Xin vâng và bản ngã

98

Xin vâng và bản ngã

imagesNếu chúng ta đi tìm một khuôn mẫu về đức tin vào Thiên Chúa, thì Đức Mẹ Maria là một mẫu gương sống động và viên mãn. Đức Maria có những ưu thế mà không một tạo vật trên trần thế có được. Đó là diễm phúc: được Thiên Chúa tuyển chọn và truyền tin; được sống cùng với Chúa Giêsu 33 năm, trong vai trò là thân mẫu của Ngài. Dân gian ta có câu nói: không ai hiểu con bằng mẹ.

Viết về Đức Maria, chúng ta hay nghiêng về những đặc ân của Mẹ, trong khi đó sự cao trọng của một thụ tạo được đong đếm bởi những gì mà Thiên Chúa mong mỏi hơn là những gì mà Ngài đã ban phát. Và Mẹ Maria cũng không là ngoại lệ, Mẹ vẫn theo qui luật, nếu hạt lúa không chết đi thì nó chỉ trơ trọi một mình thôi. Đức Maria dù không phải là tác giả, nhưng lại thực hành câu nói của tác giả Tôma: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy!” (Ga 11, 16).

Thập giá được xem như là tiêu chuẩn để con người được bước từ thế giới nhục thể sang thế giới siêu nhiên, từ cuôc sống hữu hạn đến cuộc sống viên mãn. Chuyển tiếp giữa hai thế giới khác biệt này, chúng ta cần có một giải pháp thật mạnh mẽ (giải pháp thánh giá), quyết liệt và có tính khắc nghiệt, khó khăn dưới cách suy nghĩ của trần tục.

Đức tin là xin vâng

Chúng ta vẫn nói Abraham là “cha các kẻ tin”, vì tổ phụ đã dám từ bỏ tất cả để đi đến vùng đất chưa hề biết, mà Thiên Chúa đã hứa. Hơn nữa, tổ phụ đã vâng lời hiến tế (nhưng chỉ là thử thách) người con duy nhất của mình cho Thiên Chúa. Nhưng Đức Maria còn hơn thế, hơn rất nhiều. Mẹ cũng để Thiên Chúa dẫn dắt chính cuộc đời mình. Từ hang đá Belem-nơi sinh ra Đấng Cứu Chuộc, chạy trốn qua Ai cập, về miền Nazaret và cùng lên núi sọ để chứng kiến lễ hiến tế, không chỉ hiến tế thật mà còn hiến tế rất khủng khiếp, rất đau đớn, rất tủi nhục, người con của mình. Tất cả hành trình thập giá ấy được bắt đầu từ hai chữ xin vâng.

Xin vâng là cụm từ diễn tả súc tích nhưng sâu xa về đức tin của một Kitô hữu.

Một chuyên gia về quản trị kinh doanh nói rằng, đức tin Công giáo nếu được biểu diễn bằng một hàm rủi ro, thì trị rủi ra của nó quá cao, cao hơn rất nhiều so với những ai tham gia thị trường chứng khoán, bất động sản. . .Nhưng hơn 1 tỷ người trên thế giới vẫn tin vào hàm rủi ro ấy vì kì vọng. Rủi ro càng cao thì lợi nhuận càng lớn, đây là một qui luật. Xem chừng kì vọng ấy phải là 100%. Và đức tin Công giáo đem lại cho Kitô hữu niềm vui to lớn, nhưng không phải ở cuộc sống đời nay, mà chính là cuộc sống sau cái chết. Nó trở nên xa lạ, khó hiểu thậm chí kỳ quặc cho nhưng ai mang nặng tư duy trần thế hoặc duy lý.

Xin vâng, chúng ta hay dùng từ này để nói về Đức Maria khi Mẹ trả lời cho thiên sứ truyền tin Gabriel. Môt câu hỏi tuy đơn giản nhưng vẫn cần đặt ra là, xin vâng theo nghĩa như thế nào? Trong Tân ước, chính Chúa Giêsu phân tích cụm từ xin vâng này bằng câu nói rất nổi tiếng trong Luca (22, 42) “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà vâng theo ý Cha.

