GÓC SUY TƯ ĐỜI TU Xin đừng ngại bước vào đời tu!

Xin đừng ngại bước vào đời tu!

Cuối năm lớp 12, em băn khoăn nhiều về con đường phía trước. Cánh cửa đại học mời gọi em bước vào. Là người học giỏi, dĩ nhiên môi trường ấy xứng hợp với em. Vả lại, em muốn tương lai chắc chắn, nên cần xây dựng đời mình trên con đường học vấn. Điều ấy hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, trong em luôn khắc khoải một điều gì đó “là lạ”. Em tâm sự nhiều với tôi để tìm câu trả lời: “Em có nên đi tu không?”

Hỏi như thế vì em thường cảm thấy đời tu có cái gì đó hấp dẫn em. Hình ảnh các sơ, các cha đang lao tác trong cánh đồng của Chúa lôi quấn em. Nơi họ, em nhìn thấy một cuộc sống bình an, thanh thản và nhiều ý nghĩa. Tuy không biết chắc mình có ơn gọi dâng hiến hay không, ít ra lúc này, em cảm thấy mình được Thiên Chúa mời gọi để thử bước vào con đường chẳng mấy ai đi. Dĩ nhiên, tôi hạnh phúc nghe em chia sẻ và cầu nguyện thật nhiều cho em, để tương lai Giáo Hội có thêm một ma-sơ tài đức, tốt lành.

Như em nói, thật khó để giải thích vì sao trong nhiều người lại có ý định đi tu. Đó có thể là kết quả của hành trình lắng nghe từ người này, người kia nói về ơn gọi tu trì. Đó có thể là những mẫu gương tu sĩ mà em có dịp tiếp xúc. Đó có thể là những thông tin, hình ảnh em bắt gặp trên Internet. Nhưng trên hết, tôi nghĩ đó quả là một tiếng gọi đến từ Thiên Chúa mời em theo Chúa Giêsu trong con đường dâng hiến. Ơn gọi là độc quyền của Thiên Chúa, vì Ngài chỉ gọi chọn những ai Ngài muốn. Xin đừng nghĩ em tài giỏi mà Chúa khơi lên tiếng gọi ấy trong em! Ơn gọi luôn là món quà nhưng không Chúa trao cho những ai Ngài muốn. Bởi nói như thánh John Henry Newman:

Tôi được định mệnh cho làm một người hoặc sự gì mà không ai khác được gọi để làm, tôi có một chỗ trong chương trình của Thiên Chúa và trên trái đất của Người mà không ai khác có được.” (x. Youcat số 139).

Khi tiếng gọi ấy đủ mạnh, em đủ can đảm và dấn thân, cánh cửa nhà dòng sẽ chào đón em. Dĩ nhiên lúc nào chúng ta cũng cảm thấy đời tu có cái gì đó bấp bênh. Chẳng hạn, không biết nhà Dòng có chấp nhận mình không? Chẳng biết mình có kham nổi đời sống tu trì, sức nặng của sứ mạng hoặc khó khăn của đời tu không? Những điều ấy chắc hẳn không quá quan trọng, nếu người tu sĩ có ơn gọi thực sự, nếu họ dấn thân với nhiều tình yêu. Nếu em được Chúa Kitô kêu gọi, thật phúc cho em và hãy quan tâm đến lời mời gọi này. Em đừng sợ đáp lại tiếng gọi ấy, vì không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của Người, không có niềm vui nào lớn hơn niềm vui của Người. Có người nói vui rằng: nếu Thiên Chúa gọi ai đó, làm sao họ trốn được! Dĩ nhiên, chúng ta có tự do để khước từ lời mời gọi của Thiên Chúa! Tuy nhiên, một khi em chấp nhận lời gọi của Thiên Chúa, chắc chắn con đường đi tu luôn cho em nhiều hạnh phúc bình an.

Em còn trẻ, nghĩa là tương lai luôn rộng mở với nhiều dự phóng và ước mơ. Hãy mơ ước đến một cuộc sống Chúa đang muốn em bước vào: một nhà Dòng nào đó. Dĩ nhiên khi được đón nhận, Nhà Dòng sẽ giúp em tập sống đời tu. Chẳng hạn, học tập, đời sống cộng đoàn, kinh nghiệm thiêng liêng, linh đạo, sứ mạng, cầu nguyện, v.v. Xin em đừng quá lo sợ những điều ấy, bởi mỗi ngày tập một chút, em sẽ nhận ra đó là sức mạnh để em sống hạnh phúc. Chắc chắn nhà Dòng không thể đòi hỏi người tu sĩ một sớm một chiều phải đi bon bon trong đời tu. Ngược lại, cùng với Thiên Chúa, nhà dòng mời em tập bước đi từ từ, mỗi ngày một chút. Được như thế, chắc chắn đời tu luôn đong đầy hoa trái cho người tu sĩ.

