Xuân và tuổi trẻ
Nói đến mùa Xuân là nói tới tuổi trẻ. Mùa Xuân tượng trưng cho tuổi trẻ sung sức, năng động và sáng tạo.
Để thể hiện mối liên quan giữa mùa Xuân và tuổi trẻ, NS La Hối (1) đã sáng tác ca khúc “Xuân và Tuổi Trẻ”, lời Việt của thi sĩ Thế Lữ (2). Ca khúc này nhịp nhàng mà tưng bừng với âm thể Trưởng, được viết ở nhịp 3/4, loại nhịp thường được đệm đàn theo điệu Valse, loại nhịp luân vũ sang trọng thời đó.
Mùa Xuân là mùa đẹp nhất trong năm, đẹp từ thời tiết đến cỏ cây và hoa lá. Mùa Xuân còn đẹp vì là mùa đoàn tụ, chan hòa yêu thương. Vì thế, khi nghe ca khúc “Xuân và Tuổi Trẻ”, tâm hồn khó có thể bình lặng, chúng ta khả dĩ cảm nhận nhịp điệu rộn rã như những bước chân người trẻ tung tăng trên đường phố, những nhịp chân thoăn thoắt. Nhịp điệu mùa Xuân là thế đó!
Nhịp điệu vui nhộn, giai điệu mượt mà, lời ca cũng trong sáng và trẻ trung: “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới, Lòng đắm say bao nguồn vui sống”. Chắc chắn như vậy, vì “Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng”.
Ngày nào cũng đủ 12 giờ, nhưng ngày Xuân bất chợt khác hẳn, vì tràn ngập sức sống tươi trẻ, thời gian như cũng biến đổi, nhịp Xuân đầy nhựa sống: “Ngày thắm tươi bên đời Xuân mới, lòng đắm say bao nguồn vui sống. Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, ta muốn luôn luôn cười cùng hoa”. Dù những người mang tâm sự buồn cũng cảm thấy “nhẹ lòng” hơn và muốn cười cho tan hết nỗi buồn.
Xuân đẹp về nhiều thứ, vui về nhiều kiểu: “Xuân thắm tươi, chim én bay cao tít trời, vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo”. Người già cũng như được trẻ lại, được “hồi xuân” (theo nghĩa tốt). Nhưng dù bạn là ai, có vui thế nào thì cũng nên giữ chừng mực, vì thái quá hóa bất cập: “Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm, ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân thắm tươi”. Thật vậy, y học đã chứng minh: Vui mừng quá hoặc lo lắng quá hại tim (tâm), buồn sầu quá hại phổi (phế), tức giận quá hại gan (can), suy nghĩ quá hại lá lách (tỳ), ăn nhiều quá hại dạ dày (vị), sợ hãi quá hại thần kinh.
Vui tích cực, vui lành mạnh chứ không vui mà vi phạm thuần phong mỹ tục: “Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm”, và chúng ta sẽ cảm thấy “ta trẻ vui, ta trẻ vui đời Xuân tươi”. Đó mới là vui Xuân cao thượng.
Không vui quá, nhưng cũng đừng chìm trong nỗi buồn. Hãy quẳng gánh lo đi mà vui sống, hãy gạt bỏ nỗi buồn để tận hưởng hạnh phúc ngày Xuân, hãy tha thứ cho nhau để đồng hưởng niềm vui ngày Tết: “Vui sướng đi cho đời tươi sáng, vui sướng đi cho lòng thêm tươi, ta hát ca đón mừng Xuân mới, ta hát ca cho lòng thêm hăng hái”. Vui Xuân, mừng Tết để thêm hy vọng mà bước tiếp chặng đường đời.
Thật vậy, không ai có thể trì hoãn cái sự sung sướng được. Hãy xem con chim, dù nó biết sắp bị viên đạn bắn chết nhưng nó vẫn hót vang; cánh hoa dù sớm nở chiều tàn như đóa Phù Dung cũng vẫn nở tươi. Chúng ta cũng phải như vậy: “Hát vang lên đời ta thắm tươi, tiết Xuân huy hoàng muôn sắc hoa, tiết Xuân êm đềm muôn tiếng ca, hát vang hòa lòng thêm hăng hái”.
Bình thường thì “phúc bất trùng lai”, nhưng ngày Xuân là lúc niềm vui nhân đôi, thế thì đừng kiềm chế niềm vui: “Hát vang lên đời ta thắm tươi, tiết Xuân huy hoàng muôn sắc hoa, tiết Xuân êm đềm muôn tiếng ca, Xuân tưng bừng”. Xuân tràn ngập niềm vui rộn rã, Xuân rất tưng bừng, hãy thể hiện niềm hạnh phúc ngày Tết cho trọn tình Xuân!
Ngày Tết là dịp để chúng ta nghỉ ngơi, thư giãn, nạp thêm năng lượng cho cả tinh thần và thể lý. Hãy tận hưởng mùa Xuân và đến với nhau bằng cả tấm lòng chân thành nhất.
Sống không có niềm tin thì chỉ là hiện hữu. Tuổi trẻ năng động nhưng cũng bồng bột, háo thắng và dễ sa ngã. Thế nên càng phải thận trọng hơn để tránh ảo tưởng. Khôn ngoan nhất là người biết “bám” vào Chúa và tín thác vào Ngài.
Thánh Gióp là con người chịu nhiều đau khổ. Ông tâm sự với Chúa: “Có phải điều Ngài muốn là làm run rẩy chiếc lá gió thổi bay, hay đuổi theo một cọng rơm khô héo? Quả thật, nhằm chống lại con, Ngài đã viết những lời cay đắng, đã kể ra các tội con phạm lúc xuân xanh, đã tra chân con vào cùm, theo dõi mọi đường nẻo con đi, và dò xét mọi dấu chân con bước” (G 13:25-27).
Có những người may mắn được biết Chúa từ lúc còn trẻ, nhưng quan trọng là biết tiếp tục Tin-Cậy-Mến Ngài: “Từ độ thanh xuân, tôi trông cậy Chúa. Vì lạy Chúa, chính Ngài là Đấng con trông đợi, lạy Đức Chúa, chính Ngài là Đấng con tin tưởng ngay từ độ thanh xuân” (Tv 71:1 và 5).
Nhưng rồi theo dòng thời gian, chúng ta yếu đuối và lầm lỡ. Tuy nhiên, đừng quên rằng sai lầm chưa đáng sợ, không biết mình sai lầm hoặc cố chấp mới đáng sợ. Hãy cố gắng biết xin lỗi Chúa như tác giả Thánh vịnh: “Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng” (Tv 25:7). Chúa chỉ chờ giây phút chúng ta biết sám hối, lòng thương xót của Ngài sẽ tẩy rửa chúng ta sạch hết mọi ô uế.
Thật hạnh phúc cho ai biết trung tín và tuyên xưng Ngài: “Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa, con đã được Ngài thương dạy dỗ. Tới giờ này, con vẫn truyền rao vĩ nghiệp của Ngài” (Tv 71:17).
Giai đoạn tuổi trẻ là khoảng thời gian có nhiều nguy cơ. Tác giả Thánh vịnh chia sẻ kinh nghiệm: “Làm thế nào giữ được tuổi xuân trong trắng? Thưa phải tuân theo lời Chúa dạy” (Tv 119:9). Có vẻ đơn giản. Đúng vậy, rất đơn giản, nhưng cũng rất nhiêu khê!
Đây là bí quyết sống mà giới trẻ phải nỗ lực áp dụng: “Giữa tuổi thanh xuân, bạn hãy tưởng nhớ Đấng đã dựng nên mình. Đừng chờ đến ngày tai ương ập tới, đừng chờ cho năm tháng qua đi” (Gv 12:1). Sự hối tiếc luôn mang ý nghĩa muộn màng, nhưng có muộn cũng còn hơn không.
Chúng ta đã biết về Thánh nhí Saviô và Thánh trẻ Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Có lẽ chúng ta chưa “quen” Chân phước Pier Giorgio Frassati (1901-1925, người Ý). Ngài là một người bình thường và chỉ sống 24 năm, thế mà chàng trai ấy nên thánh nhờ noi gương Chúa Giêsu và yêu mến Thánh Thể. Lúc 17 tuổi, ngài vào Dòng Thánh Vincent de Paul, dành nhiều thời gian phục vụ người bệnh và người nghèo, giúp phát hành báo Công giáo là tờ Momento, dựa vào các nguyên tắc trong Tông thư Rerum Novarum (Tân Sự) của ĐGH Leo XIII nói về các vấn đề kinh tế và xã hội. Ngày nay, Chân phước Pier Giorgio Frassati được coi là vị thánh của giới trẻ thế kỷ 21.
TRẦM THIÊN THU
Xuân Quý Tỵ – 2013
_________________________________
(1) NS La Hối sinh năm 1920 tại Hội An (Quảng Nam) trong một gia đình gốc Quảng Đông (Trung Quốc) đã định cư nhiều đời tại Việt Nam. Ngay từ nhỏ, ông đã tỏ ra có năng khiếu âm nhạc. Năm 1936–1938, ông học ở Saigon, thời gian này ông có dịp học hỏi, trau dồi âm nhạc cổ điển Tây phương.
Năm 1939, NS La Hối và các bạn đã cùng thành lập Hội Yêu Nhạc (Société Philharmonique), do ông làm hội trưởng. Một số nhạc sĩ nổi tiếng như Dương Minh Ninh (Gấm Vàng), Lê Trọng Nguyễn (Nắng Chiều), Lan Đài (Chiều Tưởng Nhớ) đã từng được ông hướng dẫn âm nhạc.
