GÓC SUY TƯ GIÁO LÝ Viết thêm về chữ ”Datô, Giatô và Thiên Chúa Giáo”

Viết thêm về chữ ”Datô, Giatô và Thiên Chúa Giáo”

 Viết thêm về chữDatô, Giatô và Thiên Chúa Giáo

Sau khi đọc bài của tôi: ”Nguồn gốc và ý nghĩa của chữ Công Giáo” (Có bổ sung ý kiến của người viết vào ngày 20.11.2012 về nguồn gốc của chữ ”Da-tô, Gia-tô”.), ”ông-kia-ghét-cay-ghét-đắng-Đạo-Chúa” bèn lên tiếng mạ lỵ tôi, Giáo Hội Công Giáo, nhất là dùng những lời phạm thượng đối với Thiên Chúa mà tôi tôn thờ! Cách lập luận của ông ấy tác hại đến tình-đoàn-kết-liên-tôn và trái Việt Đạo! Ngoài ra, cũng để trả lời nhóm người tìm cách phá Đạo, ”học giả” nọ vẫn còn giải thích chưa chính xác về nguồn gốc của chữ Datô hay Giatô. Chính vì thế, hôm nay, tôi phải viết thêm về các chữ vừa nêu ở tựa bài.

Trước khi viết thêm về các chữ ấy, tôi xin trích dẫn ”lời thư xây dựng” của Phật Giáo Tinh Quang, Canada, ngày 30.4.2012 như sau: Trong nhiều năm qua, trên các diễn đàn, xuất hiện thường xuyên nhiều bài viết của các tác giả … với văn phong thiếu nhân cách, vô giáo dục, phi văn hóa, phiền lòng các thành viên thầm lặng trong các diễn đàn, bởi thường bị nhận vào hộp thư, phổ biến từ các tác giả này, nhiều ngôn từ bẩn thỉu, hạ cấp.” (Quý Thầy Phật Giáo Tinh Quang Canada nêu đích danh nhiều tác giả, nên tôi không ghi lại.)

Đã lâu rồi, tôi thường nhận được nhiều bài về Đạo Từ Bi do Phật Giáo Tinh Quang Canada gởi tặng nên tôi cũng chuyển một số bài ấy đến vài Trang Báo và Thân Hữu là Phật Tử chân chính. Sau khi đọc THƯ KÍNH GỞI QUÝ BAN BIÊN TẬP và ÔNG… do tôi viết vào ngày 22.11.2012, Thầy Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ đã ngõ lời cùng ngày với rất nhiều Diễn Đàn như dưới đây. (Kính xin Thầy vui lòng cho phép con tô màu và đưa nguyên văn của Thầy vào ”nằm chung” một đoạn.) Thầy viết:

Kính thưa Quí vị trên các diễn đàn,

Đề tài về các tôn giáo là đề tài nhạy cảm. Nghiên cứu về các tôn giáo là việc làm đứng đắn của những con người có văn hóa và giáo dục. Trước khi là người theo tôn giáo này hay tôn giáo khác, chúng ta cùng là người Việt Nam đã hay đang chung sống trên đất nước Việt, đang dùng ngôn ngữ Việt – tuy có nhiều dị biệt về các phương diện khác. Mọi người ai ai cũng đều có quyền tự do ngôn luận bình đẳng để trình bày tư tưởng cá nhân về tất cả mọi vấn đề. Tuy nhiên, cách trình bày với văn phong biểu hiện tư cách văn hóa và giáo dục của tác giả. Mình muốn có tự do ngôn luận thì cũng nên tôn trọng tự do ngôn luận của mọi người. Cho nên, người có văn hóa giáo dục, sống trong nếp sống văn minh, nên tôn trọng người đọc bài viết của mình, bằng cách dùng ngôn ngữ thích hợp, khi trình bày quan điểm, lập trường về một vấn đề – nhất là vấn đề tôn giáo. Mình biết tôn thờ đạo giáo của mình thì nên tôn trọng đạo giáo của người. Ngay chính trong một tôn giáo – cùng thờ phượng một vị giáo chủ – cũng đã có những sự khác biệt đáng kể.

