Yêu con chưa đủ, hãy tôn trọng con

61

YÊU CON CHƯA ĐỦ , HÃY TÔN TRỌNG CON

Muốn hiểu được thế giới của trẻ, trước hết bố mẹ phải có cái nhìn bình đẳng và tôn trọng trẻ. Chỉ khi nào bố mẹ nhìn nhận thế giới bằng đôi mắt của trẻ và hiểu được suy nghĩ của chúng, mới biết được trẻ muốn gì.

Ngồi xuống lắng nghe trẻ nói : Nhìn thẳng vào trẻ là nguyên tắc bố mẹ cần phải làm đầu tiên. Bố mẹ muốn con chấp nhận mình thì cần phải ngồi xuống lắng nghe con nói, tìm hiểu ý tứ của con và biết được con muốn gì. Có nhiều việc nếu nhìn bằng con mắt của người lớn, thì chúng ta sẽ không tài nào hiểu được. Khi bạn cùng con ngắm cảnh thì bạn sẽ ngạc nhiên nhận ra, trong con mắt của trẻ, thế giới có nhiều điều khác nhau. Bởi lúc ngồi cùng con, bạn có chiều cao gần như trẻ, trẻ sẽ cảm thấy bố mẹ đối xử bình đẳng với mình, muốn trò chuyện thực sự với mình, tôn trọng và tin tưởng mình. Và trẻ sẽ vui vẻ mở lòng tâm sự mọi nỗi niềm cho bố mẹ biết. Có chung ngôn ngữ với bố mẹ, trẻ cảm nhận được sự bình đẳng, chúng sẽ thích thú, gần gũi và tin tưởng bố mẹ hơn.

Biết học theo trẻ : Bố mẹ đừng bao giờ coi thường trẻ, vì trong xã hội hiện đại, trẻ tiếp thu được nhiều kiến thức mới qua những kênh khác nhau. Lúc này, bố mẹ cần phải bỏ mác làm cha làm mẹ, đặt mình vào vị trí bình đẳng với trẻ, trò chuyện và trao đổi với chúng như những người bạn thực sự. Về một số mặt nào đó, bạn có thể “giả vờ” học hỏi kiến thức mình không biết từ trẻ, như vậy trẻ sẽ càng tin tưởng bạn hơn. Khi cần, hãy hỏi coi con là “thầy” của mình. Như vậy, trẻ sẽ cảm thấy mình được bình đẳng với cha mẹ. Lúc cần thiết, bạn có thể khẳng định với mọi người về con là : “Cháu nó làm giỏi hơn chúng tôi nhiều về…”. Như thế bạn đã đem đến cho con sự bình đẳng. Nhưng các phụ huynh cũng cần chú ý, học hỏi con nhưng với điều kiện là phải nhận thức được nhưng ưu thế, sở trường của trẻ, cho trẻ được bình đẳng về nhân cách. Không bao giờ chỉ đơn thuần dừng lại ở việc hỏi han : “Con ơi dạy mẹ sử dụng MP3 đi” hoặc là : “ Con ơi máy vi tính sử dụng như thế nào ?”. Làm như vậy, chính bạn đã hạ thấp mình trước trẻ, khiến trẻ không còn tôn trọng bố mẹ.

Biết trưng cầu ý kiến của con : Con cần phải kính trọng bố mẹ và bố mẹ cần phải biết tôn trọng con cái. Cha mẹ làm chuyện gì cũng nên trưng cầu ý kiến của con, chính là cách tôn trọng con tốt nhất. Như vậy, trẻ sẽ cảm nhận được mình đã hòa nhập vào trong cuộc sống gia đình. Các chuyên gia tâm lý của Mỹ cho biết, khi bài trí các đồ vật trong phòng, bạn hỏi ý kiến của trẻ sẽ cảm thấy mình được tôn trọng. Qua đó, trẻ thấy rất tự hào, chúng sẽ chủ động, vui vẻ giúp đỡ bố mẹ đảm nhận công việc vệ sinh, giữ gìn vật dụng…

