Xin ơn bình an trong cơn đại dịch

690

Hơn lúc nào hết, mọi Ki-tô hữu chúng ta đang khao khát được sống trong bình an của Chúa khi mà dịch cúm Covid-19 càng ngày càng trở nên nguy hiểm và lan tỏa rất nhanh tại Trung Quốc cũng như nhiều nơi trên thế giới.

 

Được biết, dịch viêm phổi cấp do virus corona (Covid-19) chủng mới gây ra bùng phát ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc từ cuối năm ngoái. Dịch đã nhanh chóng lan ra tất cả các tỉnh, thành của Trung Quốc và ít nhất 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, lấy đi sinh mạng của hơn 2.000 người, khiến hơn 75.000 người nhiễm bệnh. Tính trên toàn thế giới, thì vào thời điểm sáng ngày 19-2-2020 đã có 75.184 ca nhiễm nCoV và 2.009 người đã chết vì dịch bệnh này, trong khi có 14.555 người bình phục. Đặc biệt có 5 ca tử vong được ghi nhận ngoài Trung Quốc đại lục, đó là ở Nhật Bản, Hong Kong, Pháp, Philippines và Đài Loan.

Trước tình hình này, Ki-tô hữu chúng ta cầu xin Chúa ban sự bình an vì chỉ có Chúa mới có sự bình an đích thực. Sự bình an của Chúa là sự bình an xuất phát từ Thánh Thần có sức mạnh giúp chúng ta bình tâm chống đỡ mọi nguy cơ thử thách bất cứ như thế nào và từ đâu tới. Ngày 17-2 vừa qua, lời nguyện chính thức của HĐGMVN đã được phổ biến để cộng đoàn Dân Chúa cầu nguyện trong cơn dịch bệnh Covid-19.

Dựa theo nội dung kinh này, ta có thể tóm lược mấy điểm chính: Trước hết, chúng ta cầu xin Thiên Chúa Ba Ngôi cho cơn dịch bệnh mau chấm dứt, đồng thời xin Chúa Cha giàu lòng thương xót nhìn đến nỗi thống khổ của đoàn con trên khắp thế giới, nhất là những nơi dịch bệnh đang hoành hành. Chúng ta cầu xin Cha củng cố đức tin mọi người, cho mọi người hoàn toàn tín thác vào tình yêu quan phòng của Cha.

Chúng ta cầu xin Chúa Giê-su là Đấng cứu độ duy nhất, là vị lương y đầy quyền năng và lòng thương xót, xin Ngài thương cho các bệnh nhân được chữa lành và an ủi các gia đình đang gặp khó khăn thử thách.

Chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần là nguồn sức mạnh tình yêu, xin Người soi sáng các vị hữu trách và những ai có khả năng để họ sớm tìm ra phương thuốc chữa trị dịch bệnh, xin Người ban cho các bác sĩ và nhân viên y tế sức mạnh của tình thương và lòng nhiệt thành quảng đại hầu luôn tận tâm tận lực phục vụ các bệnh nhân. [1]

Như vậy, qua bản kinh vừa tóm lược, chúng ta có thể xác tín là việc cầu nguyện để vững niềm tin trong lúc này là hết sức cần thiết, đồng thời chúng ta cũng khẩn khoản nài xin Ba Ngôi Thiên Chúa ra tay cứu vớt chúng ta bằng cách soi sáng, nâng đỡ để tất cả những ai có trách nhiệm sẽ tìm ra các phương cách chống chọi với dịch bệnh đang lan tràn và gây chết chóc, đau khổ cho nhiều người. Lời cầu nguyện và sự cộng tác của con người luôn luôn phù hợp với đường lối giải quyết của Thiên Chúa.