VP.PHTQ.CANADA vừa nhận được điện thư sau đây của quí Ông Phan Văn Phước (Germany) xin kính phổ biến để mọi người cùng suy ngẫm. (1)

VP.PHTQ.CANADA kính đề nghị: 1. KHÔNG XEM các Emails của các tác giả chuyên tấn công tôn giáo (CG & PG) 2. KHÔNG BÀN nội dung vô giáo dục, phi văn hóa, thiếu nhân cách của các tác giả này. 3. KHÔNG CHUYỂN các Emails này. Cắt bỏ toàn bộ nội dung gây kích động thù hận giữa người Việt với người Việt, nếu muốn phát biểu ý kiến cá nhân. Với lập trường 3 KHÔNG này, chắc chắn không khí của các diễn đàn sẽ tươi mát hơn với những Emails chuyển tải nội dung lợi ích cho đời sống thực tế hàng ngày trong gia đình, xã hội hay đời sống tâm linh KHÔNG PHÂN BIỆT TÔN GIÁO. TÔN GIÁO cao thượng nhất vượt lên trên tất cả các tôn giáo hiện hành (CG & PG) chính là CHÂN LÝ TỐI THƯỢNG – Chân lý này đem lại an lạc và hạnh phúc cho tất cả mọi người KHÔNG PHÂN BIỆT tôn giáo, dân tộc, xuất xứ, thời gian và không gian – Đó chính là ĐẠO LÀM NGƯỜI. Chưa phải là con người chân chính mà bàn chuyện tôn giáo – chỉ là gây phiền não khổ đau cho nhau mà thôi. hàng kính trình và kính chúc chư vị trên các diễn đàn luôn bình an.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mưu Ni Phật

Kính thư,

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

VP.PHTQ.CANADA 108 – 123 RAILROAD ST., BRAMPTON, ON, L6X-1G9, CANADA TEL: 647-828-1016

Ngoài ra, Thầy Thích Chân Tuệ đã mấy lần gởi cho Bà Con Thiệp Chúc Mừng Giáng Sinh, Hình Chúa Hài Đồng bên Mẹ Maria và Thánh Giuse, đặc biệt là Thầy ghi thêm câu: ”Vinh Danh Thiên Chúa trên Trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Dù khác niềm tin, việc làm của Phật Học Tinh Quang ở Canada là tấm gương tuyệt vời, biết trân trọng những điều mà Tôn Giáo Bạn yêu thích. Cho nên, lắm người Công Giáo cảm động, bèn viết thư cám ơn Phật Giáo Canada. Trong Lễ Đêm Giáng Sinh, tôi đã cầu nguyện cho quý Thầy Cô Phật Giáo nói chung, nhất là cho Ông… bởi vì, từ hôm có Thư của Thầy Chân-Tuệ, tôi chẳng còn nhận được bài nào của Ông ấy.

Sau đây là phần viết thêm về các chữThiên Chúa Giáo, Datô, Giatô”:

Dương Sơn, Làng tôi, 100% là tín hữu Công Giáo, có rất nhiều Vị Tử Đạo, trong đó, có Cha Thánh Jaccard Phan Văn Kinh và những người từ 15 tuổi bị khắc trên má bốn chữ ”Datô tả đạo”. (2)

Hồi còn đi học, nhiều lần ngồi nghe các vị: Linh Mục người Làng, Ba tôi (lính Pháp 25 năm) và một số Cụ biết tiếng Pháp giải thích tại sao có chữ ”Datô, Gia tô”, tôi được biết như thế này:

1- Các Cố Tây âm thầm dặn giáo dân giữ đúng Giới Răn thứ hai: ”Chớ kêu Tên Đức Chúa Trời.” Cho nên, các vị cứ nói tắt ”người Catô, Đạo Catô!” (Les Catho, Le Catho) Chính vì thế mới có những cái gông ”được gọi” là xiềng Datô, tức là dành cho người Công Giáo.

2- Cậu ruột tôi, Ông Hoàng Bính, nguyên là nhân viên Bưu Điện cho Pháp và, sau đó, là người phụ trách Tổng Đài Điện Thoại ở Viện Đại Học Huế trước biến cố 75 (ông được ngạch ”Thượng Hạng ngoại hạng sau 7 năm” (vì không còn thêm hạng nào khác) và Bội Tinh Giáo Dục như Cha Eugène Larouche DCCT, Cậu Gioakim của tôi, tức Hoàng Hạng, Tu Sĩ DCCT, một số Linh Mục cựu Tuyên Úy trong Quân Đội Pháp như LM Giacôbê Nguyễn Văn Ngọc là Cha Sở Dương Sơn, Linh Mục Phan Văn Trọng, Chú tôi, Tuyên Úy Sư Đoàn 9, đều giải thích cách phiên âm ”Datô, Giatô” do chữ ”catholique” vì lý do như đã nêu.

