Lời Chúa Năm C Xin Tình Yêu Của Đức Kitô Gặp Gỡ Đời Con Và Đời...

Xin Tình Yêu Của Đức Kitô Gặp Gỡ Đời Con Và Đời Người (Chúa Nhật 31 Thường niên_C)

 

Cách đây không lâu, trên trang “Tuổi Biết Buồn”, tôi có đọc được đôi dòng tâm sự như sau: “Em năm nay 21 tuổi. Sang Mỹ được 3 năm. Năm đầu sống rất vui vẻ hồn nhiên, không buồn phiền gì về vấn đề tình cảm. Năm thứ hai thì con tim bắt đầu lúc lắc. Năm thứ ba em bắt đầu yêu thật. Em đã quen một anh tên A. Lúc đầu chỉ coi anh là anh trai, nhưng tình cảm len lỏi vào tim lúc nào không biết. Anh lo cho em từng li từng tí. Càng ngày em càng cảm thấy mến anh. Nhưng có điều anh hơn em đến cả 18 tuổi. Lấy anh thì cũng được, nhưng em lại sợ cái cảnh ‘cha già con mọn’. Thế rồi em lại quen một anh khác tên B. Anh này thương em, cũng lo lắng cho em. Hơn em chừng 7, 8 tuổi. Nhưng có điều cũng khó nghĩ vì B lại thấp hơn em, lại không có đạo nữa. Không trở lại, bố em không chấp nhận là cái chắc. Không lớn hơn vài ‘inches’ nữa thì tương lai của em sẽ không biết giầy, guốc cao gót là gì?”.

Đọc qua tâm sự đó, tôi chợt nhớ đến hình ảnh của một người rất thấp trong Phúc âm: Giakêu, một ty trưởng quan thuế tại thành phố Giêricô, nằm cách Giêrusalem 15 dặm về hướng đông bắc.

Giakêu không những được mô tả như một người thiếu thước tấc về thể xác, nhưng còn là kẻ quá thấp bé về tâm hồn, dưới cái nhìn của người Do thái. Không “thấp” lắm sao khi cấu kết với ngoại bang Rôma để vơ vét tài sản của dân tộc, đất nước! Không “bé” lắm sao khi đi làm giàu trên bao mồ hôi xương máu của những người lầm than khốn khổ!

Từ xưa đến nay, chẳng mấy ai ưa thích chuyện thuế má. Người Do thái lại càng chán ghét chế độ sưu thuế do chính sách đô hộ Rôma áp đặt. Số là tại các thuộc địa, để không phải trực tiếp bóc lột, chính quyền cai trị Rôma thường cho đấu thầu việc thu thuế tại từng khu vực. Tất nhiên chỉ có kẻ giàu mới có khả năng và mới có cơ may trúng thầu. Khi trúng, họ có quyền qui định mặt hàng cũng như giá thuế phải đóng. Lắm khi người trúng thầu phải ra giá thật cao để gỡ vốn. Và không ít khi cao thêm tí nữa để có lời. Thế nên, dân Do thái tự động xem hạng thu thuế là phường bán rẻ lương tâm, phá nước hại dân, làm giàu bất chính. Người ta tránh xa như gặp phải những con vật dơ nhớp, nguy hiểm. Thậm chí còn coi họ như quân ngoại đạo và tội lỗi.

Thành ra con người Giakêu hẳn là quá thấp bé trong tầm nhìn luân lý của những kẻ “đang bị bóc lột”. Đã vậy vóc dạng của ông cũng chẳng cao ráo sáng sủa gì. Lùn quá! Có nhón gót cũng chẳng thấy Đức Giêsu đâu. Đám đông che mất tầm nhìn của ông.

Mặt khác, danh xưng của ông còn khơi lên ý tưởng mỉa mai châm biếm khi nó tương phản với công luận. Giakêu là phiên âm từ chữ “Zakkay”, trong tiếng Do thái có nghĩa là “người công chính” hay “người thanh khiết”. Gọi một kẻ tội lỗi, nhơ uế là “công chính” và “thanh khiết”, nếu không phải là chế giễu và khinh bỉ thì là gì?

Nhưng dù thân xác và tinh thần có bị bao quanh bằng những hàng rào của mặc cảm tự ti, hay sự khinh thường ghét bỏ của dân chúng, lòng khát mong gặp Đức Giêsu đã như tác động đầu tiên đưa đến biến đổi và thăng hoa con người.

