Y đức và Trách nhiệm
Ngày 24-12-1989, một bệnh viện ở miền Nam Trung quốc rất nhộn nhịp từ sáng sớm. BS Wong, 24 tuổi, gặp một tình huống rất khó xử. Đêm đó là ca trực của bác sĩ trẻ này, trách nhiệm mới và đầy hãi hùng. Anh rất mệt vì đã nhịn đói suốt 8 giờ qua. Đó là một ca sinh ba.
Đến 1 giờ sáng anh mới được ngả lưng, nhưng anh không tài nào chợp mắt được. Anh nghĩ đến 3 trẻ sơ sinh, và nghĩ đến cha mẹ mình. Anh đã chọn nghề bác sĩ, một nghề mà ở Trung quốc chỉ được trả lương bằng 1/3 số lương của người phu quét đường. Anh thường nói: “Công việc cao quý nhất là cứu sống người khác”.
BS Wong được nhiều người quý mến vì anh sống khiêm nhường, ăn mặc giản dị, đến cái túi xách đã hư khóa kéo mà anh vẫn xách theo đi làm hằng ngày. Anh quan niệm: “Dụng cụ không làm nên bác sĩ, chính kiến thức và lòng trắc ẩn mới làm nên bác sĩ”.
Khi cảm thấy buồn ngủ, BS Wong chợt nhớ hôm đó là lễ Giáng Sinh. Như hàng triệu người Trung quốc khác, song thân anh cũng là tín đồ Cơ Đốc Giáo. Gia đình anh đã từng mừng lễ Giáng Sinh, trang trí cây Nô-en, và hát bài “Silent Night” (Đêm Thánh Vô Cùng) của Nhạc sĩ Franz Xaver Gruber.
Tiếng gõ cửa làm anh thức giấc. Một nữ hộ sinh nói với anh: “Mau lên, chúng tôi cần anh làm việc này”. Anh bước nhanh theo cô hộ sinh 20 tuổi kia. Anh nghe thấy tiếng khóc chào đời của đứa trẻ. Khi anh tới phòng sinh, một phụ nữ nhễ nhại mồ hôi đang quằn quại trên giường, miệng la to: “Đừng, đừng mà!”.
Cô hộ sinh hút chất iodine vào ống tiêm. Cô cho BS Wong biết rằng phụ nữ này sợ phá thai. Chị đã có một con và đang mang thai con thứ hai được 8 tháng, nhưng luật pháp Trung quốc cấm sinh con thứ hai. Ủy ban kế hoạch hóa gia đình đã bắt chị vào bệnh viện để phá thai. Nhưng đứa bé vẫn sống sau khi trục thai ra. Cô hộ sinh nói: “Tôi yêu cầu người ta chôn sống đứa bé nhưng trời mưa quá, không đem nó đi chôn được”. Gần bệnh viện có một ngọn đồi nhỏ để chôn các thai nhi như vậy.
Là người trực, BS Wong có trách nhiệm không được để cho ai biết chuyện. Nghĩa là tiêm 20 ml iodine hoặc rượu vào đầu đứa bé, và nó sẽ chết ngay trong vòng vài phút. BS Wong cảm thấy “chết đứng” khi nhận ống tiêm từ tay cô hộ sinh. Anh không do dự về ca phá thai đầu tiên của 3 tháng trước khi bắt đầu hành nghề bác sĩ, nhưng lần này khác hẳn. Từ khi anh làm ở bệnh viện này, anh luôn để cho các bác sĩ khác làm nhiệm vụ thay mình. Lần này, người mẹ của đứa bé nhìn anh bằng ánh mắt van lơn. Chị biết mũi kim oan nghiệt kia mang ý nghĩa gì. Chị khóc: “Xin hãy thương hại cháu!”.
Trước vẻ phản đối của người mẹ, anh đi vào phòng tắm. Bên cạnh thùng rác là thùng nhựa màu đen có hàng chữ trên nắp: “Các trẻ em chết”. Tiếng cục cựa và tiếng khóc vang lên. Anh quỳ xuống xin cô hộ sinh mở nắp thùng ra. Anh tưởng tượng ra những đứa trẻ sơ sinh đang ở lằn ranh giữa sự sống và sự chết. Trong thùng có một bé trai nặng khoảng 2,5 kg đang nắm chặt hai tay và đạp chân. Môi nó tím bầm vì thiếu ô-xy. Anh bế nó lên, sờ vào thóp (soft spot) thấy vẫn ấm. Tim anh đập mạnh và nghĩ: “Đây là sự sống, là một con người”.
