Về nguồn yêu thương

135

VỀ NGUỒN YÊU THƯƠNG

St 1, 24-30

Bài Giảng Tĩnh Tâm Dòng MTG Thủ Đức

Ngày 08 tháng 11 năm 2020

Dẫn nhập:

Tục ngữ Ca dao Việt Nam có rất nhiều câu nói đầy ý nghĩa về sự biết ơn và lòng hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ăn gạo nhớ kẻ đâm xay giần sàng; Uống nước nhớ nguồn. Làm con thảo hiếu … ; Ta về ta tắm … hơn; Cáo chết ba năm quay đầu về núi…”

Cội nguồn yêu thương là một điều vô cùng cao quý, thiêng liêng… Nó canh cánh trong cõi lòng mỗi con người. Ai ai cũng đều mong ước biết rõ, biết kỹ, biết sâu về nguồn cội của mình. Trong thực tế Quý Soeurs thấy có rất nhiều bộ phim trình chiếu về nội dung con người vất vả bỏ ra biết bao sức lực trí tuệ và có khi cả đời họ chỉ muốn đi tìm về nguồn cội của mình. Rồi trong xã hội ngày nay, có biết bao người đi du học cuối cùng họ vẫn trở về quê hương của mình để phục vụ con người và dân tộc. Họ sẵn sàng đánh đổi một tương lai tươi sáng, một địa vị cao trọng, một cuộc sống sang giàu để trở về phục vụ “nơi chôn nhau cắt rốn”. Hoặc trở về trong tuổi già để được ôn lại những kỷ niệm của một thời đã gắn bó: “Quê hương là chùm khế ngọt cho con trèo hái mỗi ngày …” là như thế! Hoặc khi ta sống xa quê dù ở trong nước hay ngoài nước: Lúc gặp ai lần đầu qua một vài câu chào hỏi xã giao chúng ta sẽ hỏi ngay: Anh quê ở đâu? Chị ở vùng nào? Em từ đâu đến? Có thể cho biết họ tên được không? Nếu gặp đúng người cùng quê cùng xứ thì ôi thôi vui biết chừng nào! Chúng ta là đồng hương, đồng khói. Rồi kết bạn, kết tình duyên với nhau …

Thưa Quý Soeurs, có khi nào chúng ta dừng lại để nghĩ nguồn cội của mình chưa? Tôi tin chắc là có nhiều lần. Vì những mẹ, những ngoại, những Nữ tu ngồi đây qua biết bao lần tĩnh tâm, linh thao, tĩnh huấn, chúng ta đã có nhiều dịp để suy niệm về nguồn cội yêu thương của mình. Vậy hôm nay trong ngày tĩnh tâm tháng 11 năm 2020, chúng ta cùng nhau trở “về nguồn yêu thương” để sống những điều cao quý và linh thiêng nhất với Thiên Chúa, với đấng Tổ phụ và với Tổ tiên ông bà…

  1. Thiên Chúa, Nguồn Cội Yêu Thương Của Mọi Cội Nguồn

Kính Thánh và Lịch sử Cứu độ giúp cho chúng ta hiểu và nhận biết rằng: Thiên Chúa chính là nguồn cội yêu thương tuyệt đỉnh của con người. Trong những trang đầu của sách Sáng thế về sự sáng tạo muôn loài muôn vật đã được tác thành bởi Thiên Chúa. Và đỉnh cao tình yêu của Thiên Chúa về sự sáng tạo là con người, vì con người là hình ảnh của Thiên Chúa (x. St 2, 4b-7).

