Video: Phóng sự đặc biệt về cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha và Tổng thống Hoa Kỳ

72

 

Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về cuộc gặp gỡ giữa hai nhà lãnh đạo trên thế giới được xem là có tầm ảnh hưởng lớn nhất đối với lịch sử nhân loại.

Sáng thứ Tư 24 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành cho tổng thống Hoa Kỳ, ông Donald Trump một buổi tiếp kiến riêng vào lúc 8h30 tại Điện Tông Tòa của Tòa Thánh.

Cuộc gặp gỡ được tổ chức sớm như vậy vì theo thường lệ, lúc 10h sáng, Đức Thánh Cha sẽ có buổi tiếp kiến chung dành cho các tín hữu và du khách hành hương trong chương trình các buổi giáo lý ngày thứ Tư hàng tuần.

Một điểm khác biệt với tổng thống Obama đã được các ký giả ghi nhận là tổng thống Trump đến rất đúng giờ. Khi xe của tổng thống Hoa Kỳ tiến vào trong sân Damaso của Vatican, đồng hồ chỉ 8h25’.

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là cảnh Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein đang chào đón tổng thống Hoa Kỳ và phu nhân khi họ vừa xuống xe.

Sau các nghi thức chụp hình chung giữa hai vị, Đức Thánh Cha đã mời ông Trump vào phòng làm việc của ngài. Các ký giả dưới sự hướng dẫn của ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, đã có vài phút để chụp hình hai vị,

Sau đó, Đức Thánh Cha và tổng thống Hoa Kỳ đã dành nửa giờ trò chuyện đằng sau cánh cửa đóng kín của điện tông toà.

Trên các phương tiện truyền thông, một cách đại thể, người ta cho rằng Đức Phanxicô và Ông Trump đại diện cho hai thái cực đối kháng nhau trong cuộc tranh luận về di dân. Đức Giáo Hoàng được coi như nhà lãnh đạo thân thiện nhất với di dân trên thế giới, trong khi Ông Trump bị coi như người thù nghịch nhất đối với các đối tượng này.

Tuy nhiên, nếu đi vào chi tiết, từ sau khi kết thúc cuộc tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, đã có nhiều phát triển ở cả hai phía.

Về phía Đức Giáo Hoàng, tuy khẩn khoản xin người ta bắc cầu chứ không xây tường, ngài vẫn cho rằng các quốc gia có quyền bảo vệ biên giới của họ. Chẳng hạn như trong cuộc họp báo sau cuộc tông du Thụy Điển hồi tháng Mười năm ngoái, 2016, Đức Thánh Cha nói:

“Các nhà cai trị cũng phải thực thi sự khôn ngoan. Họ nên cơỉ mở nhiều hơn đối với việc tiếp nhận những người di dân và tỵ nạn, nhưng họ cũng nên tính tóan đến phương cách định cư những người này, vì người tỵ nạn không những phải được nghinh đón mà còn phải được hội nhập nữa. Thí dụ, nếu một nước chỉ có khả năng hội nhập 20 người, thì họ chỉ nên nhận bằng ấy thôi. Nếu một nước khác có khả năng hơn, họ hãy nhận nhiều hơn”.

Về phía ông Trump, ông tiếp tục nhấn mạnh tới kế hoạch xây bức tường dọc biên giới Mỹ Mễ của ông, nhưng hiện nay, không có ngân khoản cho việc này trong dự luật ngân sách 2017. Đảng Dân Chủ thề sẽ ngăn chặn nó, thậm chí một số dân biểu Cộng Hòa cũng tỏ ra hoài nghi đối với nó. Vả lại, ông Trump muốn Mễ Tây Cơ phải đóng góp vào đề án này, một việc mà Mễ Tây Cơ có lẽ sẽ không bao giờ đồng ý.

Do đó, ông Trump đến gặp Đức Giáo Hoàng hôm thứ Tư này không phải là người quyết liệt muốn xây bức tường, trong khi Đức Giáo Hoàng thì đưa ra một lập trường phần nào đã được thực tiễn hóa.

Trong khi có những hòa dịu về mặt đối kháng này, hai vị càng ngày càng có nhiều điểm chung hơn. Nổi bật nhất là vấn đề chống chủ nghĩa khủng bố, tình trạng bách hại các tín hữu Kitô tại Trung Đông; và việc mưu tìm hòa bình tại Thánh Địa.

Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Hồi giáo Ả Rập diễn ra tại Riyadh, tổng thống Donald Trump nói về cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố và cuộc bách hại người Do Thái và các Kitô hữu.

Ông nói:

“Đây không phải là một trận chiến giữa các tôn giáo khác nhau, các giáo phái khác nhau, hoặc các nền văn minh khác nhau. Đây là một trận chiến chống lại những tên tội phạm dã man là những kẻ tìm cách tiêu diệt đời sống con người, nhân danh tôn giáo.”

“Dĩ nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Điều đó có nghĩa là đối diện một cách trung thực với cuộc khủng hoảng của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo và các hình thái khủng bố Hồi giáo. Chúng ta phải dừng lại những gì họ đang làm để kích động, vì họ không linh hứng điều gì khác hơn là giết người.”

Tổng thống Trump nói thêm:

“Và nó có nghĩa là đứng chung với nhau chống lại việc giết những người Hồi giáo vô tội, áp bức phụ nữ, đàn áp người Do Thái, và tàn sát các Kitô hữu. Các nhà lãnh đạo tôn giáo phải hoàn toàn rõ ràng về điều này – sự man rợ sẽ chẳng mang lại cho các bạn chút vinh quang nào”.

Trong chuyến viếng thăm tại Israel và Palestine, ông Trump đã đến thăm nhà thờ Mộ Thánh nơi Chúa Giêsu đã được táng xác và đã phục sinh. Ông cũng đi thăm bức tường than khóc. Nói chuyện với thủ tướng Do Thái Benjamin Netanyahu và tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông cam kết sẽ giúp Israel và Palestine đạt được hòa bình.

Khi ra khỏi phòng họp đóng kín, tổng thống nói với Đức Thánh Cha, trước các ký giả:

“Cảm ơn ngài. Tôi sẽ không quên những gì ngài nói”

Trong một tuyên bố, Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết là hai vị đã thảo luận về “việc thúc đẩy hòa bình trên thế giới thông qua thương lượng chính trị và đối thoại liên tôn” và đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ các Kitô hữu ở Trung Đông.

Trong cuộc họp với Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni, ông Trump nhận xét rằng “Chúng tôi đã có một cuộc họp tuyệt vời. Tôi rất thích Italia, và thật là một vinh dự cho tôi khi được nói chuyện với Đức Giáo Hoàng.”

Khác với trước khi họp riêng, có chút dè dặt giữa hai vị, sau cuộc họp Đức Giáo Hoàng và tổng thống Trump tỏ ra thân thiện hơn rất nhiều.

Đức Giáo Hoàng cũng đã gặp Đệ nhất phu nhân Melania Trump và con gái của Tổng thống Mỹ Ivanka Trump ở phần cuối của một buổi triều yết riêng tại Vatican.

Đức Thánh Cha đã làm phép một chuỗi Mân Côi cho vị đệ nhất phu nhân và nói đùa với bà, một người gốc Slovenia, nổi tiếng với những món ăn ngon, rằng thường ngày bà nấu món gì cho tổng thống.

Khi trao đổi quà tặng, Đức Giáo Hoàng mỉm cười thật tươi.

Ông Trump nói với Đức Giáo Hoàng:

“Đây là một món quà dành cho ngài. Đó là những cuốn sách của Martin Luther King. Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha sẽ thích những cuốn sách này”.

Ông Trump để nhắc lại diễn từ của Đức Giáo Hoàng tại Lưỡng Viện Quốc hội Hoa Kỳ vào năm 2015 trong đó ngài đã trích dẫn Martin Luther King.

Món quà của Đức Giáo Hoàng cho thấy hậu ý rõ rệt của ngài đối với ông Trump. Đó là một cây ô liu được chế tác bởi một nghệ nhân Rôma tượng trưng cho hòa bình.

“Chúng ta có thể được hưởng hòa bình”, ông Trump đáp lời Đức Giáo Hoàng.

“Tôi đã đích thân ký tặng tổng thống,” Đức Giáo Hoàng nói.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tặng cho tổng thống Trump một bản sao có chữ ký của chính ngài thông điệp hòa bình 2017 với chủ đề “Bất bạo động – Kiểu Chính trị vì Hòa bình”, và một bản sao thông điệp Laudato Sí của ngài về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường chống lại những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

“Vâng, tôi sẽ đọc những tài liệu này”, ông Trump nói khi nhận các ấn bản.

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh cho biết nhà lãnh đạo Hoa Kỳ sau đó đã gặp Đức Hồng Y Pietro Parolin, là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh cùng với Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh.

Cùng đi với ông Trump, còn có phu nhân Melania, con gái và con rể. Đây là chặng dừng chân thứ ba trong chuyến du lịch chín ngày của tổng thống đến Saudi Arabia, Israel và Palestine.

Sau cuộc gặp gỡ tại Điện Tông Tòa của Vatican, tổng thống đã được đưa đi thăm Đền Thờ Thánh Phêrô và nhà nguyện Sistina, trước khi đến cung điện Quirinale ở Rome để họp với Tổng thống Ý Sergio Mattarella.

Trong khi đó thì bà Melania Trump, đến thăm Bệnh viện Bambino Gesù của Tòa Thánh. Cô con gái của ông Trump là Ivanka, đã có cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của nạn buôn bán người đang được cộng đồng thánh Egidio chăm sóc.

 VietCatholic Network