Vợ chồng như đũa có đôi

117

đũaHọ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt” (Mt 19,6). Lời Chúa trong Tân Ước nhắc lại ơn gọi hôn nhân đã được khẳng định rõ trong Cựu Ước, “Người ta sẽ lìa bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (St 2,24).

ĐGH Gio-an Phao-lô II, trong Tông Huấn về “Những bổn phận của gia đình Ki-tô hữu” cũng đã viết: “Nhờ tính cách bí tích của hôn nhân, đôi bạn được liên kết với nhau một cách chặt chẽ không thể tháo gỡ được. Khi người này thuộc về người kia, họ thực sự biểu lộ tương quan giữa Đức Ki-tô với Hội thánh của Ngài, qua dấu chỉ bí tích…” (x. sđd số 13, Roma 2002). Bên cạnh đó, HĐGMVN trong thư Mục vụ năm 2002 về “Thánh hóa gia đình” cũng đã chỉ rõ hơn, “Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Ki-tô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: yêu nhau và nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị” (x. số 6).

Vậy có thể nói, sự kết hợp nên một (nam-nữ) trong hôn nhân Ki-tô giáo vừa đặt trên nền tảng đòi hỏi của hôn nhân tự nhiên, mà hơn thế nữa, còn định hướng theo lý tưởng “nên một” được mô phỏng đặc tính của giao ước trong lịch sử cứu rỗi. Đó là giao ước giữa Thiên Chúa với con người, và giao ước giữa Chúa Ki-tô và Hội thánh của Ngài. Hôn ước Ki-tô hữu đã được “bí tích hóa”, được đóng ấn vĩnh viễn khi hai người tự do yêu thương và tự nguyện kết hôn với nhau. Không áp lực, không ràng buộc, không giả dối. Cuộc hôn nhân ấy đặt trên nền tảng một tình yêu song phương, tự do, chân thànhtrung tín. Yêu như Thiên Chúa yêu con người và như Chúa Ki-tô yêu Hội thánh, là hiền thê Ngài.

Tuy nhiên, trên thực tế để đạt đến lý tưởng “nên một” ấy, không phải là chuyện đơn giản dễ dàng. Ngay cả những cặp vợ chồng Công giáo, đã sống đời hôn nhân lâu dài cũng phải chiến đấu không ngừng, nhằm tránh sự rạn nứt và đổ vỡ vì lí do “không thể hòa hợp nên một với nhau được”. Không ít trường hợp, các đôi vợ chồng vì những mâu thuẫn bất hòa kéo dài đã phải ra tòa xin ly hôn, hay chí ít cũng chấp nhận ly thân, để “thoát nợ”. Và chúng ta đều biết rằng, sau cuộc ly hôn, là tiếp nối bi kịch gia đình: vợ chồng chia tay, con cái chia lìa, gia đình chia cắt…

Thông tin từ một bài báo đã cho biết: “…Năm 2010 có 88.000 vụ ly hôn ở nước ta, cao 30% so năm 2009. Trong số đó, số đơn do phụ nữ đòi ly hôn cao hơn nhiều so nam giới…Tỷ lệ ly hôn có xu hướng tăng cao. Ngày nay nhận thức về hôn nhân và gia đình còn kém nên mỗi khi bất đồng quan điểm, ”ly hôn” là câu cửa miệng mà giới trẻ hay lấy ra để dọa bỏ nhau. Những giá trị về gia đình gần như giới trẻ không thể cảm nhận hết được. Đa phần khi ly hôn, họ đều có con cái, tỷ lệ ly hôn càng cao thì trẻ bị thiệt thòi càng nhiều, vì còn cha nhưng mất đi sự chăm lo của mẹ. Tỷ lệ trẻ vị thành niên phạm pháp ngày càng tăng cao nguyên nhân từ sự đổ vỡ gia đình. Nguyên nhân ly hôn đến từ nhiều phía nhưng đa phần khi ra tòa nguyên nhân các cặp vợ chồng đưa ra là không hòa hợp, không thể chung sống với nhau hoặc đã có thời gian dài sống ly thân. Tuy cùng sống, cùng sinh hoạt trong ngôi nhà nhưng đều là nghĩa vụ và để con cái lớn hơn để có thể chấp nhận sự đổ vỡ gia đình…” (“Vì sao giới trẻ hiện nay hay chọn giải pháp ly hôn?”- http://yume.vn/news 7-7-2011).