Ngoài ra, chính Thiên Chúa cũng đã mặc khải chân lý này khi hiện ra với ông Môsê trong bụi gai đang bốc cháy, được Thánh Kinh tường thuật trong sách Xuất Hành như sau: Thiên Chúa phán với ông Môsê: “Ta là Đấng Hiện Hữu” (Xh 3,14). Đấng Hiện Hữu nghĩa là Đấng luôn có, Đấng luôn hiện diện với chúng ta trong quá khứ, hiện tại và tương lại: Ngài đã hiện hữu thế nào trong quá khứ thì cũng sẽ hiện hữu như vậy trong tương lai, giống như đang hiện hữu trong hiện tại. Bất cứ vật gì tốt đều do Thiên Chúa sáng tạo. Mọi vật có thể hiện hữu được là nhờ đã tiếp nhận được sự hiện hữu từ chính Đấng Hiện Hữu là Thiên Chúa, nguôn gốc của mọi nguồn gốc yêu thương.

Trong Tân Ước và ngay chính Ngôi Hai Thiên Chúa là Đức Kitô đều mặc khải cho chúng ta biết rõ: Thiên Chúa chính là nguồn cội yêu thương của mọi cội nguồn tình yêu. Thiên Chúa chính là nguồn cội của mọi nguồn cội nơi trần gian. Tin Mừng theo Thánh Gioan khẳng định “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có người, thì chẳng có gì được tạo thành” (x. Ga 1,2-3).

Tình yêu Thiên Chúa vượt trên sự hiểu biết và sự sâu rộng của con người: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời!” (x. Rm 11, 33-36)

Chính vì vậy, Ngài là nguồn cội yêu thương của nhân loại. Ngài sáng tạo muôn loài muôn vật cho con người sử dụng. “Thiên Chúa là nguồn gốc mọi gia tộc trên trời dưới đất. Tôi nguyện xin Chúa Cha, thể theo sự phong phú của Người là Đấng vinh hiển, ban cho anh em được củng cố mạnh mẽ nhờ Thần Khí của Người, để con người nội tâm nơi anh em được vững vàng. Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Eph 3, 15 -19).

Ngài ban tặng cho con người có tự do, cho con người làm chủ muôn loài muôn vật. Nhưng rồi chính trong tự do con người đã phạm tội chống lại Thiên Chúa. Nhưng vì Ngài là nguồn cội yêu thương, nên đã không bỏ mặc con Người trong kiếp trầm luân tỗi lỗi. Thiên Chúa đã ban chính Con Mình trở thành hy lễ trên Thánh Giá để đem hạnh phúc cho nhân loại, đem ơn Cứu độ cho muôn người. Mở ra một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của sự sống mới cho nhân loại.

  1. Đấng Sáng Lập, Nguồn Yêu Thương Của Dòng MTG

Là những tu sĩ, chúng ta đang bước theo Đức Kitô trong đời sống thánh hiến. Chúng ta có một danh xưng rõ ràng: (Cha Đường Dòng Ngôi Lời do St. Arnold Janssen sáng lập. Quý Soeurs đây có một tên gọi: Dòng MTG, do Đức Cha Lambert sáng lập). Để có một danh xưng, một tên gọi, một chỗ đứng trong lòng Giáo Hội và xã hội như hiện nay, chắc chắn Quý Soeurs hiểu rõ rằng, đã có biết bao mồ hôi, công sức, nước mắt, trí tuệ và cả máu nữa của các vị tiền bối đã nằm xuống để Hội Dòng MTG có một gia sản thiêng liêng quý báu như hôm nay.

Bài hát: “Công Ơn Đấng Sáng Lập Của Quý Soeurs” đã diễn tả lời như sau: “Cha đã trao dâng suốt một đời, Cha đã hy sinh trót một đời, Khai sinh ra con trong tình yêu Thánh Giá. Dòng MTG mãi mãi là hoa trái của Cha, Dòng MTG mãi mãi là con của lòng Cha”. Lời bài hát phần nào đã lột tả được tình yêu của đấng Tổ phụ dành cho Chị Em MTG.

Đức Cha Pierre Lambert, Ngài được sinh ra trong gia đình quý tộc giàu có. Ngài được hấp thụ một nền giáo dục chu đáo của một đứa trẻ thuộc gia đình tử tế, dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ của người cha và sự dạy dỗ của một giáo sĩ (Trích Lịch sử Dòng MTG trang 62). Ngài có lòng đạo đức trổi vượt vì vậy năm 1633, lúc lên 9 tuổi Ngài đã được Chúa ban cho ơn soi sáng đặc biệt về một hạng người có đời sống hoàn thiện nhất mang tên những người yêu mến Thánh Giá. Ngài có một tương lai rạng ngời với nghề luật sư khi tuổi đời còn rất trẻ, mới 22 tuổi. Dù rằng có một điểm xuất phát “ngậm thìa vàng”. Nhưng Đức cha Lambert đã bỏ tất cả để lên đường đến vùng đất xa xôi là Đàng Trong và 5 tỉnh của Trung Hoa để Loan Báo Tin Mừng. Trong khi thi hành sứ mạng LBTM, Đức cha đã phải chịu biết bao là thập giá của gian khổ, hiểu lầm, chống đối, bệnh tật. Dù phải chiến đấu nội tâm trong chính bản thân, cùng với biết bao khó nhọc bên ngoài bủa vây Ngài vẫn trung thành với Thiên Chúa với Giáo Hội cho đến hơi thở cuối cùng. Chính vì luôn canh cánh bên mình cho mọi người yêu mến nguồn cội là chính Thiên Chúa Ba Ngôi. Đặc biệt là Đức Kitô chịu đóng đinh, dưới sự soi sáng hướng dẫn của Thánh Thần Ngài nhận lời khấn của hai nữ tu tiên khởi Ane và Paula tại phố Hiến vào ngày 19 tháng 02 năm 1670 và trao cho hai Chị bản luật do chính Ngài soạn thảo (Lịch sử dòng MTG Tr. 142). Sau đó Ngài còn soạn thảo bức tâm thư, bức luân thư và trao cho các chị.

Đến đây cho chúng ta cùng nhau khẳng định rằng Đức Cha Lambert đã nói rõ linh đạo, mục đích, sứ mạng, châm ngôn của những người sống linh đạo MTG. Ngài là người đã chỉ ra con đường nên thánh cho Quý Soeurs bước theo trong đời dâng hiến, bước đi trong linh đạo MTG. Tôi tin rằng, động lực để Đức Cha Lambert thi hành chính là tình yêu. Và Ngài là nguồn yêu thương của Dòng MTG. Tôi thiết nghĩ nếu Quý Soeurs đang gặp khó khăn gì các Soeurs hãy trở về với nguồn cội yêu thương này, để nhận ra căn tính của mình là một nữ tu MTG theo Chúa.

Tôi không dám qua mặt Quý Soeurs đây, nhưng chỉ xin Quý Soeurs dừng lại đôi chút nhìn đến chính lịch sử của Hội Dòng MTG Thủ Đức, để có nhân sự, có cơ sở, có sứ mạng, có một bề dày đời sống thiêng liêng như hôm nay, là có biết bao công sức, tình thương của Quý Đức cha, quý Cha, quý Bề trên, quý Ân nhân, Thân nhân  dành cho Hội Dòng. Sau hiệp định Geneve ngày 20. 07. 1945, đặc biệt ngày 09.08.1954 các chị di cư vào Miền Nam trải qua biết bao thăng trầm, gian khổ, tu chui… đến năm 1959 các chị được cha GB. Đào Duy Du, rồi đến cha Phêrô Nguyễn Thượng Hiền, Đức Tổng Phaolô Nguyễn Văn Bình, Các Mẹ Bề trên như: Chị Nhường, Chị Phượng. Quý Chị Tổng: Chị Dâng, Chị Khấn, chị Vân Nga, Chị Hiệp…). Các Ngài là những người lèo lái con thuyền Hội Dòng và giữ gìn nguồn cội yêu thương để hôm nay chúng ta được sống, được hoạt động trong nguồn cội yêu thương này. “Về nguồn yêu thương” chúng ta hãy tạ ơn Thiên Chúa và tri ân các Ngài cùng gìn giữ và phát huy gia sản thiêng liêng của Hội Dòng. Quý Soeurs có nghĩ như vậy và hãnh diện về nguồn cội yêu thương của mình không?

