Cận ngày lễ Giáng Sinh, Phụng vụ mời gọi chúng ta chiêm ngưỡng hình ảnh của Đức Trinh nữ Maria, để từ đó, giúp chúng ta đón Chúa với tâm tình của Đức Mẹ. Chúa vẫn đang đến với chúng ta trong cuộc đời. Ngài vẫn kiên nhẫn gõ cửa tâm hồn con người. Có những người nhiệt thành mở cửa đón Chúa. Những người khác lại chối từ vì không muốn hệ lụy. Hình ảnh người chồng và người vợ đang mang thai lang thang gõ cửa quán trọ ở thị trấn Belem năm xưa vẫn đang hiện hữu trong xã hội của chúng ta. Tuy vậy, nếu Chúa gõ cửa tâm hồn chúng ta, không phải vì Ngài có nhu cầu, nhưng để mời gọi chúng ta chia sẻ niềm vui và hạnh phúc của Ngài, đồng thời nhận ra mình được Chúa yêu thương.
Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, những ai muốn mở rộng lòng đón Chúa cần có tâm tình khiêm nhường. Các tác phẩm hội họa, khi trình bày cuộc truyền tin, đều diễn tả Đức Maria trong tư thế khiêm nhường. Sự khiêm nhường được thể hiện qua lời thưa: “Này tôi là nữ tì của Chúa…“. Khiêm nhường là để cho lòng mình trống rỗng, không còn những tham vọng, nhờ đó dễ dàng đón Chúa ngự đến. Khiêm nhường cũng là sự sẵn sàng, để Chúa sử dụng mình theo ý Ngài muốn, như người họa sĩ tự do sử dụng cây cọ, vẽ lên những bức tranh tuyệt tác. Trong cuộc sống hiện tại, con người cậy vào sức mạnh của vật chất, vào trí tuệ và những phát minh của công nghệ kỹ thuật. Họ nghĩ những điều đó sẽ là (hoặc đã là) những “thượng đế” họ tôn thờ. Vì vậy, họ không có nhu cầu tìm kiếm Thiên Chúa. Trong thực tế, mặc dù có những thành tựu khoa học và những phát minh vượt bậc về kỹ thuật, đến một ranh giới nào đó, con người vẫn phải nghiêng mình kính phục Đấng làm nên mọi nguyên lý trong vũ trụ. Bởi lẽ, Thiên Chúa là Đấng đặt để những định luật, giống như những ẩn số trong vũ trụ này. Các nhà khoa học là những người nghiên cứu để giải mã những định luật đó. Những phát minh của con người chỉ là một phần rất nhỏ trong những gì Thiên Chúa đã “gài đặt”. Một khi khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là tạo vật nhỏ bé trước Thiên Chúa, con người sẽ mở rộng tâm hồn để đón nhận Ngài.Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, những ai muốn mở rộng đón Chúa cần có sự tín thác nơi Ngài. Trước lời đề nghị của Sứ thần: “Này Bà sẽ thụ thai, và sinh hạ một con trai…“, Trinh nữ bối rối, bởi lẽ Trinh nữ đã khấn với Chúa trọn đời sống trinh khiết. Sự bối rối này không phải do nghi ngờ quyền năng của Chúa, mà xuất phát từ lòng trung tín với những gì đã cam kết với Ngài. Sứ thần đã giúp Trinh nữ an tâm, khi khẳng định rằng, mặc dù mang thai và sinh hạ, Trinh nữ vẫn trung tín trọn vẹn với lời thề hứa với Chúa. Đức Maria đã hoàn toàn tín thác vào Chúa. Mẹ tin rằng Chúa làm được mọi sự. Mẹ cũng không cần phải giải thích với Giuse, người bạn đời đã đính hôn, về thai nhi trong lòng mình, vì Mẹ biết, nếu Chúa đã khởi sự chương trình của Ngài, thì Ngài cũng sẽ tiếp tục làm cho mọi sự được tốt đẹp, vào thời điểm Ngài muốn và với cách thức Ngài muốn. Lòng tín thác của Trinh nữ Maria dẫn tới việc Mẹ chấp nhận mọi hệ lụy đi kèm. Bởi lẽ, đối với Trinh nữ, thực hành Thánh ý của Chúa là ưu tiên và quan trọng nhất trong đời. Trong cuộc sống hôm nay, đôi khi hai chữ “Công giáo” gây phiền lụy và thiệt thòi trong một số nghề nghiệp hay cho những ai muốn tiến thân trong guồng máy lãnh đạo. Không ít tín hữu đã ngại ngùng khi nhận mình là người Công giáo, nhất là trong môi trường kinh doanh và trí thức. Hình ảnh Đức Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin giúp chúng ta can đảm theo Chúa và vững vàng tuyên xưng đức tin, dù có những hệ lụy phức tạp trên đường đời. Trong bài huấn đức thứ Tư, ngày 28-6-2017, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Các kitô hữu là những người nam nữ đi “ngược dòng đời”: Đó là điều bình thường, bởi vì thế giới bị ghi dấu bởi tội lỗi, được biểu lộ ra trong nhiều hình thức khác nhau của ích kỷ và bất công, ai theo Chúa Kitô thì bước đi trên hướng ngược lại. Không phải vì tinh thần tranh luận nhưng vì trung thành với cái luận lý của Nước Thiên Chúa, là một luận lý của niềm hy vọng và được diễn tả ra trong kiểu sống dựa trên các chỉ dẫn của Chúa Giêsu”.
