Xuất khẩu lao động và hạnh phúc gia đình
Theo số liệu của Sở LĐTB&XH Nghệ An (năm 2012), số người đi XKLĐ toàn tỉnh là 13707 người, các huyện miền núi là 4695 người, các huyện đồng bằng là 9012 người. Một thực tế ở địa phương, LĐXK chiếm phần lớn là nam giới (nam giới 10352 người, chiếm 75,5% và nữ giới 3355 người, chiếm 24,5%). Thị trường chính về XKLĐ của Nghệ An là các nước: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, các nước Trung Đông… (đây là những diện đi xuất khẩu lao động chính ngạch, qua các tổ chức được đưa người đi lao động ở nước ngoài hợp pháp).
Hoạt động XKLĐ mang lại giá trị rất lớn, không chỉ là lực lượng giải quyết sức ép việc làm tại chỗ, tạo nguồn ngoại tệ góp phần phát triển kinh tế đất nước mà còn góp phần nâng cao thu nhập và tích lũy cho gia đình, từ đó có điều kiện chăm sóc con cái chu đáo… Tuy nhiên, xuất khẩu lao động đã có ảnh hưởng rất lớn tới hạnh phúc gia đình của người lao động.
Việc một thành viên đi XKLĐ dẫn đến sự thay đổi phân công lao động trong gia đình. Nếu trước đây người chồng được gọi là trụ cột gia đình, làm những việc nặng nhọc thì khi đi XKLĐ, người vợ sẽ đảm nhiệm tất cả những công việc đó; ngược lại sự chăm sóc con cái, lo từng bữa cơm, chiếc áo… những đấng mày râu sẽ đảm nhiệm khi vợ đi XKLĐ.
Những đóng góp của xuất khẩu lao động mang lại đã rõ, nhưng có một thực tế khác không thể không quan tâm, đó là đã làm cho mối quan hệ tình cảm (vợ – chồng, chồng – vợ) ở rất nhiều hộ gia đình trở nên lỏng lẻo, không bền vững. Bên cạnh những cặp vợ chồng thêm hiểu, yêu thương nhau nhiều hơn, lo lắng khi xa nhau thì cũng có những cặp vợ chồng không chịu được nỗi xa cách, họ sa vào chơi bời, nghi ngờ lẫn nhau… Qua tìm hiểu một số trường hợp ly hôn của các gia đình có vợ/chồng đi XKLĐ, những nguyên nhân dẫn đến ly hôn và rạn nứt quan hệ hôn nhân là do vợ chồng xa cách lâu ngày, vợ/chồng ngoại tình…
Chị Đậu Thị Thủy, Tây Lộc, Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn, sau khi đi XKLĐ ở Đài Loan, đã có quan hệ với người đàn ông khác bên ấy, về nước chị làm đơn ly dị với chồng, trong lúc cãi nhau gay gắt, vô tình anh đẩy chị Thủy va phải đầu, do chấn thương nặng chị qua đời, anh Hùng cũng tự vẫn, để lại hai đứa con thơ phải ở cùng ông bà nội (năm 2011).
Không chỉ ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng, xuất khẩu lao động còn ảnh hưởng tới quan hệ giữa cha mẹ – con cái. Khi mái ấm gia đình thiếu vắng một trong hai người (bố/mẹ) thì tâm lý tình cảm của con cái cũng thay đổi, kéo theo đó là việc chăm sóc học hành, giáo dục con cái cũng trở nên khó khăn hơn. Có những đứa trẻ khi cha/mẹ đi làm ăn xa, bản thân cảm thấy bố bẹ không quan tâm như trước, chúng rơi vào tâm trạng cô đơn, dễ sa đà vào tệ nạn, thói hư tật xấu.
Ngày 1/5/2013, tại huyện Nghi Lộc đã xảy ra vụ án hành hung cướp tài sản chỉ vì nguyên nhân: bố đi xuất khẩu lao động, mẹ ở nhà cặp kè, hẹn hò lén lút với người đàn ông khác. Ở tuổi mới lớn, Đinh Hương Giang (SN 1997) thấy “chướng tai, gai mắt” và nhất là những lời đàm tiếu của mọi người. Và em đã lập kế hoạch “cảnh cáo” người tình của mẹ, bằng cách nhờ 4 người bạn hành hung cướp tài sản của ông Đỗ Văn Hoàng …
Anh Cao Văn Thành, Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn, cho biết: vì muốn cải thiện cuộc sống, khi con chưa đầy 3 tuổi thì vợ tôi đi XKLĐ Đài Loan. Xa mẹ cháu buồn nhưng không nói mà chỉ thể hiện bằng hành động, nó hay hỏi mẹ vì sao đi mà không ở nhà, lúc ngủ cũng nhắc tới mẹ… có hôm cháu ốm không có mẹ ở bên chăm sóc, nhìn con khóc mình cũng chảy nước mắt theo.
Rời quê hương đi làm ăn xa, đa số những ông bố bà mẹ đều trông cậy vào sự quan tâm chăm sóc của ông bà tới các con của mình (nhất là những gia đình có cả bố lẫn mẹ đi xuất khẩu lao động thì gánh nặng nuôi dạy các cháu lại càng khó khăn hơn). Có những cặp vợ chồng sau khi đi xuất khẩu lao động biết thường xuyên gọi điện về hỏi thăm sức khỏe, gửi tiền về thì việc nuôi các cháu sẽ đỡ vất vả hơn. Ngược lại, nếu người con của họ không có tiền gửi về thì chính gánh nặng lại đè lên đôi vai của những người ông, người bà. Nhiều ông bà tuy tuổi đã cao, sức đã yếu vẫn phải làm lụng để nuôi cháu thay con.
Ở tuổi gần đất xa trời nhưng ông Khính (xã Viên Thành, Yên Thành) vẫn phải nuôi hai đứa cháu, trong đó có 1 đứa bị tàn tật nằm một chỗ. Cũng chỉ vì muốn đổi đời, năm 2010, anh Bảy (con rể ông Khính) đã đi XKLĐ, con gái ông (chị Hồng) ở nhà có người đàn ông khác. Tháng 3/2013, hai vợ chồng đã ly hôn, chị Hồng vào Nam lấy người khác, anh Bảy tiếp tục đi XKLĐ nên phải để gánh nặng chăm sóc hai con cho ông…
Những nhọc nhằn của người đi lao động ở ngoài nước sẽ được bù đắp khi điều kiện sống phát triển, mỗi thành viên trong gia đình có thời gian quan tâm lẫn nhau, làm cho mái ấm thêm hạnh phúc. Nhưng, ngược lại, họ sẽ khổ hơn, bất hạnh hơn khi không ít trong số họ, nhiều mái ấm tan vỡ, vợ/chồng, con cái và bố/mẹ, phải vất vả, thậm chí khổ đau vì họ… Không ai phủ nhận những lợi ích từ xuất khẩu lao động. Mồ hôi, thậm chí cả máu của người lao động của chúng ta đã kết thành những đồng tiền cho gia đình, cho xã hội. Nhưng cũng trên con đường mưu sinh đầy vất vả này, nếu không biết nâng niu, gìn giữ thì hạnh phúc gia đình của họ chẳng khác gì “trứng quảy đầu gậy”!
Kiều Nga
(vanhoanghean)