Ý niệm con số o thời Covid

73

Có thể nói, những ngày khốn cùng của cơn cuồng phong thời Covid chưa qua, chúng ta nhận thấy mọi giá trị trần thế dường như trở về con số 0. Người ta chứng kiến trên đường phố “không” một bóng người, quán café “không” ai lui tới, nơi chợ búa “không” thể nhóm họp, ngôi thánh đường “không” cầu kinh nguyện ngắm và trên cuộc đời sự giàu nghèo hơn thua “không” cần phải lưu tâm. Tuy nhiên, trong muôn vàn cái “không” ấy có một cái “không” vừa mang giá trị nhân linh vừa mang giá trị thiên linh, đó là những: siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng, gian hàng rau củ quả 0 đồng, quán cơm 0 đồng, bánh mỳ 0 đồng, xăng 0 đồng và chuyến xe 0 đồng…

Trong toán học, nhiều lúc người ta quên mất giá trị của con số 0 trong dãy số từ 0 đến 9. Nếu số 0 mà đứng một mình thì chẳng mang giá trị, nhưng khi nó liên kết với một số nào đó, giá trị của nó thật là khủng khiếp. Lịch sử toán học thời cổ mãi cho đến thế kỷ 15, con số 0 quyền lực như ngày nay lại gây nhiều tranh cải, bởi rằng người ta nghĩ giá trị của số 0 là chẳng có giá trị. Nhà toán học Hannah Fry đã lý giải nguồn gốc của con số 0 và ông nói rằng: “Con số đầy quyền lực này đã gây nhiều tranh cãi và cũng mang lại nhiều sự ngạc nhiên đầy bất ngờ hơn bất cứ con số nào mà tôi biết. Nó cho phép chúng ta dự đoán cả tương lai”[1].

Lật mở những trang Kinh Thánh, chúng ta bắt gặp những con số mang nhiều ý nghĩa thần học như: dân Do Thái lưu lạc 40 năm trong sa mạc trước khi vào đất hứa, Chúa Giêsu ăn chay 40 đêm ngày, rồi 12 chi tộc Itrael, nhóm 12 tông đồ…và rất nhiều con số khác. Tuy nhiên, tìm trong Kinh Thánh, chúng ta ít khi bắt gặp con số 0 và dường như nó không thể hiện hữu, vì nhiều lý do. Trong cuốn Hiểu Để Sống Đức Tin – tập 2 – cha Phan Tấn Thành, ngài giải nghĩa các con số trong Kinh Thánh, nhưng cũng không thấy một thông tin nào về con số 0 này.

Tuy nhiên, nếu đọc những chương đầu của sách Sáng Thế, chúng ta dễ dàng nhận thấy một kiểu nói mang ý nghĩa biểu tượng về con số 0. Câu đầu tiên của sách Sách Thế nói rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất. Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1, 1). Như vậy, Thiên Chúa sáng tạo trời đất, đất còn trống rỗng và chưa có hình dáng, có thể hiểu như là Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật từ hư vô (ex nihilo). Câu chuyện bảy anh em bị bắt cùng với bà mẹ trong sách Macabê quyển thứ 2, chúng ta thấy niềm xác tín vào Thiên Chúa là Đấng tạo dựng muôn vật từ hư vô qua lời khuyên bảo của người mẹ đối với bảy người con trước khi chịu chết dưới bàn tay tàn nhẫn của vua Antiôkhô: “Mẹ xin con hãy nhìn xem trời đất và muôn loài trong đó, mà nhận biết rằng Thiên Chúa đã làm nên tất cả từ hư vô, và loài người cũng được tạo thành như vậy”(2 Mcb 7, 28).

