Xây mới nền giáo dục nhân bản toàn diện
1. Đâu là nguyên nhân sâu xa của những hạn chế và khiếm khuyết trên đường “ĐỔI MỚI” đất nước và thế giới hôm nay?
Lịch sử loài người trong nhiều thiên niên kỷ qua xác minh điều này: trong mọi chế độ xã hội tự cổ chí kim, – phong kiến, tư bản, cộng sản, kinh tế thị trường…- , tất cả những gì lý trí con người và những nhà khoa học nghĩ ra, làm ra, dựng lên, một mặt giúp cho thế hệ sau có tiến bộ và văn minh hơn thế hệ trước, mặt khác luôn để lại cho gia đình nhân loại những vấn đề nghiêm trọng… Trong hiện tình thế giới hôm nay, thử nghĩ đến thành quả cùng hậu quả của phát minh về năng lượng nguyên tử, về công nghệ truyền thông, về hệ thống tiền tệ…, thành quả và hậu quả của những chủ nghĩa cực đoan trong lịch sử loài người. Nguyên nhân sâu xa do đâu? Và chủ trương, chính sách, đường lối, biện pháp nào để khắc phục và đổi mới?
Nguyên nhân sâu xa của tình hình trên là vì thiếu sự phát triển toàn diện. Cụ thể như: khi xã hội chỉ quan tâm đến sự phát triển kinh tế mà không nhấn mạnh đủ đến sự phát triển những giá trị nhân bản và đạo đức, thì sự phát triển chỉ là khập khiễng và không vững bền.
Do đó, mọi người thuộc mọi thành phần xã hội, mọi phe phái, mọi tôn giáo, hãy bình tâm thoát ra khỏi bức tường của lòng tự mãn cùng tính đối kháng, và tìm hiểu những kinh nghiệm từ công cuộc phát triển của những dân tộc văn minh tiến bộ. Thông điệp “Tình Yêu trong Chân Lý” của Đức Giáo Hoàng Bênêđitô XVI, đề cập đến một nền nhân bản mới, một trật tự xã hội mới, cho thế giới toàn cầu hoá hôm nay, là thông điệp nên được mọi người quan tâm tìm hiểu.
2. “Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và hoạt động xã hội.
Khẳng định này đặt con người làm mục đích, làm cứu cánh, làm trọng tâm, của mọi hoạt động văn hoá và giáo dục trong gia đình cũng như ngoài xã hội, hoạt động kinh tế và tài chính, xã hội và chính trị.
Thế nhưng, bấy lâu nay, giới hữu trách trong các tổ chức và các hoạt động thuộc các lãnh vực đó, khi thi hành nhiệm vụ, có cái nhìn thống nhất về con người toàn diện với nhân phẩm và nhân quyền chính đáng của họ? Có cái nhìn toàn diện về con người với các phương diện thể chất và lý trí, tinh thần và tâm linh, với các chiều cao, chiều sâu, chiều rộng của nhân bản?
Hay chỉ vô tư hành xử theo lệnh trên? Chỉ hành động theo một khung nếp, một định kiến sẵn có? Hay chỉ vô tâm coi con người chỉ là một phương tiện để sản xuất. Một đối tượng để xử lý?
3. Hướng đến một nền giáo dục toàn diện hơn, một trật tự xã hội nhân bản hơn cho con người hôm nay.
Mục đích giáo dục con người là chỉ tạo cho họ khả năng làm ra tiền, làm một chuyên viên của nền kinh tế thị trường, hay phò một phe nhóm, để sống và hưởng thụ?
Hay mục đích giáo dục còn là soi sáng và mở đường cho các thế hệ ý thức và chú tâm xây dựng một đời sống nhân bản ngày càng trưởng thành hơn, tinh thần trách nhiệm ngày càng được nâng cao, hướng đến chu toàn sứ mạng làm người là yêu thương và phục vụ cho gia đình và xã hội, đất nước cùng thế giới hôm nay?
