Ý nghĩa các bài đọc Chúa nhật Mùa vọng

94


Bible and Candle_largePhilippe Rouillard

Collège Saint-Anselme (Roma)

Nouvelles Assemblées du Seigneur, số 4, tr. 4-17

Khi so sánh hai sách bài đọc trước và sau cải cách phụng vụ, chúng ta sẽ thấy sự phong phú của các bài đọc Chúa Nhật Mùa Vọng. Theo sách cũ, mỗi Chúa Nhật chỉ có 2 bài, vị chi cả bốn Chúa Nhật là 8 bài; trong khi đó, sách mới có 3 loạt (năm A, B, C) 3 bài dành cho 4 Chúa Nhật, vị chi cả thảy là 36 bài. Nếu không có sự hướng dẫn, một sự phong phú như vậy có nguy cơ làm phân tán tâm trí của người Kitô hữu, dầu là thừa tác viên hay thính giả bình thường của Lời Chúa. Trước khi trình bày mối liên hệ chặt chẽ giữa các bài đọc, thiết nghĩ nên nhắc lại nguồn gốc cũng như chu kỳ phụng vụ mà người ta gọi là Mùa Vọng này.

  1. LỊCH SỬ MÙA VỌNG

Mùa Vọng” là tên gọi tiếng Việt của mùa phụng vụ mà tiếng Pháp gọi là “Avent” (tiếng Anh là “Advent”), có nguồn gốc từ tiếng Latinh là Adventus (Ad-venir) có nghĩa là “sự đi đến”. Trong bản dịch Vulgate (bản Phổ Thông), người ta dùng từ adventus để dịch từ Hy Lạp parousia có nghĩa là cuộc quang lâm vinh hiển của Thiên Chúa vào ngày tận thế (Mt 24, 3.27.37.39; 1 Cr 15, 23; 2 Tx 2, 8); adventus cũng được dùng để dịch từ epiphaneia có nghĩa là “hiển hiện, tỏ mình” (1 Tm 6, 14; 2 Tm 4, 1.8; Tt 2, 13). Như thế, ngữ vựng này mời gọi chúng ta xem thời gian Mùa Vọng không phải là chờ đợi hay trông mong mà đúng hơn là thời gian Chúa đến hay hiển hiện, nhấn mạnh trên đặc tính vinh hiển của “việc Thiên Chúa tỏ mình” (épiphanie)[1]. Đồng thời với việc chuẩn bị cho ngày lễ Chúa Giêsu hạ sinh làm người, Mùa Vọng cũng cử hành việc Chúa Giêsu đến cách vinh hiển, kéo dài trong 4 tuần.

Thế nhưng lịch sử của Mùa Vọng và các bản văn được lựa chọn trong sách bài đọc có nói đến những ý nghĩa dựa trên từ vựng này không? Lịch sử Mùa vọng rất phức tạp trong các phụng vụ khác nhau của phương Tây. Chúng tôi chỉ nêu lên vài điểm đáng chú ý.

Trào lưu thứ nhất xuất hiện tại Tây Ban Nha vào thế kỷ thứ IV chứng thực có một thời gian sống khắc khổ tinh thần phụng vụ trải dài từ ngày 17 tháng Mười Hai cho đến ngày 6 tháng Giêng, ngày lễ Hiển Linh. Trong ba tuần lễ này, Công Đồng Saragosse (năm 380) khuyên các tín hữu năng đến nhà thờ và thực hành khổ hạnh. Nhưng mục đích thật sự của thời gian này là chuẩn bị cho bí tích rửa tội được cử hành vào ngày lễ Hiển Linh. Và người ta đã nhầm lẫn khi nhìn thấy trong “nguỵ mùa vọng” (pseudo-avent) này một sự chuẩn bị để cử hành lễ Noël, và chính vì sai lầm này mà đôi khi người ta gọi đây là “mùa chay của lễ Noël” (carême de Noël).

Ở Đông phương, Công Đồng Êphêsô (năm 430) đã tôn vinh thiên mẫu tính của Đức Maria và việc cử hành ngày sinh hạ làm người của Con Thiên Chúa. Trong bối cảnh này, các tuần lễ trước hai ngày lễ Noël và Hiển Linh tạo nên một thời gian suy tư chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến và ơn cứu rỗi được thực hiện bằng việc thần thánh hoá bản tính nhân loại. Hai ngày lễ không đủ để chiêm ngưỡng mầu nhiệm khôn dò này, phụng vụ Đông phương tăng thêm bốn hoặc năm tuần để ngợi ca các biến cố chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế hạ sinh, các nhân vật đóng vai trò quyết định trong sự chuẩn bị này – trước hết là Gioan Tẩy Giả, Đức Trinh Nữ Maria và các thánh của Cựu Ước mà một bài thánh ca Byzantin mời gọi “nhảy múa để ca ngợi ngày Giáng Sinh của Đấng Cứu Thế” – rốt cuộc thì thế giới cũng đã được biến đổi vì có Thiên Chúa làm người cư ngụ trong đó[2].

