Vầng Dương Khuất Núi
“Because I love this life,
I know I shall love death as well.”
(Rabindranath Tagor – Gitanjali, in: “Threshold”)
Ngày sống của hắn được đánh dấu đều đặn bởi sự xuất hiện và ẩn khuất của vầng thái dương. Vầng dương xuất hiện, mọi vật tỏ bừng trong ánh sáng. Vầng dương ẩn khuất, tất cả chìm ngợp vào bóng tối.
Ngày từng ngày, vầng dương xoay quanh hắn theo một nhịp điệu đều đặn. Cuộc sống cứ vần xoay quanh hắn. Hắn thấy mình là tâm điểm của mọi chuyển động.
Hắn dần nhận ra mình là thành viên của một xã hội. Xã hội là một tập hợp không chỉ gồm những sinh vật. Xã hội của những con người.
Ngày qua ngày, hắn dần khám phá ra giá trị nơi những con người. Con người bé nhỏ, nhưng lại hàm chứa một sức mạnh vô biên khiến bất cứ một loài sinh vật nào cũng phải e dè kinh sợ. Sức mạnh ấy được phú bẩm tiềm tàng ngay từ lúc họ chào đời. Sống là tiến trình làm khai phá và bùng vỡ nguồn sức mạnh ấy. Bảo sao muôn loài muôn sự không phủ phục dưới chân con người!
Với con người, thế giới ngày một trở nên tốt đẹp hơn. Dấu ấn của con người càng lúc càng trải rộng ra khắp cùng thế giới: nơi chân trời góc biển xa xôi, chốn rừng thiêng nước độc, những hải đảo ngút ngàn, những vùng băng tuyết lạnh giá, những xa mạc nóng bỏng hoang vu… Nơi nào có con người, nơi ấy được cải thiện để trở nên một môi trường sống thực sự. Nơi nào có con người, nơi ấy có sự sống bừng nở.
Con người được đưa vào đời như những người sáng tạo. Họ bước đi không phải theo một lập trình đã định sẵn, nhưng là theo một sức sáng tạo mãnh liệt và liên tục trong tầm khả năng được phú bẩm cho họ.
Ấy thế là con người dễ dàng nhận ra vị trí tâm điểm của mình giữa lòng trái đất và giữa lòng vũ trụ.
Ý thức về chính mình bao giờ cũng đi đôi với ý thức về tầm mức bao la của thế giới mà trong đó mình là một bộ phận. Xã hội con người được thiết định trên nền địa cầu. Từ địa cầu nhìn ra, không gian bên ngoài chỉ là một vùng trống không thăm thẳm. Khi con người tiến bộ đến độ có thể bay vào không gian, họ ngoảnh đầu nhìn lại và giật mình nhận ra rằng địa cầu chỉ là một chấm nhỏ nhoi chìm hun hút giữa lòng vũ trụ. Biết bao nhiêu người đã phải giật mình tự hỏi: Con người có là chi? Phàm nhân đáng là gì?..
Như bị tạt một gáo nước lạnh vào mặt, một ngày nọ hắn nhận ra những gì mình ôm ấp và tin tưởng bấy lâu là sai lầm. Một kẻ báng bổ nào đó đã cả gan chỉ ra rằng hắn không phải là tâm điểm của mọi sự. Cả cuộc đời hắn chỉ là một sự vần xoay liên tục quanh một tâm điểm nào đó mà thôi!
Hắn không muốn tin rằng mình không phải là tâm điểm. Hắn chưa bao giờ nghĩ rằng mình xoay quanh vầng thái dương. Hắn không bao giờ dám tin rằng nơi mình sống chỉ là một tiểu tinh cầu tầm thường giữa hàng tỉ tỉ những tinh cầu khác. Hắn không muốn chấp nhận vai trò một đứa con ghẻ của mình giữa lòng một bà mẹ vũ trụ quá đỗi bao la, như một triết gia cận đại nào đó đã phải nhọc nhằn cảm nếm. Tưởng rằng mình đang sống giữa nơi phố thị phồn hoa rực rỡ, hắn bỗng dưng bị chỉ cho thấy rằng nơi mình đang sống chỉ là một ngôi làng đèo heo hút gió vô danh vô phận trong vương quốc bao la của vũ trụ.
