GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Ý nghĩa của đời sống cộng đoàn

Ý nghĩa của đời sống cộng đoàn

Bất cứ người Kitô hữu nào cũng được mời gọi sống cộng đoàn. Ngoài việc nó là bản chất của con người, đời sống cộng đoàn còn thể hiện sự hiệp thông mà Đức Giêsu đã nhiều lần mời gọi. Trong xã hội và Giáo Hội có nhiều hình thức sống cộng đoàn. Cộng đoàn Kitô giáo nói chung có hai khía cạnh chính. Thứ nhất, cộng đoàn được gọi là Kitô vì quy chiếu về Chúa Kitô, được xây dựng bởi Người và nương tựa vào Người, được linh động bởi Thánh Thần và sống giới răn tình yêu của Người. Thứ hai, cộng đoàn Kitô cử hành việc tôn thờ Thiên Chúa, ca tụng Người và những việc Người đã làm trong lịch sử Israel, trong lịch sử của Chúa Giêsu và tiếp tục trong Giáo Hội nhờ Thánh Thần. Sự hiệp thông với Thiên Chúa và với anh chị em luôn đi đôi với nhau, như thể đó là hai mặt của một tờ giấy.

Tuy nhiên, hình thức cộng đoàn triệt để được thể hiện trong cộng đoàn tu trì. Đây không phải là cộng đoàn gồm những sự tương hợp giữa tính tình hay tương quan tình bạn quy tụ các phần tử, như chúng ta đã nhiều lần đề cập đến, nhưng là một sự kết nối giữa những người có cùng một lý tưởng hiến thân. Cộng đoàn tu trì có tính phổ quát, theo nghĩa luôn mở rộng cho bất cứ ai được Chúa mời gọi sống như thế, theo khuôn khổ của những quy định được Giáo Hội chuẩn nhận. Cộng đoàn tu trìnhắm đến mục đích thể hiện lý tưởng Kitô giáo cách đặc biệtbao gồm những người độc thân, muốn cùng nhau thờ phượng Thiên Chúa trong một linh đạo riêng, có tổ chức riêng, sống tình huynh đệ phổ quát và cùng nhau làm việc tông đồ.

Ta có thể nói thế này, cộng đoàn tu trì là tập họp những con người được Chúa mời gọi để hiệp thông chia sẻ đời sống dâng hiến suốt cuộc đời, nơi đó, mọi tu sĩ được giúp đỡ cho việc thánh hoá cá nhân, chia sẻ và lắng nghe Lời Chúa, tìm ý Chúa. Đó cũng là nơi các tu sĩ sống đời phục vụ, liên đới và xả kỷ trong sự bình thường và giản dị của cuộc sống. Chính nơi môi trường cộng đoàn mà các tu sĩ hiện diện và đồng hành trong bước đường môn đệ, cùng chia sẻ sứ vụ. Nói cách khác, họ sống tư cách người môn đệ của mình trong môi trường cộng đoàn, vốn là nơi mà đức tin và tình yêu của họ dành do Đức Giêsu gặp nhau. Nhiều dòng đời khác nhau, do lý tưởng theo chân Chúa cách sâu xa thúc đẩy, họ giao điểm với nhau nơi cộng đoàn.

Cộng đoàn không là tập hợp nhiều người như những cá thể riêng biệt nhưng là hiệp thông các ngôi vị trong cùng một dự phóng Tin Mừng. Sự hiệp thông trong ngôi vị muốn nói đến tình thân ái, sự liên đới bền chặt như thể tuy là nhiều người nhưng họ trở thành một lòng một ý. Sự hiệp thông không phải là cào bằng, không phải là ai cũng giống như ai, một kiểu giống nhau đơn điệu như các sản phẩm được sản xuất. Mỗi người là một ngôi vị độc lập, một cá thể riêng biệt với những điểm đặc trưng riêng và bất khả thay thế. Nhưng họ không sống như một hòn đảo cô liêu. Tính cá thể đi vào trong tính tập thể nhưng không bị mất hút hay hoà tan. Tính tập thể không những không làm phương hại gì đến tính cá vị nhưng còn làm cho nó thêm đặc nét hơn. Cộng đoàn khác với một tập thể đơn thuần. Trong một tập thể đơn thuần, con người gặp nhau nhưng không ở lại với nhau. Cộng đoàn cũng khác một nhóm vốn là cái được quy tụ theo ý muốn và năng lực. Nếu mục đích thành lập không còn, nhóm cũng không tồn tại. Trong khi đó, cộng đoàn là một hoà hợp các ngôi vị. Các tương quan hình thành trong cộng đoàn không theo một mục đích ngoại tại nhưng hướng đến ngôi vị như một giá trị căn bản. Có thể nói thế này, cộng đoàn không phải là một tháp Babel, nơi người ta chỉ nói một ngôn ngữ nhưng là Lễ Ngũ Tuần, nơi Thánh Thần diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa, giúp người ta có nhiều tiếng nói mà vẫn hiểu được nhau.