Đó là một thực trạng bi đát rất đáng báo động. Riêng những cặp vợ chồng Ki-tô hữu, mặc dù đã công khai cử hành Bí tích Hôn phối nhưng cũng dễ dàng đi đến quyết định bỏ nhau một khi họ không thể hòa hợp để chung sống hạnh phúc với nhau lâu dài. Vậy đâu là những lý lẽ chính đáng nhằm giúp đôi bạn luôn sống hiệp nhất, giữ mãi tình yêu với nhau trong bối cảnh một cuộc hôn nhân luôn có nguy cơ rạn nứt?

Theo ý kiến của các bậc khôn ngoan và những người có kinh nghiệm thì có thể liệt kê mấy lý lẽ sau đây:

  1. Nên một nhờ biết tôn trọng sự khác biệt của nhau.

Trước khi bước vào đời sống hôn nhân gia đình, một trong những chuẩn bị cần thiết và quan trọng đầu tiên là hai bạn phải theo học lớp Giáo lý Hôn nhân. Qua đó, về kiến thức cơ bản, các bạn sẽ có dịp tìm hiểu khá kỹ về sự khác biệt nam nữ và về vấn đề tâm sinh lý vợ chồng. Có thể hình dung hôn nhân là một lâu đài bí mật và đôi bạn là ẩn số của nhau. Muốn biết hôn nhân chứa đựng gì, đòi hỏi ra sao, khó khăn thế nào…thì chúng ta phải học hỏi, tìm hiểu trước để tránh bỡ ngỡ, sai lầm, vấp váp. Chúng ta sẽ biết rằng người chồng thuộc nam giới, có những đặc điểm tâm sinh lý hoàn toàn khác với người vợ thuộc nữ giới. Ngày nay người ta thường nói “Bí mật Adam” hay “Bí mật Eva” là như thế. Sự khác biệt ấy quá rõ như chân lý “một với một là hai” vậy.

Một vài dẫn chứng để tham khảo:

. Nam giới mạnh mẽ, thiên về sức lực trong khi nữ giới mềm yếu, thiên về cảm xúc. Trái tim của nam có bốn “ngăn”, trong khi trái tim của nữ chỉ có một “ngăn”. Nam giới có khuynh hướng hướng ngoại, trong khi nữ giới thường hướng nội. Nam nhìn vấn đề cách tổng quát, trong khi nữ quan tâm nhiều đến tiểu tiết…

. Đàn ông thường lãng mạn, dễ yêu một cách chớp nhoáng hơn đàn bà, trong khi đàn bà lại có khuynh hướng chú tâm đến các vấn đề thực tế khi chọn người bạn đường. Đàn bà tìm những đức tính lâu bền ở một người tình. Họ dễ để cho trí óc điều khiển con tim họ hơn đàn ông rất nhiều…Đàn ông và đàn bà giải quyết vấn đề khác nhau. Đàn ông có khuynh hướng đi thẳng vào vấn đề, bày ra tất cả những giải pháp khả dĩ, lựa chọn một giải pháp rồi thi hành. Đàn bà có thể cũng trực tiếp, nhưng lại có thể tìm một con đường quanh co hơn…(x. Bùi Hữu Thư, “Hôn nhân và hạnh phúc: phái nam cần biết gì về phái nữ?”,  VietCatholic News 30-6-2008).

. Phụ nữ rất thích quan sát, nhưng lại không biết suy luận từ những quan sát đó. Đàn ông thích suy luận nhưng nhiều khi lại suy luận vu vơ, chứ không bắt đầu từ quan sát. Phụ nữ cần được yêu thương chứ ít cần được hiểu, trong khi đàn ông lại muốn hiểu kỹ về họ. Tình yêu rất mong manh, phụ nữ cũng rất mong manh nhưng đàn ông lại muốn tìm sự bền vững trong đó… (Bài “Khác biệt giữa Adam và Eva”, báo GĐ).

Có muôn vàn chi tiết khác biệt giữa nam nữ, nhưng họ được ơn thiên triệu để kết hợp thành đôi-vợ-chồng, để sống với nhau suốt đời. Tình yêu là yếu tố quan trọng hàng đầu giúp cho đôi bạn chấp nhận nhau, nương tựa nhau, khích lệ nhau. Một cuộc hôn nhân hạnh phúc là cuộc hôn nhân trong đó hai người nam nữ, thay vì loại trừ nhau do khác biệt giới tính, thì lại bổ sung cho nhau. Họ chấp nhận “tương khắc” chứ không “xung khắc”. Ca dao VN có câu: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”.

 Đó là ý nghĩa của việc nên-một-với-nhau mà vẫn tôn trọng sự khác biệt  giữa các ngôi vị trong cộng đồng gia đình.