Tiếng người mẹ vẫn gào lên: “Bác sĩ ơi! Dừng tay lại!”. Cô hộ sinh dúi ống tiêm vào tay anh. Không dưng sao anh thấy nó trĩu nặng. Anh bị giằng co giữa cái thiện và cái ác. Ngay lúc đó, đứa bé đạp chân làm cho ống tiêm đâm vào người nó. Anh liền rút kim ra. Anh nghĩ: “Hôm nay là lễ Giáng Sinh, tôi không thể làm điềunày!”. Anh đưa tay sờ lên môi đứa bé. Nó liền bú đầu ngón tay anh. Nó đói. Nó muốn sống. Anh như chết lặng và làm rơi ống tiêm xuống nền nhà và vỡ tan tành!
Anh bảo cô hộ sinh đưa đứa bé tới phòng săn sóc đặc biệt. Anh xin được trực tiếp săn sóc đứa bé. Anh tin rằng một bác sĩ sản khoa ngoài 50 tuổi sẽ không nỡ làm hại một đứa bé vô tội. Anh nói với bà: “Có một bé trai còn sống sau khi đã bị chích thuốc. Xin bà cho nó vào phòng săn sóc đặc biệt”. Bà cương quyết: “Tuyệt đối không được! Đây là đứa con thứ hai rồi!”. Anh năn nỉ: “Nhưng nó vẫn khỏe mạnh. Bà nhìn nó mà xem”. Bà vẫn nhất định không chịu: “Tại sao anh yêu cầu tôi làm như thế? Anh biết chính sách mà!”. Giọng bà đanh lại khiến anh sợ, nói “xin lỗi” rồi bế đứa bé đi.
Tại buổi họp ban cán sự bệnh viện, bác sĩ trưởng thường nhắc nhở tầm quan trọng của chính sách hạn chế sinh sản, và cho biết đã có người phải vào tù vì để cho đứa bé sống. Đó là một đàn ông mập mạp, ít nói, hơn 50 tuổi, chuyên đi buôn bán trẻ em. Mỗi lần được trả 30 tệ. Trung bình mỗi ngày được 4 đứa. Như vậy số tiền ông ta kiếm được gấp đôi lương tháng của một bác sĩ. Anh hỏi một đồng nghiệp: “Sao nhiều vậy?”. Người bạn trả lời: “Vì không ai dám làm như ông kia”. Nghĩa là sau khi trục thai mà đứa trẻ còn sống thì ông ta sẽ chôn sống nó, dù sao thì cũng buộc phải tuân thủ chính sách hạn chế sinh sản của nhà nước.
Vài tuần sau, một cô hộ sinh đưa đến một thai nhi bị trục ra mà vẫn còn sống, rồi bỏ nó bên vệ đường. Nghe tiếng khóc, viên cảnh sát phát hiện và xin được can thiệp. Sau đó liền có lệnh: “Không được đưa thai nhi còn sống ra khỏi bệnh viện, phải tiêm thuốc cho chết”.
Trở lại phòng sinh, BS Wong gặp một đàn ông với khuôn mặt bị nhiều vết roi da. Đàn ông này vội nắm lấy tay anh và nói: “Bác sĩ ơi! Đây là đứa con trai mà chúng tôi mong đợi. Xin đừng giết nó!”. Anh tới phòng tắm. Đứa bé vẫn nằm trên sàn nhà. Anh hỏi cô hộ sinh:“Tại sao cô không làm theo hướng dẫn của tôi?”. Cô hỏi: “Nhưng ai sẽ đưa đứa bé này đi?”. Cô có ý nói đứa bé không có quyền sống. Cô ngạc nhiên khi thấy BS Wong đưa đứa bé đi và đặt nó vào chiếc nôi.
Dưới ánh đèn tia cực tím, với sự hỗ trợ của các ống dẫn dưỡng khí chụp vào mũi và miệng, chân tay đứa bé hồng hào dần. Anh còn cẩn thận quấn cho nó một lớp chăn mềm.
Cô hộ sinh chuẩn bị một ống tiêm khác – lần này là rượu – và đặt trên chiếc khay bên cạnh chiếc nôi. Người mẹ lại khóc lóc, van lơn. BS Wong đặt tay lên vai chị và trấn an: “Chị bình tĩnh. Tôi không muốn hại con của chị đâu. Tôi đang tìm cách cứu nó”. Sản phụ nhẹ giọng:“Tôi sẽ mang ơn bác sĩ suốt đời”.
Cô hộ sinh hỏi bản báo cáo, BS Wong nói: “Đừng viết gì hết!”. Cô hộ sinh thất vọng bỏ đi. Nhìn đứa bé có khuôn mặt kháu khỉnh, tóc đen, anh nghĩ: “Cuộc sống này là QUÀ TẶNG CỦA THƯỢNG ĐẾ, không ai có quyền lấy đi. Có phải đây là cách mà Thượng Đế nói với con người chăng?”.