3- Ở Đại Học Văn Khoa Huế, từ năm 1969, Ban Pháp Văn được học thêm nhiều môn (theo ”tín chỉ”, khác với ”chứng chỉ”) như ”Ngữ Học, Ngữ Âm Học” với Giáo Sư Simonet, LM Jean Oxarango. Tôi đã hỏi ngài về chữ ”Datô, Giatô” thì cũng được ngài giải thích như trên.

4- Trong bài ”Thái độ Gia Long đối với Công Giáo”, có kể lại việc Đức Cha Longer Gia và thừa sai Eyot Nhân được nhà vua tiếp kiến ân cần tại điện Kính Thiên. Cả đôi bên đều dùng chữ ”Công Giáo”. Nhà vua còn ra chiếu chỉ bênh vực Đạo Công Giáo, có câu như sau: “Phải chăng người công giáo không phải là thần dân nước Việt? Họ cũng đóng thuế như các thần dân khác….” (Bùi đức Sinh, ĐMTĐV, I, tr. 118-119)

5- Vì nghe riết chữ ”Datô”, vua Minh Mạng mới nhận định: ”Các kẻ rao giảng đạo này, vì đã biết luật nước không dung tha những sai lầm như thế, nên mới trình bày cho dân chúng hình ảnh Datô chịu đóng đinh, để xúi giục người ngu dốt sẵn lòng chết mà không bỏ đạo. Trẫm đã chỉ thị cho các quan thượng thư cứu xét kiến nghị của cơ mật viện xin cấm tà đạo Datô.”

6- Như vậy, nhà vua không viết chữ ”tà đạo Kitô” bởi vì, như đã nói ở phần 1, giáo dân chỉ dùng chữ ”Datô” (Công giáo) để Thánh Danh GIÊSU không bị phạm thượng.

7- Người Công Giáo nói chung chẳng dùng chữ ”Giêsu Giáo” thì người Việt mình không thể lấy âm ”jìao” của Tàu để biếm thành âm ”datô”! Vả lại, trong chữ ”Jìao”, không có mẫu tự ”t” trước mẫu tự ”o” thì ”tô” là hoàn toàn vô lý xét về luật biến âm! Vần ”tô” có gốc từ ”catholique”, thế thôi. Cuốn Cao Đài Từ Điển viết như sau: ”Đức Chúa Jésus Christ là Giáo chủ của Thiên Chúa giáo. Thiên Chúa giáo còn được gọi là Công giáo, Đạo Gia-Tô, nên Đức Chúa Jésus còn được gọi là Gia-Tô Giáo chủ.” Như vậy, trong văn mạch này, chữ ”Đạo Gia-Tô” là ”đồng vị với” (apposition to) chữ ”Công giáo”, tức ”Đạo Gia-Tô” là ”Công giáo” vậy! Chữ ”Gia-Tô Giáo chủ” có nghĩa là Vị sáng lập ra Đạo Công Giáo vì Từ Điển Cao Đài ghi tiếp: ”Đạo Thiên Chúa do Đức Chúa Jésus lập ra ở nước Do Thái, sau Đạo Phật ở Ấn Độ 544 năm.”

8- Là nhà cách mạng thông thái, biết rõ nghĩa của chữ ”catholique, không hề có ác ý với người Công Giáo, Cụ Phan Bội Châu đã từng dùng chữ ”Datô, công giáo” như sau: Đồng bào công giáo đều là anh em ta cả… Mờy mươi năm nay, người Pháp nghiêm hình trọng phạt, có một thứ nào rộng rãi cho người Datô đâu! Tiền sưu, tiền thuế bao nhiêu không hề bớt một đồng nào cho người theo đạo công giáo cả.” (Việt Nam Quốc Sử, Nxb Văn Sử Địa, H.1958, tr.80 và 83)

9- Về chữ ”Thiên Chúa Giáo”

Hồi còn nhỏ, tôi đã đọc được các chữ ”Đức Chúa Blời” và Kinh Nghĩa phần I: ”Thiên Chúa Nhất Thể Tam Vị Đệ Nhất Thiên”, ”Đạo Đức Chúa Trời có mười Điều Răn” hay ”Chúa Diêu, Chúa Dêu” là do chữ ”Dieu” (viết hoa), mà Larousse (1997) định nghĩa: Đấng Tối Cao, Đấng làm nên mọi sự, là nguyên lý cứu chuộc nhân loại trong các Tôn Giáo độc thần.