Đức tin có thể tạm chia thành hai mức độ. Mức độ thứ nhất chúng ta tin rằng Đức Giêsu làm được và chắc chắn sẽ làm. Mức cao hơn lại tin rằng, Ngài làm được nhưng Ngài có thể không làm vì ý định của Thiên Chúa thì sâu xa, vượt quá khỏi tư duy nhục thể, thiển cận của con người. Nhưng đức tin xác tín rằng, Ngài sẽ thực hiện cho chúng ta theo con đường tốt nhất vì tính toàn cục và quan trọng hơn là vì cuộc sống đời sau,. Về chuyện này, chúng ta có thể có hai so sánh đơn giản như sau về tính toàn cục: một võ sinh đai trắng sẽ không hiểu được tại sao người thầy Karatedo cứ buộc mình phải đứng tấn hàng giờ và qua nhiều tháng. Hoặc một người con sẽ lấy làm khó hiểu khi cha mẹ cứ bắt mỗi ngày phải giải hết 05 bài toán đố từ lúc lớp 1 đến lớp 5.

Xin vâng là từ bỏ bản ngã

Bản chất của xin vâng là từ bỏ chính mình và xin vâng theo ý của Thiên Chúa. Và tự thân, ý nghĩa này rất khớp với câu nói của Chúa Giêsu “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mc 8. 34). Chúng ta tự nhận là môn đệ của Chúa Giêsu, nhưng đôi khi, nhiều khi lại theo Ngài với tiêu chuẩn kép. Nghĩa là muốn đạt cả 2 mục tiêu, vừa tôn vinh Ngài và tôn vinh cả chính mình. Nếu chúng ta muốn và được người đời ca ngợi, Thiên Chúa sẽ không còn trả công nữa, trong tình huống này, Ngài bảo “họ đã được phần thưởng rồi” (Mt 6, 2).

Dù xuất hiện ít ỏi trong Tân Ước, nhưng những lần xuất hiện, Mẹ Maria đều để lại cho chúng ta các bài học lớn. Đức Maria là Đấng dạy chúng ta biết, đức tin nghĩa là từ bỏ cái tôi khi đã là môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta ôn lại 3 sự kiện có liên quan sau:

Lần nhất, sau ba ngày, thánh Giuse và Mẹ Maria mới tìm thấy con trong Đền thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy. Mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con“. Nhưng Chúa Giêsu lại đáp rằng “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” ( Lc 2, 41)

Lần hai, khi dân chúng ca ngợi Mẹ Maria, sau khi chứng kiến các phép lạ của Người Con bằng câu nói “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú“, thì Chúa Giêsu đáp lại “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Mc 3, 33).

Lần ba, trong tiệc cưới Cana, trước lời xin can thiệp của Ðức Maria, Chúa Giêsu đã trả lời: “Này Bà, giữa tôi và Bà, nào có việc gì?” (Ga 2, 4).

Các sự kiện trên khi đọc, chúng ta nghe xót xa, đau đớn. Và thực tế là như vậy. Các lời ấy chà xát, dày vò lên cái tôi, để cái tôi nhỏ lại và rồi tự hủy đi. Với ý nghĩa đó, đây cũng là thanh gươm mà tiên tri Simeon đã tiên báo cho Mẹ Maria: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.” (Lc 2, 34). Quá trình từ bỏ hoặc tự hủy chính mình của Đức Maria trong Tân ước soi dẫn cho chúng ta đến một chân lý – chân lý này minh họa quá trình mà đức tin một cá thể được trưởng thành trong Thiên Chúa là: quá trình tự hủy cái tôi. Thánh Gioan Tẩy giả mô tả như sau về quá trình này: “Ngài thì lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại” (Ga 3, 30).

Chúng ta cùng xem lại quan niệm tự hủy cái tôi của hai thánh: Phansico Assisi và Mẹ Terexa Calcuta (tự hủy thì triệt để hơn từ bỏ, vì từ bỏ còn có thể quay lại).

Thánh Phanxico Asissi viết: “Những ai chịu đựng mọi gian khổ trên đời vì lòng yêu mến Chúa Giêsu Kitô, mà vẫn giữ được tâm hồn và thân xác bình an. Họ mới thật là người xây dựng hòa bình”.

Mẹ Terexa Calcuta quan niệm: “Tôi tin rằng nếu Chúa thấy một người nào yếu ớt hơn, vô vọng hơn tôi, Ngài thậm chí còn làm những điều cao cả hơn cho người ấy, vì công việc này là của Ngài”.

Đức nguyên Giáo Hoàng Benedic XVI nói rằng “Hội thánh sinh ra khi Đức Mẹ đáp lời xin vâng”. Và đức tin của mỗi thành viên trong hội thánh này cũng có thể tóm lại bởi hành vi “xin vâng”.

Lạy Mẹ Maria, xin luôn trợ giúp để chúng con biết tự hủy bản ngã của chính mình để thấu đạt tới ý nghĩa của cụm từ xin vâng.

G. Tuấn Anh