  1. Nên một nhờ biết hi sinh vì tình yêu.

Một trong những rào cản lớn nhất đối với sự hiệp nhất trong đời sống vợ chồng, đó là tính ích kỷ, lòng dạ hẹp hòi và sự nhát đảm. Trong cuộc sống, có thể một trong hai bạn hoặc cả hai bạn đến lúc nào đó đều ngại hy sinh. Có câu nói sau: “Hy sinh cho nhau, đã là một phần thiết yếu của hôn nhân và sẽ mãi mãi là như vậy”. Đôi bạn phải hy sinh tự do cá nhân để hòa mình vào đời sống cộng đồng gia đình. Họ phải hy sinh để cái “Tôi” của mỗi người thích nghi với cái “Chúng ta” của hai người. Họ phải hy sinh để lắng nghe hơn là phán dạy, để thực hiện hơn là nói suông, để biết chia sẻ niềm vui và nỗi buồn của bạn đời hơn là sống dửng dưng, lạnh nhạt, vô cảm. Nói cách khác, đôi bạn phải tỏ ra “người này cần đến người kia”, để bổ sung cho nhau.

Theo tác giả cuốn “Cẩm nang Hạnh phúc Gia đình Ki-tô” thì chúng ta cần nhìn nhận điều này: “Sự đổ vỡ trong hôn nhân thường xảy đến khi hai người phối ngẫu không chấp nhận vai trò của nhau. Và từ đó không đạt được sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng. Vì hòa hợp và bổ túc cho nhau, đó là nguyên tắc sống nền tảng trong đời sống hôn nhân…”. Và “Bổ túc cho nhau trên hết có nghĩa là mình có những gì mà người kia không có, điều mình có ít thì người kia lại có nhiều. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự dịu dàng của tình yêu nằm trong sự bổ túc ấy…” (D. Wahrheit, sđd trang 258-259).

Thánh nữ Têrêxa Hài Đồng đã nói, “Yêu và hy sinh là một, không hy sinh thì chưa gọi là yêu”. Tình yêu vợ chồng là một tình yêu vĩ đại, bởi họ không chỉ sống cho nhau, với nhau trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, mà là trải dài suốt cả cuộc đời. Người ta cũng nói, “Chết cho người mình yêu thì dễ hơn là sống với người ấy”. Bởi vì cuộc sống của đôi vợ chồng yêu nhau thì không bao giờ là yên nghĩ cả. Trong kinh nghiệm của con người thì “Hôn nhân là một chiến trường chứ không phải là một luống hồng” (Marriage is a battleground and not a bed of roses).

Vậy đã rõ, sự hy sinh của đôi bạn phải xuất phát từ tình yêu đích thực, dõi theo tình yêu mà Đức Ki-tô đã làm gương và dạy chúng ta sống. Và tình yêu ấy hướng tới một sự hiệp nhất kỳ diệu giữa hai cá thể, hai con người khác biệt. Bởi xét cho cùng, “Gia đình, được thiết lập do tình yêu và được sinh động cũng do tình yêu, là một cộng đồng các ngôi vị: đôi bạn là nam và nữ , cha mẹ và con cái, họ hàng. Bổn phận đầu tiên của gia đình là trung thành sống thực tại của sự hiệp thông, trong cố gắng bền bỉ nhằm thăng tiến một cộng đồng đích thực gồm các ngôi vị…Không có tình yêu, gia đình không thể sống, lớn lên và tự hoàn thiện, xét như một cộng đồng các ngôi vị…” (ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn về “Những bổn phận gia đình Ki-tô hữu”, số 18).

  1. Nên một nhờ biết thực hành nghệ thuật nhượng bộ.

Trong tương quan vợ chồng, sự hòa hợp để “nên một” luôn đòi hỏi người này nhường nhịn người kia và cả hai cùng chấp nhận sự “bỏ mình” vì bạn đời. Ngày nay người ta nói nhiều đến “Nghệ thuật nhượng bộ”. Chuyện kể có một đôi vợ chồng già đã ngoài tám mươi tuổi. Con cháu đầy đàn. Trong ngày lễ kỷ niệm năm mươi năm thành hôn, con cháu tụ họp chúc thọ và chúc mừng hai cụ. Dịp vui này, các con cháu đồng thanh hỏi thăm bí quyết nào hai ông bà giữ được hạnh phúc bền vững cho đến ngày nay? Các cụ trả lời ngay, không có bí quyết nào bí mật cả, mà đơn giản đó chỉ là sự nhượng bộ nhau.