Tại Roma, mãi đến thế kỷ thứ VI thì Mùa Vọng mới hình thành. Mùa phụng vụ này sáp nhập tuần Bốn Mùa của mùa Đông (bên cạnh chu kỳ hằng năm, Phụng vụ Roma có một tuần theo chu kỳ các mùa xuân, hạ, thu đông gọi là Quatre-Temps), nguyên thuỷ của tuần lễ này không liên hệ gì với ngày lễ Noël; đàng khác, thời gian sáu tuần này (sau giảm xuống còn bốn tuần) khi thì được gọi là De adventu Domini khi thì gọi là Ante Natale Domini. Trong các sách phụng vụ thế kỷ VII, các thánh lễ Mùa Vọng nằm ở phần phụ lục, xếp sau các thánh lễ kính nhớ các vị thánh, và vào thế kỷ VIII – IX thì Mùa Vọng nằm ở đầu năm phụng vụ. Sự ngần ngại về tên gọi cũng như về vị trí của các thánh lễ Mùa Vọng này nói lên sự lúng túng về ý nghĩa của thời gian này: là cử hành cuộc Quang Lâm vinh hiển của Đức Kitô theo chu kỳ phụng vụ hằng năm hay là sự chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh? Chắc chắn rằng sự mơ hồ này là cố ý vì nó mời gọi nhìn thấy trong thời gian này vừa là sự cử hành phụng vụ hằng năm ngày hạ sinh lịch sử của Đức Giêsu vừa là ngày Quang Lâm sẽ đến. Thế rồi tinh thần suy lý – hay đúng hơn là tinh thần Roma thái quá – đã có khuynh hướng giảm thiểu ý nghĩa phụng vụ thành việc tưởng nhớ đến ngày Giáng Sinh tại Bêlem, làm cho bốn tuần Mùa Vọng đơn giản chỉ là chuẩn bị cho ngày lễ này. Như thế, Mùa Vọng trở thành mùa chờ đợi lễ Noël. Phát minh và phổ biến hang đá vào thế kỷ thứ XIII đã đáp ứng được cảm tính dễ dãi này cũng như thu hẹp ý nghĩa của Mùa Vọng.

Ngày nay, chúng ta hiểu biết hơn về truyền thống cũng như ý nghĩa đa chiều của Mùa Vọng. Xin đan cử hai văn bản chính thức của cuộc cải cách phụng vụ. Vào năm 1963, Hiến chế về Phụng Vụ của Công Đồng Vatican II nói rằng: “Giáo Hội còn phô diễn trọn mầu nhiệm Chúa Kitô qua chu kỳ một năm, từ Nhập Thể, Giáng Sinh đến Thăng Thiên, Hiện Xuống, sự mong đợi niềm hy vọng hồng phúc và ngày Chúa lại đến”[3]. Theo sát từng chữ của bản văn, ta có thể tin rằng Mùa Vọng trong năm phụng vụ là cách cử hành sự đợi chờ ngày Đức Kitô đến và niềm hy vọng gắn liền với ngày này, không nói gì đến lễ Noël. Sự giải thích một chiều này dường như không chính xác cho lắm. Thật vậy, cuốn Quy tắc của năm và lịch phụng vụ (số 39) xuất bản tại Roma năm 1969 nhìn nhận rằng Mùa Vọng có hai ý nghĩa: “Đó là thời gian chuẩn bị cho lễ Noël, lần đầu tiên Con Thiên Chúa đến với con người; đó cũng là thời gian mà qua việc tưởng nhớ này, tâm trí chúng ta hướng về lần đến thứ hai của Chúa vào ngày tận thế”. Như chúng ta sẽ thấy, tính đa nghĩa này phù hợp với thực tại phụng vụ và đặc biệt là giáo huấn của các bài đọc thánh lễ Chúa Nhật.

  1. CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT

Lướt qua sách bài đọc các thánh lễ Chúa Nhật Mùa Vọng, lập tức ta có vài nhận xét. Mỗi thánh lễ gồm có bài đọc thứ nhất trích từ một sách tiên tri, đặc biệt là tiên tri Isai được sử dụng 7 bài trong tống số 12 bài. Bài đọc thứ hai phần lớn trích từ các thư của Thánh Phaolô. Bài Tin Mừng sử dụng Thánh Matthêu cho năm A, Thánh Marcô cho năm B (được bổ sung bằng hai bài đọc của Gioan và Luca), và Thánh Luca cho năm C. Như vậy, mỗi thánh lễ trình bày một lời loan báo của ngôn sứ, một giáo huấn luân lý của thánh tông đồ và cuối cùng là một diễn từ hay một trình thuật Tin Mừng.