Có lần, một nhà ngoại giao báo tin nước họ nay muốn giúp cải tiến, nâng cao nền giáo dục tại Việt Nam. Vấn đề là họ muốn đưa nền giáo dục nào đến Việt Nam. Vì lẽ có những vị lãnh đạo những phong trào khủng bố trên thế giới, trước đã hấp thụ nền giáo dục trong nước của nhà ngoại giao đó.
Kỳ thực, nền giáo dục của họ đã giúp giải phóng người da màu này khỏi ách nộ lệ của người màu da khác, đã giúp cho con người phát triển ý thức đồng trách nhiệm xây dựng gia đình lành mạnh, xã hội bình đẳng, đất nước văn minh. Dù vậy, nền giáo dục đó chưa xoá bỏ hết những hậu quả tệ hại của nạn kỳ thị chủng tộc, của nạn phân hoá gia đình là tế bào của xã hội.
Lịch sử loài người để lại cho mọi dân tộc bài học này: muốn tồn tại và phát triển, xã hội đất nước nào cũng cần phải luôn cải tiến, đổi mới nền giáo dục ngày càng toàn diện hơn, nhân bản hơn, nhằm giúp cho các thế hệ:
– ngày càng mở mang trí tuệ với kiến thức nhân văn và khoa học, nâng cao khả năng phân định và sáng tạo,
– phát triển sức khỏe thể xác và tâm thần, tinh thần và tâm linh, hướng đến một đời sống nhân bản ngày càng lành mạnh và toàn diện,
– đắc thủ những kỹ năng thực hành thuộc các lãnh vực đời sống con người, văn hoá và khoa học, xã hội và lịch sử, kinh tế và chính trị,
– mở rộng tình yêu thương cùng tinh thần trách nhiệm đối với đồng bào và đồng loại, biết tôn trọng và phát huy những giá trị đạo đức trong cuộc sống và phẩm chất làm người trong thiên hạ.
Bốn nét chính trên góp phần vào sự phát triển toàn diện và vững bền cho con người cùng đất nước.
Giới hữu trách lo việc kiến tạo nền giáo dục cho các thế hệ hôm nay và mai sau, có thể nghiên cứu, tìm hiểu truyền thống giáo dục của những dân tộc tiên tiến Âu Á ngày nay, một mặt để học hỏi những thành quả tích cực, mặt khác để tránh những hậu quả tiêu cực.
Một nhà trí thức Việt Nam của thế kỷ trước, có nhận định rằng:
– truyền thống giáo dục Tây phương nặng về cái đầu
(mang lý tính và nghiêng về suy luận),
– truyền thống giáo dục của Mỹ nặng về hai bàn tay
(mang tính thực dụng và nghiêng về thực hành),
– truyền thống giáo dục Đông phương nặng về con tim
(mang cảm tính và nghiêng về tình người).
Do đó, trên con đường đổi mới để tồn tại và phát triển, mọi người Việt Nam hôm nay cần để tâm tìm đến sự bổ túc lẫn nhau giữa các dân tộc đã trở nên láng giềng trong ngôi làng thế giới toàn cầu hoá hôm nay, đồng thời có những sáng kiến đáp ứng những nhu cầu chân chính của con người ngày nay, góp phần mở đường cho công cuộc kiến tạo một nền giáo dục toàn diện hơn, một hệ thống luật lệ và một trật tự xã hội nhân bản hơn, cho đất nước cùng thế giới hôm nay.
4. Thay lời kết.
Nền giáo dục nhân bản toàn diện là nền giáo dục có thể tạo cho con người khả năng “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, sao cho phù hợp với “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”. Nói cách khác, đó là nền giáo dục có khả năng mở đường cho con người rèn luyện cái đầu ngày càng sáng suốt và có tầm nhìn xa, sức khỏe tâm thể lý ngày càng lành mạnh và dẻo dai, hai bàn tay ngày càng lành nghề và khéo léo, lòng nhân ngày càng mở rộng cả hai van tim, để đón nhận, chia sẻ, cùng cho đi. Nhờ đó, con người ngày càng có khả năng tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, vừa thuận ý trời, vừa hợp với truyền thống văn hóa lành mạnh, vừa hoà với lòng nhân, lòng thành, lòng tin của con người hôm nay.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám Mục
nguon: tgpsaigon.net