Trong những ca khúc ấy, bất kể tiết tấu nào, dù vui tươi hay lắng đọng thì vẫn thường chung một mẫu số, đó là nguyện ước bình an. Ta có thể thấy điều này trong ca từ của bài hát Joy To The World (Niềm vui cho thế giới) của G.F. Handel: “Tiếng muôn thiên thần hỉ hoan ca mừng. Lừng vang đồng xanh đêm vắng. Chúa sáng danh trên trời.Chúc thái an cho đời. Người người dạt dào niềm vui. Đất trời ngợp đầy hạnh phúc. Trong giờ phút linh thiêng. Chúa Con ra đời”. Hay ở điệp khúc trong bài Mary’s Boy Child (Đi tìm Chúa tôi) của nhóm Boney M: “Vinh danh Chúa khắp ngàn tầng cao. An bình trần thế ngay lành. Hang lừa tối tăm trong máng rơm hèn.Đơn nghèo vua Trời Chúa ta”.Với Silent Night ( Đêm Thánh Vô Cùng) thì nguyện ước thẳm sâu ấy lại được thể hiện qua những giai điệu du dương, thánh thiện. Để rồi mỗi khi từng nốt nhạc ngân lên, trong ta như hiển hiện hình ảnh về một làng quê yên bình tận nước Áo xa xôi cách đây gần 200 năm trước. Dường như sự yên bình ấy đã khiến lòng người dễ dàng hướng đến Trời cao.
Với thánh ca Việt Nam, có lẽ nhạc sĩ Hải Linh đã tiên phong thể hiện triết lý này trong ca khúc Hang Bê lem vào thập niên 40 của thế kỷ trước:“Nửa đêm mừng chúa giáng sinh ra chốn nhân trần. Người đem ân phúc xuống cho muôn dân lầm than. Nơi hang Bê lem thiên thần sướng ca. Thiên chúa vinh danh chúng dân an hòa”. Ngày nay chúng ta có thể nhận ra chiều hướng sáng tác ấy qua các ca khúc như: Đêm Nay Noel Về của nhạc sĩ Xuân Thảo: “Ðêm nay Noel về, người ơi hãy vui lên. Hợp câu kinh tiếng hát, hợp lòng với thiên thần. Ðêm nay Noel về, người ơi hãy vui lên. Bình an cho nhân thế, người người sống tin yêu”; Ca khúc Mưa Hạt Cứu Rỗi của nhạc sĩ Thông Vi Vu: “ Vinh danh Thiên Chúa khắp cõi Trời. An hoà nhân thế đời thảnh thơi. Ngày từng ngày niềm hạnh phúc đã khơi .Lòng hẹn lòng vun đắp đời đẹp tươi”; Và trong ca khúc Ngàn Ánh Sao Đêm của nhạc sĩ Lê Minh Hoàng:“Ngàn vạn tinh tú soi sáng khắp trần gian. Tình người bên nhau chia sẻ những lúc ưu phiền. Yêu mãi yêu từng lời cầu chúc nhau. Chúc nhân loại an lành vui mùa Noel”
Chúa đã đến cách đây hơn hai ngàn năm và vẫn đang đến với mỗi người chúng ta trong từng biến cố của cuộc đời. Chính Chúa Giêsu đã để lại bình an của Ngài như lời đã hứa: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. ” (Ga 14,27). Và trong thánh lễ ta nhận được nhiều lần lời chúc bình an từ linh mục chủ tế: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em”, “Lễ xong chúc anh chị em ra đi bình an”…Thế nhưng sao ta vẫn chưa thấy được bình an trong tâm hồn. Sao ta vẫn khắc khoải kiếm tìm ơn bình an trong cuộc sống?
Bởi lẽ bình an chính là thông điệp đầu tiên được các thiên thần tung hô trong một đêm lạnh giá ở Bê lem khi Con Thiên Chúa đã sinh ra làm người trong máng cỏ đơn sơ: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”.Bình an là khát vọng của loài người một khát mong vượt qua mọi lãnh thổ, mọi biên giới; vượt qua những khác biệt về màu da, về ngôn ngữ; vượt qua cả không gian và thời gian.