  1. Ông Bà Tổ Tiên, Nguồn Yêu Thương Ta Tìm Về

Khởi đi từ 10 điều răn Thiên Chúa trao cho dân Israel khi ký kết Giao ước tại Núi Sinai, được ghi trong sách Xuất Hành, sau khi dân đã cam kết nhận và tôn thờ Thiên Chúa là Chúa độc nhất, thì bổn phận kế tiếp là: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (x. Xh 20,12). Lệnh truyền ấy đã được Môsê nhắc lại với dân khi họ sắp vào đất hứa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Ðức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl  5,16).

Tổ tiên là nơi mình phát xuất ra và là nơi mình luôn nghĩ về. Nơi đó có ông bà, cha mẹ và anh chị em. Nơi đó là gia đình ruột thịt của mình. Gia đình là nơi đầu tiên giúp ta làm người và làm con Chúa, vì gia đình là “Hội thánh tại gia”. Ông bà cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên để cho mỗi người chúng ta chấp cánh bay vào cuộc đời. Vì thế, mỗi người luôn phải hướng về mà cầu nguyện cho các ngài còn sống hoặc đã qua đời.

Lòng hiếu thảo với các ngài là nên tảng thứ nhất và quan trọng nhất trong những tương quan giữa con người với con người (x. Is 49,15; 63,16 …). Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy hiếu kính cha mẹ. Ðó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: Ðể ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6,1-3).

Lòng hiếu thảo với các ngài được khởi đi từ việc thấu hiểu và thấu cảm những hy sinh vất và khổ đau của ông bà cha mẹ: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra. Một lòng thờ mẹ kính cha, cho trọn đạo hiếu mới là đạo con”. Sách Huấn ca cũng dạy: “Hãy hết lòng tôn trọng cha con và đừng quên những cơn đau đớn của mẹ. Hãy nhớ rằng nhờ cha mẹ, con mới sinh ra. Làm sao con báo đến được điều cha mẹ cho con” (Hc 7,27-28). Ông bà cha mẹ là những người đại diện cho Chúa để giúp ta nên thánh: “Hỡi những người con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa” (Cl 3,20).

Lòng hiếu thảo với các ngài được biểu lộ qua sự lắng nghe lời chỉ bảo trong sự kính trọng: “Hỡi con hãy giữ lấy lời huấn dụ của cha, và đừng ruồng rẫy giáo huấn của mẹ … Chúng sẽ hướng dẫn con khi con đi, canh giữ con khi con nằm, và khi con thức dậy, chúng chuyện trò với con” (Cn 6,20-22). “con ngoan mến chuộng lời cha quở mắng, kẻ nhạo báng chẳng nghe lời khiển trách” (Cn 13,1).

Lòng hiếu thảo với các ngài được coi là một hành vi nhân linh có giá trị kiện toàn bản thân ta nên công chính thánh thiện mỗi ngày hơn. “…Vì của dâng cho cha sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi …” (Hc 3, 14-15).

Lòng hiếu thảo với các ngài là một bổn phận đòi buộc của đức tin: “Ai không biết lo lắng đến người thân và nhất là gia quyến mình, thì nó đã chối bỏ đức tin và còn tệ hơn là người không tin” (1Tm 5,8).

Đối với Chúa Giêsu, Ngài nhắc nhở cho các Pharisiêu, các Kinh sư và mọi thế hệ chúng ta rằng:“Người hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị sử tự”(Mt 15,4). Ngay trong điều răn thứ tư của thập giới cũng viết:“Thảo kính cha mẹ”. Như thế, Thiên Chúa dạy con người phải hiếu thảo với mẹ cha không chỉ dừng lại ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương, tôn kính, mến yêu đến nỗi ai nguyền rủa cha mẹ tức là đụng đến nhân phẩm, đúng đến quyền làm người của cha mẹ, thì phải bị xử tử. (x. Mt 15, 1-6).

