Vinh dự Tháng Chín

132

Con Yêu Chịu Chết Cứu Độ Nhân Thế

Đức Mẹ Hy Sinh Thông Phần Khổ Đau

Đau khổ và Thập Giá là “nét riêng” của Tháng Chín. Đó là nỗi buồn đặc trưng, nhưng lại là niềm vinh dự của tín nhân: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Gl 6:14) Lễ Suy Tôn Thánh Giá và lễ Đức Mẹ Sầu Bi nhắc nhở tín nhân vâng theo Thánh Ý Chúa qua những nỗi đau khổ hằng ngày: vác thập giá của mình để cùng Đức Mẹ theo chân Chúa Giêsu trên Đường Thập Giá tới Đỉnh Đồi Sọ.

Trên Đỉnh Cao Đau Khổ, Chúa Giêsu cũng nói với mỗi chúng ta như đã nói với Tông đồ Gioan: “Đây là Mẹ của con.” (Ga 19:27) Đức Mẹ không chỉ đau khổ vì người ta hành hạ Con Yêu Giêsu, Đức Mẹ cũng đã và đang đau khổ vì mỗi chúng ta.

Sống trên đời này, ai cũng bị đau khổ vây quanh. Một số người đau khổ dữ dội, một số đau khổ ít thôi, nhưng mọi thứ đau khổ đều có thật, và có thể “loại bỏ” đau khổ bằng cách tín thác vào tình yêu vô hạn và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Thiên Chúa để cho chúng ta chịu đau khổ vì muốn chúng ta nên giống Con Yêu Dấu của Ngài qua lăng kính yêu thương của Ngài, và làm giảm bớt đau khổ của người khác: “Anh em hãy mang gánh nặng cho nhau, như vậy là anh em chu toàn luật Đức Kitô.” (Gl 6:2) Thánh Phaolô xác định: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định.” (Rm 8:28) Thiên Chúa đem lại điều tốt cho những ai thực sự yêu mến Ngài.

Chắc chắn không có gì trên thế gian này xảy ra nếu Thiên Chúa không cho phép xảy ra – cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Ngài sẽ không cho phép điều gì đó xảy ra nếu Ngài không sử dụng tình huống đó để sinh ích lợi cho chúng ta. Thánh Ý Ngài mầu nhiệm khôn lường.

Có lẽ chúng ta viễn tưởng về thế giới, lịch sử, và ngay cả cuộc sống của chúng ta nữa. Nhưng Kinh Thánh nói: Người dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ toan tính của con người, vì Đấng Tối Cao am tường tất cả và đưa mắt nhìn các dấu hiệu thời gian. Người công bố dĩ vãng và tương lai và mặc khải dấu vết của những điều bí ẩn. Không một ý nghĩ nào Người không thấu suốt, chẳng một lời nào là bí ẩn đối với Người.” (Hc 42:18-20)

Chúng ta quên rằng Thiên Chúa có “thần nhãn” về cuộc đời của mỗi người và muốn mọi người tìm thấy sự viên mãn nơi Ngài. Chúng ta không biết rằng Ngài biết chẳng có gì trong sự hiện hữu của chúng ta xứng đáng hơn sự viên mãn này, và ngay cả sự đau khổ tạm thời của chúng ta cũng đáng chịu, nếu đau khổ giúp chúng ta đạt được Ơn Cứu Độ.

Như vậy, Thiên Chúa có làm cho chúng ta đau khổ để cứu chúng ta? KHÔNG. Ngài tốt lành tuyệt đối, không tạo nên đau khổ, nhưng Ngài vẫn để cho chúng ta đau khổ để Ngài cứu chúng ta, vì Ngài thấy đau khổ chúng ta chịu không quan trọng bằng Ơn Cứu Độ. Đau khổ xảy ra tại chính chúng ta, tại người khác, hoặc tại thế giới xung quanh chúng ta, đau khổ xảy ra bởi những con người đầu tiên và nhiều người khác sau đó.

Thiên Chúa là tình yêu. (1 Ga 4:8 & 16) Nhân loại được tạo nên bởi tình yêu, trong tình yêu, và vì tình yêu, để yêu thương và được thương yêu. Tuy nhiên, tình yêu không thể ép buộc. Tình yêu phải được trao tặng và được đón nhận một cách tự nguyện, hoặc chúng ta chỉ là những robot được lập trình thay vì những con người tự do và có quyền chọn lựa. Với quyền tự do đó, chúng ta có thể chọn đúng hay sai, vì chọn sai mà chúng ta đau khổ.

Thiên Chúa “dò thấu vực thẳm và cõi lòng nhân thế, hiểu rõ toan tính của con người, vì Đấng Tối Cao am tường tất cả và đưa mắt nhìn các dấu hiệu thời gian.” (Hc 42:18) Ngài biết rõ mỗi chúng ta: “Lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ tưởng gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết.” (Tv 139:1-4)

Thánh Phaolô nói: “Không một thử thách nào đã xảy ra cho anh em mà lại vượt quá sức loài người. Thiên Chúa là Đấng trung tín: Người sẽ không để anh em bị thử thách quá sức; nhưng khi để anh em bị thử thách, Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp, để anh em có sức chịu đựng.” (1 Cr 10:13) Thiên Chúa biết rõ điều gì vừa đủ hoặc quá mức đối với chúng ta, đặc biệt là có ích lợi cho linh hồn chúng ta.

