nhận những thập giá, những khó khăn mà Chúa gửi đến cho tôi. Dẫu tôi biết rằng, mọi biến cố trong ngày sống mà Chúa gửi đến cho tôi, đều là thánh ý của Chúa và Chúa muốn tôi học hỏi một điều gì đó qua biến cố Chúa gửi đến. Điều này sẽ đem lại lợi ích cho tôi, giúp tôi được lớn lên, được rèn luyện các nhân đức và nhất là cho tôi được thông phần thập giá với Chúa Giêsu, nếu tôi vui vẻ đón nhận những biến cố đó. Vậy mà ngay lúc Chúa gửi biến cố đến cho tôi thì tôi chưa thực sự sẵn lòng đón nhận một cách vui vẻ, ngược lại, tôi tỏ ra buồn tủi, thất vọng, kháng cự và có khi còn trách Chúa. Khi tôi đặt mình trước thánh nhan Chúa, chiêm ngắm cái chết nhục nhã của Ngài trên Thánh Giá, thì lời mời gọi của Ngài lại vang vọng trong tâm hồn tôi, làm cho tôi cảm thấy thật xấu hổ và bất xứng với tình yêu bao la của Chúa. Chúa đã ban cho tôi một cơ hội để tôi biểu lộ tình yêu đối với Ngài, vậy mà không những tôi đã không sẵn lòng đón nhận một cách vui vẻ với tất cả lòng mến yêu Chúa, ngược lại tôi đã than van, kêu trách Chúa. Chắc hẳn Chúa rất buồn về thái độ đó của tôi. Với niềm tin vào sự quan phòng của Chúa, tôi luôn xin Chúa ban cho tôi thêm tình yêu và lòng yêu mến Chúa để tôi luôn sẵn lòng đón nhận thánh ý Chúa qua mọi biến cố trong cuộc sống. Để từ đó tôi biết kết hợp những khó khăn, những thập giá với cuộc thương khó của Chúa và dâng lên Chúa những hy sinh nho nhỏ trong cuộc sống. Với bản tính tự nhiên, tôi luôn thích sự dễ dãi trong cuộc sống, nhưng nếu tôi luôn sống trong sự dễ dãi, nuông chiều thân xác thì chính điều đó sẽ đẩy tôi sống xa lìa thánh ý Chúa, sẽ đưa tôi vào tôi đường sống theo bản năng tự nhiên mà không còn sống theo ý muốn của Chúa, và một ngày nào đó tôi không còn nghe thấy tiếng Chúa nói với tôi nữa. Chính những lúc đó Chúa mời gọi tôi hãy sống khổ chế để chế ngự thân xác, để vượt thắng mọi cám dỗ. Như qua kinh nghiêm thiêng liêng của Đức Cha Lambert mà khiến cho ngài đã quyết định khước từ dứt khoát sự quyến rũ của đời sống theo giác quan, bản tính tự nhiên và lý trí người đời, để chỉ sống bằng giáo huấn, gương sáng và sự sống của Chúa Giêsu- Kitô (Btt 10). Gương sáng của ngài mời gọi tôi hãy cố gắng noi gương tinh thần của ngài để luyện tập các nhân đức như ngài đã nêu gương. Chính vì vậy mà tôi rất thích và tâm đắc câu: “Khổ chế làm cho thân xác phục tùng tinh thần, cũng như tinh thần phục tùng Thiên Chúa nhờ cầu nguyện”. Tôi luôn xin ơn Chúa trợ giúp để tôi luôn thực hiện điều này trong cuộc sống, vì nhiều khi tinh thần thì hăng hái nhưng thể xác thì nặng nề. Đó chính là sự yếu đuối và giới hạn của tôi, như Thánh Phaolô đã nói : “Điều tôi muốn làm thì tôi không làm, còn điều tôi không muốn làm thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,19). Trong cuộc sống, có những lúc tôi cảm thấy tôi dễ dàng điều khiển được bản thân, nhưng cũng có khi tôi cảm thấy thật khó để chống lại bản tính tự nhiên của tôi khi cái tôi của tôi quá lớn. Điều này giúp tôi biết rõ rằng tự sức tôi thì tôi không thể làm được gì cả mà tất cả là nhờ ơn Chúa trợ lực, giúp sức cho tôi. Vì chỉ có ở nơi Chúa tôi mới kín múc được sức mạnh và động lực để tôi có thể vượt qua những yếu đuối của bản thân tôi.
Qua cuộc sống của tôi, tôi cảm nhận được rằng sự hy sinh, khổ chế rất cần thiết và quan trọng trong đời sống, nhất là trong đời sống cộng đoàn. Chính đời sống khổ chế, hy sinh sẽ giúp tôi đi đúng đường và bước theo sự hướng dẫn của Chúa, thì tôi sẽ được bình an, ngay cả trong những đau thương thử thách mà Chúa gửi đến cho tôi trong cuộc sống. Tôi được Chúa mời gọi tôi không chỉ sống khổ chế ở một phương diện nào đó, mà là ở tất cả mọi phương diện, mọi lãnh vực như: Khổ chế trong lời nói, trong hành động, tương quan, nhất là phải hãm mình và từ bỏ ý riêng, để tôi luôn biết sống và làm theo sự hướng dẫn của Chúa. Tôi luôn cố gắng nỗ lực để sửa đổi bản thân, chế ngự thân xác, sống từ bỏ những điều chưa tốt, để mỗi ngày tôi được Chúa biến đổi, cảm hóa tôi hầu tôi có thể can đảm mở lòng ra để sẵn lòng đón nhận mọi biến cố Chúa gửi đến, với xác tín Chúa đang cho tôi có cơ hội huấn luyện bản thân trở nên tốt hơn. Nhất là trong niềm tin tưởng và phó thác với xác tín rằng qua thập giá sẽ đến vinh quang. Xin Chúa cho tôi thêm lòng yêu mến Chúa và luôn biết sống tinh thần khổ chế hy sinh vì tình yêu như Chúa muốn, để từ đó tôi luôn được sống vui và bình an trong Chúa.
Maria Nguyễn Thị Hái, Học viện MTG.Thủ Đức