Xúc động thư mẹ gửi con trai ngày khai trường

136

Trước thềm năm học mới, một người mẹ đã gửi những dòng tâm sự cho cậu con trai của mình. Không nặng nề, không giáo huấn, chỉ là những câu chuyện kể, thực tế và chân tình nhưng chất chứa nhiều tâm tư gửi gắm…

Con trai yêu dấu,

1Ngày mai lại là ngày khai giảng năm học mới. Với con có lẽ đã quá quen thuộc, vì đã là năm thứ 10 rồi. Con trai mẹ giờ đây đã một mình tự đến trường ngày khai giảng,  không còn cái ngày mà mẹ đưa con đến, con nép sau lưng mẹ bẽn lẽn, nước mắt lưng tròng khi phải xa mẹ ngày đầu tiên đi học… Nhìn con hào hứng đạp xe cùng chúng bạn, háo hức ngày tựu trường làm mẹ mừng vì con trai mẹ đã lớn, nhưng cũng nhiều nỗi lo đan xen…

Mẹ nhớ khi mẹ bằng tuổi con, chỉ vì định hướng nghề cho mẹ mà ông bà ngoại đã có một trận xung đột nảy lửa. Bà ngoại định hướng nghề nghiệp, còn ông ngoại lại bảo tùy cho mẹ tự quyết. Bà ngoại bảo “Nó biết gì mà quyết!”, ông ngoại lại bảo “Sao lại không biết, cứ dạy nó thành người, đứa có tố chất, học gì làm gì mà chả được!”.

Giờ này đây, câu hỏi lớn nhất mà mẹ vẫn trăn trở cho con là: Dạy con làm người để con tự định hướng nghề hay áp đặt cho con một cái nghề ngay từ bây giờ?

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh, ông bà ngày xưa vẫn dạy thế, một nghề cho chín hơn chín nghề. Thực ra cái gì ông cha nhiều đời đúc kết thì không thể sai được. Nhưng có phải chúng ta chưa hiểu hết ý? Hay thời thế đổi thay?

Ngày xưa ấy, ai cũng “nhất y, nhì dược, tạm được bách khoa”, rồi thì thi mãi chả vào được thì thôi “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”? Giờ liệu còn hợp thời không? Nếu tính về kinh tế, đào tạo một bác sỹ phải mất 8 đến 10 năm, cùng bằng chừng ấy thời gian, đã kịp cho 1 kỹ sư ra nghề và có 5 năm kinh nghiệm… Còn đối với một doanh nhân thì khi bước vào đời chính là đi học, và bao nhiêu năm lăn lộn trường đời là có bấy nhiêu năm kinh nghiệm…

Hay như ông ngoại nói “Làm bác sỹ chỉ cứu được thân xác vài trăm con người, còn làm nhà văn thì cứu tâm hồn của cả triệu người.”? Thế mà thực tế, có ai muốn làm cái nghề mà người đời hay nói “lập thân tối hạ thị văn chương ấy”, làm bác sỹ nhiều tiền hơn, được trọng vọng hơn…

Nói đúng ra, mọi so sánh đều là sự khập khiễng… kể ra thì vô chừng!

Ngày xưa, ai cũng bảo xướng ca vô loài, bây giờ ca sĩ hốt bạc. Ngày xưa, mẹ có chú bạn, hỏi học ngành gì, không dám nói là vận động viên điền kinh, còn bây giờ cứ như những tay quần vợt hoặc cầu thủ bóng đá thì có ai giàu bằng…

Ngày xưa, có người khuyên bà ngoại cho dì Oanh học làm diễn viên, bà ngoại huýt ngoáy “Cái đấy gọi là nghề à? Cái đấy gọi là kiếp đa đoan chứ nghề ngỗng gì?”. Ôi cái ngày xưa cũ kỹ ấy vẫn còn đâu đó trong nếp nghĩ của rất nhiều người chúng ta.

