Hơn bao giờ hết, trong những ngày phải cách ly vì Covid: mọi người phải ở trong nhà, không ra ngoài đi lại, gặp gỡ, trừ trường hợp khẩn cấp. Mọi sinh hoạt thân hữu, đoàn thể, văn nghệ, thể thao, ẩm thực, nghề nghiệp, tôn giáo… đều phải ngưng lại và hạn chế tối đa đã tạo nên một tình trạng xa mặt: cha mẹ già không gặp mặt con cháu như chúng vẫn quây quần, tụ họp ngày cuối tuần, thầy cô không gặp mặt học trò vì trường lớp đóng cửa đìu hiu, bạn bè không gặp mặt nhau vì càphê, quán xá then cài buồn bã, tình nhân không gặp mặt người tình vì đường phố cấm xe cộ lưu thông, cấm khách bộ hành qua lại, cha xứ không gặp mặt giáo dân vì thánh lễ không được cử hành ở nhà thờ, sư trụ trì không gặp mặt phật tử vì chuà chiền không mở cửa đón thiện nam tín nữ đến lễ Phật, nghe giảng kinh. Đó là chưa kể tình trạng cách ly giữa các quốc gia. Nhưng đau thương hơn cả là các bệnh nhân Covid không được gặp mặt thân nhân suốt thời gian cách ly chữa trị, cả những người chết vì Covid cũng không được đông đảo thân nhân, bạn hữu đưa tiễn đến nơi an nghỉ cuối cùng.
Qủa thực, thời gian cách ly vì Covid làm chúng ta xa mặt, nhưng không cách lòng. Bằng chứng là tin nhắn, điện thoại giữa người thân yêu, đồng nghiệp, đồng môn, đồng hương, đồng đạo… liên tục qua lại, trao đổi. Điện thoại qua lại hỏi thăm tin tức, gửi gắm tâm tình; trao đổi tin nhắn để nâng đỡ, củng cố niềm hy vọng, chia sẻ ưu tư, lo lắng. Và đó là điều rất đáng mừng và cần phát huy.
Nhưng điều đáng mừng và cần phát huy “tuy xa mặt mà không cách lòng” ấy sẽ đứng vững được bao lâu, khi nền tảng đạo đức bị đào bới bởi “cái tôi” kiêu căng, hợm hĩnh, ích kỷ, tham lam trong xã hội ngày càng phình to, tăng theo cấp số nhân, đến nỗi tìm một người khiêm tốn, có tinh thần vị tha trong xã hội hôm nay là việc khó thực hiện; điều qúy báu “dù xa mặt mà lòng vẫn không cách” sẽ tồn tại mãi không, khi gốc rễ của lòng lương thiện, tính thật thà, tâm hồn cao thượng đang bị cầy xới, và người ta không còn dám tin tưởng nói cho nhau sự thật, chia sẻ tâm tư, trao đổi tâm sự; ở đâu sẽ là nơi bảo đảm cho “xa mặt mà không cách lòng”, khi gian dối, lọc lừa, giả mạo len lỏi trong mọi ngõ ngách sinh hoạt của đời sống, như những vi khuẩn độc hại len lỏi trong từng đường gân, mạch máu con người của thời đại duy vật, thực dụng; và bao nhiêu người còn dám kỳ vọng một tương lai “không xa mặt, cách lòng”, khi hiện tại là những bạo hành táo tợn trong gia đình, những thanh trừng băng đảng, cướp bóc đẫm máu ngoài xã hội, những màn đánh ghen, đòi nợ dã man, tàn nhẫn làm ghê tởm, sợ hãi. Và tình nguời ngày càng cạn khô làm “xa mặt cách lòng”, tình đời ngày càng phũ phàng, bạc bẽo làm mặt đã xa, lòng càng muốn cách.
Vâng, Covid cho chúng ta kinh nghiệm buồn vì xa mặt, nhưng kinh nghiệm buồn cảnh báo chúng ta một nỗi buồn lớn hơn gấp nhiều lần, nếu phải cách lòng nhau, khi con người không còn tin nhau, không còn trọng nhau, không còn thương mến nhau, để rồi có gần sát bên nhau vì nhà chật chội, có phải ở chung một phòng trọ vì không đủ tiền thuê riêng, có ngồi chung một văn phòng, có làm chung một công việc, có đi chung một chuyến xe, chuyến đò cũng vẫn thấy “xa mặt cách lòng”, vì chẳng ai muốn nhìn mặt ai, không ai muốn thấy mặt người bên cạnh, nên tình phải lạnh lùng, dửng dưng, hồn phải băng giá, hờ hững, tim phải hoang vắng, cô quạnh như lòng ngàn dặm cách xa, vì chẳng còn ai thương ai, nhớ ai, cũng không còn người ra vào khắc khoải ngóng trông hình bóng cũ và nhớ nhớ, thương thương.
Ước gì chúng ta sẽ không phải sống thêm thảm cảnh đau lòng khác là “cách lòng”, sau thảm cảnh “xa mặt” vì Covid hôm nay.
Jorathe Nắng Tím