Yêu Cho Đến Cùng

Bài chia sẻ của Chị Tổng Phụ trách gởi đến quí chị em toàn Dòng

nhân dịp lễ Suy Tôn Thánh Giá

Thập Giá minh chứng Tình Yêu, tình yêu mà Chúa Giê-su đã xác quyết: “Không có tình yêu nào cao quý hơn tình yêu của người thí mạng sống vì bạn hữu mình.”[1] Thật thế, Chúa Giê-su đã minh chứng tình yêu lớn lao của mình dành cho nhân loại, không phải chỉ bằng lời nói, nhưng bằng chính cái chết vì tình yêu trên Thánh Giá.

Nhìn lên Thánh Giá, chúng ta cảm nhận sâu xa hơn tình yêu vô biên mà Chúa dành cho từng người chúng ta, và chính kinh nghiệm cảm nếm tình yêu Thánh Giá làm cho chúng ta sống thân thiết với Chúa.Đức Cha Lambert, Đấng Sáng lập Dòng Mến Thánh Giá, bằng chính kinh nghiệm cá nhân của mình, đã đề ra cho con cái ngài một lối sống để cho lòng trí hoàn toàn hướng về Đức Giê-su Ki-tô Chịu Đóng Đinh là đối tượng duy nhất, qua việc “chuyên chú tìm sự hiểu biết và yêu mến Người bằng cách suy gẫm và noi theo cuộc đời đau khổ của Người”[2]. Chính khi chiêm ngắm Thánh Giá, chúng ta cảm nhận được tình yêu hiến dâng “cho đến cùng”, cho đến danh dự cuối cùng, cho đến hơi thở cuối cùng, cho đến giọt máu cuối cùng.

Thánh giá được đón nhận và được suy tôn, không chỉ trong Lễ Suy Tôn Thánh Giá, cũng không chỉ trong Nghi thức Tuyên khấn trọn đời của các nữ tu Mến Thánh Giá, mà là trong cuộc sống mỗi ngày. Trong ngày tuyên khấn, chị em chúng ta đã hát lên: “Xin mỗi ngày đón nhận Thập giá Giê-su để làm bằng chứng tình yêu, tình yêu bất diệt, tình yêu duy nhất.”[3] Lời hát không chỉ ngoài môi miệng nhưng phát xuất từ con tim, nhưng khi hát bằng chính cuộc sống thực tế thì không dễ chút nào. Cũng như Chúa Giê-su đã yêu cho đến cùng, đã hiến dâng cho đến cùng, thì chúng ta cũng được mời gọi đáp lại tình yêu cho đến cùng đó bằng chính tình yêu của chúng ta dành cho Chúa và cho mọi người, yêu cho đến cùng, chết vì tình yêu.

“Chết vì tình yêu” theo quan niệm của Đức Cha Lambert, không chỉ là những cái chết anh dũng đổ máu đào trên pháp trường vì đạo Chúa, hay chết vì bệnh trong khi đi phục vụ người bị dịch hạch… Cái chết vì tình yêu này người ta không thấy, nó không diễn ra trong một đấu trường nào cả, nhưng trong sương mờ của các công việc hằng ngày. Đây là một sự suy yếu từ từ do những sự chấp nhận bé mọn, những từ bỏ nhỏ nhoi hay những nhục nhã bất công, xúc phạm, đấu tranh không cân xứng, thất bại, bệnh hoạn. Nó không đòi những hành động có khí phách nam nhi, nhưng thể hiện trong khả năng hy sinh chịu đựng vô tận của nữ giới.[4] Chính khi chấp nhận chết đi dần dần mỗi ngày, hạt lúa miến được gieo vào lòng đời và mục nát với thời gian, thì hạt lúa mới nẩy mầm, lớn lên, và sinh nhiều hoa trái.