Em hỏi tôi sau khi tốt nghiệp lớp 12 em phải làm sao? Thật đơn giản! Tôi chỉ cho em vài nhà Dòng, hoặc em có thể hỏi cha xứ về những nhà dòng mà ngài biết. Sau đó, em có thể tìm hiểu thêm thông tin của nhà dòng trên Internet. Ngày nào đó, em đến một Dòng nữ mà em thích nhất để gặp sơ phụ trách về ơn gọi. Sơ ấy sẽ cùng em lắng nghe Ý Chúa muốn gì nơi em. Tôi tin sơ ấy đủ khôn ngoan và dịu dàng để hướng dẫn em trong những bước đầu. Tôi cũng có kinh nghiệm trong những ngày đầu bước vào nhà Dòng, tựa như tay Chúa dẫn đưa vậy. Mọi thứ đều mới mẻ, bỡ ngỡ và hồi hộp. Khi nhìn lại, những ngày tháng ấy quả là hồng ân đối với tôi. Hy vọng em cũng có những kinh nghiệm được Thiên Chúa nắm tay, chỉ bước trong khi khám khá tiếng gọi đang rộn ràng trong em.

Em biết không, có lần tôi thấy hình chế người mẹ và con nhỏ: “Đi đâu đó – Sao về rồi”. Trong hình 1, người mẹ hỏi con: “Đi đâu đó?”, người con trả lời: “Con đi tu!” Trong hình 2, mẹ hỏi: “Sao về rồi?”, con trả lời: “Chúa không gọi!”

Có nhiều lý do Chúa không chọn gọi người trẻ bước vào đời tu. Nhưng trước khi có câu trả lời: “Chúa không gọi”, ước gì người trẻ chúng ta dám quảng đại lắng nghe, phân định và sống ơn gọi mà Đức Giêsu dành cho mình. Nhớ năm 2018 ĐGH Phanxicô nói với người trẻ:

Hôm nay Thiên Chúa tiếp tục mời gọi tha nhân theo Ngài. Chúng ta không nên chờ tới khi hoàn hảo rồi mới quảng đại thưa tiếng xin vâng. Đừng sợ hãi về những giới hạn và tội lỗi của chúng ta, nhưng thay vào đó, hãy mở tâm hồn trước tiếng gọi của Thiên Chúa. Hãy lắng nghe tiếng gọi này, hãy phân định sứ mạng của từng người trong Giáo Hội và thế giới, và sau cùng hãy sống tiếng gọi ấy trong ngày hôm nay mà Thiên Chúa trao cho chúng ta.” (Ngày Thế Giới Ơn Gọi 2018).

Đúng là Chúa có tự do để gọi chúng ta bước vào đời tu hoặc đời sống hôn nhân gia đình. Tôi tạ ơn Chúa vì nhận thấy trong em có tiếng gọi hiến dâng của Chúa. Vấn đề là làm sao để tiếng gọi ấy rõ lên trong em mỗi ngày? Để được như thế, rất mong em tiếp tục tâm sự với Chúa Giêsu. Chính Ngài sẽ cho em câu trả lời rõ nhất. Bởi đó, tôi nguyện chúc cho em: Khi bước vào đời tu, hy vọng em đi đến cuối con đường với nhiều dâng hiến say mê.

Chắc hẳn Thầy Giêsu đang mời gọi em. Hãy cho em một cơ hội, cho Chúa một cơ hội, cho Nhà Dòng và Giáo Hội một cơ hội. Em nghĩ sao khi chân phước Charles de Foucauld chia sẻ với chúng ta rằng:

Không ai chọn cho mình một ơn gọi, ta phải đón nhận ơn gọi và cố gắng để nhận ra ơn gọi. Ta phải lắng nghe tiếng Chúa gọi để nhận ra một dấu hiệu của ý Chúa. Và một khi đã nhận ra ý Chúa, cần phải làm theo luôn luôn mặc dầu có thế nào và phải trả giá đắt bao nhiêu.” (Youcat số 324)

Cầu chúc cho em can đảm bước vào đời tu với rất nhiều tình yêu, em nhé!

Giuse Phạm Đình Ngọc SJ

dongten.net

Exit mobile version