Xuân Đức Tin

80
Đến hẹn lại lên, xuân đến rồi xuân lại đi, xuân đi rồi xuân lại đến và cứ như thế. Những ngày vui xuân rồi sẽ chóng qua và người ta lại trở về với trách nhiệm của mình nơi gia đình và xã hội.

Là người Việt Nam, ngày xuân ngày tết cổ truyền dân tộc thường là lúc người ta nhìn lại một năm đã qua. Một năm qua đi của từng người, từng nhà mang theo những ước mơ hoài bão đã đạt được hay những âu lo, khắc khoải do những thất bại. Và như thế, mùa xuân vui tươi không hẳn đã là niềm vui trọn vẹn mà vẫn xen lẫn vào đó những nỗi buồn, sự thất vọng trong cuộc sống đời thường. Tuy nhiên, khát vọng của con người dường như không có điểm dừng; Dù thành công hay thất bại trong năm đã qua, nhưng khi bước vào một năm mới người ta vẫn luôn đặt ra những mục tiêu mới cho riêng mình và gia đình.

Mọi người trở nên bận rộn hơn, cuộc sống cũng trở nên gấp gáp hơn trong những ngày giáp tết với việc mua sắm, thanh toán nợ nần, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị những món ăn truyền thống, chỉnh trang mộ phần những người thân, dự kiến thăm hỏi hay biếu quà cho những mối liên hệ tình thân, chuẩn bị phong bao lì xì, thể hiện hành vi làm lành với ai đó mà có sự bất hòa; hoặc như chia sẻ tinh thần, vật chất cho những hoàn cảnh khó khăn… Bên cạnh đó, du xuân trong những ngày tết là những lựa chọn ưu tiên nằm trong kế hoạch của nhiều người, nhiều gia đình.

Người Công giáo cũng luôn là như vậy, trong cuộc sống vẫn luôn hội đủ các yếu tố mang giá trị truyền thống tốt đẹp khi tết đến xuân về. Hơn thế nữa, đời sống của người Công giáo vốn dĩ là cuộc hành trình đức tin và mùa xuân chính là ân huệ do Thiên Chúa trao ban nên ngày xuân ngày tết vẫn luôn thuộc về cuộc hành trình đức tin, là những ngày xuân hồng ân do bởi luôn có Chúa đồng hành.

 

Đêm Giao Thừa, cảm tạ hồng ân Thiên Chúa – Là sự khởi đầu mùa xuân đức tin

Tiếng chuông nhà thờ đã điểm, ngân vang báo hiệu Thánh lễ đêm Giao Thừa để mọi người cùng nhau tụ họp nơi Nhà Chúa. Trong thời khắc thiêng liêng, mọi người hiện diện, gắn kết trong không gian đầm ấm; Và Thánh lễ đêm Giao Thừa đã chỉ ra một mùa xuân đức tin đã đến thật gần.

Mọi người đến với Thánh lễ đêm Giao Thừa không hẳn là ai cũng giống nhau về mặt cảm xúc. Có thể rằng, người này thì mang thật nhiều niềm vui nhưng người khác thì chất chứa những nỗi buồn do bởi những lỗi lầm, những xung đột trong những mối quan hệ gia đình hay xã hội, hoặc những thất bại trong công ăn việc làm… Tuy nhiên, khi cảm nghiệm từ đời sống đức tin ta sẽ thấy rằng, Thiên Chúa giàu lòng thương xót chẳng từ bỏ bất kỳ một ai. Chúa có thể ban cho bạn tiền của dồi dào nhưng Chúa lại ban cho tôi sức khỏe; Chúa cho bạn những niềm vui và sự may mắn nhưng Ngài lại thử thách tôi phải đồng hành với những nỗi buồn hay phải đương đầu với những nghịch cảnh khó khăn… Dù vậy, sự thành tâm bởi hai tiếng “Xin Vâng” nơi con người đã hình thành cốt cách vô cùng đẹp đẽ của Đạo Chúa – Đạo từ Trời ban xuống. Bởi lẽ đó, Thánh Phaolô đã cổ vũ mọi người rằng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5, 16-18).

Như vậy, Thánh lễ đêm Giao Thừa là thời khắc để mọi người gắn kết trong mối tình thân là con cái Chúa, cộng đoàn cùng nhau xin lỗi Chúa vì những lỗi lầm; đồng thời dâng lời cảm tạ và ngợi khen Danh Chúa vì muôn ơn lành Thiên Chúa đã ban cho từng người, từng gia đình và cả cộng đoàn trong suốt một năm đã qua. Nguyện xin Chúa thương ban bình an trong năm mới.

