Lời Chúa: Mt 18, 21 – 19, 1
Khi ấy, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” Khi Ðức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê và đi đến miền Giuđê, bên kia sông Giođan.
.
Suy niệm
Nợ nần, thiếu chịu, vay mượn…. là điều bất đắc dĩ mà người ta phải đối diện; từ việc thiếu nợ, dẫn đến hiểu nhầm, nghĩ sai….hết tình cạn nghĩa ! Dù có dư ăn dư mặc, có địa vị bổng lộc… nhưng gia đình đầy mâu thuẫn bất hòa, làm sao cá nhân ấy có thế sống an vui được ? Con người tự nhiên không ai có thể sống đơn độc lẻ loi, sống chung làm việc chung là có sự phức tạp, vì thế quan hệ xã hội người ta không thể mơ hồ, mà cần phải rõ ràng.
Trong khi người Việt chúng ta thường chấp nhận cho những sai sót, hay cần giữ bình tĩnh trước sự phiền phức đến với mình là “quá tam ba bận”, người Do thái lại muốn giới hạn sự cảm thông trong một mức độ nhất định, ông Phêrô đại diện cho các anh em hôm ấy đã hỏi: thưa Thầy, khi anh em lỗi phạm con phải tha thứ mấy lần, có phải bảy lần không ?
Khi trả lời cho những thắc mắc của đứa trẻ, các bậc cha mẹ không thể quát tháo, la mắng chúng, mà phải hết sức bình tĩnh kiên nhẫn để đứa trẻ nghiệm ra chúng luôn được cha mẹ yêu thương thế mới là giải phap hiệu quả. Để trả lời cho học trò Phêrô hôm nay, Thầy Giêsu không những đã nói phải tha thứ cho người anh em của mình bảy mươi lần bảy; mà Ngài còn kể một dụ ngôn nói về người đầy tớ mắc nợ mười ngàn nén bạc cũng được vua tha hết. Dụ ngôn như muốn nói lên ai trong chúng ta cũng mắc nợ Thiên Chúa, có thể là ít hay nhiều, mà muốn được Chúa tha thứ tội lỗi của mình, trước hết chúng ta hãy quảng đại xóa nợ, tha thứ lỗi lầm cho nhau.
Lòng ích kỷ khiến trái tim của người ta khô cứng lại, chỉ còn bực tức và gian ác đối với anh chị em của mình ! Dụ ngôn cho thấy số nợ nần của anh quá lớn: mười ngàn nén bạc, vậy mà ông vua đã động lòng thương xóa sạch nợ cho anh; trong khi người bạn nghèo khổ đáng thương thiếu chịu anh chỉ một trăm bạc, tha hồ van xin, thế mà nỡ lòng nào anh không tha, bắt bỏ tù….
Tình huống của dụ ngôn cho thấy sự chênh lệch quá mức về lòng bao dung của Thiên Chúa và sự độc ác giữa con người với nhau. Có thể người đầy tớ được vua xóa sạch số nợ khổng lồ kia tưởng rằng anh ta chỉ cần biết ơn, nhớ ơn nhà vua, ngoài ra không cần phải tử tế với ai cả. Cũng có khi anh ta nghĩ Chúa ở trên cao, vua ở trong cung điện nên các ngài cũng chẳng quan tâm đến cách cư xử của con dân.
Tục ngữ có câu : “một miếng khi đói, bằng gói khi no”, hai người bất đồng ý kiến với nhau, giải pháp hữu hiệu nhất là họ tìm được tiếng nói chung, chứ đâu phải quyết chiến để bảo vệ quan điểm của mình. Một sự nhường nhịn thứ tha cho nhau trong lúc căng thẳng luôn cần thiết, có thể sánh ví như “cơm sôi bớt lửa không đời nào khê”. Khi tình yêu của vợ chồng mặn nồng thì núi tiền núi của cũng bình thường; khi tình yêu rạn nứt, họ phải chắt chiu từng cử chỉ lời nói nhỏ bé nhất mới mong tìm gặp được nét đẹp nơi tâm hồn của bạn của ta luôn có hình ảnh Thiên Chúa yêu thương. Amen.
Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc