“Xã hội tính” của người tu sĩ

70

Có một triết gia đã nhận định rằng con người là loài động vật có tính xã hội. Hiểu một cách đơn giản, không ai có thể sống một mình. Tất cả mọi người đều có nhu cầu kết nối với một cộng đồng xã hội nhất định. Và như thế, người tu sĩ không thể là ngoại lệ.

Xét một cách khách quan, đặc thù của đời tu bắt buộc người tu sĩ phải từ bỏ hay hạn chế một số hình thức tương quan. Ví dụ cụ thể nhất là họ không được sống đời vợ chồng. Tương quan với người khác giới hay đồng giới cũng phải có ranh giới rõ ràng. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà người tu sĩ có ít “xã hội tính” hơn so với người khác. “Xã hội tính” của người tu sĩ được thể hiện trong tương quan với gia đình, anh/chị em trong cộng đoàn đời tu và với những người bên ngoài.

Trước hết, gia đình là chỗ dựa vững chắc giúp người tu sĩ bình an sống đời dâng hiến. Người tu sĩ càng gắn bó tình cảm với người thân trong gia đình mình thì càng dễ dàng trao ban con tim yêu thương cho nhiều người khác. Hơn bất cứ môi trường nào khác, gia đình chính là nơi người tu sĩ có kinh nghiệm yêu và được yêu. Không thiếu những tu sĩ không muốn quay trở về hoặc thậm chí là nghĩ về gia đình của họ. Rất có thể những người này có quan niệm lệch lạc về đời tu, cho rằng đã đi tu thì phải từ bỏ mọi thứ, nhất là gia đình và bà con thân thuộc. Có lẽ giải pháp tốt nhất để sửa chữa cách hiểu sai lầm như thế chính là mời gọi họ chiêm ngắm chân dung Chúa Giêsu, mẫu gương hoàn hảo của người tu sĩ. Nên nhớ rằng người theo chân Chúa Giêsu đến trên đồi thập giá và người đồng hành an ủi các môn đệ trong giai đoạn hoảng loạn không ai khác chính là Đức Maria, Mẹ ruột của Chúa Giêsu.

Ngoài ra còn có một lý do khác khá tế nhị nhưng cũng rất thực tế giải thích vì sao có những tu sĩ muốn cắt đứt liên đới với gia đình mình, đó là bởi vì nơi họ còn mang những vết thương tâm lý chưa được chữa lành. Có thể họ đã từng bị những người thân của mình lạm dụng cách này hay cách khác, hoặc đơn giản là vì gia đình họ đang có quá nhiều vấn đề nên họ tìm cách lẩn tránh, không muốn can dự hay chia sẻ trách nhiệm. Dù là với lý do gì đi nữa, nếu người tu sĩ không có tương quan tốt với gia đình mình thì rất khó tìm được bình an và hạnh phúc trong đời tu.

Xét về tương quan trong cộng đoàn nhà tu, hội dòng được ví von như gia đình thứ hai của người tu sĩ. Do đó đời sống cộng đoàn chiếm một vai trò cực kỳ quan trọng trong đời tu. Xét cho cùng, anh/chị em trong dòng, chứ không phải thân nhân ruột thịt, mới là những người đồng hành với người tu sĩ đến cuối cuộc đời dâng hiến. Thực tế cho thấy phần lớn các tu sĩ rời bỏ đời tu vì những xung đột xảy ra trong cộng đoàn hay là xích mích với người có thẩm quyền trong dòng. Phải thừa nhận rằng đời sống cộng đoàn là một thách đố rất lớn đối với các tu sĩ. Họ không được tự do chọn lựa sống chung với người họ yêu mến. Ngược lại, họ được mời gọi yêu mến người họ buộc phải sống chung, mà đôi khi người đó lại chẳng đáng yêu chút nào. Có thể nói rằng đời sống cộng đoàn chính là phép thử cho thấy người tu sĩ đã thực sự bước theo Chúa Giêsu hay sống đúng tinh thần Tin Mừng hay chưa. Nếu người tu sĩ muốn yêu như Chúa Giêsu đã yêu nhưng lại không yêu nổi những người sống ngay trong cùng một nhà thì chắc chắn là có điều gì đó sai sai.

