Bài giảng của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 trong lễ Vọng Giáng Sinh 24/12/2012
Vẻ đẹp của Trình Thuật Tin Mừng này làm rung động con tim chúng ta hết lần này đến lần khác: đó là vẻ đẹp huy hoàng của sự thật. Trình Thuật này làm chúng ta kinh ngạc nhiều lần rằng Thiên Chúa đã nên như một trẻ thơ để chúng ta có thể yêu mến Người, để chúng ta dám yêu mến Người, và cho ta được ẵm Người như một trẻ thơ đầy tin tưởng trong vòng tay chúng ta. Như thể Thiên Chúa nói với chúng ta rằng: Ta biết vinh quang của ta làm con kinh sợ, và con đang cố gắng để khẳng định mình là ai khi đối mặt với sự vĩ đại của ta. Vì vậy, giờ đây ta đến với con như một trẻ thơ, để con có thể chấp nhận và yêu mến ta.
Có một câu nữa từ Trình Thuật Giáng Sinh mà tôi muốn suy tư cùng anh chị em – đó là câu mà các thiên thần hát mừng sau khi loan báo Đấng Cứu Thế vừa mới sinh ra: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa hài lòng.” Thiên Chúa là vinh quang. Thiên Chúa là ánh sáng tinh khiết, là ánh quang rạng ngời của chân lý và tình yêu. Ngài là thiện hảo. Ngài là điều thiện hảo thật sự, là sự thiện tuyệt hảo. Các thiên thần xung quanh bắt đầu bằng cách đơn giản là công bố niềm vui khi được nhìn thấy vinh quang Chúa. Bài hát của các thiên thần tỏa ra niềm vui đang đong đầy trong họ. Trong lời ca của họ, chúng ta dường như đang nghe những âm thanh của trời cao. Chẳng cần phải đặt vấn đề làm sao hiểu được ý nghĩa đầy đủ của tất cả những lời ca ấy, chúng ta cũng đã thấy hạnh phúc ngập tràn lòng mình khi nhìn thấy sự lộng lẫy tinh khiết của sự thật và tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta muốn cho niềm vui này tỏa lan và làm rung động lòng mình với sự hiện diện của sự thật, của thiện hảo, và ánh sáng tinh khiết. Thiên Chúa thiện hảo, và Ngài là quyền lực tối cao trên tất cả các quyền năng. Tất cả điều này làm cho lòng chúng ta mừng vui tối nay, cùng với các thiên thần và các mục đồng.
Liên kết với vinh quang Thiên Chúa trên cao là hòa bình cho loài người dưới thế. Nơi Thiên Chúa không được tôn vinh, nơi Ngài bị quên lãng hoặc thậm chí bị từ chối, nơi đó cũng không có hòa bình. Nhưng mà, ngày nay lại tràn lan những não trạng khẳng định ngược lại: theo đó các tôn giáo, đặc biệt là các tôn giáo độc thần, là nguyên nhân của bạo lực và các cuộc chiến trên thế giới. Nếu muốn có hòa bình, nhân loại trước tiên phải loại trừ tôn giáo. Thuyết độc thần, niềm tin vào một Thiên Chúa duy nhất, được cho là kiêu ngạo, là nguyên cớ cho sự bất khoan dung, bởi vì tự bản chất của nó, với yêu sách về một sự thật duy nhất, nó tìm cách áp đặt chính nó trên tất cả mọi người. Đúng là theo dòng lịch sử, thuyết độc thần đã là một cái cớ cho bất khoan dung và bạo lực. Đúng là tôn giáo có thể bị băng hoại và do đó đi ngược lại bản chất sâu xa nhất của tôn giáo, khi các tín hữu nghĩ rằng họ có thể thay quyền Thiên Chúa mà ra tay theo ý riêng mình, coi Thiên Chúa như tài sản riêng của họ. Chúng ta phải cảnh giác trước những bóp méo sự thánh thiêng. Trong khi không thể phủ nhận những lạm dụng tôn giáo nhất định trong lịch sử, cần khẳng khái thấy rằng thật là sai lầm khi cho rằng phủ nhận Thiên Chúa sẽ dẫn đến hòa bình. Nếu ánh sáng của Thiên Chúa bị dập tắt, phẩm giá thánh thiêng của con người cũng bị dập tắt. Lúc đó, thụ tạo loài người không còn là hình ảnh của Thiên Chúa, là Đấng mà chúng ta phải tỏ lòng kính trọng trong mỗi con người, nơi những người yếu đuối, khách lạ, và người nghèo. Lúc đó, chúng ta thôi không còn là anh chị em, là con cái của cùng một Cha, thôi không còn là những người thuộc về nhau vì cùng thuộc về một Cha trên trời. Lúc đó phát sinh loại bạo lực kiêu ngạo, người ta khinh thường và chà đạp lẫn nhau: chúng ta đã thấy điều này trong tất cả sự tàn bạo của nó trong thế kỷ vừa qua. Chỉ khi ánh sáng của Thiên Chúa tỏa sáng trên nhân loại và trong lòng người, thì lúc đó nhân vị của con người, là thụ tạo được Chúa ao ước, biết đến và yêu mến, mới không bị chà đạp, bất kể con người ấy khốn cùng đến mức nào. Trong Đêm Thánh này, Thiên Chúa đã trở thành nhục thể, như tiên tri Isaia đã nói tiên tri, hài nhi này là “Emmanuel”, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (7:14). Và qua các thế kỷ, trong khi có sự lạm dụng tôn giáo, cũng có sự thật rằng các lực lượng hòa giải và thiện tâm đã không ngừng xuất phát từ đức tin nơi Thiên Chúa làm người. Trong bóng tối của tội lỗi và bạo lực, đức tin này đã chiếu rõi tia sáng của hòa bình và thiện hảo, và vẫn còn tiếp tục tỏa sáng.
