Vẻ đẹp từ những ngôi nhà thờ hoang phế

118

Trải dọc theo dãi đất hình chữ S, giữa hàng ngàn ngôi nhà thờ Công Giáo với vô vàn kiểu dáng khác biệt theo những trường phái kiến trúc Đông Tây kim cổ, đâu đó vẫn còn lưu lại vết tích của những ngôi nhà thờ hoang phế thầm lặng trong lớp bụi thời gian.

Nhà thở đổ trên núi Ba Vì

Lặng im trên độ cao 800m so với mực nước biển, giữa muôn vàn cây lá, nhà thờ đổ trên núi Ba Vì quanh năm như ẩn hiện giữa những lớp sương mờ huyền ảo. Khi xưa, nhà thờ là một hạng mục quan trọng thuộc khu nghĩ dưỡng của người Pháp bởi khí hậu ở nơi này vốn quanh năm mát mẻ. Nhiều năm không sử dụng nên nhà thờ chỉ còn lại những bức tường rêu phong cùng tháp chuông bên cạnh. Tuy nhiên vẫn phảng phất đâu đó vẻ đẹp hài hòa của một kiến trúc Công giáo giữa dưới táng rừng già. Nhà thờ như một bức tranh toát lên sự trầm lắng với màu xám của những bức tường, màu xanh của cây lá, của những lớp rêu, màu vàng của những tia nắng ban mai, màu trắng bạc của khói sương… Hằng chục năm qua, cây thập tự nơi cung thánh vẫn rực rỡ những tia sáng ấm áp như dấu chỉ của Tình Yêu Thiên Chúa luôn sưởi ấm những con tim lạnh giá và soi lối những bước chân lầm lạc quay về với nẻo chính đường ngay…

 

Nhà thờ giáo họ Thánh Tâm

Nằm chơ vơ bên bờ biển ở xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, Nam Định, là ngôi nhà thờ cũ của giáo họ Thánh Tâm thuộc giáo xứ Xương Điền, giáo phận Bùi Chu. Vốn dĩ, kiến trúc của nhà thờ đổ được thiết kế rất công phu, đẹp mắt và bên vững với những cửa vòm mềm mại, uyển chuyển. Những cột trụ cao đỡ lấy toàn bộ kiến trúc. Nhưng do sóng gió của biển đã và đang phá hủy, bào mòn công trình kiến trúc của nhà thờ đổ. Các họa tiết, kiến trúc bên trong nhà thờ đã bị phai mòn. Gạch xây đã bị lộ rõ sau thời gian bị vỡ vữa. Cây cỏ, rêu phong mọc đầy trên những bức tường của nhà thờ. Những dấu tích nay trơ trọi như những ốc đảo, trước sự bao quanh của nước biển. Tháp chuông của ngôi nhà thờ vẫn còn đó, uy nghi, cao vút hướng lên trời xanh như ngọn hải đăng để ngư dân định hướng trở về sau những chuyến ra khơi.

 

Nhà thờ cổ H’Bâu, Gp. Kontum

Phế tích nhà thờ cổ H’Bâu lại nằm dưới chân núi Chư Đang Ya hùng vĩ, thuộc làng Xõa huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Nhà thờ cổ H’Bâu được xây dựng vào năm 1909, phía trước nhà thờ còn ghi dòng chữ Hán: Kỷ Dậu niên (năm Kỷ Dậu). Xưa muốn vào được nơi đây phải vượt qua hai dãy núi Chư Jôr và Chư Nâm hiểm trở. Qua hơn một thế kỷ, do sự tàn phá của chiến tranh nên ngôi nhà thờ đã hư hại hoàn toàn, giờ chỉ là phế tích gồm tháp chuông và mặt trụ phía trước. Giữa không gian ấy, ta như nghe đâu đó vẫn còn vọng vang những tiếng chuông dội vào vách đá giữa thâm sâu đại ngàn. Dù trong làng đã xây dựng nhà thờ mới nhưng nhiều người J’rai vẫn ghé đến đây để dâng hoa và cầu nguyện mỗi ngày.