Thực ra, lòng trung thành với Chúa trọn đời là một ân ban, vì với bản tính yếu đuối của con người, nhất là ảnh hưởng bởi trào lưu hay thay đổi của xã hội hôm nay, những hy sinh từ bỏ mỗi ngày có thể trở nên nặng nề, có khi đến mức tưởng chừng như không thể chịu nổi, làm cho chúng ta dễ buông xuôi, sống tà tà, sống tiêu cực, hay thậm chí rời bỏ đời tu khi gặp khó khăn nghiêm trọng. Ân huệ trung thành với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng, được chính Chúa Giê-su trao ban cho chúng ta từ trên Thánh Giá, khi Người trút hơi thở cuối cùng vì yêu thương toàn nhân loại, vì yêu thương mỗi người chúng ta. Tình yêu này là tình yêu nhưng không, không chọn lọc, không ưu đãi, không loại trừ. Chúa cũng mời gọi ta yêu cho đến cùng, với một tình yêu nhưng không và bao la như vậy, để chúng ta có thể chết đi chính mình mỗi ngày, phục vụ những ai cần đến chúng ta, hy sinh cho người khác mà không đòi người khác đáp lại, không đòi chị em phải dễ thương thì mình mới thương dễ, đòi chị em phải hợp ý thì mình mới cộng tác, đòi chị em phải sống tốt trước rồi mình mới sống tốt, đòi chị em phải dấn thân thì mình mới dấn thân, đòi chị em phải tôn trọng mình thì mình mới tôn trọng lại, thích một lối sống dễ dãi hưởng thụ và thỏa mãn những ham muốn, tính tự ái của mình, đòi hỏi người khác và cộng đoàn phải hy sinh cho mình, làm điều này điều kia cho mình, mà không nghĩ đến mình cần làm gì cho chị em, cho cộng đoàn.

Yêu cho đến cùng, không phải là một tình yêu miễn cưỡng, đành phải cố gồng mình lên để chịu đựng, để hy sinh, vì không có cách nào khác, chẳng hạn như phải sống chung với một chị gây ra nhiều vấn đề nhưng phải chịu sống chung vì không đổi đi được. Tình yêu vô điều kiện của Chúa Giê-su trên Thánh Giá là tình yêu mà Chúa mời gọi ta mở rộng trái tim để đón nhận, nhờ đó chúng ta có thể yêu như Chúa yêu, “vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường”, với “trái tim đủ lớn để chứa đựng nổi người mà con không ưa”[5].  Yêu cho đến cùng, như Chúa Giê-su trên Thánh Giá, và như Đức Cha Lambert, Đấng Sáng Lập của chúng ta. Ngài đã sống và chết vì tình yêu, không bao giờ lùi bước, không bao giờ sợ hãi trước những đe dọa giết chết uy tín, danh dự và cả thân xác, mà luôn trung kiên với Chúa cho đến cùng.

Mừng Lễ Suy Tôn Thánh Giá, ước mong chị em chúng ta cùng hy sinh cho nhau, nâng đỡ nhau, cùng nối thập giá của mỗi chúng ta lại với nhau và nối với Thánh Giá của Chúa, để tất cả trở thành cây Thánh Giá mang lại hạnh phúc cho mọi người và cho chính mỗi người chúng ta, nhờ đó chúng ta trung thành với lời cam kết hiến dâng trọn vẹn cho Chúa và tha nhân, yêu cho đến cùng.

Nt. Anna Lê Thị Vân Nga
Tổng Phụ Trách MTG.Thủ Đức

.

[1] Ga 15,13

[2] Đức Cha Pierre Lambert de la Motte, Thư gởi hai nữ tu tiên khởi Annê và Paola, Đàng Ngoài, 26/2/1670.

[3] Bài hát Tình yêu Thánh Giá” của Nhạc sĩ Ngọc Linh

[4] Francoise Fauconnet-Buzelin, Paris, 2006, Bản dịch Việt ngữ của Sư huynh Lucien Hoàng Gia Quảng, tr.133.

[5] Kinh Tâm hồn Quảng đại

Exit mobile version