Vượt trên nguyên tắc công bằng

46

Vượt trên nguyên tắc công bằng


Con người không ngừng đi tìm một thế giới công bằng hơn. Con người tìm các thể chế chính trị, đặt ra các qui luật xã hội, đề ra nhiều biện pháp trong các tổ chức, thậm chí ngay trong đời sống gia đình hoặc các cộng đoàn tu trì… để cuộc sống con người với nhau thể hiện được một sự công bằng. Thế nhưng, nói cho cùng, xã hội con người đã không bao giờ và cũng sẽ không bao giờ có được một sự công bằng trọn vẹn. Xã hội công bằng là một thứ lý tưởng mà con người khao khát một cách cụ thể và thiết thân trong cuộc sống hằng ngày, nhưng lại không bao giờ đạt đến được. Tất cả những bộ luật của nhân loại, tất cả những cuộc đấu tranh cho công bằng vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại, thật ra, cũng chỉ là một “chút đường” bỏ vào “bể muối mênh mông của bất công”.

Vấn đề có lẽ không phải chỉ do năng lực yếu kém của các nhà chính trị, các nhà xã hội, cũng không phải chỉ do lòng tham không đáy của con người; không phải chỉ do cơ cấu tổ chức mà không cũng không phải chỉ do bản chất tội lỗi của con người. Chính xác hơn, bất công là một thực trạng có một bề dày lịch sử lên đến tận ngọn nguồn của đời sống con người; bất công là một thực trạng dính dáng rộng rãi cho đến tận những người ở góc xó của thế giới; bất công vẫn không ngừng lây lan vào mọi lãnh vực, bất công không ngừng phát sinh trong những bước con người hướng đến tương lai…  Khi một em bé được cưu mang và được sinh ra, em bé ấy đã gánh chịu hoặc đã vô tình hưởng thụ nơi bản thân nó vô cùng những bất công của cuộc đời, bất công của lịch sử, bất công của dân tộc này với dân tộc kia, bất công của môi trường xã hội có từ thời ông bà tổ tiên của cháu bé, bất công của làng xóm, bất công của luật lệ xã hội, bất công ngay trong gia đình… Rồi trên hành trình cuộc đời, mỗi bước đi của em bé cũng đều được đan dệt nối tiếp trên những thành quả của bất công đã có từ trước…

Đấu tranh chống bất công nhân danh công bằng, dựa vào luật pháp hay quyền con người, là điều cần làm trước mắt. Nhưng làm sao những cuộc đấu tranh cho công bằng có thể giải quyết được hết bài toán bất công trong cả chiều sâu, chiều rộng của nó? Dĩ nhiên là chúng ta không bao giờ được coi thường những nỗ lực đấu tranh cho công bằng, hoặc làm giảm nhẹ tầm quan trọng của những cuộc đấu tranh ấy. Nhận diện ra được đại dương của bất công là để không ai được quyền an thân trong hoàn cảnh may mắn nào đó của mình; không ai được quyền bào chữa cho mình khỏi chịu trách nhiệm trước những khổ đau của người khác; không ai được quyền sống theo kiểu “bàn tay sạch”, hoặc “đi cà khêu” giữa cuộc đời; không ai được quyền an ổn với một cuộc sống lành mạnh mà thôi… Một ảo tưởng về sự công bằng cũng đã là một sự bất công. Bởi vì chính ngay “chỗ đứng” mà ta cho là công bằng để đấu tranh, thật ra cũng chẳng công bằng. Suy cho đến ngọn nguồn, thì chỗ đứng nào cũng đã bị nhuốm bùn của bất công. Ảo tưởng nhân danh sự công bằng để đấu tranh với bất công thường là lại mở ra và củng cố những bất khác một cách tinh vi và khốc liệt hơn, bởi vì người ta đã cố tình quên đi cái bất toàn ngay trong bản thân của chính mình. Do đó, tất cả những thứ cách mạng nhằm “chia đều lợi tức”, cào bằng… đều rơi vào một sự bất công khác.