    

Nhà thờ Tam Tòa, Gp. Hà Tĩnh

Đó còn là vẻ đẹp từ những phế tích của nhà thờ Tam Tòa ở Quảng Bình, nhà thờ La Vang ở Quảng Trị hay nhà thờ Giang Sơn ở Buôn Mê Thuộc…

Mỗi ngôi nhà thờ luôn gắn liền với mỗi câu chuyện dài của lịch sử nhưng lắm khi còn là những huyền thoại được thêu dệt thêm những chi tiết ly kỳ bởi nhiều biến cố đã xảy ra quá lâu thì chẳng thể nào kiểm chứng được. Có nơi, nhà thờ còn khá nguyên vẹn nhưng cũng có chỗ chỉ vươn lại vài bức tường loang lổ những vết đạn bom . Thế nhưng, tất cả đều toát lên vẻ thánh thiêng, trầm mặc của một nơi đã từng vọng ngân những lời kinh, tiếng hát tôn vinh Thiên Chúa của những con tim đầy tràn sốt mến.

 

Chính những phế tích ấy như nhắc nhớ cho chính tôi về thái độ ngạc nhiên đến sửng sốt của người Do Thái năm xưa khi nghe Chúa Giêsu tiên báo về ngày điêu tàn của đền thờ Giêrusalem (x.Lc 21, 5-6). Bởi lẽ đối với họ, đền thờ Giêrusalem, và là nơi Thiên Chúa ngự, là nhà cầu nguyện, là biểu tượng cho niềm vui, sự hãnh diện cho mọi dân tộc, là nơi hằng năm muôn dân tuôn về đó để mừng lễ. Ðền thờ được xây bằng đá quí, sừng sững trên ngọn đồi  được xem là nơi nương tựa vững chắc. Thế mà Chúa Giêsu lại tuyên bố sẽ có ngày nó bị tàn phá, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào. Quả vậy, tất cả hóa thành sự thật khi ba mươi năm sau, người Rôma đem quân vây hãm và phá hủy đền thờ. Tất cả là một nhắc nhở con người ý thức bản chất thụ tạo yếu đuối và mỏng dòn của mình, đồng thời soi sáng cho con người biết chiều kích về ơn gọi của mình là nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô, các tín hữu được trở nên Đền Thờ của Thiên Chúa (x. 1 Cr 3, 16)

 

Tu viện bỏ hoang, Gp. Đà Lạt

 

Nhà thờ Giang Sơn, Gp. Buôn Mê Thuộc

 

Nhà thờ La Vang, Tgp. Huế

Chúa Kitô là đá tảng góc tường (x. Cv 4,11) là đá tảng vững chắc để các tín hữu nương tựa và phát triển đền thờ tâm hồn của mình. Người ta không thể xây nhà trên một nền tảng không vững chắc, bởi khi có biến cố xảy ra, nhà sẽ bị sập (x. Mt 7,24-25). Ý thức điều này, thánh Phaolô đã đặt nền móng cho lời rao giảng của ngài trên nền tảng là Đức Kitô và nhắc nhở các tín hữu trong thư Côrintô rằng: “Không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Đức Giê-su Ki-tô” (1Cr 3, 11). Nhưng không chỉ đặt nền móng mà thôi, các tín hữu còn được mời gọi bén rễ sâu và xây dựng đời mình trên nền tảng là Đức Kitô Giêsu (x. Cl 2,7). Các tín sẽ bén rễ sâu vào nền tảng là Đức Kitô bằng một đời sống lắng nghe và thực thi Lời Chúa (x. Mt 7,24) thay vì chỉ đua nhau xây nên những ngôi nhà thờ hoành tráng, phô trương.

Và như thế, dù là chiêm ngắm phế tích những ngôi nhà thờ hoang phế nhưng giúp tín hữu nâng tâm hồn lên cùng Chúa có lẽ vẫn tốt hơn nhiều công trình nguy nga, lộng lẫy mà lại cái cớ để người ta chia rẽ, nghi kỵ và xét đoán lẫn nhau…

                                                                       CHUNG THANH HUY