Vô Cảm – Lối Sống Của Con Người Thời Hiện Đại

166

 

http://chuongtrinhchuyende.com

.

vo-tam-2Đối với mỗi người Kitô Hữu ắt hẳn không ai xa lạ với dụ ngôn “Người Samari tốt lành” (Lc 10, 29-37). Câu chuyện kể về một người đi từ Giêrusalem xuống Giê-ri-khô, bị bọn cướp trấn lột, đánh nhừ tử rồi bỏ đi, để mặc người ta nửa sống nửa chết ở vệ đường. Thầy tư tế và thầy Lê-vi đi ngang qua, cả hai đều tránh qua bên kia mà đi, trong khi người Samari ngoại đạo lại chạnh lòng thương, dừng lại, băng bó vết thương và đưa về quán trọ săn sóc. Qua bài giáo huấn này, Chúa Giêsu muốn truyền cho nhân loại bài học yêu thương, đồng cảm và quên mình để sống cho người khác. Thế nhưng, những lời dạy của Người dường như đang dần bị quên lãng trong xã hội hiện đại ngày nay, khi mà con người ngày càng ít yêu thương nhau, ít quan tâm đến nhau và sâu xa hơn đó là hiện tượng đui mù và câm điếc trước nỗi đau của đồng loại. Đọc câu chuyện này, ta tưởng chừng như đó chỉ là chuyện xa xưa. Thế nhưng, chuyện của 2000 năm trước cũng chính là một vấn đề, một căn bệnh trầm kha của 2000 năm sau – bệnh vô cảm. Ngày nay, vô cảm dường như đã trở thành một căn bệnh âm ĩ và nhức nhối của xã hội, đồng thời có sức lây nhiễm cao vì nó đang len lỏi từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội, căn bệnh này không chỉ đơn thuần tồn tại trong một tầng lớp nào nhưng đã trở thành căn bệnh của quần chúng hay có thể nói đó là mặt trái của lối sống hiện đại.

Tháng 10 năm 2011, sự việc bé Duyệt Duyệt 2 tuổi ở Trung Quốc bị xe cán 2 lần và bị 18 người qua đường phớt lờ khi em đang ở trong tình trạng nguy kịch, đã gây chấn động và tạo nên một làn sóng phẫn nộ về sự vô cảm của người Trung Quốc nói riêng, và con người thời hiện đại nói chung. Vậy nguyên nhân nào khiến trái tim của nhiều người hoá sỏi đá và khó động lòng trắc ẩn trước những bi kịch của người khác? Hậu quả của căn bệnh xã hội này là gì? Phương pháp chữa trị ra sao? Câu trả lời đã được giải đáp qua buổi nói chuyện chuyên đề do Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình – Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn tổ chức, với sự trình bày của Lm. Giuse Nguyễn Trọng Viễn, Dòng Đa Minh, vào ngày 28.04.2012, tại hội trường Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận trong đề tài: “Vô cảm – Căn bệnh trầm kha của thời đại”.

Có rất nhiều lý do để giải thích cho thái độ dửng dưng vô cảm, một trong những lý do của căn bệnh này xuất phát từ tâm lý “sợ”. Sợ cái ác, sợ kẻ gian, sợ trách nhiệm, sợ liên lụỵ đến bản thân, sợ bị lừa đảo… Vô cảm còn là hậu quả của lối sống thực dụng, đề cao chủ nghĩa vật chất và lợi ích cá nhân theo kiểu “không phải chuyện của tôi” ngày càng bám rễ sâu vào hệ tư tưởng của con người ngày nay. Nhưng thật ra, mầm mống sâu sa của căn bệnh vô cảm chính là cách giáo dục từ trong gia đình. Không ít bậc cha mẹ dạy con theo kiểu triết lý makeno (mặc kệ nó) để tránh dính dáng đến người khác, tránh liên lụy bản thân. Triết lý sống này cũng được người lớn áp dụng trong cách cư xử với nhau để được an toàn, thậm chí còn tồn tại thứ “vô cảm thấp hèn” lợi dụng tai hoạ của người khác để trục lợi cho bản thân. Gần đây, tình trạng “hôi của” trong nhiều vụ tai nạn đã xảy ra cách công khai. Một số người chẳng những không giúp đỡ mà còn lợi dụng cảnh hỗn loạn sau tai nạn để xông vào nhặt ví tiền, tư trang, túi xách,.. của nạn nhân.

Ngoài ra, bệnh vô cảm còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân tương tác lẫn nhau trong xã hội. Trong xã hội hiện đại con người sống duy lý, tương quan giữa người với người ngày càng được chuẩn hoá, mọi vấn đề phải được giải quyết rõ ràng, nhưng đôi khi cái lý có thể lấn át cả cái tình. Mặt khác, nếu con người sống trong một xã hội không có một trật tự đúng đắn, họ nhận thấy sự hiện diện cũng như công việc của mình có thể bị đe doạ, thì mỗi cá nhân sẽ hình thành bản lĩnh đối phó và bộc lộ khuynh hướng ích kỷ tiềm tàng. Từ đó tạo điều kiện dung dưỡng căn bệnh vô cảm.