 

Ngày Mồng Một Tết, nguyện cầu Thiên Chúa ban sự bình an cho năm mới

Bình an là gì!? Sẽ luôn là một câu hỏi mở và tùy thuộc vào cách tiếp cận của mỗi người. Có thể rằng, tôi sống trong cao sang quyền quí chưa hẳn là tôi đã bình an nhưng một bác nông dân nghèo vẫn cảm nhận được sự bình an bởi bác nông dân luôn bằng lòng với những huê lợi có được từ thửa ruộng của mình.

Mồng Một Tết rạng rỡ sắc xuân, là ngày khởi đầu năm mới. Lời chúc mạnh khỏe, an khang, thịnh vượng giữa người với nhau từ trước đến nay đã trở thành nét văn hóa đặc trưng, là một thành tố không thể thiếu khi tết đến xuân về.

Người ta vẫn có thể tự thân đi tìm sự bình an cho riêng mình nhưng có lẽ sẽ là chưa đủ vì sự bình an đích thực mới là điều thật khó kiếm tìm. Thiết nghĩ, khi đối diện với Thiên Chúa thì mỗi người chúng ta mới thấy rằng thân phận con người thật mỏng manh bé nhỏ cùng với sự bất toàn của mình. Và như thế, nhờ ơn trợ giúp từ nơi Thiên Chúa và Mẹ Maria cùng với nỗ lực của bản thân thì mỗi người mới mong có được sự bình an đích thực.  

Những ngày xuân sẽ qua mau, rồi người ta lại phải đối mặt với biết bao lo toan vất vả nơi chốn chợ đời. Bởi thế, hành vi đạo đức khi cộng đoàn cùng nhau quy tụ trong Thánh lễ ngày Mồng Một Tết để cầu xin Thiên Chúa ban bình an trong năm mới đã là dấu chỉ bình an nơi mỗi tâm hồn và sự bình an đó không ở nơi đâu khác mà chính do bởi Thiên Chúa trao ban.

 

Mồng Hai Tết, cầu nguyện – kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời

Có quan điểm cho rằng người công giáo không thờ kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Không phải như thế, có chăng chỉ là sự ngộ nhận hoặc là sự nhìn nhận vấn đề mang tính chủ quan của những anh em không cùng niềm tin tôn giáo. Với người Công giáo, bổn phận làm con từ khởi thủy đã là một giới răn trong Mười Giới Răn của Chúa, đó là:“ Thảo Kính Cha Mẹ”. Minh chứng sống động là hàng năm, vào những ngày giỗ con cháu vẫn hằng luôn kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ thông qua việc xin lễ, thực hiện giờ kinh tại gia đình để cầu nguyện cho các linh hồn sớm được hưởng Nhan Thánh Chúa. Và có lẽ, chỉ cần như vậy thôi cũng đã là quá đủ để thay thế cho những mâm cao cỗ đầy. Hơn thế nữa, hàng năm Giáo hội cổ vũ việc tôn kính tổ tiên, ông bà, cha mẹ khi dành nguyên cả tháng 11 Dương lịch và ngày Mồng Hai Tết để kính nhớ các ngài.

Xuyên suốt đời sống đức tin, người Công giáo hằng luôn kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã qua đời bằng lời kinh nguyện. Cùng với Tháng Cầu Nguyện Cho Các Linh Hồn thì ngày Mồng Hai Tết được xem là điểm nhấn để mỗi người biểu lộ lòng biết ơn về công đức sinh thành, dưỡng dục. Chắc chắn rằng ở mỗi xứ đạo, thánh lễ ngày Mồng Hai Tết khi cử hành tại đất thánh sẽ mang lại cho mỗi người những cung bậc xúc cảm thiêng liêng bởi nơi những mộ phần, những bông hoa và nén hương lòng thành kính con cháu dâng kính, cùng nhau tham dự Thánh lễ cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên, ông bà, cha mẹ, nguyện xin Thiên Chúa ban cho các ngài được hưởng vinh phúc nơi Nhà Chúa. Sẽ không chủ quan mà khẳng định rằng, Thánh lễ ngày Mồng Hai Tết tại Đất Thánh là một sự kiện đạo đức hết sức tốt đẹp của người Công giáo trong tinh thần đạo lý uống nước nhớ nguồn; Và khi nhắc đến sự kiện này, cho dù những người con xa xứ, dù có ngăn trở về địa lý thường luôn canh cánh, hằng luôn mang một nỗi nhớ và tìm về.