CÁC BÀI ĐỌC CHÚA NHẬT MÙA VỌNG

Năm A Năm B Năm C
CN I Is 2, 1-5 Is 63, 16 … 64, 7 Gr 33, 14-16
Rm 13, 11-14 1 Cr 1, 3-9 1 Tx 3, 12…4, 2
Mt 24, 37-44 Mc 13, 33-37 Lc 21, 25…36
CN II Is 11, 1-10 Is 40, 1…11 Br 5, 1-9
Rm 15, 4-9 2 Pr 3, 8-14 Pl 1, 4…11
Mt 3, 1-12 Mc 1, 1-8 Lc 3, 1-6
CN III Is 35, 1…10 Is 61, 1-11 Xp 3, 14-18
Gc 5, 7-10 1 Tx 5, 16-24 Pl 4, 4-7
Mt 11, 2-11 Ga 1, 6…28 Lc 3, 10-18
CN IV Is 7, 10-14 2 Sm 7, 1…16 Mk 5, 1-4
Rm 1, 1-7 Rm 16, 25-27 Dt 10, 5-10
Mt 1, 18-24 Lc 1, 26-38 Lc 1, 39-45

Xét về nội dung các bài đọc, đặc biệt là các bài Tin Mừng, chúng ta thấy rõ ràng mỗi một Chúa Nhật trọn ba năm A, B, C đều có một chủ đề đặc thù[4]: tỉnh thức trông chờ ngày trở lại của Chúa (Chúa Nhật I); Lời khẩn cấp mời gọi hối cải của Gioan (Chúa Nhật II); Đấng Tiền Hô làm chứng cho Đức Giêsu (Chúa Nhật III); cuối cùng là việc loan báo cho Thánh Giuse và Đức Maria về sự sinh hạ của Chúa Giêsu (Chúa Nhật IV). Tôn trọng cấu trúc của sách bài đọc Chúa Nhật Mùa Vọng, chúng ta lần lượt bàn về chủ đề của mỗi Chúa Nhật …

Chúa Nhật thứ I: Chờ đợi trong tỉnh thức

Tin Mừng 

Ba đoạn Tin Mừng Chúa Nhật I được trích từ phần cuối của “diễn từ cánh chung” nhấn mạnh về sự tỉnh thức vì Con Người đến bất ngờ. Mỗi đoạn trong các sách Nhất Lãm này đều mang đặc tính riêng của mình. Matthêu (năm A) nhấn mạnh đến hiệu quả của sự bất ngờ và kêu gọi hãy sẵn sàng Marcô (năm B) nhấn mạnh đến sự kiên trì chờ đợi và sự tỉnh thức không mệt mỏi của người Kitô hữu. Luca (năm C) dùng ngữ vựng biểu tượng của khải huyền để khuyên nhủ tín thác và hy vọng: ngày Chúa đến không phải là ngày huỷ diệt nhưng là giải thoát, ngày các tín hữu ngẩng đầu lên. Trên thực tế, sự lựa chọn ba bài đọc hướng về ngày Quang Lâm này mời gọi chúng ta xem ngày Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng như là ngày cuối cùng của năm phụng vụ.

Các thư

Cách nhìn này lại được củng cố bằng ba bài đọc trích các thư Thánh Phaolô. Đoạn Rm 13, 11-14 (năm A) khẳng định Ngày của Chúa đã đến gần, đêm thời gian sắp tàn. Cách giải thích luân lý của sự chuyển giao từ bóng đêm sang ánh sáng thật thích đáng. Ta đừng quên rằng cách giải thích luân lý này dựa vào sự trông đợi cánh chung. Cũng vậy, trong 1 Cr 1, 3-9 (năm B), thái độ trung tín, kiên trì, nhận biết những ân huệ của Chúa Thánh Thần được trình bày trong viễn tượng khải huyền (apocalypsis) của Chúa và Ngày của Chúa. Đề cập đến việc Chúa đến với tất cả các thánh nằm trong đoạn 1 Tx 3, 12 – 4, 2 (năm C): viễn tượng cánh chung kêu mời các tín hữu sống “không gì đáng chê trách” cho đến ngày cuối cùng. Ngày nay ta phải hiểu thế nào về những lời khuyên nhủ phải tỉnh thức và kiên trì này? Phải chăng nó đã trở nên cổ lỗ sĩ vì ngày nay chẳng mấy ai tin vào sự cận kề của ngày Đức Kitô trở lại? Trái lại là đàng khác, chúng ta tin vào giáo huấn hiện thực này hơn bao giờ hết. Trong một thế giới hướng về tương lai, một thế giới thay đổi từng ngày và như vậy nói lên sự bấp bênh của hiện tại thì người tín hữu không chỉ là một người trông chờ mà còn là người hy vọng. Như thế cũng không thừa khi thấy mình đứng trước xác quyết này: tương lai nằm trong tay Chúa và ngày cuối cùng sẽ là sự tỏ hiện rực rỡ của Đức Kitô, Đấng mà hiện giờ vẫn còn ẩn mặt.

