Mỗi dịp Tháng Mười Hai đều có sự cám dỗ tương tự đối với người Công giáo: Thích tham gia các hoạt động đời hơn là tập trung vào Chúa Giêsu giáng sinh.
Hai thánh Êlidabet và Dacaria biết tin Chúa Giêsu sẽ giáng sinh (Lc 1:39-45). Đức Maria và Đức Giuse âm thầm đi về quê theo lệnh điều tra dân số, và Chúa Giêsu sinh ra tại Belem (Lc 2:1-5). Chúa Giêsu không sinh tại một ngôi nhà hoặc một quán trọ, được nhiều người vây quanh, đó là một điều quá đỗi bình thường theo cách nhìn của loài người (Lc 2:6-7). Chỉ có một số mục đồng (Lc 2:8-20), sau đó có vài nhà chiêm tinh (Mt 2:1-12) đến tham gia sự kiện thánh đức này.
Như chúng ta đã biết, ngay từ lúc Chúa Giêsu giáng sinh, thế giới không ai chú ý. Chúng ta không nên quá sợ hãi khi hành động khác người ta và có thói quen chuẩn bị cho sự kiện thánh này, đó là sống Mùa Vọng với ý nghĩa đích thực của Lễ Giáng Sinh: Ngôi Hai nhập thể làm người.
Giáo Hội tha thiết mời gọi chúng ta sống Mùa Vọng. Đó là làm cho Mùa Vọng mang nét tôn giáo nhiều hơn, sống trong sự chờ đợi đầy ân sủng, đối thoại chân thành hơn, sâu xa hơn, và hy vọng nhiều hơn. Đây là vài ý tưởng được đề cập trong Huấn Thị Mediator Dei (về Phụng Vụ Thánh) của ĐGH Piô XII.
- VÒNG LÁ MÙA VỌNG với 4 cây nến dùng để diễn tả ý nghĩa về sự mong chờ và sự tiến tới trong khi nhớ lại “các giai đoạn trong lịch sử cứu độ”, mà cao điểm là sự xuất hiện của Đức Kitô (số 98).
- CUỘC RƯỚC MÙA VỌNG thông báo cho thế giới biết Đức Giêsu Kitô giáng sinh hoặc nhớ lại hành trình của Thánh Gia tới Belem (số 99).
- TÔN SÙNG ĐỨC MẸ trong Mùa Vọng nhắc nhớ về “các phụ nữ trong Cựu Ước đã được tiên báo về sứ vụ của họ” (số 101), đồng thời nhắc nhớ đức tin và vai trò của Đức Mẹ trong các sự kiện liên quan việc giáng sinh của Đức Kitô. Một số ví dụ về lòng tôn sùng Đức Mẹ: Tuần cửu nhật kính Đức Mẹ Vô Nhiễm qua các đoạn Kinh Thánh về Đức Mẹ như St 3:15 và Lc 1:31-33, và tôn sùng Đức Mẹ Guadalupe. Các lòng sùng kính này bắt nguồn và lan tỏa theo Phụng Vụ (số 102).
- KINH CHIỀU (Phụng Vụ) là cách chuẩn bị Lễ Giáng Sinh qua Kinh Phụng Vụ hằng ngày của Giáo Hội, đặc biệt là Kinh Chiều (Vespers – Evening Prayers) từ ngày 17 tới 23 tháng 12 với các bài thánh ca quan trọng (số 103). Có nhiều phần mềm dành cho điện thoại thông mình để theo dõi Phụng Vụ Giờ Kinh, giáo sĩ và tu sĩ có thể dùng để đọc Kinh Phụng Vụ (Giáo Luật 1174 §1).
- BÍ TÍCH HÒA GIẢI đổi mới và làm sâu sắc việc chúng ta đối thoại với Đức Kitô. Bí tích Hòa Giải cũng được gọi là Bí tích Đối Thoại (Sacrament of Conversion – GLCG số 1423), quen gọi là “xưng tội”.
- ĐỌC KINH THÁNH để nhớ lại sự kiện quan trọng trong lịch sử cứu độ và các lời tiên tri liên quan việc Đức Kitô đến thế gian, bằng cách đọc các đoạn Kinh Thánh này: St 3:15, St 49:10, Ds 24:17, 2 Sm 7:16, Is 11:1, Is 7:14, Gr 23:5, Mk 5:2, Lc 1:1-80.
- CHẦU THÁNH THỂ để nhắc mình luôn ở trước mặt Đức Kitô. Đây là cơ hội tuyệt vời để chiêm ngưỡng mầu nhiệm Chúa Giêsu nhập thể, trở nên Đấng Emmanuel – “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 1:23).
- QUAN TÂM NGƯỜI NGHÈO để nhớ rằng Chúa Giêsu đã giáng sinh ở nơi hèn mọn nhất “hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:7).
Không có ai trên thế gian này lại không khao khát niềm vui, niềm hy vọng, và ý nghĩa. Đặc biệt trong thời gian chúng ta tìm thấy mình trong đó, chúng ta càng khao khát hơn bao giờ hết. Không gì đem lại cho chúng ta ý nghĩa của các tặng phẩm tốt lành trong Mùa Vọng hơn so với việc cử hành Mùa Vọng với cả tâm trí của Giáo Hội, đắm mình trong ân sủng của Thiên Chúa trong khi chúng ta chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh và sống Mùa Giáng Sinh.
BRANDON HARVEY
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)