Đã có lúc mẹ lo quá con ạ… Mà không biết mẹ đang lo cho sự mưu sinh để tồn tại của con, sự nghiệp của con, hay đang lo cho chính cái sĩ diện của mẹ và cái “rằng, thì, là, mà” của miệng thế gian… “Con nhà ấy, cha mẹ có học mà con chả ra gì?” Ôi, miệng đời vẫn thường thế!

Hôm qua tình cờ đọc 1 tờ báo có hàng tiêu đề “Những nghề độc trên thế giới“, mới hay, xã hội phát triển, có những nghề đáng sợ như thử nghiệm cần sa, hay đóng vai xác chết trên truyền hình? Các nền văn hóa giao hòa, thì đã có những nghề không  phân định biên giới, không phân biệt ngôn ngữ…

Rồi mẹ tự hỏi, nếu nhà nào cũng chỉ mong con cái học đại học để làm thầy, ăn trên ngồi trước thì sao có những người làm thợ lành nghề để thực hiện cái việc chỉ tay năm ngón của người làm thầy? Nếu người người vẫn cứ hãnh diện, con tôi thạc sỹ, bác sỹ, kỹ sư, tiến sỹ, liệu có ai hãnh diện con tôi làm lao công, hộ lý , thợ máy hay bồi bàn?

Mẹ lại lo… Cho đến hôm ông ngoại mất, ông đã dặn mẹ “Đời sống không dài, hãy sống tử tế với từng người con gặp, con ạ! Hãy dạy các em và các con con học làm người!”. Phức tạp quá, đau đầu quá, khó quá! Bài học làm người bao giờ mới dạy xong? Mới hay dạy nghề thời gian sẽ ra nghề, dạy làm người dạy mãi đến đến ngàn sau.

Hôm nay, mẹ chỉ muốn nói với con thế này:

Những ngày mang thai con, mẹ lo lắm, nghĩ ăn cái này cho con thông minh, uống cái kia cho khỏe mạnh, nhưng rồi chứng kiến bao nhiêu hài nhi ra đời không lành lặn, thì mẹ chỉ mong con ra đời lành lặn, khỏe mạnh.

Cái ngày con bắt đầu đi học, mẹ mua hết sách này sách khác, bắt hết học vẽ đến học đàn, hết bơi đến bóng,  thôi thì ”cầm, kỳ, thi, họa” cho bằng với người ta. Cho đến ngày thấy con cô bạn thân gãy chân vì đá bóng, con ông hàng xóm phát điên vì quá tải học hành, mẹ lại nghĩ, thôi con cứ phát triển bình thường, ngoan ngoãn là được.

Vài ngày trước, được tin con cậu bị gửi vào trại cai nghiện ma túy thì ôi thôi, mẹ chỉ muốn Tý nhà mẹ là một đứa không hư đã là mãn nguyện rồi.

Việc học tập cũng cứ theo tự nhiên con nhé, mẹ chỉ mong con có trách nhiệm, biết tự lo khi không có ba mẹ ở bên, sống chan hòa với bạn bè thầy cô…

Còn thì nghề nghiệp ư? Nghĩ cho cùng nghề cũng như là một cái cần câu cá, công cụ để mưu sinh thì nghề gì nuôi sống bản thân, lương thiện, mà con thích là được. Rồi thì làm nghề gì cũng nên toàn tâm toàn ý nhé con! Không có nghề gì là toàn hay, cũng không có nghề gì là toàn dở, chỉ có người làm hay, làm dở thôi! Mẹ chẳng quan trọng con làm thầy hay làm thợ, vì con giỏi con nhờ, con khổ mẹ còn đau lòng hơn.

Đầu năm học mà triết lý dài âu cũng là cái lo của người làm mẹ, con đừng ngán đọc nốt hai câu thơ này nhé!

Sinh ra trong cõi hồng trần
Là người phải lấy chữ nhân làm đầu…

Yêu con,

Coucou Tiger