Ý nghĩa của sự khó nghèo trong đời tu

161

Giáo Luật 1983, điều 600 đã nói rằng “lời khuyên Phúc âm về đức khó nghèo theo gương Đức Kitô là Đấng từ chỗ giàu sang đã trở nên nghèo khó vì chúng ta, ngoài một nếp sống nghèo khó trong thực tế và trong tinh thần, cần cù và đạm bạc, thanh thoát với của cải thế gian, còn bao hàm sự lệ thuộc và hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản chiếu theo duy tắc luật riêng của mỗi tu hội.”

Qua mô tả này của Giáo luật, chúng ta có thể thấy một vài nét tiêu biểu trong sự khó nghèo của đời tu. Thứ nhất, đó là một lối sống nghèo cả bên ngoài lẫn bên trong. Điều này có nghĩa là các tu sĩ phải tránh tất cả những hoang phí, xa xỉ bên ngoài, cũng như không được tìm kiếm sự thoải mái và sung túc cho bản thân. Không những phải từ bỏ những tiện nghi thái quá, những của cải vật chất, nhưng còn phải từ bỏ luôn cả khao khát có nó. Thứ hai, để có thể là một người nghèo thật sự, người tu sĩ phải chịu khó lao động và sống một đời sống thanh đạm, hài lòng với tất cả những gì mình có, không đua đòi, không chạy theo thời thượng, không cạnh tranh với xu thế thời đại. Thứ ba, họ không được dính bén của cải thế tục, không được tích trữ tài sản riêng cho mình, không để đồng tiền chi chối lối sống và hành động của mình. Cuối cùng, họ phải có tinh thần lệ thuộc vào cộng đoàn, hạn chế trong việc sử dụng và định đoạt tài sản, không được “xài xả láng”, muốn làm gì thì làm. Tóm lại, tinh thần chung của sự khó nghèo là tách mình ra khỏi của cải, tiện nghi vật chất bao nhiêu có thể để có được sự tự do mà hiến thân trọn vẹn phụng sự Chúa.

Nhưng đâu là mục đích và ý nghĩa của sự khó nghèo trong đời tu để người tu sĩ cố gắng thủ đắc?

Trước hết, đó là một sự noi gương Đức Giêsu khó nghèo một cách tự nguyện. Quả vậy, người tu sĩ không ghét bỏ sự giàu có, không chê bai bạc tiền, nhưng họ chọn lối sống nghèo để lòng mình không bị những cái hữu hình kiềm kẹp mà toàn tâm toàn ý phục vụ mọi lớp người theo gương Đức Giêsu năm xưa. Sự khó nghèo chỉ mang ý nghĩa tròn đầy khi nó được yêu mến và tự nguyện tuân giữ như một điều gì đó quý giá. Bằng không, đó chỉ là một sự gượng ép, cố gắng chịu đựng, ráng sống một cách chẳng đặng đừng. Rồi đến một lúc nào đó, khi có cơ hội, người đó sẽ tìm cách thủ đắc, thu vén lại những gì mình đã từ bỏ như một sự bù trừ. Sở dĩ người tu sĩ noi gương Đức Giêsu là vì họ thấy nét đẹp trong cái nghèo mà Ngài đã mang lấy. Đức Giêsu vốn giàu có nhưng đã muốn trở nên nghèo khó. Còn người tu sĩ thì vốn dĩ đã là kẻ nghèo hèn trước mắt Thiên Chúa và mọi người, nên việc sống nghèo dường như cũng chỉ là đón nhận và sống trọn vẹn ý nghĩa của thân phận mình. Tự nó chẳng có gì là to tát, nếu không muốn nói là chẳng là gì khi so sánh với sự từ bỏ của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn coi sự từ bỏ của người tu sĩ là một điều gì đó vô cùng đáng quý, hệt như một của lễ tinh tuyền dâng lên Ngài.