Cựu Ước

Ba bài đọc Cựu Ước của Chúa Nhật thứ nhất không được chọn theo Tin Mừng như các ngày lễ Chúa Nhật thường niên mà diễn tả cách thơ mộng niềm hy vọng của Israel và qua đó nói lên niềm hy vọng của nhân loại. Is 2, 1-5 (năm A) loan báo sự tập họp mọi dân tộc trong hoà bình. Is 63-64 (năm B) mơ tưởng về một Thiên Chúa xé trời ngự xuống với con người. Gr 33, 14-16 (năm C) loan báo sự thiết lập một vương quốc có công bình ngự trị. Có hai cách hiểu các bản văn này: hoặc là hiểu rằng những lời tiên tri cứu thế này đã được Đức Kitô bắt đầu thực hiện, hoặc là qua trường hợp đặc thù của dân tộc Israel, ta nhận thấy ở đây niềm hy vọng của mọi người ở mọi thời, một giấc mơ không tưởng nhưng cần thiết rằng một ngày nào đó ta sẽ đi đến một thế giới mà chỉ có công lý và hoà bình ngự trị, ta tìm lại thiên đàng đã mất là tầng trời cao hạ xuống gian trần. Trước những cách hiểu khác nhau này, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng trông giống như là Chúa Nhật cuối cùng của chu kỳ phụng vụ. Trước một chân trời mãi tít đàng xa, con người mơ về nền công bình và hoà bình phổ quát, những thế giới không tưởng (utopie) cuối cùng rồi cũng sẽ được thực hiện; và người tín hữu nhắc nhớ lại những thực tại mầu nhiệm nhưng chắc chắn về Sự Quang Lâm của Đức Kitô trong vinh quang.

Chúa Nhật thứ II: Gioan Tẩy Giả rao giảng sự hối cải

Với Chúa Nhật này, chúng ta bước vào lịch sử: những tiên báo trong Cựu Ước bắt đầu thực hiện và giấc mơ của nhân loại trở thành hiện thực. Chính hôm nay chúng ta nghe “khởi đầu Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô” (Mc 1, 1)

Tin Mừng 

Người loan báo Tin Mừng này là Gioan Tẩy Giả, nhân vật trọng yếu của phụng vụ Mùa Vọng, hiện diện trong các Chúa Nhật thứ hai và thứ ba. Một nhân vật bí ẩn, khó hiểu, một ngôn sứ đầy tràn Chúa Thánh Thần mà người ta phải đi vào hoang mạc để tìm kiếm cũng như thắc mắc về căn tính của ngài, đó là Đấng Tiền Hô Gioan và ngài không ngừng nói với chúng ta rằng: “Giữa anh em có một người mà anh em không biết” (Ga 1, 26). Lời mời gọi đi xa hơn này có thể là bản tóm của sứ điệp Mùa Vọng. Trong Chúa Nhật thứ hai này, Gioan Tẩy Giả lớn tiếng với những ai nghe mình: “Hãy hối cải vì nước trời đã cận kề”. Ba bài Tin Mừng đều lấy từ các Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 3, 1-12; Mc 1, 1-8; Lc 3, 1-6), thuật lại sự rao giảng hăng say của Đấng Tiền Hô, kêu mời hối cải và cuối cùng là loan báo sẽ có một đấng quyền năng hơn sẽ rửa tội trong Chúa Thánh Thần. Gioan Tẩy giả rao giảng chủ yếu về sự chuẩn bị và hối cải: vị ngôn sứ không bằng lòng loan báo những gì sắp xảy ra, ngài muốn biến đổi các thính giả để họ có thể đón nhận Đấng Cứu Thế và biến cố cứu độ.