Thật đáng buồn khi một bộ phận trong giới trẻ ngày nay dành nhiều thời gian lướt net để tìm hiểu tường tận thần tượng của mình, về mốt thời trang đang được thịnh hành, và về vô số những vấn đề “hot” khác chỉ đơn thuần mang tính giải trí; nhưng họ lại thờ ơ, thiếu sự quan tâm đến những người thân thiết trong gia đình và hờ hững với thế giới bên ngoài. Có thể đó chưa hẳn là vô cảm nhưng chúng ta có thể thấy đó là mầm mống của căn bệnh này bởi từ thái độ thờ ơ dẫn đến vô cảm là một khoảng cách không xa. Những thành viên trong gia đình ruột thịt còn có thái độ lãnh đạm với nhau như thế thì làm sao họ có thể chạnh lòng thương đối với những người xem ra là “người dưng”? Đáng lo ngại hơn là tình trạng bạo lực học đường đi cùng thái độ bàng quan ngày càng gia tăng. Trong nhiều clip nữ sinh đánh nhau trên mạng có thể thấy rõ điều này: một nữ sinh bị đánh hội đồng và các học sinh khác thản nhiên ngồi xem, thậm chí reo hò cổ vũ, dùng điện thoại di động quay hình.

Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta có thể bắt gặp nhiều “triệu chứng” của bệnh vô cảm. Chẳng hạn chúng ta có ba tiêu chuẩn để chọn quà sinh nhật: người thứ nhất tìm món quà sang trọng, người thứ hai tìm món quà xứng đáng với địa vị của người tặng quà, người thứ ba tìm món quà người nhận cần và thích nhất. Từ đó, ta có thể nhận thấy những cách biểu lộ cảm thức khác nhau. Người thứ nhất là một con người quá cứng nhắc, luôn bám cứng vào sự hợp lý. Người thứ hai là người luôn muốn bảo vệ “lòng tự trọng” của mình và tìm cách khẳng định mình trong mọi tình huống. Người thứ ba là một người nhạy cảm và có khả năng thấu cảm vui buồn với người khác. Qua ba thái độ nói trên, dấu hiệu vô cảm đã bắt đầu xuất hiện ở người thứ nhất và người thứ hai.

Khi người mẹ cho con cái bánh cũng đồng thời là trao ban tình thương đối với đứa con của mình. Ở đây chúng ta có thể bắt gặp một trong hai phản ứng của đứa con: Nếu đứa con nào chỉ vui hay buồn vì cái bánh thì đứa con đó có nguy cơ coi trọng vật chất bên ngoài, vì có thể trong suốt cuộc đời, cảm xúc vui buồn của nó chỉ tập trung vào vật chất chứ không phải con người; nếu đứa con nào biết vui khi đón nhận tình thương của người mẹ thì đứa con đó có cơ may biết vui buồn vì người khác.

Vô cảm sẽ vẫn còn tồn tại khi con người vẫn còn quy hướng về bản thân, chọn phương thức sống cho mình, vì mình hoặc chỉ hướng đến sự vật trung gian. Sự vật trung gian có thể là những lợi ích vật chất, tinh thần, có thể là sắc đẹp, tài năng và cả đức độ. Như vậy, chỉ khi nào con người biết vượt qua những sự vật trung gian, vượt qua tất cả những gì khác với bản thân và không còn để những thứ trung gian vây bọc cuộc đời mình, thì lúc đó mới có thể chạm được cõi lòng, nỗi đau của người khác. Lúc đó chúng ta mới thật sự sống “cho người”, “vì người” và “với người”. Chỉ khi nào xây dựng được mối tương quan nhân thân cụ thể thì mới có thể thoát ra khỏi thái độ “ataraxia” của người Hy Lạp cổ – thái độ không để những khổ đau của người khác đụng chạm đến sự bình an, thanh thản trong lòng mình, cách nào đó trạng thái này tự nó là vô cảm. Hơn hết, mối tương quan giữa người với người chỉ thật sự vững bền khi chúng ta biết tìm lại ý nghĩa của lòng nhân hậu, từ bi thương xót và nối kết nhau trong mối tình tay ba có sự hiện diện của Thiên Chúa. Khi làm một công việc bái ái cho ai, đừng nghĩ rằng tôi đang ban phát hồng ân, ban phát tình yêu của tôi cho bạn, nhưng hãy nghĩ rằng tôi làm điều đó vì cả hai chúng ta đều đáng thương như nhau trước mặt Chúa.

Khi “xã hội giai cấp” chuyển sang “xã hội rủi ro”, con người đã phải đương đầu với nhiều mối nguy hiểm cũng như sự quá tải về tâm lý và xử lý thông tin, nên họ “tự vệ” bằng ‘cơ chế” thờ ơ và vô cảm với tha nhân. Điều này dẫn đến sự sút giảm về đạo đức cũng như trách nhiệm xã hội với người khác. Đây cũng là tiếng chuông báo động về lối sống của con người ngày nay.

Phương Khanh