Ý nghĩa Thập giá của Đức Giêsu

335
Ý nghĩa Thập giá của Đức Giêsu
2597737776_a1d0e3e6b2

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, cao điểm của năm phụng vụ. Chúng ta có nhiều thời gian để suy niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Trong bối cảnh đó, hơn bao giờ hết, thập giá được tôn kính như là biểu tượng chính yếu của các cuộc cử hành tuần thánh. Bởi thế, chúng ta cần tìm hiểu về ý nghĩa thập giá của Chúa Giêsu.

1- Thập giá là biểu tượng của tình yêu

Yêu là hiến ban chính mình. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian. Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13). Chúa Giêsu, Đấng chết trên thập giá, muốn minh chứng rằng Ngài yêu thế gian hơn cả, Ngài yêu thế gian hơn yêu chính mình. Nơi thập giá, Đức Giêsu chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta là một tình yêu ở dạng thức cao nhất – agape: yêu không điều kiện, yêu không giới hạn và tính toán. Trong cái nhìn đó, thập giá không phải là một thứ cơ chế đền bù theo nghĩa pháp lý. Thập giá cũng không phải là một bán án nói lên thái độ của một Thiên Chúa hà khắc, nghiệt ngã, đòi hỏi công bằng tuyệt đối mà không hề biết đến bao dung, và vì thế đòi hỏi phải sát tế con người, sát tế chính người Con của mình như một thời Kitô Giáo chịu ảnh hưởng sâu đậm bởi cách trình bày quá giản lược về thuyết đền bù mà thánh Anselm o Canterbury đưa ra. Kinh Thánh không hề trình bày thập giá như là một cơ chế đền bù theo nghĩa pháp lý, ngược lại là khác, thập giá là sự biểu lộ của Tình Yêu đến mức tận cùng, một Tình Yêu tự hiến trọn vẹn của Thiên Chúa[1].

2 – Thập giá là biểu tượng của hiến tế và cứu độ

Yêu là hiến tế, là hy sinh chính mình. Hiến dâng chính mình vì thiện ích của kẻ khác. Chúa Giêsu hiến dâng chính mình trên thập giá như là sự đền bù vì ơn cứu độ nhân loại.

Trong các tôn giáo lớn trên thế giới, đền tội thường có nghĩa là nỗ lực đền bồi của con người nhằm tái tạo lại mối tương quan với thần linh đã bị sức mẻ. Trong Tân Ước, vấn đề gần như hoàn toàn ngược lại. Không phải con người đến với Thiên Chúa và dâng lễ vật đền bù cho Ngài, mà là chính Thiên Chúa đến với con người và đền bù cho họ. Do sáng kiến của Tình Yêu đầy quyền năng, Thiên Chúa tái lập công lý bị tổng thương bằng cách cho con người bất chính được trở nên công chính, cho kẻ đã chết lại được phục sinh, bởi lòng thương xót đầy sức sáng tạo của Ngài. Tân Ước không nói rằng con người đã làm hòa lại với Thiên Chúa, dù chính họ phạm tội chứ không phải là Thiên Chúa. Trái lại Tân Ước viết: “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã cho thế gian được hòa giải lại với Người” (2Cr 5,19). Đây là điều chưa từng có, hoàn toàn mới mẻ, và chính điều này mới là khởi điểm cho cuộc đời Ki tô hữu và là trọng tâm của Thần Học Thập Giá trong Tân Ước: Thiên Chúa không chờ tội nhân đến để hòa giải với mình, ngược lại chính Ngài đến với họ trước để họ được hòa giải lại với Ngài[2].

Chúa Giêsu nói: “Khi nào tôi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên cùng tôi” (Ga 12.32). Chúng ta được cứu độ bởi Chúa Giêsu, Đấng đã chết trên thập giá vì chúng ta. Khi chúng ta làm dấu thánh giá, chúng ta ghi dấu thánh giá trên người và chúng ta tuyên xưng đức tin của chúng ta vào Thiên Chúa Ba Ngôi: Chúa Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúng ta cũng tuyên xưng rằng chúng ta được cứu độ bởi thập giá mà trên đó treo Đấng Cứu Độ thế giới. Vì thế, ta gọi Thứ Sáu, ngày Chúa Giêsu chết, là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Đây là ngày thứ Sáu tốt lành cho nhân loại vì Chúa Giêsu đã chết cho mọi người. Cái chết của Chúa cứu độ thế giới.

Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để trở thành của lễ luôn mãi vì ơn cứu độ chúng ta. Chúng ta đến tham dự thánh lễ, chúng ta hiến dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa Cha và Chúa Giêsu trở thành thành của ăn nuôi sống chúng ta. Ngài tiếp tục hiến mình vì thiện ích của thế giới. Đó là lý do tại sao bí tích Thánh Thể trên bàn thờ có cùng một giá trị với của lễ mà Chúa Giêsu đã dâng trên thập giá.

3- Thập giá là biểu tưởng của sự công chính hóa và vinh quang

Thập giá được gọi trong tiếng Latin là “in hoc signo vinces”, được dịch từ tiếng Hy lạp, có nghĩa là “nơi dấu chỉ này người sẽ chiến thắng”. Theo truyền thuyết, Hoàng Đế Constantine Cả đã nhận câu này như là câu khẩu hiệu sau khi ông thị kiến về chữ CHI RHO ghi ở trên trời chỉ trước khi cuộc chiến trên cầu Milvio chống lại Maxentius vào ngày 28 tháng 10 năm 312. Biểu tượng kitô giáo tiên khởi bao gồm một chữ viết lồng nhau gồm chữ Hy lạp chi (X) vàrho (P), hai chữ đầu có nghĩa là tên Chúa Kitô. Thời gian sau, chữ viết tắt JHS được ghép từ ba chữ đầu của từ tên Chúa Giêsu trong tiếng Hy Lạp (Ièsus Hagiator Sotèr) được Latin hóa và chữ “in hoc signo” từ truyền thuyết.

Chúa Giêsu trên thập giá trở thành người chinh phục toàn thế giới. Thập giá trở thành dấu chỉ quyền lực nhất của tình yêu. Chúng ta có thể thấy thập giá mọi nơi trên thế giới. Người ta mang thánh giá trên ngực. Người ta đặt thánh giá khắp mọi nơi. Người ta làm thánh giá bằng nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, nhựa, xi măng, vàng… và đặc biệt người ta yêu mến và tôn thờ thánh giá. Nhiều thể chế, nhiều chính quyền muốn loại bỏ thánh giá khỏi trường học, hoặc nơi công cộng, nhưng họ đều thất bại. Thập giá nơi treo Đấng Cứu Độ thế giới trở thành chiến thắng. Thập giá có thể khuất phục mọi trái tim dù đó là trái tim đầy thù hận và gian dối. Chúa Giêsu là Đấng cứu độ thế giới, hôm qua, hôm nay và mãi mãi.

Chúng ta yêu mến, tôn thờ Chúa Giêsu trên thập giá. Chúa đã chết vì ơn cứu độ của chúng ta. Chúng ta mang Tin Mừng cho mọi người chung quanh chúng ta và giới thiệu cho họ biết về thánh giá của Chúa Giêsu. Đây là dấu chỉ của tình yêu, của vinh quang và sự công chính.

 Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

 

[1] Cf. Joseph Ratzinger, Đức Tin Kitô Giáo Hôm Qua Và Hôm Nay, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 2009, tr. 302-303.
[2] Ibid., 304.