Ý nghĩa của Thập Giá

363

Ý NGHĨA THẬP GIÁ

 

Trong lịch sử Kitô giáo, Thập giá đi liền với công cuộc Khổ nạn và Phục sinh của Đức Kitô, đã trở thành nguồn cội ơn cứu độ của Thiên Chúa và trở nên mẫu mực lời đáp trả của con người. Từ hình ảnh đơn sơ về một đứa bé đưa tay làm dấu Thánh giá cho đến chuyện kể về một vị thánh chiến đấu anh dũng theo gương Chúa Giêsu Khổ Nạn, cả hai đều cho thấy ý nghĩa muôn đời của Thập giá trong đời sống và hoạt động Kitô giáo.

Bằng nhiều hình ảnh bóng bẩy, người ta cố gắng tìm ra chiều sâu ý nghĩa Thập giá để đem áp dụng vào cuộc sống tâm linh. Chẳng hạn như nhìn Thập giá như hai cây gỗ đặt trái chiều nhau, cây chiều dọc tượng trưng thánh ý Chúa, cây chiều ngang là ý riêng con người, để nhận ra giá trị của việc hy sinh vác lấy Thập giá. Chẳng hạn như nhìn Thập giá như một chữ T còn Đấng chịu chết treo tựa hình chữ Y, để nhận ra Tình Yệu duy nhất không có tình yêu nào lớn hơn.

1. Thập giá trong đời sống Chúa Giêsu

Sự chết của Chúa Giêsu trên thập giá chỉ có thể hiểu được trong ánh sáng sứ vụ của Người. Thật vậy, Chúa Giêsu đã hiến thân mình để chu toàn sứ mạng Chúa Cha uỷ thác, là quy tự toàn thể nhân loại về dưới quyền thống trị của Cha. Dẫu trên bước đường rao giảng, Chúa Giêsu đã gặp phải những khước từ và chống đối, nhưng thay vì rút lui bỏ dở, Người vẫn một dạ trung thành, ngay cả trong những lúc khó khăn gia tăng dồn dập.

Phúc âm thứ tư đã nói tới sự vâng phục của Chúa Giêsu đối với Chúa Cha được thể hiện trong ý thức tròn đầy, đến độ như chính Thiên Chúa trong Đức Kitô thực hiện công cuộc cứu rỗi con người. (Ga 3, 17). Tất nhiên những khó khăn con người gây ra không ngăn cản được ý định cứu độ, nhưng Đức Giêsu vẫn tiếp tục hiến thân không mỏi mệt để chu toàn sứ mạng, ngay cả khi xem ra thất bại trên bình diện nhân sinh.

Nửa chừng đời sứ mạng, Đức Giêsu đã không úp mở báo trước kết cục bi thương trong đó Người sẽ phải chết bởi tay con người. Nhưng khi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải chết để chu toàn thánh ý cũng như khi hứa hẹn sẽ Phục sinh. Người mạc khải cho biết sự chết là một yếu tố chính yếu trong việc thể hiện chương trình cứu độ.

Các Tông đồ không hiểu điều này, nên khi đến giờ Thập giá, họ chua chát nhìn niềm hy vọng của mình bị sụp đổ. Chỉ khi đã được biến đổi nhờ biến cố Phục sinh và Hiện xuống, họ mới hiểu ra rằng Thập giá không gây cản trở cho việc chu toàn sứ vụ.

2. Thập giá trong đời sống Giáo hội

Trong Tân ước, người ta có thể nhận ra nhiều mức độ nhận thức về ý nghĩa Thập giá Đức Giêsu trong chương trình cứu thế.

Mức độ đầu tiên trong việc lãnh hội ý nghĩa sự chết của Đức Giêsu chính là lời chứng của các Tông đồ nhằm phi bác những lập trường chống lại sự Phục sinh. Nếu các địch thủ nêu lên việc Đức Giêsu đã bị kết án bởi Do Thái giáo và bị hành quyết trên Thập giá bi thương, thì các Tông đồ lo bênh vực bằng cách giải thích cho thấy Thập giá sở dĩ có là do sự gian ác của con người, nhưng lại phù hợp với thánh ý Chúa và đã được báo trước trong Cựu ước bởi các Tiên tri, cách riêng trong bài ca về người Tôi tớ đau khổ của Isaia.