CĐ. Vatican II dạy: “Con cái sẽ đáp lại công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, tâm tình hiếu thảo và tin cậy, sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong nghịch cảnh cũng như trong tuổi già cô quạnh” (MV, số 48). Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nêu lên vai trò của cha mẹ và bổn phận đáp trả của chúng ta: “Thiên Chúa muốn rằng sau Ngài, chúng ta phải tôn kính cha mẹ vì đã sinh thành dưỡng dục và dạy cho chúng ta biết Thiên Chúa” (GLHTCG, số 2197).

Thay lời kết:

“Về Nguồn Yêu Thương”, nghĩa là chúng ta đang đi xa, đi lệch hướng, .. và chúng ta cần trở về nguồn yêu thương với Thiên Chúa, với Tổ phụ và với Ông bà Tổ tiên.

Về nguồn yêu thương với Thiên Chúa, giúp chúng ta nhận thấy bổn phận làm con là phải luôn tôn thờ Chúa cho phải đạo: từ trong tư tưởng lời nói và hạnh động. Đừng bao giờ đi ngược lại với lòng mến Thiên Chúa, nghĩa là yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự (x. Mc 12, 29-30). Tại sao? kinh nghiệm thiêng liêng, với các biến cố trong cuộc đời dù ít hay nhiều Quý Soeurs cảm nhận được và nói lên điều này. Nếu ai đó chưa cảm nghiệm được hoặc không cảm nghiệm ra thì có lẽ đời sống thiêng liêng quá nghèo nàn. Vì, trở về với Thiên Chúa, chính là trở về với cội nguồn tình yêu vĩnh cửu, trở về với chân thiện mỹ và trở về với Đấng Cứu độ.

Về nguồn yêu thương với Tổ phụ lập Dòng, giúp chúng ta nhận ra một người Cha rất mực thánh thiện và hết lòng yêu thương đàn con thiêng liêng của ngài. Các Nữ tu MTG là những người con được sinh ra bằng Bí tích rửa tội, được lớn lên trong ơn nghĩa Chúa Thánh Thần, được biến đổi bởi Lời Chúa và được sống trong linh đạo và đặc sủng của Hội Dòng để trở nên môn đệ theo Chúa Kitô chịu đóng đinh. Đây chính là gia sản quý báu, mỗi chúng ta phải ghi lòng tạc dạ với sự biết ơn cao cả này.

Về nguồn yêu thương với Ông bà Tổ tiên, giúp chúng ta nhận ra: con người có nòi giống, có tổ tiên, có ông bà cha mẹ. Chúng ta được sinh ra và lớn lên trong vòng tay yêu thương của các đấng. Dù các ngài sống hay đã qua đời chúng ta luôn có bổn phận tỏ lòng biết ơn, hiếu thảo và phụng dưỡng các ngài. Các Sơ Bà, Sơ chị là hình ảnh của các đấng bậc tổ tiên. Như vậy, chúng ta đã có thái độ nào khi cư xử để tỏ ra lòng hiếu thảo với các ngài?

Gợi ý suy niệm:

  • Tin Mừng mặc khải cho ta biết: Thiên Chúa là nguồi cội yêu thương và cùng đích của muôn vật muôn loài. Vậy Quý Soeurs làm chứng về điều này ra sao qua sứ mạng Quý Soeurs đang thi hành?
  • Được học hỏi, tìm hiểu về Đấng Sáng lập, về Hội Dòng, được trở về nguồn cội yêu thương, trong tâm tình của người con MTG, Quý Soeurs có thấy hạnh phúc, hãnh diện và muốn gìn giữ phát huy gia sản thiêng liêng của Đấng Sáng Lập và của Hội Dòng?
  • Quý Soeurs có cảm nhận gì về lòng hiếu thảo đối với ông bà cha mẹ dưới ánh sáng Lời Chúa?

Lm. Phêrô Nguyễn Trọng Đường, SVD