Vết thương của Chúa

59

Vết thương của Chúa

 


1TGP SAIGON
(15 tới 17-12-2012) – Sống tinh thần mùa Vọng và Năm Đức Tin, ban chấp hành Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót của TGP Saigon và một số ân nhân đã thực hiện chuyến từ thiện bác ái tại Trại phong Di Linh.

Trên hành trình, trước tiên chúng tôi dừng chân để kính viếng Đức Mẹ Tà Pao (*) để xin Mẹ đồng hành trong suốt chuyến đi.

Sau đó, chúng tôi ghé nhà thờ Di Linh (hạt Di Linh), quản xứ là Lm Nguyễn Viết Đoàn. Tại đây, đoàn cũng trao một số phần quà cho các anh chị em người dân tộc.

Rồi chúng tôi đến nơi phải đến là trại phong Di Linh vào một buổi sáng nắng đẹp, trong suốt như pha-lê. Hương cà-phê ngào ngạt quyện vào những làn gió se se lạnh. Những hàng cây xanh mướt như Tình Yêu Chúa, những thảm cỏ êm đềm và mượt mà như Lòng Chúa Thương Xót. Tôi chợt nhớ lời Thánh vịnh 22: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”.

Được biết, trại phong Di Linh hiện có 70 bệnh nhân phong và khoảng 200 người đã khỏi bệnh (con cháu họ không bị di truyền bệnh phong). Hầu hết là người dân tộc, chỉ có vài người Kinh. Các nhân viên phục vụ tại đây là 11 nữ tu Dòng Nữ tử Bác ái (Filles de la Charité, Congregation of the Daughters of Charity – Đấng sáng lập là Thánh Vincent de Paul cùng với Thánh nữ Louis de Marillac).

Chúng tôi đã chia sẻ yêu thương với các anh chị em sống tại trại phong Di Linh với những phần quà nhỏ, ít giá trị vật chất nhưng chứa chan Tình Yêu Chúa Hài Đồng như một lời chúc mừng Giáng sinh đến những người đau khổ ấy. Hy vọng họ cũng được sưởi ấm lòng trong cái giá lạnh mùa Đông vùng cao nguyên. Và cũng là để “vết thương của Chúa” không còn lan rộng và ăn sâu thêm nữa.

Nói đến trại phong Di Linh thì không thể không nói tới vị sáng lập là ĐGM Jean Cassaigne – thường gọi thân thương là Cha Sanh, tức là Gioan Sanh. Ngài sinh ngày 30-11-1895 tại Grenade (Pháp quốc), thụ phong linh mục ngày 19-2-1925, tấn phong giám mục ngày 24-6-1941 tại nhà thờ chính tòa Saigon. Ngài làm giám mục Saigon vài năm rồi xin từ chức để dành hết thời gian cho các bênh nhân phong. Ngày 17-2-1929, Cha Cassaigne đã quy tụ những người bệnh nhân phong cùi và thành lập Trại Cùi Di Linh. Ngài đã xây dựng làng Cùi thành một gia đình ấm cúng che chở những bệnh nhân phong cùi bất hạnh để cho cuộc đời của họ được yên ủi sớm tối có nhau.

Tin Mừng của Chúa đã được người dân tộc đón nhận vì họ cảm nghiệm được Tình Yêu Chúa qua hành động “bác ái và yêu thương” (Caritas et Amor) của Cha Cassaigne. Đó cũng là khẩu hiệu giám mục của ngài. Bà Ka Trút là người dân tộc đầu tiên gia nhập Công giáo và được chính ngài rửa tội. Những người dân tộc đã thực sự nhận ra cha Cassaigne yêu thương họ qua việc ngài đón nhận và nuôi dưỡng những anh chị em phong cùi của họ, những con người bất hạnh vì gia đình và buôn làng sợ hãi bị lây nhiễm đã xua đuổi họ vào trong những khu rừng vắng để họ chết dần chết mòn trong nỗi đau cả thể xác và tinh thần.

Ngày 19-12-1954, dịp kỷ niệm ngân khánh linh mục, cha Cassaigne dâng Thánh lễ Tạ ơn và chợt thấy da cổ tay có một vết đỏ hồng màu rượu. Khi Thánh lễ kết thúc, ngài lấy một cái kim châm vào chỗ ấy: hoàn toàn không cảm thấy đau! Ngài hiểu đó là BỆNH CÙI. Sau đó ngài viết: “Linh mục dâng hiến tế Thánh Thể, cũng phải trở thành hy vật”. Công việc vất vả suốt sáu tháng đã làm cho các bộ phận cơ thể ngài vốn mệt mỏi, lại bị suy yếu, đến nỗi bệnh cùi nay phát ra.

