GÓC SUY TƯ MÙA CHAY - PHỤC SINH Vì Loài Người Chúng Ta

Vì Loài Người Chúng Ta

Với lời tuyên xưng đức tin trong kinh tin kính về Chúa Giêsu Kitô, nhập thể hướng về tử nạn – phục sinh, gợi lên những suy nghĩ.

Người đã mang lấy

Một Thiên Chúa Toàn Năng trở nên con người phàm nhân. Một Thiên Chúa hằng sống mang lấy thân phận con người phải chết. Một Thiên Chúa uy quyền mang lấy con người vậng phục. Một Thiên Chúa thông biết mọi sự lại trở nên con người cần học biết…

Sách giáo Lý Công Giáo nhắc lại Hiến Chế Ánh sáng muôn dân, công đồng vat II: “Con Thiên Chúa đã làm việc với đôi tay nhân loại, suy nghĩ bằng trí óc nhân loại, hành động theo ý chí nhân loại, yêu mến bằng quả tim nhân loại. Sinh làm con Đức Trinh Nữ Maria, Người đã thực sự trở nên một người giữa chúng ta, giống chúng ta trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi” (số 470).

Không mâu thuẫn vì Thiên Chúa làm người, để mang lấy tất cả những gì thuộc về con người mang vào Thiên Chúa. Một Thiên Chúa biết và đón nhận mọi sự thuộc về con người để cứu độ tất cả. Tiên tri Is cũng đã loan báo về Đấng Cứu Thế: “Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.” (Is 53, 5)

Thiên Chúa trao ban.

Thiên Chúa trao ban Con Một của Người cho nhân loại, Thánh Gioan định nghĩa, đó là Tình yêu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ.” (Ga 3, 16 – 17).

Chúa Giêsu làm người ở giữa nhân loại là quà tặng của Chúa Cha cho nhân loại. Một nhân loại có tự do, tự do có thể đón nhận Thiên Chúa hay là không. Trong tự do đó, con người đã sai lỗi, con người đã ngạo mạn chống lại Thiên Chúa, do sự bất trung của Adam và con người sau này vẫn tiếp tục chối bỏ Thiên Chúa.

Tình yêu trao ban, là một tình yêu không bao giờ đòi lại và hối tiếc. Dù thế nào chăng nữa Thiên Chúa vẫn yêu thương và không ngừng yêu thương. Không chỉ bằng Lời phán hứa mà hiện thực nơi Người Con được trao ban cho nhân loại. Một tình yêu cụ thể hóa, bằng xương, bằng thịt. Một tình yêu tuyệt đối bước vào lịch sử nhân loại. Bởi đó, khi suy niệm về Tình yêu vô biên của Chúa, Thánh Phao lô đã nhấn mạnh với tín hữu Roma:  “Vậy còn phải nói gì thêm nữa? Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta? Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8, 31 – 34)

Chỉ vì Tình yêu.

Tình yêu tuyệt đối nơi Chúa Giêsu, đã thành hiện thực hóa trong trần gian. Con người phàm nhân vốn là tương đối, đầy những mâu thuẫn trong yêu thương. Đôi khi lẫn lộn yêu thường trở thành thù ghét, ngay lành hiểu thành ác ý. Tìm về đúng nghĩa yêu thương mà cứ chen đầy cảm xúc, như trong bài thiền của Ryôkan:

“Hai chữ nhân tâm thật khác nhau.

Càng bao khuôn mặt, người đâu giống người.

Thói đời phán xét không minh

Chỉ tạo thêm những quẩn quanh sai đúng.

Ai giống ta, sai thành đúng.

Kẻ khác mình, đúng cũng thành sai”

Tình yêu trở về với sự thật, cần trở về với nguyên nghĩa mà Chúa Giêsu dạy: “ hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44). Và không chỉ dạy Chúa Giêsu còn mời gọi: “Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15, 12 – 13)

Yêu thương trong thực hành để yêu thương thật, Thánh Phao lô nhắc lại một tình yêu nhưng không: “Chúa Ki-tô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Ki-tô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5, 7 -8).

Trở về với Tình yêu của Thiên Chúa để sống tình yêu với nhau thêm đậm đà và thành tín.

Một Đức ái thực hành.

“Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả” (1Cor 13, 4 – 7).

Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta. Lời tuyên tín này ước gì thấm nhập vào tận đáy lòng chúng ta. Khi nghiệm thấy lòng yêu thương của Chúa, chúng ta có thể đến với nhau bằng tình yêu của Chúa trong trái tim nhân loại chúng ta.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Exit mobile version