Các thư

Các Tin Mừng của ngày hôm nay song song với nhau, tuy nhiên, các bài đọc thứ hai lại khác nhau. Một nhà chú giải nói về đoạn Rm 15, 4-9 (năm A): “Sáu câu tạo này tạo nên ba mảnh rời rạc … Ta chỉ tốn thời gian để tìm ra một ý tưởng thống nhất ở đây”[5]. Nếu đoạn này, được đọc ngày Chúa Nhật thứ 3 và 4 Mùa Vọng trong các phụng vụ xa xưa, được giữ lại trong sách bài đọc mới của Mùa Vọng, chính bởi vì nó trình bày Đức Kitô như là Đấng đến để cứu rỗi mọi người, Do Thái cũng như dân ngoại (cc. 8-9). Trái lại, bản văn 2 Pr 3, 8-14 (năm B) lại hoàn toàn thích hợp với Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng. Một đàng, nó loan báo sự kiên nhẫn của Thiên Chúa đã cho mọi người có đủ thời gian hối cải theo lời mời gọi của Tin Mừng trong ngày. Đàng khác, nó lạc quan nói đến ngày Chúa đến với những hạn từ rất gần với những gì mà ta gặp thấy trong 1 Cr 1, 3-9 và 1 Tx 3, 12 – 4, 2. Chính vì hai lần đề cập đến Ngày của Chúa đã giải thích và biện minh cho việc lựa chọn đoạn Pl 1, 4-6.8.11 (năm C). Như các bản văn trước, đoạn này nói lên mối bận tâm của vị Tông đồ muốn nhìn thấy các tín hữu “không tì vết và không gì đáng trách” vào Ngày của Chúa. Đừng quên rằng “ngày” này trước hết muốn nói đến ngày Quang Lâm vinh hiển, thế nhưng nằm trong bối cảnh mùa phụng vụ, ta cũng có thể nghĩ rằng nó nhắc đến ngày Giáng Sinh tưởng niệm việc Con Thiên Chúa đến bằng xương bằng thịt: sự chuẩn bị cho lễ Noël tạo thành một giai đoạn cũng như một phương tiện chuẩn bị cho Ngày Đến cuối cùng.

Cựu Ước    

Bài Cựu Ước trong Chúa Nhật này: lời tiên tri của Is 40: “Hãy sửa sang con đường của Chúa trong hoang mạc …” rõ ràng được các Tin Mừng ngày hôm nay trích dẫn. Không có gì bất tiện khi đọc bản văn tuyệt vời này mỗi năm. Tuy nhiên, người ta muốn dành nó cho năm B và dùng những đoạn tuyên sấm khác cho các năm A và C. Is 11, 1-10 (năm A) là một trong những đoạn hay nhất trong “Sách về Emmanuel” (Is 7-12) loan báo một dòng dõi của Đavít sẽ đến, Chúa Thánh Thần sẽ ngự trên Ngài và Ngài sẽ thiết lập một vương quốc công bình và hoà bình mang dấu vết thiên đàng. Chúng ta gặp lại ở đây sự pha trộn giữa niềm hy vọng và sự không tưởng (utopie) có trong các bài đọc thứ nhất của Chúa Nhật trước. Đoạn Br 5, 1-9 (năm C) được chọn vì có câu 7: “Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có từ lâu đời, phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu”, câu này vang vọng lời loan báo của Is 40, 3-4 mà Tin Mừng hôm nay nhắc lại. Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng, tập trung vào sự rao giảng của Gioan Tiền Hô, và như vậy có thể được xem như là Chúa Nhật của sự chuẩn bị, bắt đầu lên đường hay hối cải về với Đấng xuất hiện ở cuối chân trời như là Đấng Cứu Thế. Các bài đọc chưa nói gì về Giáng Sinh hay Nhập Thể. Nhưng các ngôn sứ từ Isai cho đến Gioan Tẩy Giả đã loan báo về Đấng Cứu Thế sẽ đến khai mở thế giới mới này cũng như xã hội mới mà con người luôn mơ tưởng.

Chúa Nhật thứ III: Gioan Tẩy Giả  làm chứng cho Đức Giêsu

Nhân vật Gioan Tẩy Giả vẫn còn thống trị toàn thể phụng vụ Chúa Nhật thứ ba, 3 bài Tin Mừng dành riêng cho ngài. Tuy nhiên, một chủ đề phụ đã trở thành truyền thống cho ngày này trong phần lớn các phụng vụ Tây phương và đã gợi hứng cho việc lựa chọn nhiều bài đọc: đó là niềm vui.