Nhượng bộ là hy sinh một phần cái gì đó của mình vì ích lợi chung và vì lợi ích của người khác. Trong một cuộc cãi vã bất phân thắng bại, sự nhượng bộ tốt nhất chính là im lặng. Người ta nói, “Phân nửa những vấn đề trong hôn nhân được giải quyết bằng cách giữ im lặng”. Trong cuộc sống chung, hằng ngày có vô vàn những điều trái ý nhau, từ những chuyện nhỏ nhất như ăn uống, sinh hoạt, giải trí, giờ giấc…đến những vấn đề lớn như việc chi tiêu trong gia đình, việc dạy dỗ con cái, việc ứng xử với cha mẹ (chồng/ vợ), với họ hàng hai bên…nếu cả hai bạn chỉ biết bảo lưu ý kiến riêng của mình thì sớm muộn cũng sẽ xảy ra mâu thuẫn, xung đột. Thực ra, không nhất thiết hai người phải “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, nhưng ít nhất họ cần bàn tính sao để cuối cùng có tiếng nói chung, vừa lòng cả đôi bên…

Thánh Phao-lô đã có lời khuyên thiết thực sau: “Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thông cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo…” (Cl 3,12-14).

4.- Nên một nhờ biết vượt thắng mọi khó khăn thử thách.

Người ta đã ví hôn nhân là một chiến trường, vợ chồng là chiến binh, họ phải chiến đấu không mệt mỏi. Có người đã nói, “Trận chiến dũng cảm nhất, tôi chưa từng thấy ở đâu trên bản đồ thế giới, mà tôi chỉ gặp giữa hai vợ chồng” (Joaquin Miller). Thực vậy, cuộc sống gia đình đầy những khó khăn, vất vả, cực nhọc. Khó khăn về kinh tế, vất vả trong công việc làm ăn, cực nhọc để giải quyết những vấn đề gia đình vv.

Từ thực tế khó khăn, phức tạp này, đã phát sinh biết bao hệ lụy. Có người bi quan đã nói, “Hôn nhân là một pháo đài, người ở trong muốn thoát ra, còn người ở ngoài lại muốn đi vào”. Hoặc, “Tình yêu ở xa trông lấp lánh như hạt kim cương, nhưng đến gần thì chỉ là giọt lệ”…Gánh nặng của hôn nhân không chỉ là giải quyết vấn đề “cơm, áo, gạo, tiền”, mà còn bao gồm tất cả những rắc rối phức tạp trong đời sống vợ chồng. Chẳng hạn, chuyện xung đột nảy sinh do tính tình khác biệt, do sở thích không đồng bộ, do nền giáo dục hấp thu không tương xứng, do trục trặc trong sinh hoạt tình dục vợ chồng vv. Những bất đồng này xói mòn tình yêu đôi bạn, khiến họ không thể chịu đựng nhau được nữa, lúc đó phát sinh hậu quả ly hôn ly dị.

Một thống kê cho biết tỉ lệ ly hôn ở Việt Nam chiếm 31%-40%, trong đó tuổi thọ hôn nhân bình quân của thế hệ 8x đưa nhau ra tòa dao động trong khoảng… 30 tháng (Theo TS Nguyễn Minh Hòa, ĐH. KH-XH-NV TP.HCM – TTO 01-10-2008). Ba mươi tháng đã ly hôn, nghĩa là chưa đầy ba năm cưới nhau người ta đã quyết định chia tay. Họ chia tay hẳn là có nhiều lý do, nhưng trên hết vẫn là do họ chưa được trang bị đủ hành trang để vào đời, để “đi gánh vác”, để làm vợ làm chồng, để xây dựng mái ấm gia đình. Một danh nhân đã nói, “Hãy cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi ra khơi, nhưng ba lần trước khi kết hôn”.

ĐGH Gio-an Phao-lô II đã nhắc nhở chúng ta: “Mỗi gia đình đều luôn luôn được Thiên Chúa Chủ Tể của sự bình an, mời gọi sống kinh nghiệm tươi sáng phấn khởi của việc hòa giải, trong việc tái lập sự hiệp thông, tìm lại sự hiệp nhất. Cách riêng việc tham dự vào Bí tích Giao hòa và bàn tiệc Mình Thánh Chúa Ki-tô sẽ đem lại cho gia đình Ki-tô hữu ơn sủng cần thiết và tinh thần trách nhiệm tương xứng để thắng vượt tất cả mọi chia rẽ và bước tới sự hiệp thông đích thực và trọn vẹn mà Thiên Chúa muốn, và như thế là đáp lại nỗi ước mong nồng nàn của Chúa là ‘xin cho tất cả được nên một’…” (ĐGH Gio-an Phao-lô II, Tông Huấn về “Những bổn phận gia đình Ki-tô hữu”, số 21)./.

Aug. Trần Cao Khải