Ước ao nhìn mặt Đức Giêsu, đó là sự tò mò tự nhiên hay lời mời gọi của tình thương? Cứ tưởng tượng Giakêu xắn chiếc áo rộng thùng thình của một bậc trưởng giả để leo lên cây sung như một đứa con nít cũng đủ thấy đó là một khát khao vượt tính tự nhiên rồi. Phải chăng khi bị mọi người tránh xa, khi nghe đồn Đức Giêsu hay đến làm bạn với những kẻ không được thương yêu, trong ông đã hình thành nỗi niềm đi tìm yêu thương vỗ về.

Lòng khát khao mãnh liệt làm cho lòng Giakêu “cao lên” so với bao người chen chúc trong đám đông hiếu kỳ. Oâng muốn nhìn Chúa, nhưng đúng hơn, Chúa lại muốn tìm ông. Khi vừa đến chỗ cây sung có Giakêu đang trèo trên đó, Đức Giêsu “nhìn lên và trông thấy ông”. Giả như không có ánh mắt nhìn lên đó thì chuyện gì sẽ sảy ra? Có lẽ Giakêu cũng tuột xuống ra về trong âm thầm. Cái nhìn của Chúa làm biến đổi cuộc đời.

Nhìn và thấy diễn tả một sự chú ý kiếm tìm. Nhìn vào bao con người chen chúc chung quanh, với đủ mọi thành phần, trình độ, sang hèn, tuổi tác, nhưng Đức Giêsu lại chỉ thấy có một tâm hồn mà Ngài đang muốn tìm về. Niềm vui rạng rỡ đã bật thành lời: “Hỡi Giakêu hãy xuống mau, vì hôm nay Ta phải lưu lại tại nhà ngươi” (Lc 19,5). Ngài đã tìm thấy “con chiên lạc” đang vướng trên cành, và lòng Ngài ngập tràn hân hoan.

Một nhà chú giải suy niệm: “Ôi chao! Ngày hôm đó, chắc là Đức Giêsu phải sung sướng hạnh phúc lắm! Còn vài cây số nữa là đến Giêrusalem. Còn vài ngày nữa là cuộc khổ nạn được dâng hiến để cứu chuộc con người. Mọi nỗi đơn độc chơ vơ của thập giá, mọi hình khổ Ngài sẽ gánh chịu, mọi vết thương xé nát bàn tay và đôi chân đẫm máu sẽ mang lại ơn ích cho nhân loại. Ngài biết điều đó. Ngài đã cứu thế gian khi tiến lên Giêrusalem. Và Giakêu là hoa trái đầu mùa”. (Noel Quesson)

Con tim cháy lửa yêu thương đã tìm gặp được tâm hồn khao khát thương yêu. Và thương yêu đã biến đổi phận người! Đúng là “gặp gỡ Đức Kitô, biến đổi cuộc đời mình; Gặp gỡ Đức Kitô, nảy sinh tình đệ huynh”. Tình huynh đệ nảy sinh khi Giakêu tự nguyện “bố thí nửa phần gia tài cho người khổ đau”. Tình đệ huynh lại được hàn gắn khi Giakêu can đảm “đền trả gấp bốn cho người bị ông làm thiệt hại”.

Không gặp được Đức Kitô chẳng ai có đủ sức đền bù, chia sẻ, hay trao ban. Không có tình thương sưởi ấm chắc chắn chẳng ai có thể đổi đời. Nhưng khi có tình Chúa chiếu soi, người ta sẽ “cao lên” trong tình người. Và như thế, không ai có quyền kỳ thị hay gạt bỏ, vì họ cũng là “con cái của Abraham”. Không ai được phép xem họ như người ngoại hay kẻ lầm lạc, vì họ cũng là môn đệ của Tình Yêu Thiên Chúa.

Trở lại với lời tâm sự ban đầu. Thiết tưởng cao to thân xác mà thấp bé cõi lòng thì ăn thua gì. Mang danh có đạo mà không bác ái hy sinh thì cũng thiếu xót lắm thay. Thế nên, việc cần thiết nhất không phải là cao lùn, mập ốm, rửa tội hay chưa, nhưng là có được tình yêu đúng nghĩa chiếm ngự tâm hồn hay không.

Tình yêu đúng nghĩa chỉ có khi được Đức Giêsu lưu lại trong đời. Và như Lệ Vũ, người phụ trách “Tuổi Biết Buồn” xác quyết: “Tìm được tình yêu và yêu thật lòng, ba cái chuyện cao gầy, lùn mập, miệng méo, mắt Sài gòn, mắt Chợ Lớn, sẽ không thành vấn đề quan trọng”.

Lm. Phêrô Bùi Quang Tuấn

Exit mobile version