Tin Mừng 

Các Tin Mừng không còn trình bày Gioan Tẩy Giả như người kêu gọi hối cải nữa mà là người làm chứng cho Đức Giêsu. Câu chuyện được thuật lại trong Mt 11, 2-11 (năm A) nằm ở cuối cuộc đời của Gioan, ông bị cầm tù theo lệnh của Hêrôđê. Dầu cho Gioan tra vấn Đức Giêsu với ý hướng nào đi chăng nữa[6], câu hỏi của ông cũng thật sự thôi thúc Đức Kitô tự tỏ mình: Ngài đã cho người mù được sáng mắt, mở tai cho người điếc, chữa lành con người khỏi những gì ngăn cản họ sống, và như thế là đã thực hiện lời tiên tri cứu thế của Is 35, 5-6 được đọc trong ngày này. Năm B, Tin Mừng Marcô không có đoạn liên quan đến Gioan Tẩy Giả, và người ta phải tìm đến Tin Mừng Gioan được cắt dán khá đột ngột các từ các câu 6-8 và 19-28 của chương 1: đoạn trước là những xác quyết thần học trích từ “Lời Tựa” (Prologue): “Ông không phải là ánh sáng nhưng ông đến để làm chứng cho ánh sáng”; đoạn tiếp theo sau đó mang vẻ giai thoại. Phải đọc như thế nào để cảm nhận được sự khác biệt này. Lưu ý rằng trong đoạn này có một câu cảnh báo mà chỉ mình tác giả Tin Mừng thứ tư đặt vào môi miệng của Vị Tiền Hô: “Ở giữa anh em có một người mà anh em không biết”. Bài đọc Lc 3, 10-18 của năm C tiếp nối bài đọc của Chúa Nhật trước (3, 1-6). Người ta chỉ bỏ các câu 7-9: “Nòi rắn độc kia …” có thể là vì quá cứng rắn. Gioan Tẩy Giả xuất hiện ở đây như chứng nhân của công lý và tinh thần vị tha, giảng dạy những cách hành xử đúng đắn. Nhưng trước hết là chứng nhân cho Đức Kitô, Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần và Lửa. Sau khi đọc và tiếp cận cả sáu trình thuật có liên quan đến Gioan Tẩy Giả, ta có ấn tượng về sự rắn rỏi và mạnh mẽ, sự ngay thẳng và đòi hỏi của con người đầy tràn Thánh Thần này, vị ngôn sứ đã đóng ấn cho việc làm chứng nhân của mình bằng cuộc tử đạo. Khi trình bày Gioan Tẩy Giả như là nhân vật chính của Mùa Vọng, hướng dẫn viên dẫn đầu đoàn lữ hành nhân loại đến gặp gỡ Đức Kitô, phụng vụ dẫn đưa chúng ta nhận thức đúng về Đấng mà chúng chờ đợi và cử hành việc ngài đến. Nằm trong máng cỏ không chỉ là một trẻ thơ nhưng là Thiên Chúa đến làm phép rửa cho thế gian trong Thánh Thần và Lửa, là Đấng Cứu Thế đến để lôi kéo loài người ra khỏi chứng bại liệt và đui mù, Vị Chủ Tể đến để thiết lập một vương quốc công lý và hoà bình.

Hai bài đọc khác (Cựu Ước và Tân Ước)

Các bài đọc khác của Chúa Nhật hôm nay triển khai chủ đề niềm vui, mặc dầu thỉnh thoảng cũng còn thấy chủ đề về ngày Chúa đến. Trong năm A, lời tiên tri của Is 35, 1-10 đã dùng những từ ngữ thi ca để nói lên sự hân hoan của những người được Thiên Chúa cứu thoát. Chúng ta đã nói đến mối liên hệ giữa các câu 5-6 trong bài đọc này với câu 5 của bài Tin Mừng trong ngày. Thư của Thánh Giacôbê (5, 7-10) khuyên hãy kiên tâm chờ đợi ngày Chúa đến: một lần nữa, ta cũng đành phải nhìn nhận rằng bài đọc thứ hai mặc dầu tự thân rất có giá trị nhưng cũng chẳng ăn nhập gì với tính liên tục giữa bản văn Cựu Ước và bài Tin Mừng. Bài đọc Is 61, 1-2a.10-11 của năm B, nhờ cắt bỏ các câu 2b-9, đã tiếp cận được với chủ đề Đấng Cứu Thế và niềm vui. Phải phân biệt phần đầu (1-2a) là lời người được Thiên Chúa sai đến còn phần hai (10-11) là lời đáp của cộng đoàn. Phải đọc làm sao để mọi người nhận ra điều đó bằng không thì ý nghĩa của bản văn bị thay đổi hoàn toàn. Trình thuật 1 Tx 5, 16-24 được chọn vì lời kêu mời hãy vui mừng và có đề cập đến việc Chúa đến (adventus). Thánh vịnh nhỏ trong Xp 3, 14-18 (năm C) là lời kêu mời hãy vui lên vì sự hiện diện của Thiên Chúa đồng thời cũng là Đấng Cứu Thế. Bản văn Pl 4, 4-7 mời gọi vui lên vì Chúa sắp đến. Trong tư tưởng của Thánh Phaolô, rõ ràng ngài muốn nói đến sự trở lại vinh hiển của Chúa; Phụng vụ cũng muốn dùng đoạn này để nói đến ân sủng tuôn tràn trong ngày Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng cũng khó tìm được mối liên hệ khách quan giữa hai bài đọc và bài Tin Mừng trong ngày.

