Vâng, cuộc đời người Kitô hữu chính là cuộc Vượt Qua với Đức Giêsu : vượt qua quá khứ vào tương lai, vượt qua Biển Đỏ vào Đất Hứa, vượt qua tội lỗi vào ân sủng, vượt qua cái chết vào phục sinh. Trong ý nghiã của Vượt Qua, chúng ta có thể hình dung đường đời mỗi người chính là đường về Nước Trời, và năm tháng làm người chính là thời gian được biến đổi từ yếu đuối nên mạnh mẽ trong đức tin ; từ gian tham, ích kỷ, ganh ghét, hận thù nên nghèo khó, vị tha, yêu thương, phục vụ trong đức ái ; từ kiêu căng, bạo lực, tuyệt vọng nên khiêm nhường, bình an trong niềm hy vọng được Thiên Chúa yêu thương, cứu độ. Vì thế, người Kitô hữu là người được kêu gọi Vượt Qua để nên thánh, như Cha trên trời là Đấng thánh : thánh ở lòng thương xót, ở tình yêu phục vụ, ở niềm tín thác, cậy trông nơi Đức Giêsu, « Đấng đến để tìm lại những gì đã hư mất, Đấng đến để chuộc lại những người có tội đáng phải chết » (x. Luc 15).
Sở dĩ con đường làm người – làm con Chúa, làm thánh của chúng ta khả thi, vì Thiên Chúa muốn chúng ta được cứu độ, muốn chúng ta cùng ngài vượt qua cõi chết để vào cõi sống, vượt qua hữu hạn vào vô hạn, vượt qua tự nhiên để vào siêu nhiên, vượt qua con người gian ác để thành con Chúa nhân hậu, bởi không có ý muốn cứu độ của Thiên Chúa, không ai trong chúng ta có thể được đổi mới để trở nên thánh thiện từ quá khứ tội lỗi, nhơ nhớp, ô uế, bất xứng của mình. Vì thế, niềm vui của chúng ta, những con người yếu đuối, có tội chính là biết Thiên Chúa là người cha bao dung, giầu lòng thương xót luôn có mặt và chờ đón con mình trở về ở cuối đường, để có thể xác tín và sống hạnh phúc với niềm xác tín : bất cứ tội nhân nào cũng có một tương lai, và bất cứ vị thánh nào cũng có một quá khứ.
Ngày 4 tháng 10 hằng năm, Giáo Hội mừng kính một con người đã sống hết mình niềm xác tín này khi thực hiện hành trình đời mình một cách anh hùng, qủa cảm bằng đi từ những mốc chốt kiêu căng, xa hoa, phóng túng, tham vọng, vinh quang, quyền chức, hưởng thụ, tranh giành, bạo lực đến khó nghèo, xóa mình, nhiệm nhặt, hy sinh, phục vụ, xây dựng hoà bình, tìm kiếm lẽ công chính, chấp nhận mọi thiệt thòi, vu khống xấu xa để chỉ mong được trở nên « khí cụ bình an của Chúa hầu được phụng sự Chúa trong mọi người ».
Con người đó là thánh Phanxicô thành Assisi. Ngài chào đời năm 1182. Thuộc dòng dõi qúy tộc, giầu có với tuổi thơ được nuông chiều và tuổi thanh niên sôi nổi vì tham vọng. Cũng chính vì tham vọng chính trị mà Phanxicô đã phải nếm mùi tù tội năm 1202. Nhưng đến năm 1205, khi tròn 23 tuổi, Phanxicô nhận ra Tiếng Gọi. Tiếng Gọi ấy muốn chàng thanh niên phong lưu, lịch lãm, tài danh từ bỏ tất cả vinh hoa, phú qúy, và tương lai huy hoàng của một công tử từng trải mọi « ngón ăn chơi » ở đời để trở thành khí cụ Yêu Thương của Thiên Chúa bằng buông bỏ tất cả để sống đời chứng nhân Nước Trời bằng thực hành đòi hỏi của Hiến Chương Bát Phúc, đặc biệt tinh thần khó nghèo. Thánh nhân đã thành lập tu đoàn « Anh em nghèo khó » và luật dòng được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III phê chuẩn năm 1210, đến năm 1212, ngài cùng thánh nữ Clara Offreduccio thành lập nhánh nữ. Về cuối đời, vào ngày 17 tháng 9 năm 1224, thánh nhân được Chúa cho in năm dấu thánh trên thân thể, và là người đầu tiên được mang năm dấu đanh của Đức Giêsu chịu nạn trong lịch sử Giáo Hội. Ngài về với Chúa ngày 3 tháng 10 năm 1226 ở tuổi 44, và di chúc được để lại là khát vọng sống tinh thần khó nghèo của Tin Mừng.
Thực vậy, từ một thanh niên thuộc gia đình qúy tộc với mọi đặc lợi, đặc quyền của xã hội, Phanxicô đã có một đời sống rất xa Tin Mừng, khác biệt với những đòi hỏi của Nước Trời như khó nghèo, hiền lành, khiêm nhường, biết chạnh lòng xót thương, trong sạch, tìm kiếm điều công chính, yêu chuộng hoà bình, chấp nhận chịu hàm oan, xỉ nhục vì Tin Mừng (x. Mt 5,1-2) đã được biến đổi thành khí cụ Bình An của Thiên Chúa như chính lời kinh ngài hằng tha thiết, sốt sắng khẩn cầu :
« Lậy Chúa từ nhân ! Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người. Lậy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ Bình An của Chúa, để con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm ; để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng ; để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu.
« Lậy Chúa, xin hãy dậy con : tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu. Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.
« Ôi Thần Linh thánh ái, xin mở rộng lòng con. Xin thương ban xuống những ai lòng đầy thiện chí ơn An Bình ».
Jorathe Nắng Tím