Thật vậy, ở đây chúng ta không có ý đặt mối tương quan giữa đức tin và lý trí trong ý niệm hư vô và con số 0 theo nghĩa triết học hay một số quan niệm của các tôn giáo như Ấn giáo, Phật giáo…mà chỉ muốn trưng dẫn theo lăng kính toán học áp dụng cho đời sống, và nhất là theo nhãn quan của Kinh Thánh, để nhấn mạnh rằng: Thiên Chúa dùng lời quyền năng trong tình yêu mà sáng tạo vũ trụ từ hư vô. Ngài sáng tạo, nghĩa là làm ra muôn loài muôn vật trong trời đất “từ không ra có” với tất cả tự do, quyền năng và tình yêu của Ngài.

Trở lại với những gian hàng 0 đồng thời Covid, đặt trong mối liên hệ với ý nghĩa sáng tạo, chúng ta thấy có ít nhất 2 chiều kích cần suy gẫm: tính nhân linh và tính thiên linh tiềm ẩn trong cái gọi là 0 đồng.

Dù khó khăn trong gặp gỡ và đối thoại giữa những ngày đại dịch này, nhiều hàng quán 0 đồng luôn âm thầm hoạt động, để trợ giúp anh chị em thiếu thốn. Ngoài vấn đề dân tộc “tương thân tương ái”, con người trong đại dịch đối xử với nhau đầy tính nhân văn. Mọi thứ trước kia đều phải mua bằng một giá trị tiền bạc nào đó, nhưng trong sự khốn cùng của đại dịch, người ta có thể nhận mà chẳng nghĩ đến giá trị của đồng tiền. Tiền trong đại dịch không thể làm thỏa lòng con người, người người san sẻ yêu thương đượm mãi ấm áp nghĩa tình. Dịch Covid đặt lại giá trị trần thế, xếp lại trật tự của đồng tiền và nâng tầm tính nhân linh trong xã hội hiện đại. Như thế có thể xác tín rằng, con số 0 đồng thời Covid cho chúng ta dự đoán một tương lai rất khác sau cơn đại dịch này.

Hàng trăm chuyến xe trao gởi yêu thương từ khắp đất nước hướng về Sài gòn trong những ngày đại dịch, mới thấy tình Chúa quan phòng. Sự sáng tạo đi liền với quan phòng trong yêu thương của Thiên Chúa giúp chúng ta lo lắng nhưng không sợ hãi, buồn phiền nhưng không mất niềm hy vọng. Hành trình hồi hương của anh chị em trong thời dịch Covid bằng những chiếc xe hai bánh vượt hàng ngàn cây số, cho chúng ta thấy vẫn còn đó bao điều kỳ diệu thuộc linh nơi những trạm tiếp sức dọc theo quốc lộ 1A. Sự toàn thiện của Thiên Chúa lan tỏa khắp chốn qua nghĩa cử yêu thương và chia sẻ của tình người trong cơn dịch bệnh. Thời Covid giúp chúng ta ý thức hơn những giá trị thiêng liêng, giá trị của thiên linh; thôi thúc chúng ta hành động cho những giá trị cao diệu hơn và đặt chúng ta trong suy tư về ý nghĩa của cuộc đời. Thời Covid đánh tan sự vội vàng hấp tấp của chúng ta cho những thói tham lam và hưởng thụ, để giúp chúng ta sống chậm lại trong mối tương quan liên ngã vị với anh chị em và với Thiên Chúa. Thời Covid giúp chúng ta hướng nhìn lên Chúa với những giá trị của thời gian, hầu nhận ra ơn hoán cải Chúa đang mời gọi. Thế đó, thời Covid mời gọi chúng ta “xuất phát lại” từ con số 0 của phận người, để Thiên Chúa làm một cuộc sáng tạo mới nơi chính cuộc đời chúng ta.

Ý niệm con số 0 thời Covid cũng chỉ là ý niệm yêu thương vô vị lợi, ý niệm của lòng nhân ái và ý niệm của tình người tình Chúa trong mọi khốn cùng của phận người. Tất cả ý niệm con số 0 thời Covid đong đầy mối giao liên qua những hành động tầm thường nhưng mang một giá trị phi thường.

Phan Hiếu

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/vert-fut-38296451