Năm 1945, ông gia nhập và trở thành một trong những người lãnh đạo một tổ chức chống Phát-xít Nhật. Ông cùng các đồng chí in truyền đơn, nổ bom, phá đường, phá cầu, tập kích quân đội Nhật. Tháng 5-1945, ông và 10 đồng chí bị hiến binh Nhật bắt. Sau khi bị tra tấn tàn nhẫn, tất cả bị xử bắn và chôn chung một mộ tại chân núi Phước Tường, nay được cải táng về Nghĩa Trang Chống Phát-xít Nhật ở Hội An (?). Lúc đó, ông mới 25 tuổi.
Nhạc phẩm “Xuân và Tuổi Trẻ” của ông vốn do Diệp Truyền Hoa đặt lời tiếng Hoa. Sau khi ông mất, nhà thơ Thế Lữ đến Quảng Nam, biết được gương hy sinh dũng cảm của ông, đã xúc động mà đặt lời Việt cho ca khúc. Ngoài ca khúc “Xuân và tuổi trẻ”, NS La Hối còn một ca khúc khác là “Xuân Sắc Quê Hương”.
(2) Thi sĩ Thế Lữ tên thật là Nguyễn Đình Lễ, sinh năm 1907 tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định. Ông là thi sĩ, văn sĩ, nhà hoạt động sân khấu Việt Nam. Ông nổi danh trên văn đàn vào thập niên 1930, với những thi phẩm trong tập Thơ Mới, đặc biệt là bài Nhớ Rừng, cùng những tác phẩm văn xuôi, tiêu biểu là tập truyện Vàng Và Máu (1934). Trở thành thành viên của nhóm Tự Lực Văn Đoàn kể từ khi mới thành lập (1934), hầu hết ông hoạt động sáng tác văn chương trong thời gian là thành viên của nhóm, đồng thời cũng đảm nhận vai trò một nhà báo, nhà phê bình, biên tập viên mẫn cán của các tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay.
Từ năm 1937, hoạt động của Thế Lữ chủ yếu chuyển hướng sang biểu diễn kịch nói, trở thành diễn viên, đạo diễn, nhà viết kịch, trưởng các ban kịch Tinh Hoa, Thế Lữ, Anh Vũ, hoạt động cho đến sau Cách mạng tháng Tám. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp, làm kịch kháng chiến trong những năm chiến tranh Đông Dương. Sau Hiệp định Genève, ông tiếp tục hoạt động sân khấu, trở thành chủ tịch đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1957-1977). Ông được coi là người tiên phong, không chỉ trong phong trào thơ mới, trong lĩnh vực văn chương trinh thám, kinh dị, đường rừng, mà còn là người có đóng góp rất lớn trong việc chuyên nghiệp hóa nghệ thuật biểu diễn kịch nói ở Việt Nam. Ông đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân vào năm 1984.
Tên Nguyễn Đình Lễ sau đó được đổi thành Nguyễn Thứ Lễ vì ông là con thứ. Khi lên 10 tuổi, người anh trai (hơn ông một tuổi) mất, ông lại đổi tên lại thành Nguyễn Đình Lễ. Lớn lên ông dùng lại tên Nguyễn Thứ Lễ, khi viết văn nói lái lại là Nguyễn Thế Lữ, sau rút gọn thành Thế Lữ (nói lái chữ Thứ Lễ). Bút danh Thế Lữ có nghĩa là “lữ khách trần gian”, phù hợp với quan niệm sống của ông khi ấy. Ông còn có tên khác là Nguyễn Khắc Thảo, nhưng sau cũng bỏ đi vì trùng tên. Khi viết báo, đôi khi ông ký bút danh hài hước Lê Ta, xuất phát từ tên Lễ biến thành “Lê Ngã”, chữ “ta” cũng có nghĩa là “ngã”.
Cha ông là sếp ga xe lửa trên tuyến đường sắt Lạng Sơn – Thanh Hóa. Mẹ ông sinh ra trong gia đình Công giáo, kết hôn với cha ông trước, nhưng lại không được gia đình bên nội thừa nhận. Khi mới vài tháng tuổi, Thế Lữ bị tách rời khỏi mẹ, đem lên Lạng Sơn sống cùng bà nội, cha và u (vợ chính thức của cha). Xa mẹ từ nhỏ, mỗi năm chỉ được gặp mẹ vài lần, nên ông luôn nhớ thương người mẹ ruột. Sống ở Lạng Sơn, núi rừng thiên nhiên nơi đây (với những câu chuyện ma quái kinh dị mà ông được nghe từ nhỏ) đã trở thành nguồn tư liệu, tạo cảm hứng cho các tác phẩm văn xuôi của ông. Ông mất ngày 3-6-1989.