Các thư Thánh Phaolô cho thấy mức độ thứ hai qua đó các Kitô hữu nhanh chóng khám phá ra nét phong phú của mầu nhiệm Thập giá Đức Kitô. Họ coi sự chết như của lể hoàn hảo khả dĩ chuộc lại tội lỗi và thiết lập một giao ước mới với Thiên Chúa. Bởi vì Đức Giêsu đã vâng lời Chúa Cha cho đến chết, nên Thập giá đã được tôn vinh như là biểu lộ tuyệt hảo về tình thương Thiên Chúa, và như là dụng cụ hữu hiệu của sự khôn ngoan và quyền năng Thiên Chúa hoà giải con người với Ngài.

Và tác giả thư Do Thái đã nêu lên mức độ thứ ba trong việc đón nhận Thập giá. Vì gắn liền với bản tính nhân loại của Đức Giêsu và hoàn tất trong cuộc khổ nạn, nên Thập giá đã khai mở một giao ước mới. Những đau khổ nhân loại được Đức Giêsu mang lấy đã biến Người nên vị Thượng Tế giàu tình thương, và sự chết của Người trên Thập giá đã thành của lễ hiến dâng vẹn toàn tồn tại mãi mãi nhằm thanh tẩy con người khỏi tội lỗi hầu kết hiệp với Thiên Chúa.

3. Thập giá trong đời kẻ tin

Nếu sự chết của Đức Giêsu trên Thập giá đã bộc lộ ý nghĩa và sức mạnh cứu rỗi, nhờ vào tình yêu trung tín vâng phục sứ mệnh Chúa Cha giao phó, thì mẫu gương của sự trung tín đến chết ấy cũng được khai triển trong đời sống của mỗi kẻ tin. Và hơn thế nữa, sự trung tín trong những đau khổ còn hàm chứa tính bí tích, quy hướng tới sự Phục sinh, vốn đem lại sự sống, ánh sáng và sức mạnh nhờ biết sống kết hợp với Thiên Chúa và kết hợp tích cực vào công cuộc cứu độ trần gian.

“Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác Thập giá mình mà theo Ta”. Đó là lời mời gọi Chúa Giêsu dành cho những kẻ muốn tiếp bước đi theo Người, để họ nhân ra điều kiện tiên quyết là phải hy sinh. Dù các nhà chú giải không thấy có sự liên hệ trực tiếp giữa Thập giá trong lời gọi này và Thập giá ngày thứ Sáu Tuần thánh, vì không được phép đi quá xa bản văn, nhưng không phải vì thế mà cho rằng ngữ vựng Thập giá ở đây không được thích hợp. Đơn giản, thập giá ở đây là hình bóng của những hy sinh từ bỏ thường xuyên trong đời kẻ tin.

Theo quan điểm của Phaolô, mọi Kitô hữu qua Bí tích Thánh tẩy, đều phải sống như người đã chịu đóng đinh vào Thập giá Chúa Giêsu, nghĩa là thông phần vào tình yêu và sự vâng phục của Chúa Giêsu trên Thập giá. Do đó, họ phải thường xuyên tự nguyện đóng đinh cho tính ích kỷ và chịu chết đi cho tội lỗi, để được tự do trên đường mến Chúa yêu người, cũng như trên hành trình đón nhận niềm vui và bình an của Chúa Kitô Phục sinh.

Khi đời sống Kitô hữu gặp phải khó khăn, họ nhìn lên Thập giá trước hết như một mẫu gương để học sống tinh thần tín trung yêu mến, và sau đó như một điểm tựa mà cậy trông tìm kiếm sức mạnh vượt thắng gian nan. Nếu theo nhãn giới thư Do Thái, Đức Giêsu đã nên hoàn hảo, tức là được tấn phong Thượng tế một lần thay cho tất cả, nhờ trải qua cuộc Khổ nạn và Phục sinh, thì Kitô hữu trong cộng đoàn dân tư tế cũng chỉ nên hoàn hảo nhờ sẵn sàng sống tinh thần hiến dâng với và trong Đức Kitô trên Thánh giá.

Tóm lại, hình thức và điểm nhấn linh đạo có thay đổi tuỳ theo mức độ nhận thức, nhưng cho đến muôn đời, Thập giá với Chúa Giêsu chịu đóng đinh vẫn mãi là cây sự sống rợp bóng trện đời tín hữu, bởi ở đó người ta nhận được ơn cứu độ, và cũng ở đó người ta nhận ra vinh quang mà Thiên Chúa muốn tỏ lộ cho loài người.

+ Gm. Giuse Vũ Duy Thống