Cái nghèo giúp người tu sĩ tín thác vào Chúa hơn, không tìm cậy dựa nơi của cải vậy chất. Sự nghèo khó đưa người tu sĩ đến gần Chúa và xác tín rằng chỉ nơi Ngài, họ mới có thể tìm được nguồn vui và hạnh phúc đích thực. Tiền bạc, vật chất, tiền tài chỉ là gió thoảng mây bay, có đó rồi mất đó, chẳng phải là nơi trú ẩn an toàn. Dĩ nhiên, khi không có trong tay một nguồn tài chính đồ sộ kếch sù, người tu sĩ sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi, sẽ không được sung túc, bề thế như người khác, nhưng chính nhờ thế mà họ thấy mình được tự do nhiều hơn. Họ chẳng phải bận tâm chuyện làm giàu, chuyện làm sao để trữ tiền cho an toàn, phải sử dụng số tiền này sao cho thật “oách”. Có thể nói, trở nên nghèo là điều kiện đầu tiên để có thể theo Chúa Giêsu, giống như Ngài đã khuyên chàng thanh niên giàu có. Trở nên nghèo cũng có nghĩa là không ngại khó ngại khổ, và luôn sẵn sàng cho mọi sứ mạng được trao ban. Buông bỏ hết mọi sự là bước đầu tiên để bắt đầu tiến trình xây đắp sự hoàn thiện bản thân. Càng buông bỏ, người ta càng thấy mình được đầy ắp. Bởi thế, nói là nghèo nhưng các tu sĩ lại trở nên rất giàu có trong tâm hồn, họ chẳng khô cằn chút nào!

Việc từ bỏ để trở nên nghèo khó phải được đặt nền trên tình yêu Thiên Chúa để đi đến mục đích là chính Chúa. Về phương diện cá nhân, nghèo khó cũng hệt như chiếc bình rỗng, mở lòng đón nhận những ơn sủng dồi dào từ trời cao. Nó giúp người tu sĩ tránh mọi nguy cơ kiêu hãnh, xa hoa, tham lam, cho rằng mình thuộc một tầng lớp cao hơn những người khác. Khó nghèo giúp tôi luyện và tinh lọc cõi lòng. Con tim không còn bị vẩn đục bởi bao tính toán. Khó nghèo giúp người tu sĩ trở nên khiêm nhường hơn, hạ mình hơn, vì họ chẳng có gì trong tay để tự mãn, ngoại trừ thập giá Đức Kitô. Về phương diện tông đồ, khi trở nên khó nghèo, người tu sĩ sẽ trở thành tấm gương sáng cho tha nhân về một lối sống không bị thế giới vật chất ảnh hưởng và chế ngự. Người ta sẽ cảm thấy họ gần gũi với mình, là một thành phần trong cộng đồng của mình. Chính bản thân người tu sĩ cũng thấy mình dễ tạo tương quan với mọi người hơn. Vì cũng sống trong môi trường nghèo, người tu sĩ sẽ dễ đồng cảm với người nghèo, hiểu được tâm tư của họ và từ đó, họ sẽ nâng đỡ người nghèo một cách hiệu quả và thiết thực hơn.

Khó nghèo là lời khấn đầu tiên trong ba lời khấn. Ngoài những ý nghĩa giúp tu tâm dưỡng tính và hiệu quả trong việc tông đồ, nó còn giúp người tu sĩ ý thức rõ hơn về thân phận vốn dĩ là cát bụi của mình. Con người là một thụ tạo, mà thụ tạo có nghĩa là chẳng có gì, tất cả những gì mình có cũng là nhờ Tạo Hoá ban cho. Sự hiện hữu của con người là một sự vay mượn, nhờ lòng thương xót và trắc ẩn của Thiên Chúa. Sự khó nghèo đưa người tu sĩ vào tận cốt lõi của sự ý thức này, để giúp họ biết rằng mình vốn dĩ chẳng là gì trong trời đất, nhưng lại được chọn để trở thành loài quý giá nhất trong vũ trụ. Khi các tu sĩ tuyên lời khấn khó nghèo, họ như thể đang tuyên bố với mọi người và với Chúa rằng họ nhận ra và vui lòng ôm ấy thân phận thụ tạo của mình như một món quà, và chân nhận vị trí cốt yếu và bất khả thay thế của Thiên Chúa trong đời họ.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net