Anh đến gặp bác sĩ trưởng: “Xin lỗi, tôi không thể làm khác hơn. Tôi cảm thấy đó là tội sát nhân, và tôi không muốn là kẻ sát nhân”. Bác sĩ trưởng hét lên: “Làm sao mà anh nhận mình là bác sĩ sản khoa được chứ? Đừng làm phiền tôi nữa. Cứ làm theo mệnh lệnh!”.
Trở lại phòng sinh, anh thấy đứa bé đang ngủ ngon. Anh chạm tay vào miệng nó thì nó lại bú tay anh. Anh bật khóc và nói: “Vẫn đói hả bé?”. Anh chợt thấy sợ. Anh nhớ tới cha mình. Người có thể giúp gì chăng? Anh gọi điện về nhà. Lương tâm nhắc nhở anh:“KHÔNG ĐƯỢC GIẾT NGƯỜI!”. Cha anh nói với anh qua điện thoại: “Ba rất hãnh diện về con, con trai ạ!”. Mẹ anh cũng xúc động nói: “Mẹ cũng vậy. Nhưng con phải cẩn trọng đấy. Đừng viết gì hoặc để lại bất kỳ dấu vết nào, con trai nhé!”.
Anh hiểu. Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Wong mới 8 tuổi. Cha anh đã bị bắt vì cứu một viên chức bị coi là chống đối chính quyền. Cha anh bị đi đày tới một vùng quê hẻo lánh, còn mẹ anh bị đưa đi tập trung lao động. Lúc đó, Wong và em trai 4 tuổi phải sống nhờ hàng xóm. Hoàn cảnh rất khó khăn!
Anh lưỡng lự, nhưng cha anh nói: “Con có một cuộc sống, đứa bé kia cũng vậy. Giết nó là giết đồng loại của mình”. Anh cúp máy và vội vàng tới phòng sinh. Cửa khóa chặt, cha của đứa bé đập cửa và kêu la: “Xin đừng giết con tôi!”.
Anh chạy vào phòng bằng cửa hông. Bác sĩ trưởng đã có mặt bên chiếc nôi của đứa bé và đưa tay sờ vào thóp nó. Khăn quấn và ống dưỡng khí đã bị lấy đi. Nó đang khóc dữ dội. Anh gào lên khi đưa tay giật lấy ống tiêm: “Xin đừng tiêm nó!”. Bác sĩ trưởng la lên: “Anh làm cái quái gì vậy?”. BS Wong không sợ, tâm hồn anh bình an. Anh nói: “Đứa bé này vô tội. Sao lại giết nó?”. Bác sĩ trưởng lườm anh, và gằn giọng: “Nếu anh tiếp tục cãi lệnh, anh không bao giờ được hành nghề thầy thuốc nữa”. Anh nói: “Tôi thà không làm bác sĩ chứ tôi không giết nó”. Bác sĩ trưởng lầm bầm: “Mày điên rồi!”. Bác sĩ trưởng bỏ đi, anh lại cho đứa bé thở dưỡng khí.
8 giờ sáng, BS Wong bị gọi lên văn phòng để chịu khiển trách và làm bản kiểm điểm: “Tại sao anh không làm tròn trách nhiệm của mình? Họ là bạn bè hay thân nhân của anh sao? Anh nhận tiền của họ à?”. Anh nổi nóng: “Tôi không hiểu ngôn ngữ của họ thì làm sao tôi biết họ muốn gì? Còn tiền ư? Cứ khám tôi sẽ rõ!”.
Các nhân viên trong Ủy ban Kế hoạch hóa Gia đình đến bắt buộc anh tiêm thuốc cho đứa bé chết, nhưng anh nhất định từ chối. Và anh bị bắt. Sau đó, họ giết chết đứa bé bằng một mũi thuốc. BS Wong đã cố gắng hết sức nhưng vẫn không cứu được đứa bé.
Tuy nhiên, lương tâm anh vẫn thanh thản vì anh không giết người, lương tâm anh không bị cắn rứt, không bị dày vò. Anh rất nhân đạo. Anh là một bác sĩ còn trẻ tuổi đời và tuổi nghề, nhưng anh hành nghề y với cả y đức và trách nhiệm của người thầy thuốc: Cứu người chứ không giết người.
Anh bị đẩy lên cao nguyên, vùng sâu vùng xa, rồi sau đó anh trốn sang Hoa Kỳ. Anh đã thay tên đổi họ là Yin Wong để tránh hậu họa.
TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Reader’s Digest)