Vừa qua, HĐGMVN cũng như một số giáo phận trong cả nước đã ra thông báo kêu gọi mọi tín hữu cầu nguyện đồng thời đưa ra những hướng dẫn cụ thể về việc phòng chống dịch bệnh do chủng virút Corona-2019 gây ra. Việc này cho thấy Hội thánh các nơi không tỏ ra “vô cảm” trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và rất nguy hiểm này. Đức tin của chúng ta luôn là một đức tin sống động, nhạy bén, rất thích hợp với từng hoàn cảnh, vì đức tin luôn phải có việc làm để được tỏa sáng. [2]

Được biết, từ cuối tháng 1-2020, ĐTC Phan-xi-cô đã kêu gọi mọi tín hữu trên toàn thế giới cầu nguyện cho bệnh dịch sớm chấm dứt và cho các nạn nhân do dịch gây ra, đồng thời Tòa Thánh cũng đã gửi 700 ngàn khẩu trang trợ giúp vùng dịch bên Trung Quốc. Các Hội thánh Châu Á như Trung Quốc, Hồng Công, Singapore, Hàn Quốc cũng nhanh chóng kêu gọi các tín hữu cầu nguyện và giúp đỡ các địa phương và các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Điều đặc biệt hơn là tại Hồng Công và Singapore, Hội thánh địa phương đã áp dụng biện pháp “cứng” chưa từng có, đó là tạm dừng tất cả thánh lễ Chúa nhật, kể cả phụng vụ lễ Tro (ngày 26-2-2020) nhằm tránh lây lan trong cộng đoàn. Tất cả cũng là để bảo vệ mạng sống con người và giúp con người sống bình an trong tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng và phức tạp. [3]

Từ những thông tin và cảm nhận trên, chúng ta có thể rút ra 2 điều sau:

1- Bình an nhờ sự tín thác vào sự quan phòng của Chúa

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ có được bình an là nhờ biết tín thác vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Tín thác có nghĩa là chúng ta xác tín rằng Chúa biết hết mọi sự đã, đang và sẽ xảy ra, đồng thời Người có những đường lối riêng mà chúng ta không thể biết tường tận, nhưng chỉ cảm nhận bằng đức tin.

GLHTCG viết: “Việc Thiên Chúa cho phép có sự dữ thể lý và sự dữ luân lý là một huyền nhiệm mà Thiên Chúa soi sáng nhờ Con của Người là Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết và sống lại để chiến thắng sự dữ. Đức tin giúp chúng ta xác tín rằng, Thiên Chúa sẽ không cho phép có sự dữ xảy ra nếu Người không rút được sự lành từ chính sự dữ, bằng những con đường mà chúng ta chỉ biết được trọn vẹn trong đời sống vĩnh cửu” (số 324).

Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác của đức tin, chúng ta lại thấy rằng sự quan phòng của Thiên Chúa không tước đi tự do và quyền quyết định của chúng ta. Thánh Au-gus-ti-nô đã nói: “Thiên Chúa dựng nên con người không cần con người, nhưng để cứu chuộc con người, thì Ngài cần đến sự cộng tác của con người”.

Khi bị bệnh thì ta phải uống thuốc, khi đói thì phải làm việc để có cái ăn, khi ra đường phải đội mũ bảo hiểm để phòng chấn thương do tai nạn, khi bão lụt thì phải tránh, khi chiến tranh xảy ra thì phải di tản vv.

ĐGM GB Bùi Tuần trong bài “Đừng đổ thừa cho Chúa” đã viết như sau:

“Tôi có thói quen hay cắt nghĩa tất cả mọi sự đều do Chúa định. Thói quen đó được tôi dùng như một giải pháp đạo đức dễ dàng trấn an lương tâm.

“Chẳng hạn tôi nghèo. Tôi cũng bảo là do Chúa muốn. Nhưng thực ra cũng có thể là do tôi không biết làm ăn. Tôi thấy chiến tranh tàn phá làng tôi, cướp mất gia đình tôi. Tôi cho là do Chúa định. Nhưng thực ra cũng có thể là do tội những người lãnh đạo chiến tranh. Tôi thấy xứ đạo tôi, địa phận tôi, Giáo Hội tôi có những khuyết điểm lớn nhỏ. Tôi cho là Chúa an bài như vậy. Nhưng thực ra cũng có thể là tại lỗi lầm của tôi, của các bề trên tôi, của anh chị em đồng đạo và của cả cộng đoàn Ki-tô hữu …” [4]

Cầu nguyện trong phó thác và hành động trong khôn ngoan, đó là điều kiện giúp ta sống bình an.