Do đó, thực sự là một sai lầm lớn nếu người tu sĩ cố gắng tìm an ủi nơi những tương quan nào khác hơn là tình cảm anh/chị em trong cộng đoàn mình. Một linh mục lớn tuổi đã đúc kết một câu thoạt nghe có vẻ hơi ngược ngược nhưng ngẫm lại thấy rất xác đáng đó là “Ước gì anh/chị em đối xử với người trong nhà (dòng) giống như cách anh/chị em đối xử với người ngoài”. Điều này nhấn mạnh đến tính hội nhất nơi đời sống tình cảm của người tu sĩ. Một người tu sĩ có con tim biết trao ban thì phải mở ra với tất cả mọi người, mà những người gần nhất chính là anh/chị em trong cộng đoàn. Yêu thương người thân trong gia đình của mình thì dễ, vì họ là máu mủ ruột thịt. Yêu mến người ngoài cũng không khó, vì thường thì họ luôn yêu mến, nể trọng và chiều lòng các tu sĩ. Tuy nhiên, yêu mến anh/chị em trong cộng đoàn mới phản ánh đích thực tình yêu dâng hiến.

Cuối cùng, người tu sĩ cũng giống như bao nhiêu người khác khi sống các mối tương quan từ bạn bè và công việc. Đã qua rồi cái thời người ta cho rằng chỉ có những gì nằm bên trong hàng rào nhà dòng mới đạo đức thánh thiện, còn mọi thứ ngoài kia đều là thế gian tội lỗi. Đúng là từ khi bước vào nhà dòng thì người tu sĩ bị hạn chế trong việc giao tiếp xã hội so với những người sống bên ngoài. Họ không được tự do đi đâu tùy ý hay gặp ai tùy thích. Tuy nhiên, những khuôn khổ luật dòng được đặt ra không nhằm mục đích diệt trừ “xã hội tính” của người tu sĩ, bởi vì như vậy là phi nhân bản. Ngược lại, chúng chính là điều kiện giúp người tu sĩ sống “xã hội tính” của mình một cách lành mạnh và trổ sinh nhiều hoa trái thiêng liêng hơn. Một số tu sĩ rất may mắn khi có được những người bạn tâm giao là giáo dân, người mà họ có thể mở lòng chia sẻ mọi chuyện vui buồn hay thậm chí là cả những yếu đuối của bản thân. Tương quan xã hội tự nó không tốt cũng không xấu, đơn giản bởi vì đó là một nhu cầu căn bản của con người. Một tương quan chỉ trở nên tốt hay xấu tùy thuộc vào mục đích chúng ta nhắm đến.

Trong thời đại phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, hàng rào nhà dòng không còn là ranh giới ngăn chặn người tu sĩ kết nối với thế giới bên ngoài được nữa. Nguy hiểm hơn, việc kết nối lại được thực hiện một cách dễ dàng và duy trì trong bí mật. Internet và mạng xã hội đã trở thành một kênh không thể hiểu để người tu sĩ thỏa mãn “xã hội tính” của mình. Sẽ không phải là vấn đề gì nghiêm trọng nếu như hiện tượng này không tác động xấu đến cách người tu sĩ sống tương quan với những người họ gặp gỡ trực tiếp hằng ngày. Bữa cơm cộng đoàn không còn là nơi trò chuyện thân mật giữa các thành viên trong nhà nữa bởi vì trí lòng người tu sĩ đặt để ở cái điện thoại thông minh với nhiều tin tức hấp dẫn và những tin nhắn đang chờ trả lời. Cũng vậy, những lần đi chơi chung với nhau không còn là cơ hội để anh/chị em trong cộng đoàn thắt chặt tình liên đới với nhau nữa, vì ai ai cũng bận tìm cho mình những góc hình đẹp nhất để đăng. Những chuyến công tác từ thiện hay làm tông đồ cũng không còn hướng đến việc trao ban tình thương cho người có hoàn cảnh khó khăn nữa, bởi vì họ chỉ là nhân vật của bức ảnh thu hút nhiều tương tác trên trang mạng xã hội của người tu sĩ mà thôi.

Tóm lại, “xã hội tính” của người tu sĩ cần phải được lưu tâm và củng cố. Người tu sĩ trưởng thành là người biết sống “xã hội tính” của mình theo đúng tính chất đời tu. Người tu sĩ không chỉ là “người của Chúa” mà còn là “người của mọi người”. Vì thế, mọi mối tương quan của người tu sĩ đều rất quý và đáng được trân trọng, cho dù tương quan ấy được xây dựng qua việc gặp gỡ trực tiếp hay nhờ quen biết trên mạng. Đời tu giúp người tu sĩ phát triển toàn diện chứ không hề bóp nghẹt những phẩm chất và năng lực Chúa ban cho họ, đặc biệt là “xã hội tính”. Ước gì các tu sĩ cảm nhận được sự tự do nội tâm trong mọi mối tương quan, nhờ đó họ có thể sống bình an triển nở trong đời dâng hiến và qua đó lan truyền tình yêu thương phục vụ đến tất cả những ai tiếp xúc với họ.

Giuse Lê Đắc Thắng, SJ