Có nhiều đêm hắn nằm mơ cùng một giấc mơ kinh hãi. Hắn đang tung tăng dạo bước giữa khoảng trời bao la bát ngát. Hắn đang vui say nhảy múa trong vùng không gian vô cùng vô tận. Bỗng dưng hắn rơi xuống. Hắn rơi xuống càng nhanh, vùng không gian quanh hắn càng thu hẹp lại. Hắn như đang rớt vào một miệng phễu vô hạn. Hắn như đang bị dồn ép lại. Áp lực quanh hắn mỗi lúc một mạnh hơn. Hắn cứ bị dồn lại, ép lại, bó lại… Hắn nghẹt thở. Hắn hết sức vẫy vùng. Hắn trở nên một chấm nhỏ nhoi mất hút giữa vùng trời vô biên vô tận.
Trước cái bao la vô cùng vô tận, hắn thấy mình chẳng còn là gì. Có phải hắn là một hư vô trước một vô biên? Hay hắn là một tất cả trước một hư vô? Hay hắn đang đong đưa giữa chừng của hư vô và vô biên? Hắn ngộp thở khi đặt mình giữa hai miền cực tiểu và cực đại như thế. Hắn hoặc là hư vô hặc là tất cả, hay hắn vừa là hư vô vừa là tất cả?
Và ánh hào quang vụt tắt khi hắn nhận ra vị trí hẩm hiu giới hạn của hắn, của con người. Từ trên trời cao, con người bị kéo rơi phịch xuống đất…
Hắn là ai? Con người là ai?…
Nhìn lại, hắn nhận ra rằng cuộc đời con người được trải đều ra trong làn nước mắt: nước mắt hoảng hốt lúc bị quăng ném vào giữa cuộc đời, nước mắt bỡ ngỡ khi đứng trước ngưỡng cửa của những đổi thay mới mẽ, nước mắt chia ly tủi sầu, nước mắt thất bại tiếc nuối, nước mắt lúc vĩnh biệt chia xa. Con người nào cũng vào đời với cặp mắt mở to và hai bàn tay nắm chặt. Con người nào cũng ra đi với hình ảnh nhắm mắt xuôi tay. Chút gì đọng lại chỉ là những giọt nước mắt vươn vãi khắp cùng bờ cõi vũ trụ…
Được sinh ra, lớn lên, bước chân vào cuộc sống, con người chừng như lúc nào cũng mang tâm trạng bỡ ngỡ. Ấy vừa là tâm trạng của những kẻ bước đi trên mảnh đất của mình, trong căn nhà của mình; nhưng ấy cũng là tâm trạng của một kẻ liên tục làm khách lạ giữa cõi trần gian. Cuộc sống mở ra trước mắt con người bao la đến độ càng ngày con người càng không dám chắc chắn vào bất cứ điều gì. Chỉ một sự kiện chắc chắn duy nhất mà không một con người nào có thể chối cãi, dù họ thuộc bất cứ thời đại nào, bất cứ hoàn cảnh sống nào, bất cứ địa vị xã hội nào: cái chết!
Hắn chứng kiến nhiều điều quanh mình đã qua đi. Hắn nghiệm thấy nhiều điều nơi mình đang qua đi. Con người sẽ qua đi. Mọi thế hệ con người sẽ qua đi. Điều ấy chứng thực rằng con người mang nơi mình một sức sống giới hạn, bị khuôn định bởi một không gian và thời gian nhất định. Rõ ràng, địa cầu không còn được dựng nên cho hắn. Nếu địa cầu được dựng nên cho riêng hắn, tại sao hắn phải ra đi, trong khi địa cầu vẫn cứ tồn tại? Rõ là con người không phải là tâm điểm của mọi tạo thành. Nếu con người là tâm điểm và địa cầu được dựng nên cho con người, tại sao con người phải ra đi, hết người này đến người khác, hết thế hệ này đến thế hệ khác, còn địa cầu thì vẫn còn đấy, vẫn cứ vần xoay cách đều đặn bền bỉ?
Vầng dương xuất hiện rồi ẩn khuất theo một chu kỳ đều đặn không hề mệt mỏi, như một dấu chỉ trường tồn bất biến. Chỉ có con người là ra đi, hết người này đến người khác, hết thế hệ này đến thế hệ khác. Ra đi vĩnh viễn.
Hắn nhận ra cái ngạo khí kệch cỡm trong tuyên bố “con người là thước đo vạn vật”. Hắn nhận ra cái ảo tưởng tội nghiệp của những con người huênh hoang: “bàn tay ta làm nên tất cả..” “Tất cả” có nghĩa là gì khi mọi sự cuối cùng cũng sẽ trở về bụi cát?
Muốn hay không muốn hắn cũng phải nhận ra vai trò thụ tạo của mình. Hắn có thể cho mình mọi thứ, nhưng không thể quyết định ngay từ khởi đầu rằng mình sẽ có mặt hay không có mặt trong cuộc đời này. Hắn có một cuộc đời trong tư thế của một người thụ nhận, của một kẻ được ban phát, của một kết quả trồi hiện từ giữa lòng dòng chảy vô tận của sự sống.
Có một chút tương đồng nào đó trong sự sinh thành của hắn với sự sinh thành của vũ trụ đang cưu mang hắn. Tự thuở nào đó, hắn đã được đặt vào lòng một vũ trụ hổn mang, có vực thẳm, có bóng tối, có sóng gió thét gào, có mây mưa bão lũ. Cả vũ trụ đã không ngừng biến động để thành hình. Hòa nhịp vào giữa lòng vũ trụ, hắn cũng không ngừng chuyển động để thành hình. Để dần dần rút mình ra khỏi cái hỗn mang tạp nhạp, để mỗi ngày trở nên là mình hơn, là người hơn…
Thế mới biết rằng được sinh ra chưa phải là hoàn tất. Đúng hơn, tất cả mới chỉ là khởi đầu, khởi đầu cho một hành trình đặt mọi thứ hỗn mang vào một trật tự nhất định.
Và hắn bỗng nhận ra vị thế của mình giữa dòng chảy sự sống. Sống không có nghĩa là đứng yên một chỗ để an hưởng một định mệnh tất định nào đó. Sống là chuyển động để tạo nên định mệnh, là một sự chuyển động không ngừng để xây dựng và hướng đến thành toàn. Nếu hiện hữu được đặt định như một thể bất biến, đó là một kết án hơn là một đặc ân, một tất định nghiệt ngã hơn là một quan phòng chu đáo.
Và hắn cũng không thể không thừa nhận rằng dòng chảy sự sống tuyệt đối là dòng chảy một chiều. Một khi đã được đặt vào ấy, không bao giờ có con đường tháo lui cho con người. Tất cả sự sống đều chuyển động, đều bùng nở, đều tiến về phía trước. Tất cả như được hút bằng một sức hút thần bí vô danh mà bất khả chống cưỡng. Tất cả được đẩy bằng một sức đẩy tự nhiên mà luôn hướng vào một cùng đích nhất định. Tất cả không phải đang đi vẩn vơ, nhưng là đang xoay quanh một tâm điểm, không phải đi loang quanh vô nghĩa, nhưng là đang tiến về một cùng đích.
Nhưng chuyển động đến đâu? Hướng về đâu?
