GÓC TÂM TÌNH 1. Thanh Tuyển viện Vết sẹo trong đời

Vết sẹo trong đời


Mỗi người chúng ta ai cũng mang trong mình ít nhiều những vết sẹo thể xác, sết sẹo tinh thần. Sẹo có nhiều hình dạng khác nhau. Có những vết sẹo lớn, cũng có những vết sẹo nhỏ. Có vết sẹo khiến cho con người ta cảm thấy xấu hổ và không dám đối diện với nó.

        Đi sâu vào cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Ngang qua bốn hình ảnh: là ông Phê-rô, ông Giu-đa. Quan tổng trấn Phi-la-tô và vua Hê-rô-đê. Tôi nhận ra rằng: tôi cũng có rất nhiều vết sẹo cần phải được chữa lành. Những vết sẹo ấy khiến cho tôi phải đặt câu hỏi rằng: tôi là ai vậy? Như Thánh Phê-rô, người môn đệ được Chúa tin tưởng đã phải mang trong mình vết sẹo “chối Chúa”. Như Giu-đa, phải chết cùng cái sẹo “bán Thầy”. Hay là như Phi-la-tô phải day dứt mãi với cái sẹo của sự nhu nhược, ích kỷ và vô trách nhiệm. Thế nhưng, có phải tất cả chúng ta đều nhận thấy vết sẹo của đời mình và can đảm để cho Chúa làm mờ vết sẹo ấy không? Thưa không. Trong số đó chỉ có một mình Phê-rô dám để cho bàn tay của Chúa chữa lành vết sẹo của ông. Sau khi nghe tiếng gà gáy, ông đã chột dạ và nhớ ra lời Thầy đã nói trước đó. “Thầy bảo thật cho anh biết: gà chưa gáy, anh đã chối Thầy ba lần” (Ga 13, 36-38). Ngay lúc đó ông đã òa lên khóc lóc. Ông đau đớn khi nghĩ đến Thầy mình đang tiến dần đến cái chết. Ông phải chiến đấu với lương tâm. Chúa Giêsu đã đọc hết được những nỗi sợ hãi của ông, nên khi ông thực sự thống hối lỗi lầm, thì Người cũng đã rất quảng đại để tha thứ cho những lỗi lầm ông đã phạm. Người không chỉ tha thứ không, mà sau này Người còn đặt ông lên làm trụ cột Hội Thánh. Và như thế cuộc sống của ông từ đây lại bắt đầu.

       Còn Giuđa thì sao? Sau cái hôn giả tạo mà ông trao cho Chúa, sau khi nhận được ba mươi đồng bạc của những kẻ gian ác, ông có được sống vui, sống hạnh phúc không? Làm sao mà vui được, làm sao mà hạnh phúc được khi tâm hồn cứ bị dày vò, day dứt với những việc ông đã làm cho chính Thầy của mình. Sau cái hôn ấy, Giu-đa đã phải đối diện với một màn trời u ám. Ông tự đánh mất quyền trở thành môn đệ của Chúa Giêsu. Ông đã không nhận ra được tình yêu mà Chúa đã dành cho ông. Ông đau đớn thất vọng nhưng lại không biết chạy đến cùng Chúa để xin ơn tha thứ như Thánh Phê-rô, ông chỉ biết khóc lóc, dằn vặt và tìm đến cái chết để có thể kết thúc tất cả. Ôi! Đau đớn thay cho một tâm hồn không nhận ra được tình yêu của Chúa và sự hiện diện của Người trong lúc đau khổ. Còn với sự nhu nhược của Phi-la-tô thì thế nào? Chính hành động và thái độ của ông đã để lại trong cuộc đời một vết sẹo vô cùng xấu x. Vì sự nhu nhược, vô trách nhiệm của ông, Chúa Giêsu đã phải lãnh một cái án vô cùng bất công.

       Khi chiêm ngắm cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Tôi đã tự hỏi mình rằng: tôi là ai trong cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu? Là Phê-rô, là Giuđa, là Phi-la-tô hay là Hê-rô-đê? Câu trả lời. Tôi là tất cả của những gương mặt ấy. Biết bao lần tôi chối Chúa, tôi không dám tuyên xưng niềm tin của mình giữa chỗ đông người. Tôi bán Chúa để mua lấy những thú vui, những sở thích…Cũng đã nhiều lần tôi nhu nhược trước mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời tôi. Tôi cũng đã vô trách nhiệm đối với những việc làm của bản thân mình và không đủ can đảm để đối diện với nó. Mỗi lần tôi không dám làm chứng cho Chúa, không dám tuyên xưng Chúa giữa dòng đời. Mỗi lần tôi gạt Chúa ra khỏi cuộc sống của tôi, tôi nhu nhược trong lời nói và hành động, thì lúc ấy vết sẹo trong tôi lại hiện lên rõ hơn.

        Lạy Chúa! Ước gì trong Tuần Thánh này, con có thể nhận ra tình yêu lớn lao vô bờ bến của Chúa, để con cũng can đảm hơn trong cuộc sống hằng ngày. Ước gì con có thể vượt qua nhưng cơn cám dỗ về tiền bạc cũng như những thú vui đang vẫy gọi. Ước gì con có đủ sức để bước theo Chúa trên con đường khổ giá, trở thành môn đệ tín trung của Người.

Lê Hóa, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức

Exit mobile version