Thế nhưng cuộc sống hôm nay đã mang đến cho ta quá nhiều những nỗi bất an. Bất an bởi những lo toan cơm, áo, gạo, tiền; Bất an bởi ta bị cuốn theo những vòng xoáy tưởng chừng như vô tận của những toan tính nhỏ nhoi, những ước muốn ngông cuồng. Thế giới mỗi ngày vẫn ngập tràn những cuộc tranh chấp, xung đột đẫm máu. Không phải vô tình khi trên các nấm mộ người ta thường ghi dòng chữ R.I.P như lời cầu chúc “Hãy yên nghĩ trong an bình”. Nói khác hơn, người ta chỉ có thể có được sự bình an đích thực trong tâm hồn khi không còn ưu tư hay bám víu vào bất cứ một điều gì khác.
Không phải bất kỳ ai cũng có được sự bình an của Chúa khi Ngài đến, nhưng chỉ có những ai thành tâm, thiện chí mà thôi. Trước tiên, các mục đồng được bình an khi thấy rằng Đấng Cứu Thế không phải là người xa lạ, nhưng thật gần gũi với họ, khi Ngài chọn sinh ra trong nơi ở của súc vật. Chiêm ngắm Hài Nhi, các mục đồng có thể yên tâm rằng, Con Thiên Chúa chắc chắn cảm thông được thân phận bé nhỏ của họ, Ngài là người thuộc về họ. Con Thiên Chúa đã chấp nhận sinh ra trong cảnh nghèo và luôn trung thành với lề luật của Thiên Chúa. Còn chúng ta lại luôn than thở và trách móc, bất mãn về cảnh sống của mình. Thậm chí, chúng ta còn nhân danh cái nghèo để vi phạm lề luật của Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã đi hết hành trình cuộc sống với tất cả nỗi buồn vui, âu lo và trăn trở. Chẳng ai hiểu chúng ta bằng Ngài. Ngài chẳng xa lạ với những gánh nặng của cuộc sống chúng ta. Ngài đến để cùng chia sẻ kiếp người với chúng ta, để có thể dẫn đưa chúng ta về với Thiên Chúa. Ngài đã sống trọn vẹn thân phận của một con người, chỉ trừ tội lỗi (x. Dt 4, 15). Không có gì của con người mà lại xa lạ với Thiên Chúa. Con Thiên Chúa đã sống trọn vẹn từng phút giây của cuộc sống con người một cách bình an.
Hêrôđê đã mất bình an vì Chúa đến, thực ra là ông chưa hề có bình an và sự ra đời của tân vương mới của Ít-ra-en, càng khiến ông bất an. Để có được thứ “bình an giả tạo”, ông đã tắm máu biết bao trẻ nhỏ vùng Bêlem. Những ông bà chủ của những quán trọ đã từ khước sự bình an của Con Thiên Chúa khi chẳng muốn biến quán trọ của họ thành nhà hộ sinh vì Maria đã sắp lâm bồn. Con Thiên Chúa xuống thế làm người, dầu có ở trong hang đá máng lừa, vẫn còn may mắn hơn bao thai nhi vô tội ấy, khi Ngài có cơ hội mở mắt chào đời trong sự yêu thương và bảo bọc của mẹ cha.
Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, Chúa đến và sẵn sàng ban bình an cho con người, nhưng chúng con không muốn đón nhận vì thích những bình an giả tạo từ tiền bạc, quyền lực, và dục vọng hơn. Xin cho chúng con cảm nhận thật sâu sự bình an đích thực của Chúa, sự bình an đến từ sự hủy mình ra như không, chỉ vì yêu. Chỉ khi cảm được sức nóng từ ngọn lửa tình yêu của Chúa, chúng con mới đủ can đảm nói không với những bất an phù phiếm và chóng qua ở đời này, để dám yêu Chúa và để Chúa yêu mình, ngõ hầu bình an đích thực của Chúa sẽ ngự trị cõi lòng chúng con trong mùa Giáng Sinh năm nay.
Chung Thanh Huy