Bài suy niệm Tháng 1/2021
Ý NGHĨA CUỘC SỐNG
***
Bộ phim “Hành trình đi tìm lẽ sống” (Taste of cherry) của đạo diễn Abbas Kiarotami đã thực sự gây hứng thú cho hết thảy những khán giả đến tham dự liên hoan phim Cannes năm 1997.
Nội dung bộ phim thuật lại hành trình của một người đàn ông tên Baddi đã bỏ ra hai trăm ngàn tôman (tôman là đồng tiền Irắc) một tháng lương để thuê người làm việc cho mình với nhiệm vụ đến gọi ông vào mỗi buổi sáng khi ông nằm trong một cái hố trên sa mạc với ý định muốn tự tử. Nếu ông không dậy thì hãy dùng xẻng lấp đất, sỏi đá chôn vùi ông xuống hố.
Người thứ nhất được thuê là một anh lính trẻ. Khi thấy ông không dậy khỏi hố anh lính trẻ bỏ chạy, vì sợ hãi không đủ can đảm vùi lấp ông. Ngưới thứ hai được thuê là linh mục trung niên. Vị linh mục này thông hiểu thần học ở đại chủng viện nhưng chưa bao giờ trải qua những tình huống như vậy, nên cũng không đành đề ông tự tử vùi mình dưới hố. Baddi nói với vị linh mục: “Một lúc nào đó, con người sẽ không còn tin tưởng vào Thiên Chúa nữa, mà tự quyết định cuộc đời mình. Tôi biết tự tử là một tội ác tột cùng, nhưng một cuộc sống không có hạnh phúc cũng là một tội ác to lớn không kém. Khi chúng ta không hạnh phúc, chúng ta làm tổn thương đến những ngưới khác”.
Vị linh mục giải thích: “Những gì ông đòi hỏi này không phù hợp với ý Chúa nên tôi không thể giúp ông được”.
Người thứ ba được thuê là một ông già làm ở viện bảo tàng. Hiểu được những suy nghĩ của Baddi, ông giúp Baddi bỏ ý định tự tử. Bộ phim mở ra một khung cảnh rất ý nghĩa đó là khi rơi vào cảnh buồn chán, đau khổ, bế tắc, Baddi đã thắt sợi dây thòng lọng lên cây dâu chín mọng. Nếu đây là cách duy nhất để Baddi kết liễu cuộc đời mình thì nó quả thực cần thiết và rất nau lẹ. May mắn thay, khi Baddi vừa dơ tay kéo thòng lọng vào cổ thì bàn tay chạm vào những trái dâu chín mọng. Hái trái dâu nếm thử, đó là lần đầu tiên Baddi cảm nhận được sự ngọt ngào của những trái dâu mà nếu chết thì chẳng thể nào thưởng thức được. Chính hương vị của những trái dâu đã kéo Baddi trở về và tìm cho mình con đường sống, thoát khỏi mọi dằn vặt và đau khổ.
Người ta muốn chết không phải vì thiếu ăn, thiếu mặc nhưng vì thiếu niềm tin, thiếu lẽ sống, nhiều đau thương, gian truân, nhàm chán, vô nghĩa, thất vọng. Ở những nước văn minh, tiến bộ lại càng nhiều người tự tử. Nước Nhật Bản là một đất nước kinh tế phát triển, văn minh, hiện đại, giàu sang, đời sống xã hội tương đối tốt và mức sống cao, thế nhưng lại là nước hằng năm có nhiều người tự tử nhất trên thế giới. Họ rơi vào cơn “trống rỗng tâm linh” và muốn tự quyết định cuộc đời mình.
Lavallière, một nữ tài tử nổi tiếng, giàu có, tài ba, nhan sắc tuyệt vời. Cô ghi lại trong nhật ký: “Tôi cảm thấy tâm hồn buồn tràn trụa và khổ sở vô cùng, buồn khổ đến nỗi ý tưởng tự tử cứ ngày đêm ám ảnh tôi … Sau khi tôi tìm gặp Thiên Chúa, tin tưởng vào Chúa, Thiên Chúa đã sửa đổi tâm hồn tôi và tôi luôn được bình an, vui vẻ. Thiên Chúa chính là lẽ sống của đời tôi!”
Nhà triệu phú George Van Derbilt hưởng gia tài khổng lồ ba mươi triệu đôla. Ông buồn chán, thất vọng nhảy từ tầng mười của khách sạn Hopkins ở San Francisco đến tan xương nát thịt. Tiền tài đã đưa ông đến cái chết vô cùng thê thảm.
Nữ tài tử Marylim Monroe, cô có đủ mọi sự: tiền, tài, tình, sắc, cô đã kết thúc đời mình bằng cách tự tử. Đâu là ý nghĩa và mục đích của cuộc đời?
Cuộc đời con người ví như con thuyền lênh đênh trên mặt biển, có lúc êm xuôi, sóng yên, bể lặng, thuận buồm xuôi gió, bình an. Nhưng nhiều phen sóng gió bão táp, triều cường muốn nhận chìm con thuyền xuống lòng biển sâu thẳm … Đời người đầy thăng trầm, ba chìm, bảy nổi, chín lênh đênh, nước mắt nhiều hơn nụ cười … Đức Phật đã có lần phải thốt lên: “Đời là bể khổ, sinh, lão, bệnh, tử đều khổ!”. Vì thế, Đức Phật đã tìm con đường cứu khổ, giải thoát cho chúng sinh hết khổ.
Thiên Chúa muốn con người an vui hạnh phúc. Đạo Công giáo không chủ trương đau khổ. Đạo Công giáo là đạo của niềm vui, của yêu thương bác ái, đạo của sự phục sinh. Chính Đức Giêsu cũng phải qua đau khổ mới vào vinh quang phục sinh, hạnh phúc Thiên đàng.
Đời sống là một cuộc hành trình tìm kiếm, tìm kiếm sự khôn ngoan, chân lý, niềm vui, hạnh phúc và nhất là tìm kiếm Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có lời giải đáp thỏa đáng cho mọi thắc mắc, khó khăn của chúng ta. Trước thử thách, đau thương, khó khăn, gian khổ … chúng ta luôn tín thác vào Chúa và xác quyết Thiên Chúa luôn có kế hoạch của ngài cho tôi. Hãy kiên trì chờ đợi, Thiên Chúa luôn có những đáp án cho ta như trường hợp của Baddi.
Thánh Augustinô khuyên: “Giữa biển đời ngập tràn lo lắng, sầu khổ, hãy phó thác quá khứ cho lòng thương xót của Chúa, hiện tại cho tình yêu của Chúa và tương lai cho sự quan phòng của Chúa”.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn tin tưởng phó thác vào Chúa mọi phút giây cuộc đời vui buồn, sướng khổ, đau thương. Con không sợ đau khổ, nhưng khi con gặp khổ đau xin Chúa đừng bỏ con. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nam
Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục Bắc Ninh-Thủ Đức