Vâng phục làm nên điều vĩ đại

131

Sống trong thời đại văn minh, con người được thỏa sức làm những điều mình thích: làm đẹp, tiếp cận những kiến thức hiện đại, thưởng những món thật ngon, trở thành những người tri thức, uyên bác,… Ai cũng muốn tự do làm chủ trong cuộc sống của mình, thật khó để vâng lời hay làm theo lệnh của ai đó. Vâng, họ có quyền được làm như thế. Liệu cái làm chủ đó có thực sự là làm chủ không, hay nó chỉ dẫn con người đến sự thỏa mãn cho thân xác mà bóp nghẹt những khao khát của linh hồn? Với Giêsu, Người hoàn toàn ngược lại: “ Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng làm theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5, 30).

Chúa Giêsu, Ngài vâng phục Chúa Cha xuống thế làm người, thực hiện công trình cứu độ loài người. Chúa có thể dùng cách khác để cứu chuộc loài người? Nhưng chính Chúa Giêsu đã nói: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống.”( Ga 3,13). Chúa Giêsu làm người, để ta được làm con Chúa. Như vậy còn gì hạnh phúc hơn nữa! Sự vâng phục của Chúa Giêsu biểu lộ tình yêu đối với Chúa Cha, đối với con người. Ngài hoàn toàn vâng phục, mặc dù đã có lúc trong thân phận con người yếu đuối, Ngài đã từng sợ hãi. Trong vườn Cây Dầu, Ngài đã từng cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng cho ý con thể hiện, mà là ý Cha.” (Lc 22, 42). Ngài đã từng sợ hãi: “Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22, 44).  Sự vâng phục không phải thể hiện một con người nhu nhược, kém cỏi ; nhưng sự vâng phục đã làm nên những việc cao cả, vĩ đại.

Mặc dù biết thế, nhưng sự vâng phục luôn đi ngược lại với tự nhiên, những sở thích. Do đó, nó là điều rất khó, đòi hỏi con người phải chiến đấu, từ bỏ rất nhiều để thực hiện nó.

Trong cuộc sống dòng tu, đơn giản chuyện ăn uống ngủ nghỉ theo giờ chung của cộng đoàn cũng là một sự vâng phục. Có nhiều người thắc mắc, có khi chưa hiểu hết : tôi có tự do, tôi thích ăn thì ăn, thích ngủ thì ngủ, giờ sinh hoạt, giờ kinh tôi đọc lúc nào cũng được, tại sao phải theo giờ chung của mọi người? Kỳ lạ! chỉ sau một tiếng chuông dù mọi người đang làm gì, cũng tập trung lại tham gia việc chung của cộng đoàn. Như thế, có phải sống lối sống lạc hậu thời xưa: sống bầy đàn ? Không phải đó là lối sống lạc hậu, nhưng đó là lối sống trao dâng cho nhau, vì nhau, cùng nhau. Khi tham gia giờ chung của cộng đoàn, mỗi người được huấn luyện chính con người mình, không phải sống theo bản năng thích ăn thì ăn mà ngủ thì ngủ, nhưng sống cho những gì cao cả, xây dựng tình chị em trong cộng đoàn thêm gắn bó. Đồng thời, giúp mọi người biết kỷ luật bản thân, sống cho người khác, vì lợi ích chung, biết tiết kiệm, sắp xếp thời gian hợp lý,… từ những công việc nhỏ thôi nhưng đó là cơ hội tốt để mỗi môn đệ của Giêsu tập lắng nghe, đón nhận, vâng theo thánh ý Chúa, sẵn sàng cho những thử thách lớn hơn.

Lạy Chúa Giêsu, xin Ngài dạy chúng con biết lắng nghe, sống theo thánh ý Chúa trong cuộc đời của chúng con, vì chúng con tin rằng Chúa luôn có những kế hoạch tuyệt vời cho chúng con. Xin cho chúng con tập lắng nghe, đón nhận thánh ý Chúa trong mỗi ngày, trong từng cong việc dù là nhỏ nhất. Amen.

Hồng Anh, Thanh Tuyển sinh MTG Thủ Đức