Có gia đình, việc gì bố mẹ cũng hỏi ý kiến của con. Mỗi khi yêu cầu con làm gì, bà mẹ cũng thân mật nói : “Con ơi, giúp mẹ một lát được không ?”, “Con có thể… không ?”. Bà chưa bao giờ nặng lời với con một câu, và cũng chưa bao giờ ra lệnh bắt con làm việc. Sau khi trẻ làm xong, bà tưoi cười nói lời cảm ơn. Hai bố con cùng ngồi xem tivi, bố muốn chuyển kênh khác đều nói với con : “Chúng ta chuyển kênh xem chương trình khác nhé”. Với những hành động này của bố mẹ, đương nhiên con cái cũng học được cách tôn trọng bố mẹ và tôn trọng mọi người.

Một nhà giáo nổi tiếng nước Anh đã nói : “Hoang dại sinh ra hoang dại, nhân ái sinh ra nhân ái, đó chính là chân lý. Bạn đối xử với trẻ với tấm lòng thiếu sự đồng cảm, thì trẻ sẽ trở thành người không biết đồng cảm. Bạn nên đối xử thân thiện với trẻ, vì đó là cách tốt nhất để rèn cho trẻ sống thân thiện, hòa đồng”.

Đừng bao giờ biến con thành “tài sản riêng” của mình : Trong ý thức của nhiều ông bố bà mẹ, họ đã coi con mình là món “tài sản riêng”. Họ thường nói với con : “Mẹ sinh ra con, nuôi con khôn lới thì con phải nghe lời mẹ”. Câu nói này cho biết thông tin : “Con là của mẹ, con phải nghe lời mẹ !”. Rõ ràng, bố mẹ đã coi con là của mình, chứ không là một thực thể của xã hội và thuộc về xã hội. Nên nhớ rằng, con cái phải có cuộc sống riêng, không phải là bố mẹ muốn con như thế nào thì con phải trở thành như thế.

Đứa trẻ nào cũng có nhân cách và hoàn toàn độc lập. Nhân cách của chúng là một trong những phần cấu tạo nên xã hội và phải được vun đắp bằng tình yêu thương sâu nặng. Vì vậy, bố mẹ cần phải tôn trọng nhân cách của trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ đã phải giáo dục con trở thành một người độc lập trong xã hội. Đừng bao giờ mắng chửi, trừng phạt, đánh đập con vì đó là cách đối xử thiếu bình đẳng, khiến cho trẻ đi vào con đường tuyệt vọng.

Đừng gao giờ áp đặt ý chí của mình cho con trẻ : Hiện nay, rất nhiều trẻ mong muốn bố mẹ đừng áp đặt ý chí của mình cho con. Nếu không thể nhìn nhận vấn đề từ góc độ của trẻ, thì sẽ không hiểu được ý nghĩa những yêu cầu của chúng. Nhiều phụ huynh rất thích ôm đồm làm hết việc cho con, nhưng làm xong lại ấm ức : “Đấy, cái gì có thể làm được là bố mẹ đã làm cho hết rồi, dọn sẵn đường mà không biết đi nữa thì đừng có trách”. Nhưng các bậc phụ huynh không biết rằng, chính vì những hành động ấy mà trẻ không hiểu, thâm chí chúng con nảy sinh tâm lý chống đối. Với những đửa trẻ đang ở độ tuổi dậy thì, chúng luôn muốn giữ lấy ý kiến của mình.

Thế giới nội tâm của trẻ vô cùng phức tập và nhạy cảm. Bố mẹ cần hiểu con trên lập trường của chúng. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, bố mẹ nên quan tâm, dẫn dắt, gợi mở để hiểu con. Quan trọng nhất là cha mẹ cần phải bình đẳng với con. Chỉ có như vậy bố mẹ mới thực hiện được việc trò chuyện thường xuyên và kịp thời phát hiện, giúp trẻ giải quyết được những khó khăn chúng gặp phải trong quá trình trưởng thành, để thẻ phát triển lành mạnh trong bầu không khí gia đình đầm ấm.°

Duyên Hải