Nhiều người hay nói rằng chỉ những kẻ rảnh rỗi vô tích sự mới có thời gian ngồi vắt tay lên trán để suy nghĩ xem sau cuộc sống này mình sẽ đi về đâu. Họ lý luận rằng lo sống cuộc sống này chưa xong, còn bày đặt vẩn vơ triết lý về những cái đằng sau cuộc sống này! Càng ngày người ta càng thu mình lại để sống với những cái trước mắt, để tận hưởng cái vỏ bọc an toàn của hiện tại. Nhiều người sợ nhắc đến cái chết, bệnh tật, tai ương… vì tất cả như những bóng mây mờ có nguy cơ phủ chụp làm cho cuộc sống của con người nên ngột ngạt, nên bẽ bàng, nên tê liệt. Chừng như cuộc sống này quá ngắn ngủi nên người ta sợ đánh mất nó, sợ sống không trọn vẹn, đến độ người ta muốn tránh né thậm chí cả việc nói đến những gì không liền lạc, không trơn tru và không vĩnh tồn của sự sống.
Nhưng có ai thoát được câu hỏi vốn như một ám ảnh khôn nguôi trong thân phận con người: Sống để làm gì? Rồi sẽ đi về đâu? Có ai chưa một lần giật mình khi chứng kiến cái chết của một người bên cạnh mình, một người hôm qua hãy còn ăn, còn nói, còn hoạt bát sống động, hôm nay đã là cái xác không hồn vùi sâu trong lòng đất…
Sống là chuyển động. Đang chuyển động liên tục như một dòng chảy, bỗng dưng một ngày nào đó sự liên tục bị gãy đứt. Chuyển động đến cùng là một sự gãy đổ, một sự đứt lìa, một sự chấm dứt vĩnh viễn? Chết!
Nhưng điều gì có thể phá vỡ tính liên tục của sự sinh thành? Điều gì có thể làm gãy đổ cuộc sống? Chết, là một sự gãy đổ thô bạo, hay là một sự tiếp diễn lạnh lùng của một tiến trình vốn đã tự ngàn đời liên tục? Có thể gọi ấy là một đột biến đáng sợ, một khủng hoảng lớn lao, hay là một sự lột xác kỳ diệu để thực hiện một bước nhảy vọt bí ẩn nào đấy?
Chết, lạnh lùng và lặng lẽ như đêm. Nhưng đêm là khi vầng dương quay mặt với địa cầu, hay là khi địa cầu quay mặt với vầng dương? Là vầng dương bỏ rơi địa cầu trong đêm tối, hay là địa cầu cứ mê mải trên một quỹ đạo lãng lánh ánh sáng của vầng dương? Là vầng dương khuất núi, hay chỉ đơn giản là một sự di chuyển liên tục từ sườn đồi bên này đến sườn đồi bên kia, từ mặt cầu bên này đến mặt cầu bên kia, để tiếp tục tỏa sáng?
Rất nhiều khi, những điều tưởng như là gãy đổ thô bạo, như là chấm dứt vĩnh viễn, như là một đột biến kinh hoàng… đơn giản chỉ là một sự liên tục đều đặn của một hành trình mà con người vốn không đủ sức để dõi theo. Rất nhiều khi biến đổi không phải là một thất đoạt hay mất mát. Biến đổi càng không phải là chạy trốn vào hư vong để lưu lại một phóng ảnh mù mờ phai nhạt. Biến đổi trước hết và trên hết, là để tiếp tục hiện hữu.
Không gột bỏ những cái cũ kỹ tầm thường, làm sao có thể hướng đến điều gì là mới mẻ kỳ diệu?..