Đúng vậy. Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, không để chúng ta đau khổ quá sức chịu đựng. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đặt vấn đề rằng người cha không thể đưa con rắn cho đứa con khi nó xin con cá, hoặc đưa cục đá khi nó xin bánh. (Mt 7:9-10; Lc 11:11-12) Thiên Chúa là Cha nhân lành, đôi khi có vẻ như Ngài cho chúng ta cục đá và con rắn, nhưng trong thực tế, chúng ta vẫn được bánh và cá hơn cả những gì chúng ta mong đợi.

Thực sự Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta theo mọi ước muốn của chúng ta, nhưng cõi lòng mờ ám của chúng ta đầy những ước muốn xấu xa khiến chúng ta xa cách Thiên Chúa và Ơn Cứu Độ. Do đó, Ngài cần thay đổi tâm hồn chúng ta, tái định hướng chúng ta, để làm cho chúng ta mãn nguyện hoàn toàn. Lo lắng, buồn phiền, đau khổ, khó chịu, chết chóc,… những thứ này nhắc chúng ta nhớ mình là phàm nhân và luôn cần Ngài.

Thiên Chúa cho biết: Nếu các ngươi vẫn không chịu để Ta sửa dạy, mà cứ chống Ta, thì Ta cũng vậy, Ta sẽ chống các ngươi và Ta cũng sẽ đánh phạt các ngươi gấp bảy lần vì tội lỗi các ngươi. Ta sẽ giáng xuống các ngươi lưỡi gươm báo oán để rửa hận cho giao ước. Các ngươi sẽ rút cả vào trong các thành của các ngươi, nhưng Ta sẽ gửi ôn dịch đến giữa các ngươi, và các ngươi sẽ bị trao vào tay kẻ thù. Nếu các ngươi vẫn không chịu nghe Ta mà cứ chống Ta, thì Ta sẽ nổi cơn lôi đình chống các ngươi và Ta cũng sẽ sửa phạt các ngươi gấp bảy lần vì tội lỗi các ngươi.” (Lv 26:23-25, 27-28) Khiêm nhường ghi nhớ như vậy giúp chúng ta đến gần Thiên Chúa theo cách thức cần thiết. Để đáp lại, Ngài ban cho chúng ta mọi thứ cần thiết khác.

Nhưng hãy nhớ kỹ điều này: Chúng ta có thể sống mỗi ngày trong sự thỏa mãn mà Thiên Chúa cung cấp cho chúng ta, hôm nay và ngày mai. Thực sự chúng ta có thể sống bình an với những gì cần thiết mà chúng ta sở hữu bằng cách nào đó. Chúng ta biết rằng đó là chính Thiên Chúa trao ban cho chúng ta, chứ chúng ta chẳng làm được gì và chẳng có gì.

Có lần ma quỷ nói với Thánh Catarina Siena: “Nếu bà không chiều theo chúng tôi thì chúng tôi sẽ chẳng giảm bớt những cuộc tấn công cho đến ngày bà chết.” Bà trả lời: “Tôi đã quyết chọn đau khổ làm nguồn sức mạnh của tôi. Điều đó chẳng gian truân gì đối với tôi, nhưng đúng hơn là một niềm vui, tôi sẵn lòng vì Đấng Cứu Độ mà chịu đựng tất cả những gì các ngươi gây ra cho tôi, trong thời gian bao lâu tùy Chúa muốn.”

Đau khổ là lĩnh vực khó hiểu trong đời sống. Nó khiến nhiều người xa rời đức tin và tìm kiếm an ủi nơi những thứ khác. Tuy nhiên, chỉ qua Thiên Chúa thì chúng ta mới có thể vượt qua đau khổ. Thánh Teresa Hài Đồng là tấm gương sáng. Chị có thể dùng tình yêu để biến đổi đau khổ. Chị hiểu giá trị của việc Chị chịu đau khổ để cứu các linh hồn. Vả lại, Chị yêu mến Thiên Chúa và các linh hồn đến nỗi Chị nói rằng Chị không còn cảm thấy đau khổ khi Chị hiểu được ý nghĩa phía sau những nỗi đau khổ hằng ngày.

Chính Chúa Giêsu đã nói với Thánh Faustina: “Con hãy chấp nhận mọi đau khổ với lòng yêu mến.” Bằng cách ghi nhớ lời dạy của Chúa Giêsu, chúng ta có thể tìm thấy trong đau khổ có những cơ hội phát triển nhân đức và mở cánh cửa tâm linh để ân sủng tuôn trào vào linh hồn chúng ta. Nguồn ân sủng này sẽ biến đổi chúng ta. Nhưng trước tiên, chúng ta phải thay đổi cách thức và thái độ đối với sự đau khổ, đặc biệt là cách thức và thái độ của chúng ta đối với những đau khổ trong cuộc sống đời thường.

Thánh Teresa Hài Đồng nhắn nhủ: “Nếu bạn muốn cảm nhận và có sức thu hút đối với đau khổ, đó là bạn đang tìm kiếm sự an ủi, vì khi chúng ta yêu cái gì thì đau khổ biến mất.” Tuy nhiên, có điều này cần lưu ý: “Đôi khi ma quỷ xúi giục các linh hồn ham hố một nhân đức hoặc một việc đạo đức nào đó đến lạ kỳ, để họ thực hiện việc ấy cách cuồng nhiệt; rồi nó làm họ đâm ra chán nản đến độ chểnh mảng với mọi sự vì mỏi mệt và ngao ngán. Chúng ta cần phải thắng vượt cả chiếc bẫy này lẫn chiếc bẫy kia.” (Thánh Catherine Bologna)

Lạy Thiên Chúa chí thánh, vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Kính lạy Máu Thánh Chúa Giêsu, xin cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU