GÓC SUY TƯ SUY TƯ Vui buồn cùng giá cà phê

Vui buồn cùng giá cà phê

VUI BUỒN CÙNG GIÁ CÀ PHÊ

Thường thì cà phê chỉ “lên sóng” buổi sáng ở các quán cà phê. Thế nhưng nay thì cà phê “lên sóng” từ đầu nhà ra đến hẻm, từ bữa cơm trong nhà đến phố chợ.

Đang chờ làm con cá lóc đồng ý mua. Chị bán cá kể cho 2 người quen đang ngồi ở đó : “Gần nhà em. Có nhà kia tính xây nhà. Khi cà lên 54 thấy cũng ngon ngon nên bán 5 tấn. Giờ cà lên 100 thì không còn cà để bán. Mà bán rồi cũng không xây nhà được vì bà già mới chết …”.

Giá cà lên xuống phần nào đó cũng ảnh hưởng đến sự sống còn ở cái xứ mà lệ thuộc vào cà như ở đây. Cà càng lên làm cho nhiều người chua xót vì không còn cả để bán. Cũng dễ hiểu thôi. Nợ nần chồng chất với cây cà nên khi thu hoạch lo mà trang trải và có những gia đình bị chủ nợ đến tận nhà để mà canh khi mang cà về.

Dân trồng cà và cả giới kinh doanh cà chắc có lẽ cũng khó đoán được giá. Nếu ai ai cũng nắm được cà nằm giá 100 như hiện nay thì chắc là ghim cà lại để bán giá 100 chứ chả ai điên ai khùng đi bán ở giá 54 hay 70 như anh bạn đã bán. Ai ai cũng muốn đẩy đi ở giá cao để có thêm huê lợi chứ.

          Cây cà phê, từ khi xuống giống cho đến khi thu được hoa quả không phải là chuyện chơi. Bao mồ hôi và cả nước mắt nữa đổ vào gốc cà phê. Giá như từ đầu mùa cà nằm ở cái giá 70 hay 80 thì dân cà cũng đỡ khổ. Thế nhưng đến khi cà cạn kiệt trong kho thì giá lại lên cao.

          Cà cao hay  thấp thì cũng nằm trong tay người thương lái. Họ theo giá và họ ẵm cà phê nên thường thương lái họ vẫn sướng hơn người nông phu. Người nông phu tội lắm. Quanh năm suốt tháng họ bán mặt cho đất và bán lưng cho trời để chăm cây cối. Với tất cả tâm tình, họ chỉ mong sao cho có mùa vụ được dư tràn và giá cả nhỉnh nhỉnh một chút. Thế nhưng thực tế, ta lại thấy cảnh buồn và phận người nông phu. Có mấy ai làm nông mà giàu đâu ? Có chăng là đủ sống hay cùng lắm là lấy công làm lời. Nếu làm nông mà giàu thì chắc họ sắm nhà lầu xe hơi cùng với đời sống sang trọng.

          Ở cái vùng dân trồng cà này, bao nhiêu năm qua vẫn thế. Được hay thât, cao hay thấp thì cuộc sống của họ vẫn mãi lênh đênh bởi lẽ đa phần người nông phu ở đây sống theo cái kiểu ăn trước trả sau. Cứ đầu vụ là ghi sổ và đến ngày thu hoạch là lo trả nợ. Có những năm thất  mùa hay giá thấp thì họ lại càng điêu đứng.

          Giá cà nhảy múa làm cho đời sống của người nông phu cũng múa nhảy theo. Đa phần mọi sinh hoạt người ta cho tăng theo giá cà nhưng trong thực tế thì mấy nhà bán cà ở giá cao. Đa phần họ đẩy đi vì hoàn cảnh có khi đẩy khi trái cà còn nong. Vì cà lên giá nên vật dụng và sinh hoạt cũng đây giá cao và người dân lại lao đao với cuộc sống.

          Từ cuối mùa vụ đến nay, người dân lao đao trước những cơn nắng nóng và  trời không chịu mưa. Họ cầu trời khẩn đất để có mưa. Trong dòng chảy của cuộc đời, tôi ngày mỗi ngày vẫn cầu xin cho có mưa để phần nào cho người dân bớt khổ vì không phải tưới. Mưa sau hạn để cho dân thấy rằng tất cả mọi sự đều thuộc vào ơn Chúa chứ con người cũng chỉ là hư không.

          Cứ kiểu cà nhảy múa như thế này thì không biết đời sống người nông phu sẽ ra sao ? Thế nhưng trước mắt vẫn thấy không có gì sáng sủa lắm vì lẽ họ là những người quanh năm suốt tháng chống chọi với đời và đổ mồ hôi sôi con mắt với cây cả. Nghiệt nỗi khi cà lên giá thì dân không còn để bán.

          Mùa vụ thu hoạch nhìn những chuyến công nông thầm vui với người dân trồng cà. Trời nắng nóng nhìn họ đi tưới âu là thương xót. Suốt cả đời cứ lam lũ với cây cà phê để mưu sinh và sống qua ngày.

          Vậy đó, cuộc đời con người cứ phải đối mặt với những lao đao vất vả. Thành thị có cái khổ của thành thị và nông thôn có cái khổ của nông thôn.

          Chị bán cá vừa làm vừa chia sẻ : “Ở đây là vậy đó ! Sáng nay nhiều người hỏi mua cá ba sa và ếch lắm nhưng không còn. Đâu dám lấy nhiều đâu. Ngày lấy chừng 4, 5 ký cá ba sa là vừa chứ lấy nhiều là ế ! Cá lóc thì còn sống mấy ngày chứ cá ba sa qua đêm sau là chết thôi. Giờ thì ai cũng hỏi chứ mai mua về là ế luôn …”

          Nghe thấy mà buồn ! Ở nơi cũng gọi là thị tứ đó nhưng mức sống vô cùng thấp. Đi chợ có khi muốn ăn chút gì ngon hơn chút thì cũng không có vì mức sống của bà con ở đây là vậy. Mua đồ ngon về thì bán cho ai vì ai ai cũng mong mua giá rẻ.

          Cuộc sống bình dị và quanh đi quẩn lại với cây cà. Cà xem chừng đắng từ khi đổ giống cho đến khi trổ hạt và ra nước ở bột cà phê. Cũng thật là hay ! Cà phê dù đắng nhưng nhiều người vẫn thèm uống để cảm nghiệm cái đắng đót của cuộc đời.

Lm. Anmai, CSsR

Exit mobile version