2- Bình an là do ta biết hành động theo ý Chúa 

Ý Chúa luôn là tốt lành và thiện hảo. Trong cuộc sống, có rất nhiều biến cố mà ta phải “đọc” ra ý Chúa là gì ẩn chứa trong đó. Khi nhận ra được ý Chúa như thế nào, ta sẽ hành động đúng và sẽ được sống trong bình an.

Khi ta ốm đau bệnh tật, ta phải đi khám bệnh. Thầy thuốc chỉ định ta phải làm cái này, phải uống thuốc kia, phải theo dõi như thế nào, nếu ta làm theo như vậy là ta đã theo ý Chúa rồi. Tất nhiên ta không loại trừ một số trường hợp xấu, chẳng hạn gặp thầy thuốc dỏm, dùng thuốc giả, bị lừa gạt, tống tiền vv. Lúc đó, nếu chúng ta tin tưởng và cầu nguyện, Chúa sẽ soi sáng ta nhận ra thực hư.

Thiên Chúa luôn nói với chúng ta ngang qua Lời Chúa trong Thánh Kinh, qua các giáo huấn của Hội thánh, qua lề luật Chúa và Hội thánh, qua các lời dạy và hướng dẫn của người có trách nhiệm, qua các biến cố thường nhật vv…

Để biết được ý Chúa, điều quan trọng nhất là chúng ta phải cầu nguyện và biết lắng nghe tiếng Chúa. Cầu nguyện để Chúa thông đạt ý của Người cho chúng ta, một cách thâm sâu. Lắng nghe để chúng ta chìm sâu vào mầu nhiệm Lời Chúa. “Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6, 9-10). Khi Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, Ngài muốn đưa chúng ta vào tương quan mầu nhiệm giữa Thiên Chúa Cha và chúng ta là con cái Người, để chúng ta hiểu rằng “dưới đất” và “trên trời” cùng một mối liên hệ “phụ tử” thân mật. Không còn khoảng cách nào để chúng ta phải ở ngoài quỹ đạo của tình yêu chăm sóc của một người Cha luôn quan tâm đến con cái mình.

Khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta lo lắng, bối rối, lo sợ. Chúa biết. Có nhiều nơi không có thánh lễ như bình thường, kể cả Chúa nhật, lễ trọng. Chúa biết. Có nhiều nơi linh mục chủ tế, lễ sinh, ca đoàn và giáo dân phải đeo khẩu trang khi đến dự thánh lễ. Chúa biết. Có nhiều nơi giáo dân không dám đến nhà thờ dự thánh lễ, tham gia sinh hoạt, học/ dạy giáo lý vì sợ nhiễm bệnh. Chúa biết. Có nơi giáo dân được cho phép tham dự thánh lễ online và rước lễ thiêng liêng. Chúa biết hết.

Vì chúng ta biết Chúa biết hết, nên chúng ta an tâm. Dịch bệnh có thể sẽ còn xảy ra và gia tăng mức độ thiệt hại, nhưng Cha chúng ta ở trên trời sẽ có cách “mạc khải” cho chúng ta biết kế hoạch của Người. Kế hoạch của tình thương chứ không phải kế hoạch của trừng phạt. Kế hoạch của cứu độ chứ không phải kế hoạch của hư vong.

Thiên Chúa khôn ngoan lại đầy quyền năng cho nên trong việc quan phòng của Người, Người hành động một cách kỳ diệu, lạ lùng mà trí khôn ta không thể thấu suốt được. “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của Ta cũng không phải là đường lối của các ngươi”(Is 55,8). Vì thế đối với những việc xảy ra cho mình, dù tốt hay xấu, người tín hữu cũng vẫn một lòng tín thác vào tình thương của Thiên Chúa. Thánh Phao-lô đã nhắn nhủ các tín hữu: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định ” (Rm 8, 28) ./.

Aug. Trần Cao Khải

______________

[1]https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/loi-nguyen-trong-con-dich-benh-39099

[2]http://conggiao.info/nguoi-cong-giao-truoc-dai-dich-viem-phoi-cap-do-virus-corona-d-53164

[3]http://conggiao.info/giao-phan-hongkong-tam-thoi-huy-bo-tat-ca-thanh-le-chua-nhat-do-dich-covid-19-d-53264

[4]ĐGM GB Bùi Tuần – Nói với chính mình – NXB VH-VN – Năm 2015 trang 111-112