VĂN HÓA VÀ ĐỨC TIN VĂN HÓA Viết cho nhà giáo nhân ngày 20/11

Viết cho nhà giáo nhân ngày 20/11

           Khi tôi còn rất bé tôi thích làm Thầy Giáo. Mỗi lúc túm tụm năm bảy đứa với nhau tôi đều thích làm thầy dạy chữ cho bọn bạn tôi. Tuổi thơ dữ dội một thuở viết trên nền đất, que củi làm bút. Mấy đứa khác thay vì phải thích viết chữ chúng nó thích vẽ vời. Có thằng bạn bây giờ làm kiến trúc sư, ngày đó nó chuyên gia xây nhà tường trên đất, những ngôi nhà nó vẽ đến kỳ lạ, thu hút mấy đứa còn lại hơn là con chữ nắn nót, tròn trịa của tôi.

            Lớn lên, mỗi người mỗi ngã, đứa thích làm Thầy thì lại lao vào thị trường đen đỏ, đứa chuyên xây nhà thì lại cầm cọ vẽ hoa, đứa chuyên vẽ thì lại xây nhà. Đời nghiệt ngã trôi dạt về bến nào thì hay bến đấy, ước  mơ thời con nít vụng dại ngây thơ để lại trên trang sử đời, một vết chấm vàng son, để thưa rằng ngày ấy em cũng sống có hoài bão ước mơ, có đi chăng là gió đời đưa đẩy em xa bến bờ mộng mị.

            Dù có làm gì đi chăng nữa thì chữ “Thầy” vẫn ngọ nguậy trong tiềm thức tôi.

 Bởi vì đâu?

Vì Thầy, Người mà tôi vẫn kính trọng như người Cha thứ hai trong đời tôi. Ngày đó xa lắm rồi, nó chìm sâu trong ký ức tuổi thơ chúng tôi, rồi đến dịp ngày 20/11 nó lại tràn về rõ rệt như có thể đụng chạm, sờ mó được. Hình ảnh Ông Giáo cõng từng đứa học trò trên vai lội qua con kênh nhỏ, rồi túm tụm dắt nhau đến lớp, nó cứ sống hoài, sống hoài trong tôi. Có khi chắc nó sẽ sống mãi một đời sống trong thế hệ chúng tôi ngày đó. Cho đến khi tất cả xuôi tay trở về lòng đất.

Thầy tôi không quần là áo lụa, chỉ độc bộ bà ba, quần lắm khi xăn tới háng khi vô tình những buổi không có học, chúng tôi tạt ngang nhà Thầy, chỉ để đùa giỡn với thằng Tí con trai của Thầy. Bọn tôi nghịch ngợm trèo tuốt trên cây ổi vặt hết trái non trái chín rồi chụm đầu vào chén muối ớt xuýt xoa đánh chén. Hoặc cây me phía sau ao cá nhà Thầy tới mùa me dốt là bọn tôi lân la. Thầy không la mắng mà còn kiếm cách hái giúp chúng tôi những trái me dốt xa ngoài khơi. Lắm khi chơi gặp bữa cả bọn còn được ăn chực cơm nhà thầy. Chúng tôi đều được Thầy thương đều như con của Thầy mà chúng tôi cũng kính trọng thầy như cha mình.

Ngày chúng tôi rời trường làng lên tỉnh học, Thầy tiễn đưa dặn dò đủ mọi thứ chuyện trên đời: – Nào là cố gắng lo học, đừng ham chơi, học tốt để mai sau làm giàu cho làng quê, rạng rỡ tổ quốc… nhiều nhiều thứ mà lúc đó thậm chí bọn tôi chẳng hiểu hết. Mỗi dịp tết hay lễ về ghé thăm Thầy, tình cảm vẫn như mới hôm qua, hình ảnh có hanh hao gầy gò nhưng tấm lòng yêu thương vẫn tròn trĩnh như xưa.

Một thời ghép lại để nhớ để thương, để ủ ấp trái tim mỗi khi mừng ngày nhà giáo. Thầy chúng tôi không còn nữa, nhưng nén hương lòng vẫn tỏa hương trong thế hệ chúng tôi. Mỗi lần đi qua ngoảnh đầu nhìn lại, có thứ gì đó mặn đắng trên môi, cay cay trên chót lưỡi.

Đời nhiều ngã rẽ, nhưng có những con đường cứ thẳng băng lộng gió từ thời thơ ấu đến nay vẫn xanh ngát những kỷ niệm hai bên lối về dĩ vãng. Ngày ấy và bây giờ luôn có chiếc cầu nối, có sợi chỉ đỏ buộc chặt mối thâm tình. Cho dù có đi đâu về đâu chúng tôi vẫn nhớ cái mái lá tả tơi mỗi khi mưa ùa về, có Thầy tôi dang bóng cả ra chở che cho đàn trò nhỏ như gà mẹ xòe cánh cho con trú ẩn. Bàn tay bé xíu của chúng tôi được nắn nót từng chữ A, B ,C đầu đời để khi lớn lên viết tiếp những trang sử của một thế hệ.

Mỗi lần về ngang ngôi trường xưa bóng Thầy như khói lan ẩn hiện trước thềm bục giảng. Hình dáng ấy sâu đậm trong tim bao nhiêu trò nhỏ chốn này. Bức tranh Thầy tôi đẹp lộng lẫy giữa bầu trời chân lý. Ngày nay nhiều người vô tình cầm cọ quẹt lung tung lên hình ảnh Người Thầy làm cho cả hình thể lẫn nhân cách biến đổi lắm lem. Bởi vậy ta nói mỗi lần ngày lễ nhà giáo gần kề, có mấy lời tôn vinh thì gấp nhiều lần những lời thị phi về Người Thầy hôm nay.

Mong rằng khoảnh khắc nào đó trong đời cả xã hội nghiêng mình trân trọng Thầy giáo vì tất cả những nỗ lực họ đóng góp xây người xây đời.

Còn những nhà giáo cảm thấy mình không xứng đáng nên tự bước xuống khỏi bục giảng như một nghĩa cử tẩy bớt những vết nhơ cho ngành giáo dục.

Tieu Ho.

Nguồn: gpcantho.com

Exit mobile version