GÓC SUY TƯ GIỚI TRẺ Vừa buồn vừa bực khi nhận email

Vừa buồn vừa bực khi nhận email

TTO – Công tác tại trường đại học gần bốn năm nay, giao tiếp với các em sinh viên hằng ngày nên tôi có nhiều suy nghĩ và trăn trở về các vấn đề giáo dục. Một trong số đó là chuyện giao tiếp của sinh viên hiện nay.

 

Sinh viên cần được học những kỹ năng giao tiếp tối thiểu. Đây là những điều mà các em thì cứ nghĩ dư thừa, còn người lớn thì mặc nhiên cho rằng các em hẳn phải đã tự biết rồi

 

Đã rất nhiều lần, khi nhận được email từ sinh viên gửi đến, thời gian đầu tôi vừa buồn vừa bực. Cứ tự hỏi mình rằng trong lúc soạn email, phải chăng các em còn bận rộn việc cá nhân gì đó nên đã không chú tâm vào cách trình bày lá thư? Có những email chỉ có tệp (file) đính kèm mà không hề có bất cứ tiêu đề (subject line) nào hay bất cứ nội dung (content) gì.

Thậm chí các em không xưng tên họ, để lại số điện thoại liên hệ. Một số email thì ghi hẳn nội dung cần trao đổi vào ô tiêu đề, nhưng là những dòng chữ tiếng Việt không dấu, hoặc những chữ viết tắt không theo một thể thức quy tắc nào. Phải qua các lần trả lời email trao đổi kế tiếp, khi tôi nhắc nhở, các em mới cải thiện những điều trên.

Vậy đâu là nguyên nhân gây ra các tình huống này? Là do công nghệ hiện đại hay ý thức của sinh viên hiện nay đang dần đi xuống? Thời gian sau này, khi bình tâm suy xét từ các góc độ, tôi nghĩ rằng lỗi không thuộc hoàn toàn về các em. Sinh viên hiện nay đã quá quen với việc trao đổi thông tin qua các trang mạng xã hội, với những ứng dụng siêu tiết kiệm thời gian…

Khi cần gửi tài liệu gì, các em chỉ việc chọn tài liệu đó và nhấn nút gửi (send) là hoàn tất một chu trình trao đổi. Thói quen này dần hình thành ở sinh viên khi còn học phổ thông, qua việc các em giao tiếp với bạn bè và được các em vô thức lặp lại khi giao tiếp qua email với giảng viên, cán bộ nhà trường.

Qua những lần trò chuyện trực tiếp một cách cởi mở, tôi nhận thấy nhiều sinh viên chỉ bắt đầu sử dụng email khi bước vào giảng đường đại học. Quả thật vào thời phổ thông, không có nhiều tình huống để các em sử dụng đến email.

Ban đầu tôi còn ngờ ngợ về điều này, sau tôi phải tin rằng đó là thực trạng đang diễn ra hiện nay trong sinh viên. Tức là không hẳn các em thiếu sự tôn trọng người nhận email, mà các em đang vô thức không biết được việc làm của mình.

Lý giải của tôi hẳn sẽ khiến nhiều người lớn cảm thấy dường như tôi đang ngụy biện cho các em, lỗi không thể do công nghệ. Nhưng nếu có dịp công tác trong ngành giáo dục, hẳn mọi người sẽ có cảm giác như tôi, luôn muốn tìm ra bản chất thật sự của vấn đề và điều quan trọng hơn là tìm ra giải pháp để sinh viên hoàn thiện hơn. Chứ hiện trạng thì ai cũng thấy rồi, cứ mãi chỉ trích không làm cho mọi thứ tốt hơn được.

Tôi nghĩ các trường đại học rất cần đưa vào nội dung chương trình những buổi sinh hoạt đầu khóa cho tân sinh viên các kỹ năng giao tiếp tối thiểu. Đây là những điều mà các em thì cứ nghĩ dư thừa, còn người lớn thì mặc nhiên cho rằng các em hẳn phải đã tự biết rồi.

Khoảng cách thế hệ luôn là bức tường nhận thức, khiến cho chúng ta không đặt mình trong tâm thế của sinh viên. Cứ nghĩ các em phải biết, phải hiểu, nhưng nếu thầy cô không dạy thì các em còn biết học ở đâu?

Thế nên, trong giờ giảng của các môn đại cương như phương pháp học đại học, phương pháp nghiên cứu khoa học… cần xen kẽ những nội dung về kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Tất nhiên, việc gì cũng cần hai phía. Một thái độ cầu thị, sẵn sàng tiếp thu là yêu cầu mà người học cần có, nếu muốn đạt kết quả tốt.

 
TRẦN XUÂN TIẾN (tuoitreonline)
Trường đại học Văn Hiến)
Exit mobile version