Mới đây tôi có nói chuyện qua điện thoại với một người họ hàng tuổi bát tuần, người này đang học cách sử dụng điện thoại di động hệ Android. Anh ấy đã lỡ tay tắt âm thanh khi đang trò chuyện và không biết làm thế nào để bật lại. Anh ấy không nghe thấy tôi nói nhưng tôi nghe thấy anh ấy lẩm bẩm khi tìm cách bật tiếng mà không được.
Khi tôi đang suy nghĩ về việc thất vọng khi bị tắt tiếng nhầm trong cuộc trò chuyện, tôi chợt nhận ra rằng chúng ta thường cố tình đặt Thiên Chúa vào trạng thái tắt tiếng khi chúng ta không muốn nghe Ngài nói. Chúng ta âm thanh khi chúng ta sợ hãi về những gì Ngài sẽ yêu cầu chúng ta, và chúng ta tắt âm thanh khi chúng ta muốn làm việc riêng. Xu hướng tắt tiếng Chúa như vậy chỉ dẫn chúng ta đến mối quan hệ không vui vẻ với Ngài.
Thiên Chúa muốn kết hiệp vui vẻ với chúng ta. Đó là thông điệp mà tư tế Ezra (Ét-ra) dành cho những người Israel nổi loạn đã trở về sau khi bị trục xuất: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em ĐỪNG SẦU THƯƠNG KHÓC LÓC.” (Nkm 8:10) Mặc dù họ không trung thành với luật pháp của Thiên Chúa trong quá khứ và hậu quả tai hại do hành động của họ gây ra, Thiên Chúa vẫn không lên án mà một lần nữa, Ngài mời gọi họ tìm kiếm niềm vui và sức mạnh của họ nơi Ngài.
Ngài mời gọi chúng ta kết hiệp vui vẻ với Ngài theo ba cách:
- Vì Thiên Chúa muốn chúng ta có niềm vui trong sự kết hiệp với Ngài, nên Ngài luôn phán với dân Ngài: “Toàn dân lắng tai nghe sách luật.” Dân chúng đã không tắt tiếng Chúa theo bất kỳ cách nào nhưng lắng nghe toàn bộ luật pháp do tư tế Ezra công bố và giải thích. Những lời này đâm thấu trái tim họ, khiến họ hối hận và đau buồn vì sự bất trung của mình, và mọi người đã khóc khi nghe những lời của luật pháp. (x. Nkm 8:2-10)
- Thiên Chúa luôn lắng nghe dân Ngài: “Lạy Chúa là núi đá cho con trú ẩn, là Đấng cứu chuộc con, cúi xin Ngài vui nhận bấy nhiêu lời miệng lưỡi thân thưa, và bao tiếng lòng con thầm thĩ mong được thấu đến Ngài.” (Tv 19:15) Sự kết hiệp của chúng ta với Thiên Chúa không phải là độc thoại phía Chúa hoặc phía chúng ta. Chúa luôn nói và Ngài luôn lắng nghe chúng ta. Ngài không chỉ lắng nghe những lời chúng ta nói với Ngài, mà Ngài còn lắng nghe những suy nghĩ, mong muốn và ước mơ của chúng ta.
- Thiên Chúa luôn hành động trong đời sống dân Ngài. Chúa Giêsu được trao ban Thần Khí và được sai đi với sứ mệnh hành động trong cuộc đời chúng ta: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.” (Lc 4:18-19) Thiên Chúa hành động để giải thoát chúng ta khỏi những gì cản trở chúng ta thực hiện ý Chúa trong cuộc đời mình và tìm thấy niềm vui đích thực nơi Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa không bao giờ nhàn rỗi trong cuộc đời chúng ta.
Để đi vào sự kết hiệp vui vẻ này, trước hết chúng ta cũng phải chăm chú lắng nghe tất cả những gì Thiên Chúa bày tỏ cho chúng ta. Chúng ta phải lắng nghe mà không lọc ra bất cứ điều gì, sẵn sàng hành động theo từng lời Ngài nói với chúng ta. Chúng ta không thể hy vọng vào niềm vui khi chúng ta chỉ lựa chọn những gì hấp dẫn theo sở thích của chúng ta hoặc những gì có thể chấp nhận được về mặt văn hóa. Chúng ta sẽ thất vọng trong mối quan hệ của chúng ta với Ngài khi thỉnh thoảng chúng ta cố ý chọn cách tắt tiếng Ngài.
Chúng ta cũng phải thành thật nói chuyện với Ngài, bởi vì Thiên Chúa không bao giờ tắt tiếng chúng ta, chúng ta cũng không được tắt âm trong thái độ của chúng ta đối với Ngài. Chúng ta phải mang đến cho Ngài những suy nghĩ và ước muốn của mình, cho dù chúng ta có thể cảm thấy xấu hổ về chúng hay không, và dù chúng có thể không phù hợp tới mức nào. Chúng ta sẽ ngạc nhiên khi thấy có biết bao niềm vui mà chúng ta nhận được từ sự tự bộc lộ chân thành và trung thực đối với Thiên Chúa.