Vì vậy, Chúa Kitô là hòa bình của chúng ta, và Ngài đã công bố hòa bình cho những người xa gần (x. Eph 2:14, 17). Chúng ta có thể làm gì khác hơn là cầu nguyện với Ngài: Vâng, lạy Chúa, xin cũng công bố một nền hòa bình cho chúng con ngày hôm nay, bất kể xa gần. Xin cho chúng con ngày hôm nay cũng nhận ra rằng thanh kiếm có thể được biến thành lưỡi cày (Is 2:4), và thay cho những vũ khí chiến tranh là những trợ giúp cụ thể dành cho những người đau khổ. Xin soi sáng cho những ai nghĩ rằng họ phải thực hành bạo lực nhân danh Chúa, để họ nhận thức được sự vô nghĩa của bạo lực và biết nhận ra thiên nhan đích thật của Chúa. Xin giúp chúng con trở nên những người “Chúa hài lòng” – những người theo hình ảnh của Chúa và do đó là những người của hòa bình.
Khi các thiên sứ từ giã, những người chăn chiên nói với nhau rằng: Chúng ta hãy đi đến Bethlehem và xem điều gì đã xảy ra cho chúng ta (x. Lc 2:15). Vị Thánh Sử cho chúng ta biết là các mục đồng đã vội vàng đến Bethlehem (x 2:16). Một sự tò mò linh thánh đã thúc đẩy họ đến xem hài nhi nằm trong máng cỏ, là Đấng mà các thiên sứ cho biết là Đấng Cứu Độ, là Đức Kitô Đức Chúa. Niềm vui lớn lao thiên thần loan báo đã làm rung động con tim họ và chấp cánh cho họ.
Phụng vụ của Giáo Hội ngày hôm nay cũng nói với chúng ta nào hãy đến Bethlehem. Kinh Thánh tiếng Latin dùng từ “Trans-eamus”: chúng ta hãy đi “qua”, hãy bước xa hơn nữa, để làm cho “quá trình chuyển hoá” giúp chúng ta bước ra ngoài nếp nghĩ và thói quen của cuộc sống, giúp chúng ta thoát lên trên cái thế giới duy vật để tiến vào một thế giới thực, để đến với Thiên Chúa, Đấng đã đến với chúng ta trước. Chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta có thể vượt qua giới hạn của chúng ta, vượt qua thế giới của chúng ta, để giúp chúng ta gặp gỡ Ngài, đặc biệt là tại thời điểm khi Người đặt mình vào tay chúng ta và vào trái tim của chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.
Nào chúng ta hãy đến Bethlehem: khi chúng ta nói những lời này với nhau, cùng với các mục đồng, chúng ta không nên chỉ nghĩ đến “cuộc đại vượt qua” để đến với Thiên Chúa hằng sống, nhưng chúng ta cũng nên nghĩ đến thị trấn Bethlehem thực sự và tất cả những nơi Chúa đã sống, đã loan báo Tin Mừng và chịu đau khổ. Vào lúc này đây, chúng ta hãy cầu nguyện cho những người đang sống và chịu đau khổ tại những nơi này ngày hôm nay. Chúng ta hãy cầu nguyện để có hòa bình trong miền đất đó. Chúng ta hãy cầu nguyện để người Israel và Palestine có thể sống trong bình an của cùng một Thiên Chúa và trong tự do. Chúng ta cũng cầu nguyện cho các nước trong khu vực, Li Băng, Syria, Iraq và các nước láng giềng để có thể có hòa bình, để các Kitô hữu trong những vùng đất nơi mà đức tin của chúng ta được sinh ra có thể tiếp tục sống ở đó, để các Kitô hữu và những người Hồi giáo có thể cùng nhau xây dựng quốc gia trong hòa bình của Thiên Chúa.
Các mục đồng đã vội vã lên đường. Sự hiếu kỳ linh thánh và niềm vui thánh thiện thúc đẩy họ. Trong trường hợp của chúng ta, có lẽ không thường khi chúng ta hấp tấp tìm kiếm những gì thuộc về Thiên Chúa. Thường khi, Thiên Chúa không nằm trong số những điều chúng ta cần phải vội vàng. Những gì thuộc về Thiên Chúa có thể nấn ná được, chúng ta nghĩ và chúng ta nói như thế. Nhưng thực ra Ngài là điều quan trọng nhất, tối hậu là điều thật sự quan trọng nhất. Tại sao chúng ta không thể bị bức xúc bởi sự hiếu kỳ để đến mà xem cho rõ ràng hơn và để nhận ra những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta? Lúc này đây, chúng ta hãy xin Ngài chạm vào con tim của chúng ta với một sự hiếu kỳ linh thánh và một niềm vui thánh thiện như các mục đồng, và do đó cho phép chúng ta hăng hái đến Bethlehem, đến với Chúa, Đấng ngày hôm nay lại một lần nữa đang đến để gặp gỡ chúng ta. Amen.
+ Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16
J.B. Đặng Minh An dịch