Muốn đấu tranh chống bất công tận gốc, phải nhân danh nguyên lý “mắc nợ nghĩa tình”. Cuộc đời, tự nó, đã đặt tất cả mọi người vào trong một tình trạng mắc nợ nhau quá nhiều. Trong cuộc sống này, mỗi người đều là “con nợ” và là “chủ nợ” của nhau. Trong tình trạng mắc nợ chống chất lẫn nhau ấy, thực sự người ta không thể sử dụng một lý lẽ nào để minh giải trắng đen, không thể sử dụng một khoản luật nào để quyết đoán sòng phẳng; nhưng mỗi người chỉ có thể sống tâm tình mắc nợ nghĩa tình đối với nhau. Tâm tình “mắc nợ nghĩa tình” không phải là một thứ xuê xoa “chín bỏ làm mười”, nhưng là một thái độ đảm nhận lấy trách nhiệm cuộc sống như một sứ mệnh “trả nợ đời”.

Trở về với nguyên lý của Kitô giáo, chúng ta hiểu rằng con người được Thiên Chúa sáng tạo từ hư vô. Tất cả những gì mỗi một con người có được trong cuộc sống đều là đã được lãnh nhận :

“Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4,7)

Hơn nữa, trong truyền thống Kitô giáo, tất cả những gì một con người được lãnh nhận đều là những “nén bạc” Thiên Chúa ban cho để làm lời; nghĩa là không có một ơn nào Thiên Chúa ban cho ai đó để “hưởng một mình”, để “xài riêng”. Tất cả mọi ơn huệ Thiên Chúa ban đều là ơn huệ chung và được trao cho một ai đó “quản lý”. Tất cả mọi ơn huệ Đức Maria được hưởng, các thánh được nhận… bao giờ cũng nhằm mục đích chính là hướng tới mọi thành phần trong Giáo Hội. Mầu nhiệm “Hội Thánh cùng thông công” không phải chỉ gói trọn trong các ơn phúc thiêng liêng, nhưng dính dáng đến hết mọi sự trong cuộc đời của con người.

Chính vì thế, có thể nói tâm tình “mắc nợ nghĩa tình” là một trong những nét tinh thần đặc trưng của Kitô giáo.

“Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề Luật.” (Rm 13,8)

Chính tâm tình ấy mới thực sự là động lực căn bản cho hành trình vươn lên của xã hội con người, chứ không phải một thứ lý trí công bằng, được đề cao quá đáng từ những thế kỷ trước ở Tây phương. Chỉ nguyên lý mắc nợ nghĩa tình mới có thể thôi thúc một tình yêu hy sinh, một yếu tố không thể nào thiếu cho tâm hồn con người và ngay cả cho vận hành của xã hội loài người. Người ta có thể thấy rõ điều ấy trong “vận hành” của đời sống gia đình.

Chỉ trong nguyên lý mắc nợ nghĩa tình người ta mới có thể dấn mình vượt qua mức độ “thuận mua vừa bán” để khai mở cho thế giới tình nghĩa, thế giới “tặng không” và “lãnh nhận với lòng tri ân”. Một thế giới phòng vệ, đối phó, tính toán…. thì không bao giờ có thể bắt đầu đi vào hành trình nghĩa tình. Người sống nguyên lý mắc nợ nghĩ tình thật sự là người dám đi bước trước, dám bắt đầu một trách nhiệm với tinh thần tự nguyện, dám chấp nhận “nắm đằng lưỡi” trong cuộc đổi trao…;

Có những người Kitô hữu tâm sự rằng, từ khi vào hội đoàn, tôi thấy mình càng thêm tội, tranh cãi nhiều, buồn bực nhiều, nói xấu nhiều… Đó là một thực tế khó có thể chối cãi. Tuy nhiên, thái độ rút lui, an thân thì lại chẳng khác gì tuyên bố rằng: tay tôi đã sạch, ai lao vào bếp để dọn bàn tiệc Nước Trời thì cứ việc làm; khi nào dọn bàn xong, nhớ gọi tôi vào ăn với…

Thái độ an thân như thế thực ra đã là kẻ bẩn từ bên trong. Đó là thái độ của những người không dám liên lụy với ai, không dám chịu phiền hà vì ai, không dám cho đi chính bản thân và không dám đi vào hành trình của hạt lúa, chết đi mới sinh nhiều bông hạt…

Lm Giuse Nguyễn Trọng Viễn op