SUY NIỆM Lời Chúa Xóa tan sợ hãi (Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Phục sinh)

Xóa tan sợ hãi (Thứ Năm trong tuần Bát Nhật Phục sinh)

Xóa tan sợ hãi

Lc 24, 35-48.

Có yêu thì nói rằng yêu,

Chẳng yêu thì nói một lời cho xong.

Làm chi dở đục dở trong,

Lờ lờ nước hến cho lòng tương tư. (Ca dao).

“Dở đục dở trong, lờ lờ nước hến”, không phải là điều chờ mong của những người yêu thương nhau. Nửa tỉnh nửa say, nửa có nửa không, ít nhiều đã nói lên sự không rõ ràng, làm ảnh hưởng đến mọi tương quan xã hội. Không phải chỉ nơi “tình ái” người ta mới cần rõ ràng “yêu hoặc không yêu”, mà ngay trong phạm vi tinh thần : tình yêu mọi lúc cần phải được thể hiện, nếu không chỉ là giả dối, lý thuyết.

Các môn đệ có yêu thương Thầy Giêsu, các ông mới đau buồn về sự mất mát, biệt ly ; các học trò tin tưởng Thầy, họ mới cảm nhận sự thiếu hụt của tình Thầy là quá lớn…. Đức Giêsu có thương nhớ, hiểu nỗi thao thức của các môn đệ sau mấy ngày xa vắng, vì thế Ngài không thể không tỏ bày niềm vui bình an của Đấng Phục Sinh nơi các học trò. Tình yêu của Đấng Phục Sinh có thực sự phát huy hiệu lực, nỗi sợ hãi ngay tức khắc đã biến khỏi các môn đệ, sự hèn nhát và tính nghi ngờ cũng ra khỏi các ông, tất cả khởi đi từ sức mạnh của tình Thầy Giêsu.

Nỗi nhớ thương người thân, đúng là ai mà chẳng có kinh nghiệm ; còn gặp gỡ người thân từ cõi chết trở về, dù có gan lì hay mạnh miệng đến đâu mà chẳng sợ hãi…. Tin Mừng kể lại là khi nghe Thầy nói “bình an cho các con” thì các ông tưởng là gặp ma ; khi Đức Giêsu cho các ông nhìn xem chân tay và dấu đinh, các ông vẫn chưa hết hoảng sợ…. Rồi Chúa Giêsu phải ăn uống trước mặt các ông, họ mới thực sự được tan biến đi sợ hãi, và cảm nhận rõ thế nào là niềm vui trong Đấng Phục Sinh, Đấng vừa là Thầy vừa là Chúa của những ai có lòng yêu mến.

Xét về mặt tự nhiên, có trục trặc sợ hãi, có nghi ngờ thắc mắc người chết rồi tại sao sống lại được, thì đó mới là người bình thường. Nhưng khi cân nhắc về mặt thiêng liêng, tình yêu đối với thế gian các môn đệ thì thừa dư, còn tình yêu đối với Thầy Giêsu, các ông lại quá ít, do đó mà Đấng Phục Sinh quở trách các ông kém tin, chậm hiểu Kinh Thánh. Sự bất toàn của các môn đệ và tình yêu của Đấng Phục Sinh đan xen, làm rõ hơn đức tin và khoa học, ơn tự nhiên và siêu nhiên, lúc nào cũng cần thiết để con người nhận biết Thiên Chúa là tình yêu.

Ngày hôm nay, tính ngờ vực đang cản ngăn, che phủ, làm chúng ta không nhận ra tình yêu thương của người thân của anh chị em đang dành cho ta. Trong tương quan với Đấng chúng ta tin thờ, sự sợ hãi đang làm người tín hữu không đủ tự tin mà phân biệt, đâu là bình an giả và đâu là bình an thật của Đấng Phục Sinh. Quan niệm của thời đại hôm nay, thực tế và trừu tượng đang bổ túc, làm rõ vấn đề có hay không, được và mất, khổ đau, hạnh phúc từ đâu mà đến.

Tình yêu của Đấng Phục Sinh, không phải chỉ soi sáng và khơi dậy niềm tin và ơn bình an cho các môn đệ năm xưa, mà chắc chắn là cho tất cả những ai đang khao khát chân lý và tình yêu. Con người giới hạn, bất toàn, đầy mâu thuẫn của các môn đệ, cũng chính là tâm tư và tình cảm của chúng ta hôm nay đây ! Nếu như các học trò của Thầy Giêsu nhận ra giá trị thiêng liêng cần hơn bất cứ giá trị vật chất nào ; hẳn chúng ta cũng thế, mỗi người không thể thiếu tình yêu và ơn bình an của Đấng Phục Sinh. Đức Giêsu được mọi người thán phục trước lời rao giảng thật hùng biện, thì niềm vui và bình an của Đấng Kitô Phục Sinh vẫn đang thu hút mọi tâm hồn, tất cả đều phát xuất từ tình yêu thương mà Chúa Cha ban tặng. Amen.

Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc

Exit mobile version