 

Mồng Ba Tết, nguyện cầu Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm

Ngày xuân ngày tết, trong tâm thế lạc quan người ta chúc nhau năm mới phát tài, phát lộc. Trong đời sống đức tin Công giáo, mọi người cũng luôn cầu xin Thiên Chúa ban cho một năm mới phát đạt.

Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã cảnh báo con người rằng:“Ngươi phải đổ mồ hôi trán mới có ăn” (St 3,19). Và Chúa Giêsu nêu gương lao động khi Chúa nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc” (Ga 5,17) cho thấy Thiên Chúa đã chỉ dạy con người bài học lao động và giá trị của lao động để sinh tồn. Thiên Chúa là nguồn mạch ân sủng hằng luôn hiện diện trong đời sống – công ăn việc làm nơi con cái của Người, Người hằng muốn con cái của Người được sống dồi dào và Người luôn cổ vũ con cái của Người trong lao động phải dựa vào nền tảng công bằng, bác ái. Thiển nghĩ, Thiên Chúa sẽ không bao giờ hiện diện nơi môi trường lao động thiếu vắng sự lương thiện và chắc hẳn, thành quả lao động không lương thiện sẽ không bao giờ được Người chấp nhận.

Như vậy, Thánh lễ ngày Mồng Ba Tết nguyện cầu Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm là cơ hội để tôi, bạn và tất cả chúng ta nhìn lại đời sống lao động của mình, chiêm ngắm gương mẫu lao động nơi Thánh Cả Giuse. Xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm và xin Ngài đánh động lòng trắc ẩn để mỗi người chúng ta biết chia sẻ thành quả lao động trong khả năng có thể.

 

Và “365 ngày” trong cuộc hành trình của một năm mới

Một mùa xuân được khởi đi bằng lời tạ ơn, nguyện cầu bình an; Kính nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ rồi nguyện cầu Thiên Chúa thánh hoá công ăn việc làm sẽ đem lại cho người ta một mùa xuân hạnh phúc đích thực. Chỉ có ý định từ nơi Thiên Chúa thì một mùa xuân yêu thương và những điều đẹp đẽ khi người ta cầu chúc cho nhau mới trở thành hiện thực.

Đến hẹn lại lên, xuân đến rồi xuân lại đi, xuân đi rồi xuân lại đến và cứ như thế. Những ngày vui xuân rồi sẽ chóng qua và người ta lại trở về với trách nhiệm của mình nơi gia đình và xã hội. Rồi “365 ngày” trong cuộc hành trình của mỗi người trong năm mới sẽ luôn tiếp diễn song hành với nhiều lo toan vất vả đời thường; Là con cái Chúa nên chúng ta tin tưởng rằng, Thiên Chúa hằng luôn dõi bước bên đời của mỗi người chúng ta vì duy chỉ nơi Thiên Chúa mới là mùa xuân trường tồn.

Mùa xuân này và cả một hành trình đời sống tương lai phía trước, chúng ta hãy nguyện cầu cho nhau để cùng nhau nương nhờ trong suối nguồn tình yêu và bình an của Chúa. Chúng ta cùng nhau khơi gợi lòng trắc ẩn; cùng nhau “đụng chạm” vào sự khoan dung và “tẩy chay” sự hiềm thù, đố kỵ để xứng đáng thận phận làm con cái của Chúa, để Thiên Chúa mùa xuân huy hoàng luôn ngự trị, nâng đỡ, chở che mỗi người chúng ta.

Thân lạy Chúa, mùa xuân Đinh Dậu đang đến thật gần, không khí ngập tràn sắc xuân đã gõ cửa từng nhà và mang theo những ân huệ Thiên Chúa trao ban. Nguyện xin Chúa ban cho con một mùa xuân yêu thương để con biết đồng hành với mọi người trong mùa xuân đức tin vì bởi lẽ, con hằng luôn tin tưởng tuyệt đối vào Đấng Ban Sự Bình An – Là hiện thân của sự thánh thiện và yêu thương. Ngài là Chúa – Vua thời gian mang sứ mệnh kiến tạo một Mùa Xuân Vĩnh Cửu./.

                                                                                             Jos Nguyễn Mừng