Đức Cha Cassaigne giữ bí mật tin này, chỉ cho các bề trên của ngài biết. Vết hồng kia lan rộng gấp đôi. Ngày 5-3-1955, Ngài viết cho linh mục bề trên Hội Thừa Sai Paris: Tôi xin Cha cho phép tôi nộp đơn từ chức sang Tòa Thánh và rút lui về Trại Phong Di Linh, bên cạnh những con cái mà tôi yêu thương nhất”.

Từ đó, ngài dành trọn cuộc đời còn lại để sống giữa những người con để âm thầm yêu thương và phục vụ Trại Phong Di Linh. Tháng 2-1973, ngài bị té gẫy xương đùi bên phải, ngài phải liệt giường gần 8 tháng. Bên giường bệnh, ngài nói với nữ tu chăm sóc ngài và một số bệnh nhân thay phiên trực: Suốt 47 năm dài (1926-1973), cha đã sống giữa các con, đã sống tại Việt Nam này và đã dâng hiến tất cả cho các con. Giờ đây cha không còn tiếc gì về sự dâng hiến toàn diện ấy. Việt Nam chính là quê hương thứ hai của cha, bởi vì Chúa muốn như vậy. Khi về với Chúa, cha vẫn ở với các con, các con đừng lo…”. Chính cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã đến tận nơi để trao Huân chương cho ĐGM Jean Cassaigne.

Thứ bảy ngày 20-10-1973, ngài bắt đầu trở bệnh nặng với những cơn đau khiến Ngài phải thốt lên: Tôi đau đớn lắm, tôi đau đớn quá”. Mười ngày trôi qua, vào lúc 10 giờ đêm ngày 30-10-1973, ngài lãnh nhận Bí tích Xức dầu lần cuối, và rạng sáng 31-10-1973, ngài đã được Chúa gọi về lúc 1 giờ 25. Ngài được an táng bên nhà nguyện Trại Phong ngày 05-11-1973. Trước khi vào trại phong, người ta có thể thấy ngay ngôi mộ của ngài nằm ở bên phải lối vào với cây Thánh Giá cao, bên cạnh là một tháp chuông.

Ngài đúng là một chủ chăn đích thực, và là một nhà truyền giáo hết lòng vì đoàn chiên. Là một người Pháp nhưng ngài đã bỏ cả quê hương để dành trọn cuộc đời cho những con người xa lạ, không cùng dòng máu với mình. Cuộc đời ngài không khác một vị tử đạo: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).

tgChúng tôi có ghé vào Tòa giám mục Đà-lạt để gặp gỡ và trao đổi với ĐGM Antôn Vũ Huy Chương, một người rất quan tâm việc phát triển cộng đoàn LCTX. Sau đó, chúng tôi ghé tham quan Trung tâm Mục vụ GP Đà-lạt, Domaine de Marie (Đồi Mai Anh) của Dòng Nữ Tử Bác Ái, và tiếp tục ghé một số địa danh nổi tiếng của thành phố mộng mơ và có đủ loại hoa này.

Chiều xuống êm đềm, đúng như lời của ca khúc “Đà-lạt Hoàng Hôn” của nhạc sĩ Minh Kỳ và Dạ Cầm: “Lắng nghe chiều xuống thành phố mộng mơ, màu lam tím Đà-lạt sương phủ mờ…”. Cảm giác rất khác lạ, Đà-lạt ơi!

Trước khi về lại Saigon, chúng tôi ghé vào Đức Mẹ Suối An Bình trên Đèo Bảo Lộc để tạ ơn Mẹ về chuyến đi được tốt đẹp và bình an. Trời càng lúc càng tối, nhưng đức tin càng ngày càng sáng…

TRẦM THIÊN THU

 

(*) Theo tiếng dân tộc, Tà Pao nghĩa là “giấc mơ đẹp” (Tà: đẹp, Pao: giấc mơ), cũng có thể gọi là Tằm Pao (Tằm là suối, nghĩa là Suối Mơ).