Cuối cùng, chúng ta cũng phải cho Chúa cơ hội hành động trong cuộc đời chúng ta và giải thoát chúng ta. Chúng ta không thể giải thoát mình cho dù chúng ta có những mục đích và động lực tốt. Tự do là điều Thiên Chúa thực hiện nếu chúng ta sắp xếp đúng cách để đón nhận.
Một từ ngữ thông dụng trong thế giới Công giáo ngày nay là sự phân định. Chúng ta nghe rất nhiều về sự phân định đến mức người ta nghĩ rằng đó chỉ là một kỹ năng cần được trau dồi hoặc một cái gì đó chúng ta làm bằng cách đối thoại với những người thuộc các hệ tư tưởng và niềm tin khác nhau hoặc hoàn toàn không tin tưởng. Chúng ta có thể lầm tưởng rằng bất cứ ai cũng có thể phân định đời sống tinh thần và đạo đức của họ.
Lm John Hardon, Dòng Tên, định nghĩa ngắn gọn khả năng phân định các tinh thần là “khả năng phân biệt ý tưởng hay sự thúc đẩy nhất định trong tâm hồn đến từ tinh thần tốt lành hay từ tinh thần xấu xa.” Sự phân định đòi hỏi chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận những gì thực sự đến từ Thiên Chúa trong khi từ chối những gì chúng ta biết là đến từ tác nhân xấu xa. Trước khi thực sự có thể tìm kiếm và nhận thấy ý Chúa qua sự phân định, chúng ta phải thoát khỏi tội lỗi và những ràng buộc tội lỗi.
Vì vậy, không thể phân định khi chúng ta bác bỏ hoặc phủ nhận mặc khải của Thiên Chúa dưới bất kỳ hình thức nào, dù trong Kinh Thánh hay Thánh Truyền. Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chúng ta có thể phân định khi sàng lọc các điều răn của Thiên Chúa và chỉ chọn những điều chúng ta ưa thích hoặc dễ nhận thấy. Thực sự không phải là sự phân định nếu chúng ta tắt tiếng mặc khải của Thiên Chúa và tìm những điều dối trá, gọi điều ác là điều thiện.
Chúng ta cũng không thể phân định khi chúng ta không thành thật bày tỏ mình với Thiên Chúa, Đấng bày tỏ chính Ngài cho chúng ta vì yêu thương. Sự phân định đòi hỏi sự minh bạch trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa. Chúng ta tự lừa dối mình khi nói về sự phân định trong khi từ chối trở nên trong sạch trước mặt Thiên Chúa và cố giữ bí mật với Ngài.
Không thể phân định khi chúng ta không sẵn sàng hoặc không sẵn lòng cho Chúa cơ hội hành động trong cuộc đời chúng ta. Nơi nào không có sự tự do từ Chúa Giêsu Kitô thì không thể có sự phân định đích thực. Trước hết, Chúa Giêsu Kitô phải giải thoát chúng ta trước khi chúng ta có thể phân định. Chỉ một người có ý định trở thành môn đệ trung thành của Chúa Giêsu mới có thể thực sự phân định, bởi vì sự phân định sẽ giả định trước tình yêu đối với Chúa Giêsu Kitô và sẵn sàng theo Ngài sát hơn. Bất kể ý định tốt của họ là gì, những người không cẩn trọng với đời sống thiêng liêng và kiên quyết sống trong tội trọng sẽ không thể hy vọng thực hiện bất kỳ sự phân định Kitô giáo đích thực nào.
Chúng ta biết rằng dân Nadarét “chăm chú nhìn vào Chúa Giêsu.” Chúng ta cũng nên làm như vậy nếu chúng ta nhận thức và ý thức. Khi chúng ta chăm chú nhìn vào Ngài và sẵn sàng đón nhận sự tự do mới từ Ngài, Ngài sẽ ban Thần Khí nhận thức cho chúng ta: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ.” (1 Cr 12:4-5, 10)
Là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô, “tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1 Cr 12:13) Chúng ta có Chúa Thánh Thần nhưng chúng ta không để Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta trong cách nhận thức và cách lựa chọn hằng ngày của chúng ta.
Chúa Giêsu Kitô Thánh Thể không ngừng mời gọi chúng ta vui vẻ kết hiệp với Ngài. Ngài hiện diện với chúng ta trong mỗi Thánh Lễ để tiếp tục nói, lắng nghe và hành động trong cuộc sống của chúng ta. Hãy nhận thức bằng cách chăm chú lắng nghe Ngài, nói chuyện chân thành với Ngài, để Ngài hành động và dẫn dắt chúng ta trong cuộc sống. Đó là cách duy nhất chúng ta có thể kết hiệp vui vẻ với Thiên Chúa.
VINH DANH CHO THIÊN CHÚA, VINH HẠNH CHO ĐỨC MẸ!
LM NNAMDI MONEME, OMV
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)