Chúa Nhật thứ IV: Loan báo việc sinh hạ  của Chúa Giêsu 

Phụng vụ Mùa Vọng không bận tâm theo dõi các biến cố đúng với trình tự thời gian: sự việc Gioan Tẩy Giả đi rao giảng trong các Tin Mừng Chúa Nhật thứ 2 & 3 rõ ràng xảy ra sau sự loan báo về ngày sinh hạ của Chúa Giêsu mà Chúa Nhật thứ 4 đề cập đến. Thật vậy chỉ trong Chúa Nhật cuối cùng của Mùa Vọng, các bài đọc mới hướng chúng ta đến mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh mà ngày lễ Noël là sự hiện thực trong lịch sử. Để thật sự cử hành lễ Noël, cần phải chuẩn bị bằng sự hoán cải tương tự với điều mà Gioan đòi hỏi và, trong cuộc sống hằng ngày, nỗ lực khám phá giữa chúng ta có một Đấng mà chúng ta đã biết nhưng còn rất ít hoặc chúng ta khó nhận ra Ngài khi Ngài tỏ mình cho chúng ta không phải trong cảnh trí trang hoàng rực rỡ của ngày Noël nhưng là trong người anh em hay trong một biến cố bất ngờ.

Tin Mừng 

Ba bài Tin Mừng trong ngày này là ba trình thuật về sự loan báo: các sứ giả của Thiên Chúa hoặc bà Elisabeth loan báo về sự sinh hạ của đứa trẻ do Đức Maria sinh ra, trẻ này đồng thời cũng là Con Thiên Chúa. Hình ảnh chính trong ba trình thuật này là Đức Maria. Ngay cả khi Mẹ không cất lời thì những nhân vật phụ cũng quy hướng về Mẹ, và chúng ta phải học theo Mẹ để suy niệm mầu nhiệm Giáng Sinh. Lời loan báo cho Giuse trong Mt 1, 18-24 (năm A) nhưng đồng thời cũng thông báo cho chúng ta về con trẻ được chờ đợi, Đấng nhận lãnh hai tên gọi tượng trưng là Giêsu và Emmanuel, về mẫu tính của Đức Maria là do tác động của Chúa Thánh Thần. Các bài đọc năm B và C là cuộc Truyền tin cho Đức Maria (Lc 1, 26-38) và Thăm Viếng (Lc 1, 39-45 là những dẫn nhập tuyệt vời cho lễ Giáng Sinh. Không cần phải nhờ đến chú giải[7], ít ra ta cũng thấy đề cập đến Chúa Thánh Thần trong ba bài đọc Tin Mừng này. Chúng ta đọc trong  Kinh Tin Kính rằng: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần” mà Con Thiên Chúa “đã nhập thể trong lòng Maria và đã làm người”. Các suy tư giáo lý hoặc bài giảng nên trình bày rõ vai trò của Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm Giáng Sinh cũng như Phục Sinh.

Cựu Ước

Các bài đọc Cựu Ước được lựa chọn vì bài Tin Mừng trong ngày. Điều này quá rõ ràng đối với đoạn Is 7, 10-14 (năm A), lời tiên tri về Emmanuel được trích dẫn ở phần cuối của trình thuật Tin Mừng Thánh Matthêu. Cũng vậy, sự lựa chọn đoạn 2 Sm 7, 1-5.8b-11.16 (năm B) với lời hứa dành cho Đavít một dòng dõi và ngôi báu đến muôn đời. Quả thật, Thiên sứ Gabriel đã loan tin cho Maria rằng con trẻ Mẹ sinh ra sẽ lãnh nhận ngôi báu Đavít tổ phụ Ngài và triều đại của Ngài sẽ không chấm dứt. Ngoài sự tương hợp có vẻ vật chất này còn có sự tiếp nối sâu xa hơn giữa bài đọc sách tiên tri và Tin Mừng: giấc mơ hão huyền của Đavít muốn xây dựng một ngôi xứng đáng dành cho Thiên Chúa chỉ được thực hiện đầy đủ trong sự sinh hạ của Chúa Giêsu, Đấng sẽ biến thân xác nhân loại và thân thể Giáo Hội của mình thành đền thờ duy nhất thật sự xứng tầm với Thiên Chúa. Về phần lời tiên tri trong Mk 5, 1-4 (năm C) loan báo rằng Đấng Cứu Thế sẽ đến từ Bêlem, tuy không liên hệ chặt chẽ cho lắm với cuộc Thăm Viếng của bài Tin Mừng, nhưng lời loan báo này rõ ràng nói về nguồn gốc của Đấng Cứu Thế cho nên xứng đáng được nêu lên trong ngày Chúa Nhật dành riêng cho những cuộc loan báo này.