Như Đức Trinh nữ thành Nagiarét, một khi đón nhận Chúa Giêsu, chúng ta hãy lên đường loan báo cho mọi người, để giúp họ đón nhận Đấng là Vua Hòa Bình. Sau ngày truyền tin, Mẹ đã vội vã lên vùng sơn cước, nóng lòng loan báo cho gia đình người chị họ của mình là bà Elisabét tin vui: Thiên Chúa đã viếng thăm Dân Người. Niềm mong đợi ngàn xưa đã đến. Kỷ nguyên mới đã khai mở và hết thảy mọi người đều được mời gọi cộng tác để Tin Mừng được loan truyền cho mọi tạo vật. Như Đức Maria, mỗi chúng ta cũng mang trong mình Chúa Giêsu, và chúng ta có bổn phận giới thiệu Chúa cho mọi người. Sứ mạng loan báo Tin Mừng gắn liền với đời sống Kitô hữu, bất kể trong hoàn cảnh địa vị và bậc sống nào. Trong thánh lễ tại Myanmar, sáng 31-11-2017, Đức Thánh Cha đã nói với các bạn trẻ: “Một vài người trong các bạn tự hỏi làm sao có thể nói về những loan báo vui mừng khi mà quanh chúng ta có bao nhiêu người đang đau khổ. Đâu là những tin vui khi mà bao nhiêu bất công, nghèo đói và lầm than tỏa bóng đen trên chúng ta và thế giới? Nhưng tôi muốn rằng từ nơi này phát sinh một sứ điệp rất rõ ràng. Tôi muốn dân chúng biết rằng các bạn là những người trẻ nam nữ của Myanmar, không sợ tin nơi việc loan báo vui mừng về lòng thương xót của Thiên Chúa, vì Ngài có một tên và một khuôn mặt: đó là Đức Giêsu Kitô. Trong tư cách là những sứ giả Tin Mừng như thế, các bạn sẵn sàng mang lời hy vọng cho Giáo Hội, cho đất nước các bạn và cho thế giới. Các bạn sẵn sàng mang tin vui cho anh chị em đang đau khổ và cần những lời cầu nguyện, tình liên đới của các bạn và cả sự hăng say của các bạn đối với các quyền con người, công lý, sự tăng trưởng những gì mà Chúa Giêsu ban, đó là tình thương và hòa bình“.
Hãy thưa xin vâng như Mẹ. Lời thưa ấy trải dài trong suốt cuộc sống. Nhờ lời thưa xin vâng huyền diệu ấy, chúng ta có thể đón nhận Chúa Giêsu cùng với thập giá của Người. Thiên Chúa không để cho ai ngã gục hoặc thử thách quá sức mình. Sự khiêm nhường và lòng tín thác cậy trông sẽ giúp chúng ta có sức mạnh và ơn siêu nhiên, để luôn vững bước trên đường đời. Chúa đang ở cùng chúng ta, để chung chia phận người và đỡ nâng chúng ta trong cuộc sống.