Có những người ra đi, nhẹ nhàng chỉ như đặt chân bước qua một cái ngưỡng cửa. Họ dạy hắn một bài học quý giá rằng: cuộc sống này cân bằng như một căn phòng có hai cánh cửa, có hai cái ngưỡng cửa. Chừng như đã một lần hắn được bước chân qua một cái ngưỡng cửa, đi từ một thế giới mù mịt bí ẩn nào đó để đặt chân vào cuộc đời này. Nếu hắn dám nói mình yêu mến cuộc sống này, cuộc sống mà hắn đã được đưa vào với tư thế của một kẻ tuyệt đối nghèo nàn trống rỗng, không dự phóng, không ý thức… thì tại sao hắn lại không thể yêu mến “cái gì đó” ở đằng sau ngưỡng cửa thứ hai, dù lúc này, cái ý thức và hiểu biết về “cái gì đó” trong hắn đơn giản cũng chỉ là một khoảng rỗng không tuyệt đối! Hắn đã không tự mình bước vào thế giới này, nhưng được mang vào, thì cũng thế, đến một lúc nào đó, hắn sẽ lại được mang đi. Tại sao không?…
Sống? Một đích đến hay chỉ là một chặng trên đường đi?
Chừng như sự có mặt trong cuộc đời này chỉ là một thể hiện hữu hình của cuộc hiện hữu. Mà sự hiện hữu của con người thì sâu và dài hơn rất nhiều so với những gì chỉ là hữu hình, thực tiễn…
Chừng như mọi sự chỉ phụ thuộc vào cái nhìn. Cái nhìn khiến mọi vật trở nên giàu ý nghĩa, cũng cái nhìn khiến mọi vật trở nên nghèo nàn và vô lý.
Những con người liên tục ra đi, như mất hút, như tan vô hình vô dạng vào cõi mịt mùng, không vọng lại một chút âm thanh, không nối lại một chút hình ảnh. Những thế hệ đến sau liên tục tiếp nối những thế hệ đi trước, liên tục đổ đầy vào một dòng lịch sử chảy dài như bất tận. Đó là lịch sử!
Con người nào cũng thuộc về một nền văn hóa, con người nào cũng “thành người” trong một dòng chảy lịch sử cụ thể. Trong dòng lịch sử, mỗi con người tìm thấy vị trí nhất định của chính mình. Lịch sử cưu mang con người theo cách của một người mẹ. Lịch sử như một dòng sông liền lạc, trong đó con người tìm thấy căn tính, sứ mạng và ơn gọi làm người.
Thế nhưng lịch sử không thể phủ trùm con người, bởi lịch sử được làm nên bởi những con người. Trong mỗi con người, luôn tiềm tàng một nguồn sống, một sức mạnh, một vị thế, một phẩm giá mà bất cứ thăng trầm biến đổi nào của lịch sử cũng không thể xóa nhòa. Con người một có tầm vóc vượt lên trên tất cả những điều kiện xã hội và lịch sử. Cái khuôn văn hóa-lịch sử chưa bao giờ có thể nói hết tất cả những gì con người là. Mỗi con người chỉ có mặt trong lòng một nền văn hóa và một hoàn cảnh lịch sử với một thời hạn ngắn ngủi, nhưng sự hiện diện của họ gióng lên một tiếng ngân vọng có sức kéo dài và vang xa đến tận cùng…
Thế nên từ khi có con người, lịch sử không phải là phủ định nhưng là bổ sung, không là thay thế nhưng là tiến triển. Không phải là các thế hệ kế tiếp nhau theo cách thế hệ sau đến trám vào chỗ của thế hệ trước. Mỗi một hiện hữu đều đóng một vị trí đặc biệt. Mỗi một người là một mắc xích trong chuỗi hành trình dài như vô tận hướng đến cùng đích. Vai trò của mỗi một mắc xích là bất khả thay thế.
Như vầng dương khuất bóng bên này để tiếp tục chiếu sáng rực rỡ bên kia sườn đồi, những thế hệ con người nối tiếp nhau ra đi để bước vào cõi ánh sáng. Tất cả mọi biến đổi đều ấy chừng như chỉ có thể diễn ra trong lòng một bàn tay thần diệu nào đó. Để nhờ đó, những con người liên tục được đưa dẫn vào đời, liên tục được đưa dẫn ra khỏi cuộc đời.
Như một mũi tên họ lao thẳng về cùng đích.
Cao Gia An, S.J.