Ruslan Lytvyn | Shutterstock
I.Media
Giáo hội hoan nghênh sự sáng tạo trong công việc mục vụ, nhưng không được động đến nội dung và hình thức của các bí tích.
Trong một bản ghi chú có tựa đề Gestis Verbisque – “Bằng cử chỉ và lời nói” – được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn và công bố vào ngày 3 tháng 2 năm 2024, Bộ Giáo lý Đức tin nhắc nhở các linh mục rằng họ không thể tự ý thay đổi phụng vụ, vì điều này có thể làm cho bí tích trở nên “vô hiệu”.
Tòa thánh khẳng định rằng bất kỳ sự sáng tạo nào trong lời nói hoặc hình thức của các bí tích “luôn luôn là một hành vi bất hợp pháp nghiêm trọng và đáng chịu hình phạt cảnh cáo”.
Khi trình bày bản ghi chú dài 10 trang này, Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Víctor Manuel Fernández, giải thích rằng các thành viên của Bộ đã nhất trí phê chuẩn tài liệu tại phiên họp khoáng đại của họ vào ngày 25 tháng 1.
Đức Hồng Y Fernández cho biết, bản ghi chú này nhằm mục đích đáp lại “sự gia tăng” các tình huống liên quan đến “những sửa đổi nghiêm trọng” đối với phụng vụ khiến một số bí tích trở nên “vô hiệu”, buộc nghi thức phải được thực hiện lại.
Bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin đề cập cụ thể đến bí tích rửa tội trong đó các linh mục đã sửa đổi công thức đã được thiết lập, chẳng hạn như tuyên bố: “Cha rửa con nhân danh Đấng Tạo Hóa…”, hoặc “Nhân danh cha và mẹ … chúng tôi rửa tội cho con”.
Vào ngày 6 tháng 8 năm 2020, đứng đầu Thánh Bộ khi đó là Đức Hồng Y Luis Ladaria Ferrer, đã công bố phán quyết về tính vô hiệu của các lễ rửa tội được cử hành với bất kỳ sự thay đổi nào trong công thức.
Về sau này, các linh mục, “những người được rửa tội bằng những công thức theo kiểu này, đã đau đớn khám phá ra sự vô hiệu của việc truyền chức và các bí tích mà họ đã cử hành”, Đức Hồng Y Fernández nói.
Nhắc nhở các thừa tác viên chống lại “cám dỗ cảm thấy mình là chủ nhân của Giáo hội” hoặc “mong muốn thao túng”, Bộ Giáo Lý Đức Tin khẳng định rằng “việc sửa đổi hình thức hoặc nội dung của một bí tích luôn là hành vi bất hợp pháp nghiêm trọng và đáng phải chịu phạt cảnh cáo”.
Đức Hồng Y Fernández giải thích rằng “trong khi ở các lĩnh vực hoạt động mục vụ khác của Giáo hội, có rất nhiều chỗ cho sự sáng tạo” thì trong lĩnh vực cử hành bí tích, thay vào đó, lại biến thành “ý chí thao túng”.
Thẩm quyền của Giáo hội
Tài liệu gồm 29 đoạn nhắc nhở rằng việc hệ thống hóa phụng vụ là đặc quyền của các cơ quan có thẩm quyền của Giáo hội và không thể phụ thuộc vào sáng kiến cá nhân. Khi đề xuất sự phát triển thần học về bản chất của các bí tích, Rôma kiềm chế không áp dụng “chữ đỏ cứng nhắc”, nhưng không dành chỗ cho “óc sáng tạo” hay “sáng tạo thoải mái”.
Bản ghi chú thừa nhận, trong khi phụng vụ có thể chấp nhận sự “thích nghi”, tùy thuộc vào nền văn hóa nơi nó diễn ra, tuy nhiên, nó vẫn là “một kỷ luật cần được tôn trọng”.
Các linh mục được kêu gọi bảo vệ “các yếu tố thiết yếu của các bí tích” trong “sự trung thành hoàn toàn với các nghi thức đã được quy định”, để đảm bảo “tính hiệu lực” và “sự hiệp nhất” của Giáo hội.
G. Võ Tá Hoàng