Sở dĩ cộng đoàn có thể trở nên tuyệt vời như thế là vì nó không phải là sáng kiến cá nhân của ai đó, dù người đó có tài giỏi đến cỡ nào, nhưng là công trình của Thiên Chúa, xuất phát lời kêu gọi của Ngài và hành vi quy tụ của Ngài. Quả vậy, việc thành lập, duy trì và thăng tiến cộng đoàn là công trình của Thần Khí với sự cộng tác của chúng ta. Cộng đoàn sẽ mất đi ý nghĩa và sức sống của nó khi quên đi đặc tính thiêng liêng này. Nhìn đến sự phong phú của cộng đoàn, ta sẽ thấy ngay bàn tay hoạt động của Thiên Chúa. Nếu chẳng phải nhờ lý tưởng Giêsu thúc đẩy, chẳng có lý do gì ta phải chung chia cuộc sống của mình với những người ta không quen biết, phải tuân giữ các kỷ luật này nọ, phải thay đổi mình sao cho phù hợp với nếp sống chung. Nếu không nhờ ơn Thánh Thần thêm sức, ta sẽ chẳng thể nào chịu đựng được những con người rất khác biệt đối với ta, nếu không muốn nói là đối nghịch hoàn toàn, chỉ toàn mang đến cho ta những mệt mỏi. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều cộng đoàn được thành lập do nỗ lực của một vài người nào đấy, nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, nó đã không còn tiếp tục tồn tại được nữa. Sống với nhau vốn dĩ đã không phải là chuyện dễ dàng, sống với người mình không thích lại càng khó khăn hơn. Sống được với nhau, với những người mình không ưa, lại có thể cùng nhau thực thi những sứ mạng, rồi dần dần trở thành anh chị em của nhau, đó chỉ có thể là công trình của Chúa.

Tiếng gọi của Thiên Chúa là một huyền nhiệm, chẳng ai có thể dùng các phương tiện hay công cụ nào đó để xác định được. Chỉ có đương sự, khi bình tâm đi vào tận sâu trong con tim mình mới có thể nghe được và xác quyết. Tuy nhiên, để được khách quan và để tránh những ảo tưởng nơi một cá nhân nào đó, đời sống cộng đoàn đóng vai trò như một bài kiểm tra, giúp thanh lọc và giúp người ta nhận ra ơn gọi thật sự của mình. Có những dòng tu đòi hỏi đời sống cộng đoàn ở mức độ cao hơn những dòng khác. Cách sống đời sống cộng đoàn nơi mỗi linh đạo cũng có những nét riêng. Không thể dùng một tiêu chuẩn nào đó để đánh giá tất cả. Nhưng người nào không thể sống cộng đoàn, chuyển đi đâu cũng có vấn đề với người khác thì chắc là cần phải coi lại đời sống tu và ơn gọi của mình, kể cả mức độ thực thi những lời khấn. Chúa không bao giờ mâu thuẫn với chính mình. Nếu Ngài đã gọi một người vào đời tu, Ngài cũng sẽ giúp người đó sống được những điều kiện mà đời tu đòi hỏi. Bởi vậy, nếu người ta luôn gặp trục trặc với một hay nhiều điều kiện của đời tu, trong đó có đời sống cộng đoàn, thì có lẽ câu trả lời cho vấn đề người đó có ơn gọi dâng hiến hay không đã trở nên quá rõ ràng.

Pr. Lê Hoàng Nam, SJ

dongten.net

Exit mobile version