Thánh thư

Các bài đọc trích từ các thánh thư luôn ở trên một bình diện khác. Cả ba bài được lựa chọn vì ít ra cũng ám chỉ cách nào đó đến sự sinh hạ lịch sử của Đức Kitô, thực tế nó nâng chúng ta lên mức độ không còn hiểu đó là biến cố lịch sử nữa mà là sứ điệp cứu rỗi được Đức Kitô mang đến cho những người thiện chí, những người đạt đến “sự vâng phục của đức tin” như được đề cập đến trong Rm 1, 5 (năm A) cũng như Rm 16, 26 (năm B). Bao quát hơn, đây là một suy tư sâu xa về sự nhập thể dưới khía cạnh kép là sự tỏ mình (manifestation) và sự cứu rỗi (redemption).

Kết luận

– Mùa Vọng là thời gian mang nhiều ý nghĩa và hình tượng, không hoàn toàn giản lược vào việc chuẩn bị cho ngày Giáng Sinh. Nó cử hành sự trông đợi Đấng Cứu Thế cũng như ngày Ngài đến, qua các giai đoạn kế tiếp nhau hoặc trong các biểu hiện khác nhau và phụ tuỳ. Chúa Nhật thứ I hướng về ngày Quang Lâm, các Chúa Nhật thứ II và III chú tâm đến việc Ngài đến mỗi ngày, Chúa Nhật thứ IV hướng về sự tỏ hiện của ngày Giáng Sinh. Các suy niệm cũng như bài giảng phải tôn trọng sự đa dạng này, đồng thời làm rõ ra sự tập trung cũng như sự bổ túc cho nhau của các ngày Ngài đến này, tất cả chỉ vì sự cứu rỗi nhân loại và thiết lập Nước Thiên Chúa. – Đa số người trong cộng đoàn thực sự khó mà hiểu hết cũng như hấp thu được cả ba bài đọc. Nguồn dinh dưỡng quá dồi dào và khác biệt đến nỗi khó mà đồng hoá được. Như đã công nhận ở trên, hầu như các bài Thánh Thư đã cắt đứt mối liên hệ giữa bài Cựu Ước và bài Tin Mừng. Và người cử hành phụng vụ trong bài giảng của mình cố gắng nối kết những phân mảnh khác biệt này lại thì đó cũng không phải là cách làm hay. Sách bài đọc mời gọi sử dụng tự do để hiểu và thường bằng lòng với hai cách hiểu. Mục đích của phụng vụ Lời Chúa trong Mùa Vọng không phải là nhấn chìm chúng ta trong biển cả của ngôn từ mà là để cho Ngôi Lời hóa thành xác phàm có thể thật sự ở giữa chúng ta, ở trong tâm hồn mỗi người chúng ta.

Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ

gpquinhon.org


[1] M. B. Lowenberg, “Le vocabulaire de la liturgie romaine de l’Avent”, trong Assemblées du Seigneur, 1 ère série, N. 2, tr. 18-é4

[2] I. H. Dalmais, “Le temps de preparation à Noel dans les liturgies syrienne et byzantine”, trong  La Maison Dieu, N. 59 (1959), tr. 25-27

[3] Hiến chế Phụng Vụ Thánh, số 102

[4] Dựa theo bài viết của G. Fontaine, “Le lectionnaire de la messe au temps de l’Avent”, trong Notitiae 7 (1971), tr. 304-317, 364-376. Cha Fontaine đã tham gia soạn thảo sách bài đọc thánh lễ (lectionnaire).

[5] J. Dupont, “Acceuillants à tous (Rm 15, 4-9)”, trong Assemblées du Seigneur, 2 ème série, N. 6, tr. 13

[6] J. Dupont, “Le Christ et son Précurseur (Mt 11, 2-11)”, trong Assemblées du Seigneur, 2 ème série, N. 7, tr. 16-18

[7] Các bài của A. Bouton, “C’est toi qui lui donneras le nom de Jésus (Mt 1, 18-24)”; P. Benoit, “L’annonciation (Lc 1, 26-38)”; P. E. Jacquemin, “La Visitation (Lc 1, 39-45)”, trong Assemblées du Seigneur, 2e série, số 8.