10- Một số tài liệu cho biết rằng, hiện nay, ở Vatican, còn lưu trữ thư của giáo dân dùng các chữ ”Tự Thiên chủ giáng sinh chí kim nhất thiên lục bát tam thập niên” (Tạp chí Nghiên cứu tôn giáo, số 6-2001, tr.30) bởi vì, trước đó, nhiều giáo sĩ ngoại quốc đã dùng chữ ”Thiên Chúa” trong sách Giáo Lý cho người Việt Công Giáo. Tuy nhiên, bây giờ, chữ ”Thiên Chúa Giáo” không dùng để chỉ một mình Công Giáo, mà còn Do Thái Giáo, Chính Thống Giáo, Tin Lành và Hồi Giáo.

11- Về chữ ”Ecclesia”

Trong ”bài viết kia, tác giả nọ” dịch như sau: “Con là Peter, nghĩa là tảng đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Giáo Hội của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.” (Tu es Petrus et super hanc petram aedificabo Ecclesiam meam, et portae inferi non praevalebunt adversus eam.) (Mát (16,18).”

Nhưng tôi xin mạo muội dịch sát, đầy đủ theo bản La-Hy 1932 ở Stuttgart, Đức Quốc, như sau: ”…vì này con là Đá, nên trên đá này Ta sẽ xây giáo hội của Ta, vì thế cửa (quyền môn) của sự chết (hỏa ngục) sẽ không thắng nổi giáo hội ấy.” (…quia tu es Petrus, et super hanc petram aedificabo ecclesiam meam, et portae inferi non praevalebunt adversus eam. …ὅτι σὺ εἶ Πέτρος, καὶ ἐπὶ ταύτῃ τῇ πέτρᾳ οἰκοδομήσω μου τὴν ἐκκλησίαν, καὶ πύλαι ᾅδου οὐ κατισχύσουσιν αὐτῆς.”

Lần nọ, trong Đại Hội Công Giáo Việt Nam ở Đức, tôi có thưa chuyện với Đức Ông Phương, nhờ ngài trình lại với Hội Đồng Giám Mục Việt Nam rằng câu ”Này con là đá, trên VIÊN đá này…” là không ”êm” bởi vì chữ ”petra” (giống cái), khi được dùng để gọi tên người nam, thì Chúa đổi thành ”Petrus”, và vì chữ ”petra” có nghĩa là ”đá” nói chung, còn ”VIÊN; TẢNG” thì không phải vì hai khái niệm ấy vẫn NHỎ so với Giáo Hội mà Chúa muốn xây trên khắp thế gian. Nghe thế, Đức Ông Phương giơ cánh tay lên, gật đầu, tỏ ý tán thành. Như vậy, nhân đây, con kính xin Hội Đồng Giám Mục Việt Nam vui lòng xem xét lời đề nghị của con.

Tác giả nọ và nhiều người khác ”sơ ý” thêm bốn chữ ”nghĩa là (tảng) đá” vào Matthêô 16,18. Thật ra, Lời Chúa giải thích về Biệt Danh ”Céphas” (Kephas) chỉ nằm ở Gioan 1,42 như sau: ”Con là Ximon, con của Gioan, con sẽ được gọi là Kêpha, nghĩa là Đá.” Vừa mới được Anrê giới thiệu anh mình là Simon cho Ngài, Chúa phán ngay, tức là ”cải Danh” cho Simon thành ĐÁ trước khi Ngài phán ở trong Matthêô 16,18!!! (Tôi quen người kia tên là Đá. Anh ta đâu phải là VIÊN hay TẢNG ĐÁ, mà là ĐÁ nói chung, có thể là ĐÁ quý.)

Đaminh Phan văn Phước

Đức Quốc, 20.02.2013

1- Tôi không ghi lại điện thư và bài viết kính gởi Thầy Chân-Tuệ vì cả hai dài quá.

2- Quý Vị nào muốn biết thêm về Giáo Xứ Dương Sơn, nhất là về thời kỳ Làng này bị bách hại, xin vui lòng vào:   http://www.giaoxugiaohovietnam.com/Hue/01-Giao-Phan-Hue-DuongSon.htm

Exit mobile version